fbpx

Học cách dạy con tiêu tiền từ các nước trên thế giới

Đối với nhiều bậc cha mẹ, họ luôn có xu hướng để con cái phụ thuộc vào nguồn tài chính của mình. Nhưng đối với các nước khuyến khích trẻ em độc lập tài chính thì lại khác. Trẻ em được học cách phân bổ ngân sách và quản lý số tiều tiêu vặt mình kiếm được bằng những cách vô cùng độc đáo. 

Nhật: Dạy con tiết kiệm tiền bạcNgười Nhật dạy con tiêu tiền

Các trẻ em ở Nhật thường được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm cũng như mức sống tại khu vực họ đang sống.

Trẻ phải tự lên kế hoạch chi tiêu trong khoản tiền bố mẹ cho. Nếu muốn mua những món đồ có giá trị, trẻ sẽ phải tiết kiệm và cắt giảm những khoản chi không cần thiết. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được rằng: tiền không phải là vô hạn, mỗi chúng ta cần phải biết tự chi tiêu trong khả năng của mình và hài lòng với nó.

Ngay khi còn là học sinh mầm non, mỗi em bé sẽ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt 50-70 yên/ ngày. Các bé có thể mua cho mình bánh kẹo hoặc đồ chơi với giá từ 10-50 yên, vì vậy để mua được món đồ với giá 50 yên, các bé phải “nuôi heo”, điều đó tạo cho các bé khả năng tiết kiệm.

Lên bậc tiểu học, các bé bắt đầu được cho tiền tiêu vặt hàng tháng, đầu tiên là 1000 yên, để bé được mua thứ mình thích, đã sử dụng hết thì thôi, muốn mua thêm thứ khác thì cũng phải đợi tới tháng sau. Tùy từng gia đình mà quyết định khoản tiêu vặt đó được dùng để mua gì, có thể là đồ dùng học tập hay đồ chơi. Lớn hơn một chút thì số tiền tiêu vặt đó sẽ tăng, nhưng không quá nhiều.

Bố mẹ Nhật sẽ hướng dẫn các em ghi chép các khoản chi trong tháng, được cho bao nhiêu? mua cái gì? giá bao nhiêu?… Để các em tự hệ thống lại cái gì đáng mua và không đáng mua để tháng sau chi tiêu hợp lý hơn. Ngoài ra, bố mẹ Nhật luôn lên phương án dạy con phải có kế hoạch trong tương lai, muốn có “thù lao” thì phải lao động và tích lũy từng ngày. Ví dụ trong tuần này, bé được mời sinh nhật bạn vào thứ 4, để có thể mua được món quà tặng bạn thì phải tiết kiệm tiền tiêu vặt từ thứ 2, thứ 3. Hoặc để có thể mua được một chiếc ô tô điều khiển từ xa mà bạn A có thì phải tự gấp quần áo, sắp xếp và dọn dẹp phòng ngủ, cắt cỏ hoặc cọ toilet…

Lên bậc Trung học cơ sở, mỗi em được cho tiền chi tiêu cá nhân trung bình từ 5000-8000 yên/ tháng, tùy theo kinh tế mỗi gia đình. Với số tiền đó, các em phải tự chi trả tất tần tật các khoản như: Đồ dùng cho học tập, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc, sinh nhật bạn… nếu muốn mua khoản lớn hơn thì đương nhiên các em phải tiết kiệm. Tuy nhiên, không phải là quá chi li trong chi tiêu, bố mệ Nhật vẫn dạy con cái phải giúp đỡ chia sẻ với bạn bè chứ không phân bua rạch ròi. Thấy người cơ nhỡ khó khăn sẽ để trẻ tự dùng tiền tiêu vặt của mình cho họ và biết cách cư xử, quý trọng tình cảm con người.

Mỹ: 4 chiếc lọ thần kỳ

Tại hội thảo “Giáo dục con trẻ về tài chính” diễn ra ở TP HCM, bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children’s Bank-Mỹ) cho rằng, lứa tuổi lên 3 các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, và đây là thời điểm thích hợp để cho các cháu làm quen với tiền.

Theo bà, trước hết bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu được phương thức “làm thì mới được trả công”. Điều này có nghĩa là phụ huynh sẽ p hân ra hai loại công việc giao cho trẻ. Một loại là việc mà con phải tự làm và không được nhận tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi… bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân cháu bắt buộc phải tự làm.

Mô hình 4 chiếc lọ
Mô hình 4 chiếc lọ thần kỳ

Loại việc bố mẹ sẽ trả tiền cho con như giao các cháu tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng… nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền. Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc được giao thì cho chúng 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng…
Khi đã cho các con tiền thì bố mẹ sẽ tiến hành bước tiếp theo là giúp các cháu lập ngân sách một cách hợp lý. Để thực hiện việc này, bà Neale S.Godfrey giới thiệu mô hình “4 chiếc lọ”.

Sẽ có 4 chiếc bình và mỗi chiếc bình sẽ được dán nhãn và mang ý nghĩa nhất định:

Lọ “save” – để dành: Khoản tiền tiết kiệm cho một mục đích cụ thể (30%).

Lọ “invest” – đầu tư: Khoản tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó (30%).

Lọ “donate” – cho đi: Khoản tiền dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình (10%).

Lọ “spend” – tiêu: Khoản tiền được tiêu tùy ý bé (30%).

Theo đó, mỗi tuần các bé sẽ được cha mẹ cấp cho một khoản tiền. Số tiền này sẽ được chia đều vào 4 chiếc lọ hoặc dựa theo một tỷ lệ nào đó. Trẻ sẽ phải tự giữ và quản lý số tiền này. Khi trẻ muốn mua thứ gì đó, mẹ sẽ cùng bé xem giá tiền của món đồ bé định mua. Nếu món đồ ấy phù hợp với số tiền bé có, mẹ có thể để bé mua. Ngược lại, nếu món đồ đó có giá trị cao hơn số tiền bé đang có, mẹ cần giải thích cho con món đồ đó có thực sự cần thiết hay không và vạch ra cho con một kế hoạch tiết kiệm tiền để mua được món đồ đó.

Từ kinh nghiệm bản thân, bà không bao giờ muốn các con hiểu rằng yêu chúng là cho thứ này thứ nọ một cách vô điều kiện. Theo bà Neale S.Godfrey, hiện nay nhiều phụ nữ bận làm việc nên luôn muốn cho con em những thứ mà bạn bè chúng có. “Đừng vì bù đắp việc thiếu hụt thời gian mà cho con quà cáp, tiền bạc một cách vô điều kiện và không kiểm soát. Đây là điều rất xấu với con cái”, bà Neale nhấn mạnh.

Đức: Chi tiêu có giới hạnchi tiêu có giới hạn

Nguyên tắc vàng khi dạy trẻ chi tiêu đó là hãy đưa ra mức tiền tiêu vặt nhất định, sau đó cho trẻ biết chúng chỉ được tiêu đúng số tiền được cho. Điều này dường như không mấy ý nghĩa với những trẻ còn quá bé, vì chúng sẽ lại móc ví ra để mua cây kem mà chúng thích mê dưới sự giám sát của cha mẹ.

Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Và con sẽ chỉ được mua trong phạm vi giới hạn số tiền này. Khi đó, mẹ sẽ phải giải thích cho trẻ biết giá của đồ vật mà bé muốn là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không rồi gợi ý bé có nên mua nó hay không.

Ngoài ra, mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo “Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp”. Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: “À phải trả tiền trước khi mang đồ đi”. Một điểm nữa trong cách dạy con tiêu tiền của mẹ Đức là không dạy con theo kiểu “Có tiền là mua được tất cả”. Điều này sẽ tạo cho trẻ sớm có tính coi thường, hiểu sai về giá trị đồng tiền.

Tuy nhiên, với những trẻ lớn hơn, số tiền tiêu vặt ít ỏi cố định trong tháng sẽ dạy chúng cách suy xét và cân nhắc trước quyết định mua sắm. Trẻ sẽ học cách tính toán nên chọn mua hai chiếc quần giá rẻ hay chỉ mua một chiếc áo có giá đắt hơn. Nếu không tự suy xét, trẻ có thể trải qua mùa đông ‘lạnh giá’ với chiếc áo mùa hè đã lỡ mua trước đó.

Singapore: Cùng con lập kế hoạch mua sắmlập kế hoạch mua sắm

Tại Singapore, các Mẹ sẽ dạy con 2 bài học về cách tiêu tiền: Bài học “Muốn và Thích” và Bài học “Một thành viên lớn trong gia đình”.

Tại Singapore, thay vì mua cho con những thứ mà con thích thì các bà mẹ lại cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục. Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích. Bằng cách này, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn khi sử dụng số tiền mà mình có được. Mặt khác, thông qua việc lập kế hoạch chi tiêu, các mẹ Singapore muốn con phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn để không rơi vào tình trạng lãng phí.

Các bà mẹ Singapore cho rằng “Bố Mẹ hoàn toàn có thể mua cho con cái những thứ mà con thích nhưng việc tự mua bằng tiền tiết kiệm của mình sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng mình kiếm được”. Mặt khác, các mẹ muốn con “phải học được thứ tự ưu tiên khi mua đồ cũng như biết được đâu là cái mình cần và đâu là cái mình muốn”.

Để dạy con biết tiêu tiền 1 cách tiết kiệm thì những bậc làm cha, làm mẹ tại Singapore luôn luôn làm gương cho trẻ. Mỗi khi đi siêu thị mua đồ cho gia đình thì các mẹ luôn hỏi ý kiến bé xem nên mua và không nên mua đồ gì? Cái gì thực sự cần thiết và hữu ích? Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và là “một thành viên lớn” trong gia đình.

Do Thái: Dạy theo từng giai đoạn và 5 chiếc lọdạy con người Do Thái

Khi mới bi bô tập nói, các bà mẹ Do Thái sẽ dạy trẻ cách phân biệt tiền xu và tiền giấy, nguồn gốc tiền từ đâu mà có và tiền có thể mua được những gì.

Khi trẻ lớn hơn một chút, các bà mẹ ở đây sẽ giao cho con một khoản tiền để con tự quản lý. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách mua sắm như thế nào cho đúng và cách tự chịu trách nhiệm về hành vi tiêu sài của mình.

Bước vào giai đoạn thứ ba, cha mẹ cần bồi dưỡng cho con cách kiếm tiền. Đây cũng chính là giai đoạn giúp con hiểu về giá trị đồng tiền, về những quy tắc kinh doanh như quay vòng vốn, lấy công làm lãi… Từ đó, trẻ sẽ hình thành tư duy tài chính linh hoạt.

Giai đoạn tiếp theo là dạy con cách quản lý tài sản thông qua các lựa chọn như gửi tiền vào ngân hàng để có lãi hay đầu tư vào một việc gì đó.

Cuối cùng, mẹ Do Thái không quên việc giáo dục quản lý tài sản cho con. Mục đích của việc này là giúp con hiểu được giá trị của sức lao động, biết được những kỹ năng cần thiết phục vụ cuộc sống tương lai.

Phương pháp 5 chiếc lọ chính là bài học về cách quản lý tiền nổi tiếng mà người Do Thái dạy con và nó lý giải tại sao người Do Thái làm kinh tế giỏi nhất thế giới.

– Lọ “tiền tiêu”: Bé có thể được sử dụng tùy ý (50%). Tiêu tiền cũng rất quan trọng nhưng hãy nghĩ đến nó cuối cùng sau khi bạn đã thanh toán hết các hóa đơn sinh hoạt cần thiết và bỏ tiền vào 4 chiếc lọ tdưới đây.

– Lọ “tiền tiết kiệm”: Lọ này chỉ được mở khi đã đạt đủ số tiền cho một mục đích cụ thể như để mua sách, lego…(10%). Nhiều người có thói quen mua rất nhiều thứ nhỏ nhặt chỉ để thỏa mãn ham muốn nhất thời xong lại chẳng dùng đến. Trong khi đó, nếu biết tiết kiệm những khoản tiền nhỏ đó, bạn có thể mua được những thứ đáng giá hơn rất nhiều.

– Lọ “tiền từ thiện”: Tiền trong lọ sẽ được dùng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như ủng hộ các bé bị ung thư, nhân dân vùng bão lũ…(10%). Ông bà ta đã dạy “gieo nhân nào thì gặp quả đó”, “cho sao nhận vậy” nên cứ yên tâm đối tốt với mọi người, bạn sẽ chẳng bao giờ phải chịu thiệt.

– Lọ “tiền đầu tư”: Mẹ có thể hướng dẫn bé đầu tư nhỏ như mua sách truyện cho các bạn thuê, mua thêm bút chì, giấy màu để bán cho các bạn ở lớp…(20%). Tiết kiệm khó giúp bạn giàu được. Đầu tư mới là cách khiến tiền có thể đẻ ra tiền. Đó chính là lý do vì sao, chúng ta nên để dành 20% thu nhập kiếm được để đầu tư.

– Lọ “tiền trả nợ”: Tiền này dùng để trả các khoản nợ phát sinh (10%). Nhiều người có thói quen đi vay tiền để mua thứ mình muốn nhưng quá khả năng chi trả để rồi sau đó nợ nần chồng chất không thể thanh toán. Bởi vậy, nếu bạn có một món nợ, hãy bắt đầu áp dụng cách này để giải phóng bản thân khỏi chúng.

Nguồn: Bigschool

Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm

Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững

101 Lời Khuyên Tài Chính Cá Nhân Từ Thái Phạm

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề