Kế hoạch tái cấu trúc 29.000 tỷ của Novaland: Tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn có thể giảm mạnh?
Trong tình cảnh hiện tại của Novaland, việc phải tăng vốn thành công mới là yếu tố sống còn, do đó, phải đánh đổi giảm tỷ lệ sở hữu để có thêm nguồn vốn mới là một bước đi cần thiết để giải quyết khó khăn trước mắt.
Sau một thời gian dài chờ đợi, phương án tái cấu trúc Novaland đã bước đầu được công bố và xin ý kiến cổ đông thông qua. Điểm nhấn của việc tái cấu trúc này là việc Novaland sẽ tiến hành chào bán 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 huy động 19.501 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 975 triệu cổ phiếu huy động 9.750 tỷ đồng.
Nếu chào bán thành công, Novaland sẽ huy động được tối thiểu 29.250 tỷ đồng, qua đó giải quyết được tình trạng thiếu hụt dòng tiền hiện nay. Theo phương án phát hành, số tiền huy động được sẽ dùng để tái cơ cấu nợ, thanh toán các khoản thuế, chi phí cũng như triển khai các dự án. Ngoài ra Novaland còn dự định phát hành ESOP với tỷ lệ tối đa 1,5% lượng cổ phiếu ở thời điểm phát hành.
Song song với việc có thêm nguồn vốn thì việc tăng vốn cũng sẽ khiến cơ cấu sở hữu của Novaland biến động mạnh.
Khi mới niêm yết vào cuối năm 2016, gia đình ông Bùi Thành Nhơn (bao gồm cả 2 công ty liên quan là Novagroup, Diamond Properties) sở hữu hơn 65% cổ phần và đến tháng 10/2022 vẫn sở hữu gần 61% cổ phần.
Những động thái bán ra sau đó, bao gồm cả bị giải chấp khi cổ phiếu rơi từ 7x xuống 1x và chủ động bán ra như một phần của kế hoạch tái cấu trúc, hiện tỷ lệ này giảm xuống còn 52,6%, tương ứng với hơn 1 tỷ cổ phiếu.
Trong trường hợp không mua thêm bất kỳ cổ phiếu nào của 2 đợt phát hành, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Bùi Thành Nhơn sẽ giảm xuống chỉ còn 21% – tức sẽ không còn tiếng nói trọng yếu tại Novaland.
Còn để tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng thì ông Nhơn sẽ phải thực hiện quyền mua cổ phiếu. Nếu thực hiện 100% quyền mua thì số tiền phải nộp thêm cũng lên đến hơn 10.000 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu lúc này ở mức 42%. Còn nếu muốn tiếp tục giữ quyền kiểm soát quá bán thì cần thêm tối thiểu 5.000 tỷ nữa để mua thêm quyền mua và/hoặc tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ.
Tuy vậy thì khả năng phía ông Bùi Thành Nhơn góp thêm 10-15.000 tỷ đồng vào đợt tăng vốn này có lẽ không cao vì nếu có thể tự xoay xở được số tiền lớn như vậy thì Novaland đã không cần tới phương án tái cấu trúc vốn như đang đệ trình cổ đông thông qua.
Trong tình cảnh hiện tại của Novaland, việc phải tăng vốn thành công mới là yếu tố sống còn, do đó, phải đánh đổi giảm tỷ lệ sở hữu để có thêm nguồn vốn mới là một bước đi cần thiết để giải quyết khó khăn trước mắt.
Những ai sẽ tham gia vào đợt chào bán cổ phần?
Với tình hình thị trường chứng khoán hiện tại, việc Novaland chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá tối thiểu 10.000 đồng trong khi thị giá chỉ 10.650 đồng/cp sẽ khó hấp dẫn được nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông nhỏ lẻ. Do vậy để đảm bảo thành công thì có lẽ HĐQT công ty đã tính đến những nhà đầu tư lớn khác sẵn sàng mua lại số cổ phiếu không chào bán hết.
Ngay cả trong điều kiện thị trường thuận lợi thì từ trước đến nay cũng chưa có đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu có giá trị lớn như phương án mà Novaland đang đề xuất (kỷ lục trước đó là Vietnam Airlines chào bán 8.000 tỷ năm 2021 và SSI chào bán 7.400 tỷ năm 2022).
Nếu như việc phát hành cho cổ đông hiện hữu yêu cầu phải nộp đủ tiền vào tài khoản phong tỏa thì việc chào bán riêng lẻ nhà đầu tư có thể góp vốn bằng tiền mặt, quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác có thể định giá. Nhiều khả năng đợt chào bán riêng lẻ trị giá 9.750 tỷ đồng của Novaland sẽ chủ yếu được thực hiện qua phương thức hoán đổi nợ.
Bên cạnh phương án chào bán cổ phần, Novaland còn dự định phát hành trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính (bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản).
Cách đây không lâu chủ tịch Novaland đã có tâm thư kêu gọi các chủ nợ hoán đổi nợ thành vốn góp hoặc sản phẩm bất động sản. Cụ thể, ngày 24/02, Novaland đã công bố thông tin về việc đạt được thỏa thuận với Dallas Vietnam Gamma Ltd. Theo đó, nhà đầu tư này sẽ nhận một phần vốn góp/cổ phần trong hai công ty thành viên của Novaland là Công ty TNHH Đầu tư Địa Ốc Thành Nhơn và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng Hợp Mũi Né để đổi lấy việc hủy bỏ một số lượng Trái phiếu và Chứng quyền tương ứng mà Công ty đã phát hành cho nhà đầu tư.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm:
Bộ sách giao dịch theo Wyckoff
Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc