fbpx

Mohnish Pabrai: “Kỳ nhân” trên mảnh đất đầu tư

Thuộc diện sinh sau đẻ muộn nhưng Mohnish Pabrai lại rất thành công với bí quyết rất đơn giản là: đi theo dấu chân của những nhà đầu tư huyền thoại.

 

Trong thế giới đầu tư, nhiều vùng đã được khai phá nhưng cũng vẫn còn không ít nơi hoang vu và kỳ bí. Cư dân của thế giới đầu tư tung hoành trên những vùng đã được khai phá và mò mẫm chinh phục nơi chưa ai từng xâm nhập đến để biến nó thành vùng đất hứa mới. Không phải ai cũng thành công và cũng chẳng phải ai cũng đều thất bại. Nhưng một khi đề cập đến chuyện “thâm canh” trên lãnh địa đã từng được cày xới rất nhiều, đã sản sinh ra những kỳ nhân và cũng đã làm không ít kẻ khuynh gia bại sản thì không thể không đề cập tới Mohnish Pabrai.

Mohnish Pabrai
Mohnish Pabrai

 

Cái chớp mắt tình cờ của số phận

Pabrai là người Ấn Độ, sinh ra, lớn lên và theo học ở Ấn Độ, rồi sang Mỹ học công nghệ thông tin ở Trường đại học Tổng hợp Clemson ở South Carolina. Sau khi trở thành kỹ sư tin học, Pabrai làm việc 2 năm cho công ty viễn thông Tellabs. Năm 1990, với 30.000 USD của mình và 70.000 USD đi vay, Pabrai mở công ty dịch vụ tin học Transtech. Mười năm sau, Pabrai bán công ty này và trở thành người giàu có. Pabrai thành lập một công ty khác với mục đích trợ giúp các doanh nghiệp non trẻ kinh doanh trên mạng Internet, nhưng chỉ một năm sau đã bị phá sản. Đối với Pabrai, sự phá sản của công ty này chỉ là chuyện nhỏ, vì khi đó Pabrai đã rất giàu có và điều quan trọng nhất là trước đó 6 năm, Pabrai đã có tiếp cận đầu tiên tới thế giới đầu tư.

Tellabs
Sau khi trở thành kỹ sư tin học, Pabrai làm việc 2 năm cho công ty viễn thông Tellabs

Đó là năm 1994 khi Pabrai lần đầu tiên biết đến cái tên Warren Buffett trong quyển sách “Đi trước thị trường chứng khoán một bước” của Peter Lynch, một nhà tư vấn đầu tư chứng khoán. Khi đó, Pabrai đã có được kinh nghiệm trên lĩnh vực kinh doanh tài chính, nhưng lại chưa tìm ra được định hướng kinh doanh. Quyển sách này không chỉ đem lại cho Pabrai một người thầy là Warren Buffett mà còn đưa Pabrai đến với thế giới đầu tư, trở thành công dân của thế giới đầu tư và rồi nổi danh trong thế giới đầu tư.

Pabrai như thể được giải thoát khi phát hiện ra rằng thế giới đầu tư là nơi từ nay mình có thể tung hoành, đầu tư là cách có thể giúp đồng tiền hiện có sinh sôi nảy nở và hoạt động đầu tư là cách có thể giúp thể hiện tài năng và lưu danh hậu thế. Nghề tin học đã giúp Pabrai trở nên giàu có, nhưng đầu tư mới có thể giúp Pabrai nổi tiếng. Đầu tư vừa thách thức lại vừa quyến rũ đối với Pabrai.

Pabrai khâm phục Warren Buffett và tôn thờ nhà đầu tư trứ danh này làm thầy mặc dù chưa một lần diện kiến và Buffett chẳng hề biết Pabrai là ai. Pabrai cho rằng một khi Buffett đã thành công vang dội đến như vậy thì mình cũng có thể làm được. Chính Buffett cũng làm theo chứ có sáng tạo gì đâu. Buffett thành công với chiến lược đầu tư “Value Investing” (Đầu tư giá trị) mà Value Investing do Benjamin Graham chứ đâu có phải do Buffett phát minh ra. Cái thời khắc mà Pabrai biết đến cái tên Buffett có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đầu tư của Pabrai chính vì thế. Nó làm thay đổi cả cuộc đời Pabrai. Giới viết sử về thế giới đầu tư tán rằng, chính nhờ cái chớp mắt ngẫu nhiên của số phận ấy mà Pabrai rẽ đi theo một hướng khác.

Mohnish Pabrai và Warren Buffett
Mohnish Pabrai và Warren Buffett

Bắt chước – Dễ mà khó

Bản chất của Đầu tư giá trị là tìm ra được giữa cái hỗn loạn và biến động trên thị trường chứng khoán những công ty có cổ phiếu bị định giá quá thấp. Thật ra, cái mà các nhà đầu tư nhằm vào là giá trị bên trong của công ty mà thường bị thị trường đánh giá không chuẩn xác – bởi thiếu thông tin cần thiết chẳng hạn, hay bởi tâm lý của các đối tác tham gia vào thị trường. Nhà đầu tư chấp nhận trả giá để mua lại là trả giá cho cái giá trị bên trong này, bởi nó chính là cái quyết định để rồi đây giá trị chung của công ty lại tăng lên. Một khi tìm được những công ty như vậy thì rủi ro bị thua lỗ rất nhỏ. Chỉ có điều là phải chấp nhận đầu tư dài hạn, trường vốn và không được ăn xổi ở thì, không được bóc ngắn cắn dài. Lý thuyết thì đơn giản như vậy, nhưng không phải nhà đầu tư nào bắt chước cũng đều thành công. Vấn đề quyết định là cách làm.

Bí quyết thành công của Pabrai trong hoạt động đầu tư có thể gói gọn trong một câu: Không cần sáng tạo, chỉ cần bắt chước. Không cần khai phá đường đi mới mà chỉ cần lần theo lối cũ. Chỉ cần làm theo Graham và Buffett. Trong những quyển sách viết về đầu tư mà Pabrai để lại cho hậu thế, nhà đầu tư này không tổng kết bài học thành công của mình, mà chỉ thường luận đàm về triết lý đầu tư. Nhưng có thể tóm lược lại thành 3 bài học kinh nghiệm thành công của Pabrai.

Bí quyết thành công của Pabrai trong hoạt động đầu tư có thể gói gọn trong một câu: Không cần sáng tạo, chỉ cần bắt chước.
Bí quyết thành công của Pabrai trong hoạt động đầu tư có thể gói gọn trong một câu: Không cần sáng tạo, chỉ cần bắt chước.

Bài học thứ nhất là phải tự tìm hiểu và phân tích thông tin, không được dựa vào bất cứ nguồn thông tin không được kiểm chứng và phân tích, dự báo của kẻ khác. Cho nên phần lớn thời gian làm việc được Pabrai sử dụng để đọc tài liệu và phân tích thông tin, nếu như có thể được thì tránh mọi cuộc trao đổi với giới quản lý các quỹ đầu tư và các nhà phân tích chứng khoán. Pabrai cho rằng, bằng cách ấy sẽ luôn giữ được cho mình cái nhìn khách quan và tỉnh táo, không bị chi phối bởi cảm tính hay áp lực hoặc cả sự thuyết phục từ bên ngoài.

Phải tự tìm hiểu và phân tích thông tin, không được dựa vào bất cứ nguồn thông tin không được kiểm chứng và phân tích, dự báo của kẻ khác.

Bài học thứ hai là “ăn chắc mặc bền”. Phương châm hành động tối thượng của Pabrai là chắc thắng. Cho nên Pabrai thực thi chiến lược “10 bay 10” hoặc “15 by 15”, có nghĩa là đầu tư cùng một lúc vào 10 đến 15 công ty và ở mỗi công ty chỉ chiếm tối đa 10 đến 15% cổ phần của công ty. Pabrai ưu tiên hàng đầu cho hạn chế rủi ro bằng cách ấy.

Pabrai thực thi chiến lược “10 bay 10” hoặc “15 by 15”, có nghĩa là đầu tư cùng một lúc vào 10 đến 15 công ty và ở mỗi công ty chỉ chiếm tối đa 10 đến 15% cổ phần của công ty
Pabrai thực thi chiến lược “10 bay 10” hoặc “15 by 15”, có nghĩa là đầu tư cùng một lúc vào 10 đến 15 công ty và ở mỗi công ty chỉ chiếm tối đa 10 đến 15% cổ phần của công ty

Bài học thứ ba của Pabrai thực ra cũng lại là một sự sao chép, đó là triết lý kinh doanh của bộ tộc người Patel ở Ấn Độ. Bộ tộc này sống ở tỉnh Gujarat (Tây Bắc Ấn Độ). Trong thập kỷ 70, rất nhiều người Patel di cư sang Mỹ và rất thành đạt trong kinh doanh ở Mỹ. Pabrai viết về họ trong quyển sách Nghệ thuật đầu tư Dhandho (Do Happy.Live xuất bản). Dhandho là triết lý kinh doanh nói trên của người Patel, có nghĩa là: đầu tư vào những giá trị với lợi tức cao mà rủi ro thấp nhất. Triết lý này trái ngược với triết lý đầu tư và đầu cơ thông thường. Cái tài ba của nhà đầu tư là ở chỗ lọc ra được từ thị trường chứng khoán những công ty đồng thời đáp ứng được hai tiêu chí ấy. Không ít người cho rằng, vì Pabrai là người Ấn Độ nên mới thực hiện Dhandho thành công đến như vậy. Nói như thế không phải vô lý, nhưng cũng không phải hoàn toàn đúng. Warren Buffett có phải người Ấn Độ đâu, lại càng không phải người Patel.

Nghệ thuật đầu tư Dhandho

Năm 1999, Pabrai viết thư xin làm không công cho Buffett nhưng không được chấp nhận. Bây giờ, Pabrai tuy không nhiều tiền bằng Buffett nhưng cũng thành danh trong thế giới đầu tư. Pabrai bắt chước Buffett thì đến nay cũng có không ít nhà đầu tư khác sao chép phương thức tư của Pabrai. Năm 2007, Pabrai bỏ ra 650.100 USD được ăn trưa cùng với Buffett, chắc chắn không phải để học thầy mà để tạ ơn thầy.

Nguồn: enternews  

Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho 
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao
)

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

 

 

 

Các viết cùng chủ đề