Guy Spier: Hành trình đi tìm chân giá trị
Guy Spier: Nếu mục tiêu cuộc đời của bạn là làm giàu, đầu tư giá trị là một phương pháp khó có phương pháp nào đánh bại được.
Có những lúc phương pháp này bị xem là nhạt nhẽo, khi mà ngay cả những nhà đầu tư giá trị vĩ đại nhất cũng thấy mình lạc lõng như những con người cổ lỗ không còn phù hợp với thời thế. Nhưng phương pháp này là một cách đầu tư mạnh mẽ và tốt từ trong gốc rễ mà dần dà sẽ lấy lại ánh hào quang vốn có của mình.
Đầu tư giá trị không chỉ là một chiến lược mua tích trữ để giúp bạn trở nên giàu có. Cuộc đời Warren Bufett là một minh chứng hùng hồn, điều chúng ta bàn với nhau ở đây chính là hành trình đi tìm chân giá trị – một loại giá trị vượt trên tiền bạc, thành quả công việc, hay địa vị xã hội.
Tôi không có ý bác bỏ hay cười nhạo những thứ vừa nêu. Mặc dù tôi hơi ngượng ngùng về bản năng có phần bất lương hơn và hám lợi hơn, nhưng tôi không ngượng ngùng đến thế… Tôi vẫn lái một chiếc Porsche mui trần, mặc dù đôi khi thừa nhận điều này có hơi quê một tí. Và tôi đã quá si mê tìm kiếm ly cappuccino hoàn hảo đến độ đã chi 6.000 đô la để mua chiếc máy pha cà phê đẹp lộng lẫy hiệu La Marzocco, nhập khẩu trực tiếp từ Florence. Tôi cố biện minh cho những chi tiêu đắt đỏ đó bằng cách so sánh với hình ảnh ngài John Templeton – một mạnh thường quân đóng góp cả gia tài để làm từ thiện – cưỡi chiếc xe Rolls Royce. Dĩ nhiên, ngay cả Bufett cũng có phi cơ riêng, ông đặt cho nó một cái tên tự móc mỉa chính mình là “Không thể đỡ”. (Sau này, ông đổi ý nên đổi tên nó thành “Không thể thiếu”) Và, ngay cả đến Charlie Munger cũng dùng cả triệu đô la mua một chiếc thuyền đôi xa xỉ và đặt tên là “Chú mèo Channel”.
Nếu những thứ này khiến bạn hứng lên, vậy đầu tư giá trị là một phương tiện tuyệt vời để bạn nuông chiều bản thân. Cứ thoải mái. Như cách tôi nhìn nhận, đây là hành trình bên ngoài của nhà đầu tư giá trị – chinh phục của cải, sự thoải mái thể xác, và (tôi muốn tìm từ hay hơn mà chưa được) là thành công. Nhưng quan trọng là đừng mắc kẹt trong sự truy cầu vô nghĩa này mà quên đi điều có ý nghĩa nhất – hành trình nội tại hướng về một điều gì đó trừu tượng hơn nhưng giá trị hơn. Hành trình nội tại là con đường để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình, và với tôi, đây là là con đường chân chính của cuộc đời, hay gọi là đạo. Điều này bao gồm việc tự vấn những câu như: Của cải của tôi để dùng làm việc gì? Điều gì khiến đời tôi có ý nghĩa? Và tôi có thể sử dụng tài năng của mình để giúp người khác như thế nào?
Theo kinh nghiệm của tôi, hành trình nội tại không chỉ thỏa mãn hơn mà còn là bí quyết trở thành nhà đầu tư giỏi hơn. Nếu tôi không hiểu thế giới quan bên trong của mình – bao gồm nỗi sợ, sự bất an, ham muốn, định kiến, và thái độ với tiền bạc – tôi hầu như chắc chắn sẽ bị thực tại xâm thực.
Điều này đã xảy ra trong giai đoạn đầu sự nghiệp của tôi, khi lòng tham và ngạo mạn của tôi đưa đường dẫn lối tôi đến với D. H. Blair. Ham muốn cháy bỏng được nhìn nhận như một người thành công khi ấy khiến tôi khó lòng thừa nhận sai lầm và rời bỏ công ty thật sớm sau khi đã kết luận rằng đây là một môi trường làm băng hoại đạo đức. Rồi sau đó, trong những năm tháng cuồng xoay trong cơn lốc New York, lòng ganh tỵ của tôi với những tay quản lý quỹ lớn hơn, ở trong những căn nhà sang trọng hơn lại khiến tôi lần nữa lạc lối, khiến tôi tin rằng mình phải quảng bá bản thân và cố trở thành ai đó không còn là chính tôi nữa.
Đặt chân lên hành trình nội tại, tôi trở nên tự ý thức bản thân hơn và bắt đầu nhìn rõ được những sai phạm ấy. Tôi chỉ có thể tìm cách khắc phục khi nhận thức rõ được những lỗi lầm này. Nhưng những thói xấu này đã thâm căn cố đế và tôi phải tìm những cách thiết thực để tránh không đụng chạm đến chúng. Ví dụ, dời đến Zurich, tôi thực sự ngăn cách bản thân với môi trường Manhattan vốn có thể kích phát lòng tham và sự đố kỵ trong tôi. Biết rằng những thành phố như New York và London – tâm điểm của chủ nghĩa Cực độ – có hiệu ứng phá vỡ sự ổn định lên tôi, điều an toàn nhất với tôi là tránh thật xa.
Một công cụ tuyệt diệu khác để phát triển nội tâm là nếm trải khó khăn. Thực sự, đây nên là công cụ đầu tiên. Nếu chúng ta chịu trách nhiệm với lỗi lầm và thất bại của bản thân, đó là những cơ hội vô giá để học hỏi về bản thân mình và cách ta có thể làm để cải thiện. Ví dụ, sai lầm của tôi khi gia nhập D. H. Blair cho phép tôi nhận ra mình phải đối phó với tính hám lợi của bản thân và cũng ngưng không đo lường bản thân bằng những thang đo bên ngoài nữa. Nghịch cảnh thực sự là người thầy tốt nhất. Vấn đề duy nhất là cần thời gian dài để vượt qua sai lầm của mình và học hỏi từ đó, và đó là một quá trình đầy đau đớn.
Nhưng phần thưởng thực sự của hành trình biến đổi con người bên trong không chỉ là thành công đầu tư dài hạn. Phần thưởng thực sự là trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Đúng vậy, đây chắc chắn là phần thưởng tối hậu.
Happy Live Team (Tổng hợp sách Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị)