Hé lộ giao dịch ngầm của tỷ phú Roman Abramovich ở Mỹ
Theo New York Times, bằng cách sử dụng hàng loạt công ty bình phong và các hãng tư vấn tài chính, tỷ phú Nga Roman Abramovich đã đầu tư hàng tỷ USD vào các quỹ đầu cơ ở Mỹ.
Vào tháng 7/2012, một công ty bình phong có trụ sở ở quần đảo British Virgin (một thiên đường thuế nổi tiếng), đã chuyển 20 triệu USD vào tài khoản của một công cụ đầu tư ở quần đảo Cayman (thiên đường thuế nổi tiếng khác). Pháp nhân ở Cayman này được quản lý bởi một quỹ đầu cơ (hedge fund) lớn ở Mỹ.
Chỉ riêng khoản giao dịch này thôi là kết quả của nhiều tháng làm việc ròng rã của một đội ngũ với nhiều nhân sự đến từ Mỹ, châu Âu và hai quần đảo Caribe nói trên. Tất cả nhằm giữ bí mật cho thông tin về chủ nhân của số tiền này – không ai khác chính là tỷ phú Nga Roman Abramovich.
Những khoản đầu tư bí mật của Abramovich
Theo điều tra của tờ New York Times, trong vòng 2 thập kỷ qua, nhà tài phiệt người Nga đã sử dụng một chiến lược đầu tư cực kỳ phức tạp và kín kẽ.
Đầu tiên là triển khai một chuỗi các công ty vỏ bọc và người đại diện, sau đó chuyển tiền thông qua một ngân hàng nhỏ ở Áo, rồi khai thác mối liên hệ của những công ty tài chính hàng đầu Phố Wall.
Tất cả nhằm phục vụ việc âm thầm đầu tư hàng tỷ USD vào các quỹ đầu cơ và quỹ đầu tư tư nhân (private equity firm) ở Mỹ.
Điều đáng nói là mọi luật sư, giám đốc công ty, giám đốc quỹ đầu cơ và các cố vấn tham gia vào quá trình này đều có thể nói rằng họ không làm việc trực tiếp cho Roman Abramovich. Trong một số trường hợp, những người tham gia thậm chí còn không biết họ đang quản lý tiền của ai.
Những nhà đầu tư nước ngoài giàu có như ông Abramovich, từ lâu đã có thể đầu tư vào các quỹ ở Mỹ bằng phương thức này.
Đó là sử dụng đường vòng, với sự tham gia của những công ty ít tên tuổi để đảm bảo bí mật.
Họ có thể làm được điều này cũng một phần vì sự quản lý khá thoải mái của chính phủ Mỹ với thị trường tài chính, và Phố Wall cũng sẵn sàng không hỏi quá nhiều về nguồn gốc của số tiền.
Thêm vào đó, bằng những bước đi tưởng chừng như rất cồng kềnh, tỷ phú Abramovich dường như đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản bị chính quyền Mỹ trừng phạt.
Anh và EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên vị tỷ phú người Nga, nhưng chính phủ Mỹ chưa có các động thái tương tự.
Dù ông Abramovich có bị cấm vận hay bị tịch thu tài sản ở Mỹ, việc truy lùng những tài sản này cũng sẽ trở nên rất khó khăn, do đường đi phức tạp của số tiền.
Tuần trước, Sở Thuế vụ (IRS) đã đề nghị Quốc hội Mỹ cung cấp thêm nguồn lực nhằm giám sát các chương trình cấm vận của chính quyền Biden. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện với sự phối hợp của một nhóm mới được thành lập bởi Bộ Tư pháp.
Ở Điện Capitol, các nhà lập pháp cũng đang xúc tiến một dự luật, được gọi là Đạo luật Những người ban hành (Enablers Act), trong đó yêu cầu các công ty tài chính và quỹ đầu tư phải sàng lọc kỹ khách hàng kỹ hơn.
Từng có thời điểm tổng giá trị tài sản của Roman Abramovich được định giá vào khoảng 15 tỷ USD, phần lớn đến từ phi vụ thâu tóm hãng dầu khí nhà nước Sibneft cùng với Boris Berezovsky vào thập niên 1990.
Sau khi bỏ ra 100 triệu USD để sở hữu 50% cổ phần Sibneft – công ty mà sau này được đánh giá là có trị giá hàng tỷ USD – ông Abramovich hưởng lợi lớn từ việc Boris Berezovsky bất đồng với Tổng thống Putin và cuối cùng thâu tóm phần lớn hãng dầu khí này.
Đến năm 2005, Abramovich bán lại số cổ phần của Sibneft mà ông sở hữu cho hãng dầu khí nhà nước Gazprom với giá 13 tỷ USD.
Đầu tháng 3, giới chức châu Âu và Canada đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với tỷ phú Abramovich, cho rằng ông sở hữu một công ty cung cấp thép để sản xuất xe tăng cho quân đội Nga. Đáng chú ý trong số này có việc đóng băng các tài sản, bao gồm cả câu lạc bộ bóng đá Chelsea – đương kim vô địch UEFA Champions League.
Người quản lý quỹ sau đó đi cùng một đồng nghiệp của ông McGinley ở Credit Suisse đến văn phòng của Concord Management ở Tarrytown, một vùng ngoại ô yên bình của New York.
Chính quyền Biden vẫn chưa đưa ra động thái tương tự, mà theo Wall Street Journal nguyên nhân là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trực tiếp đề nghị Nhà Trắng hoãn các biện pháp trừng phạp với Roman Abramovich.
Ông Zelensky được cho là tin rằng vị tỷ phú gốc Do Thái có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Các tài sản ở Mỹ của Roman Abramovich bao gồm hàng triệu USD bất động sản, trong đó có các biệt thự ở khu trượt tuyết Aspen, bang Colorado.
Tuy nhiên, nhà tài phiệt này cũng bỏ một số tiền lớn vào các quỹ đầu cơ và quỹ đầu tư tư nhân ở Phố Wall.
Và một công ty đầy bí ẩn
Nhiều khoản đầu tư vào Mỹ của ông Abramovich được đạo diễn bởi một công ty quản lý tài sản không mấy tiếng tăm có tên là Concord Management.
Người đứng đầu công ty này – ông Michael Matlin – từ chối bình luận khi được hỏi bởi các phóng viên của New York Times bằng email.
Ông Matlin chỉ nói rằng Concord là “một công ty tư vấn, cung cấp nghiên cứu của bên thứ ba độc lập, thẩm định và giám sát các khoản đầu tư”.
Người phát ngôn của ông Abramovich cũng không trả lời email và tin nhắn của phóng viên New York Times.
Concord Management được thành lập năm 1999 và trên lý thuyết thì công ty này không trực tiếp quản lý bất kỳ tài sản nào của Roman Abramovich.
Nó hoạt động giống như một công ty tư vấn và thẩm định, đưa ra lời khuyên cho các công ty vỏ bọc ở các thiên đường thuế, để những công ty này đầu tư vào các quỹ ở Mỹ.
Bằng mối quan hệ của mình với các ngân hàng lớn ở Phố Wall như Credit Suisse, Goldman Sachs hay Morgan Stanley, Concord sẽ được tiếp cận với các quỹ đầu tư hoặc quỹ đầu tư tư nhân ở Mỹ.
Theo tài liệu nội bộ của một ngân hàng, Concord đã tham gia vào khoảng hơn 100 thương vụ đầu tư và các quỹ như vậy ở Mỹ, hầu hết trong số này là từ tiền của tỷ phú Abramovich. Danh sách bao gồm một số quỹ nổi tiếng như BlackRock, Sarissa Capital Management, Carlyle Group, D.E. Shaw và cả Bear Stearns (nay đã không còn hoạt động).
Concord Management có vẻ như không hề muốn bị để mắt. Công ty này không có trang web chính thức và cũng không đăng ký hoạt động với các cơ quan quản lý của Mỹ. Một số công ty ở Phố Wall từng tỏ ra quan ngại về sự bí mật này.
Vào các năm 2015 và 2016, State Street – một công ty dịch vụ tài chính ở Phố Wall – từng đệ trình “báo cáo về hoạt động đáng ngờ” lên chính phủ Mỹ, về các giao dịch mà họ cho là có vấn đề của Concord. Concord khi đó dàn xếp các phi vụ đầu tư của một số công ty vỏ bọc ở Caribe có liên quan đến tỷ phú Abramovich.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, các tổ chức tài chính cần phải báo cáo trong những trường hợp nghi ngờ, để giúp chính phủ chống lại nạn rửa tiền hoặc các hành vi tội phạm tài chính khác. Tuy nhiên, những báo cáo như vậy không được coi là bằng chứng về hành vi tội phạm.
Tuy nhiên, một vấn đề là phần lớn các tổ chức tài chính không hề quan tâm hoặc bị buộc phải xác minh nguồn gốc số tiền mà Concord đang điều khiển. Miễn là việc kiểm tra không thấy dấu hiệu lộ liễu nào, thương vụ sẽ được bật đèn xanh.
Paulson & Company, quỹ đầu cơ được điều hành bởi tỷ phú John Paulson, từng nhận khoản đầu tư từ một công ty được đại diện bởi Concord Management. Trong email trả lời New York Times, tỷ phú Paulson cho hay ông không biết về những nhà đầu tư được đại diện bởi Concord.
Concord cũng “tư vấn” để hai công ty vỏ bọc ở Caribe chuyển hàng chục triệu USD vào Highland Capital, một quỹ đầu cơ có trụ sở ở Texas. Quỹ này khi đó đã thuê một đơn vị của JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ – để đảm bảo rằng hai công ty vỏ bọc nói trên là những doanh nghiệp hợp pháp và không có sự vi phạm quy tắc chống rửa tiền.
Sau khi nhận được cái gật đầu từ JPMorgan, Highland Capital đồng ý nhận tiền đầu tư mà không hề hay biết về nguồn gốc thực sự của số tiền đó.
Sự tham gia của các ngân hàng lớn
Trên thực tế, vào thời điểm đó, các quỹ đầu cơ lớn vẫn có thể đồng ý dù họ biết đấy là tiền của Abramovich, vì khi đó nhà tài phiệt Nga không nằm trong danh sách bị trừng phạt.
Và cũng dựa trên cái cách mà vị tỷ phú này thực hiện các giao dịch đầu tư của mình, giới chức châu Âu và Mỹ chắc chắn sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ nếu muốn truy thu tài sản của Abramovich.
Vào năm 2012, Gerald McGinley, một chuyên gia quản lý tài sản tại ngân hàng Credit Suisse, đã liên hệ với người đứng đầu một quỹ đầu cơ ở Mỹ. Quỹ này mặc dù không phải là một cái tên nổi tiếng, nhưng họ nắm trong tay hàng tỷ USD. Người đứng đầu quỹ đã chia sẻ với New York Times về thương vụ này, với yêu cầu không tiết lộ danh tính.
Gerald McGinley nói với người đứng đầu quỹ rằng có một gia đình giàu có, được đại diện bởi Concord Management, muốn đầu tư hàng chục triệu USD vào quỹ của ông.
Credit Suisse sau đó nói với người quản lý quỹ rằng để nhận được khoản đầu tư này, cần phải lập một công cụ tài chính đặc biệt đăng ký ở một cơ quan tài phán nước ngoài, để khoản đầu tư không phải chịu thuế ở Mỹ.
Quỹ đầu cơ sau đó sẽ nhận khoản phí theo một tỷ lệ phần trăm nhất định từ tổng số tiền họ nhận, rồi sau đó Credit Suisse sẽ ăn hoa hồng 20% của khoản phí này.
Người quản lý quỹ sau đó đi cùng một đồng nghiệp của ông McGinley ở Credit Suisse đến văn phòng của Concord Management ở Tarrytown, một vùng ngoại ô yên bình của New York.
Ông này mô tả văn phòng của Concord có một cánh cửa thép dày, cách biệt hẳn các công ty khác trong tòa nhà. Trên tường của văn phòng thì không có đồ đạc trang trí nào hết.
Người quản lý quỹ không biết về danh tính gia đình giàu có mà Concord đại diện, và ông cũng không hỏi.
Cả ông McGinley và Credit Suisse đều không bình luận khi được hỏi về việc này bởi phóng viên New York Times.
Sau cuộc gặp, lãnh đạo Concord Management giới thiệu với người đứng đầu quỹ đầu cơ về một công ty đặt trụ sở ở đảo quần đảo Cayman có tên là HighWater.
Trên trang web của mình, HighWater cho biết họ chuyên cung cấp “dịch vụ quản trị” cho các nhà quản lý quỹ.
Vì quỹ đầu cơ nói trên cần phải thành lập một chủ thể có trụ sở ở quần đảo Cayman để nhận tiền từ gia đình mà Concord đại diện, nên họ cần một nhân sự ở quần đảo Cayman. Và HighWater chính là công ty chuyên cung cấp những nhân sự như vậy. Với giá 15.000 USD mỗi năm cộng với các phụ phí khác, HighWater sẽ cho một người của họ ngồi vào ban lãnh đạo chủ thể bạn muốn lập ra ở quần đảo Cayman.
Bên cạnh đó, người quản lý quỹ cũng đưa Boris Onefater, người điều hành Constellation, một công ty tư vấn tài chính nhỏ ở Mỹ, làm một thành viên khác của ban quản trị chủ thể mới thành lập ở quần đảo Cayman.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Onefater nói rằng ông không thể nhớ rằng chủ thể ở quần đảo Cayman (mà ông là thành viên ban quản trị) quản lý tiền của ai. Ông này cho biết cái tên Roman Abramovich chưa bao giờ xuất hiện trong các văn bản.
Mạng lưới phức tạp
Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, người quản lý quỹ đầu cơ cũng phải thuê Mourant – một công ty luật – để phụ trách các thủ tục giấy tờ cho chủ thể mới thành lập ở quần đảo Cayman.
Ông này cũng phải thuê một công ty có tên là GlobeOp Financial Services, chuyên cung cấp dịch vụ quản trị cho các quỹ đầu cơ, để đảm bảo rằng chủ thể ở quần đảo Cayman tuân thủ các quy định về chống rửa tiền, và không làm ăn với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Chủ thể này bắt đầu đi vào hoạt động tháng 7/2012, sau khi nhận khoản tiền 20 triệu USD từ một công ty có tên là Caythorpe Holdings, được đăng ký ở quần đảo Virgin thuộc Anh.
Các tài liệu cho thấy số tiền này có nguồn gốc từ Kathrein Privatbank – một ngân hàng nhỏ ở Vienna, Áo.
Tiền đi đến đảo Grand Cayman thông qua một ngân hàng Áo khác là Raiffeisen.
JPMorgan cũng tham gia vào giao dịch này, với tư cách là một trung gian cho các ngân hàng nhỏ với mạng lưới giao dịch quốc tế hạn chế.
Cả người đại diện cho Kathrein, JPMorgan và Raiffeisen đều từ chối đưa ra bình luận, theo New York Times.
Người quản lý quỹ nhận thấy một số tài liệu được ký bởi một luật sư có tên là Natalia Bychenkova. Cái tên Nga này khiến ông đưa ra kết luận rằng có thể mình đang quản lý tiền của một nhà tài phiệt người Nga.
Tuy nhiên ông không mấy bận tâm về điều đó vì GlobeOp đã xác minh rằng Caythorpe tuân thủ các quy định chống rửa tiền. Ông không biết ai là người kiểm soát Caythorpe, và ông cũng không hỏi.
Cho đến đầu tháng 3 này, ông mới nhận ra rằng mình đã đầu tư bằng tiền của Roman Abramovich.
Nguồn: Zingnews
Có thể bạn quan tâm: Lạc quan tếu – Robert J. Shiller
Nhận diện SIÊU BONG BÓNG
Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán