fbpx

Làn sóng thất nghiệp ở Mỹ chỉ mới bắt đầu

Đại dịch khiến số người bị sa thải tháng 3 tại Mỹ cao nhất kể từ năm 2009, nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu của làn sóng thất nghiệp.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ sáu (3/4) cho biết 701.000 việc làm đã bị cắt giảm trong tháng 3/2020. Đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2009, tháng mất việc làm tồi tệ nhất trong giai đoạn suy thoái 2008-2009. Hơn một nửa số công việc bị mất là tại các nhà hàng và quán bar, thuộc nhóm doanh nghiệp đầu tiên đóng cửa vì những nỗ lực ngăn chặn đại dịch.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 cũng lên 4,4%, từ mức 3,5% của tháng 2. Đây là mức tăng lớn nhất trong một tháng, kể từ tháng 1/1975. Bộ Lao động cho biết. Các số liệu này phản ánh tác động của Covid-19 và những nỗ lực ngăn chặn đại dịch này.

Làn sóng thất nghiệp ở Mỹ chỉ mới bắt đầu
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ theo Bộ Lao động Mỹ từ năm 2000. Đồ họa: WSJ

Dù vậy, số liệu này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình. Tuần khảo sát của Bộ Lao động Mỹ kết thúc vào ngày 14/3. Đại dịch đã khiến hàng triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong nửa cuối tháng 3. Nếu tính thêm số việc làm bị cắt giảm trong ít tuần gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể còn tăng cao hơn nữa.

Oxford Economics dự báo đến tháng 5/2020, Mỹ sẽ mất 27,9 triệu việc làm và có tỷ lệ thất nghiệp 16%, xóa sạch số công việc tạo thêm từ năm 2010. Tháng 3 cũng chấm dứt giai đoạn tăng trưởng việc làm dài kỷ lục 113 tháng ở nước này. Số việc làm mất đi cũng có thể hơn gấp đôi mức 8,7 triệu trong khủng hoảng 2007-2009 và sau đó.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hôm thứ năm (2/3) cho biết tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt 10% trong quý II/2020. Các nhà kinh tế từ S&P Global, KPMG LLP và Bank of the West đang dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh tương tự. Tỷ lệ thất nghiệp tháng cao nhất theo dữ liệu chính thức của chính quyền Mỹ từ năm 1948 đến nay là 10,8% cuối năm 1982, trong thời kỳ suy thoái sâu thời Tổng thống Reagan.

Nếu lệnh phong tỏa kéo dài, báo cáo việc làm tháng 4, dự kiến công bố ngày 8/5, có thể cho thấy sự sụt giảm việc làm tháng lớn nhất trên thị trường lao động. “Không gì có thể so sánh với cú sốc này”, chuyên gia kinh tế Mỹ Patrick Daco của Oxford bình luận, “Sự giảm sút đột ngột trong hoạt động kinh tế cũng như những gì bạn có thể thấy ở một khu vực sau thảm họa thiên nhiên hoặc một cuộc tấn công khủng bố. Nhưng giờ là nó xảy ra trên toàn quốc”, ông nói.

Làn sóng thất nghiệp ở Mỹ chỉ mới bắt đầu
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ theo Oxford Economics. Đồ họa: WSJ

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cũng cho thấy các nhà hàng và quán bar đã cắt 417.000 việc làm, bằng với tất cả số việc làm được tạo thêm trong lĩnh vực này suốt hai năm qua. Khách sạn và các doanh nghiệp lưu trú khác cắt giảm 42.000 việc làm. Việc làm ngành chăm sóc sức khỏe giảm 43.000, chủ yếu là vị trí các các phòng nha và phòng khám. Các nhà bán lẻ cắt giảm 46.000 việc làm, bao gồm tại các cửa hàng quần áo, đồ nội thất và hàng hóa nói chung. Việc làm trong xây dựng giảm 29.000. Ngành sản xuất giảm 18.000 việc làm.

Dù vậy, với các ngành phi nông nghiệp ở lĩnh vực tư nhân, thu nhập trung bình mỗi giờ của lao động tăng 11 cent, lên 28,62 USD. Trong 12 tháng qua, tiền lương mỗi giờ của nhóm này tăng 3,1%. Xu hướng này có thể phản ánh rằng nhân viên nhà hàng lương thấp bị mất việc trong khi những người làm công ăn lương có thu nhập cao hơn vẫn làm việc và đang làm việc tại nhà.

Thời gian làm việc một tuần của lao động khu vực tư nhân đã giảm 0,2 giờ, xuống còn 34,2 giờ trong tháng 3. Đó là tuần làm việc ngắn nhất kể từ năm 2011, có thể phản ánh nhiều người Mỹ đã giảm giờ làm vào tháng trước.

Số người Mỹ cho biết đang làm việc bán thời gian nhưng thích việc làm toàn thời gian tăng 1,45 triệu, lên 5,77 triệu trong tháng 3. Hầu hết nói rằng họ làm ít hơn do điều kiện kinh doanh kém hơn. Ngoài ra, tỷ lệ những người quá chán nản tìm việc và những người bị mắc kẹt trong công việc bán thời gian đang cao nhất ba năm qua.

Tuy nhiên, nhiều người mất việc hy vọng họ chỉ thất nghiệp tạm thời. Số người báo cáo bị sa thải tạm thời đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 3, lên 1,8 triệu. Số người nói rằng họ mất việc vĩnh viễn tăng 177.000, lên 1,5 triệu.

Wall Street Journal cho rằng, dữ liệu công bố hôm 3/4 có khả năng chỉ là sự khởi đầu của những con số sa thải lớn hơn trong những tháng tới.

Laury Hammel đã cho 600 nhân viên tại 6 câu lạc bộ sức khỏe ở New England và Utah nghỉ từ ngày 16/3. “Nó là ngày đen tối nhất trong sự nghiệp của tôi”, ông Hammel – CEO Longfellow Health Clubs cho biết, “Tôi đã phải đóng cửa các câu lạc bộ, vì quá rủi ro cho mọi người tham gia”. Ông nói mình quyết định dừng kinh doanh trước khi tiểu bang bắt buộc. Việc sa thải của ông cũng diễn ra sau giai đoạn thu thập dữ liệu tháng 3.

Thông thường, các câu lạc bộ của ông tràn ngập âm thanh của tiếng nâng tạ, tiếng nảy bóng tennis và tiếng la hét của hướng dẫn viên thể dục. Nhưng đến hôm 2/4, ông là người duy nhất trong tòa nhà rộng 9.300 m2 ở Massachusetts. “Nơi này đã chết”, ông nói.

Hammel hy vọng các khoản vay của chính phủ sẽ giúp ông kịp thanh toán các khoản bảo hiểm và bảo trì cho đến câu lạc bộ có thể mở cửa trở lại. Ông cũng có kế hoạch thuê lại tất cả nhân viên khi chắc chắn việc mở lại câu lạc bộ.

Làn sóng thất nghiệp ở Mỹ chỉ mới bắt đầu
Người lao động đến nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Sở Lao động New York. Ảnh: AP

Các doanh nghiệp khác cũng tuyên bố sa thải hàng loạt trong những tuần gần đây, sau khi cuộc khảo sát tháng 3 của Bộ Lao động tiến hành xong. Các sòng bạc tại Las Vegas đóng cửa vào ngày 18/3 và 10% lực lượng lao động tại Nevada đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Cùng ngày đó, các hãng sản xuất ôtô tại Detroit đã sa thải 150.000 công nhân. Marriott International cho biết vào ngày 22/3 rằng hàng chục ngàn nhân viên khách sạn sẽ bị sa thải. Macyout, Gap và Kohl Hay cũng bắt đầu cắt giảm nhân sự trong tuần này.

Beth Ann Bovino – Giám đốc kinh tế của S&P Global dự báo 17 triệu việc làm sẽ bị cắt giảm tiếp trong những tháng tới và tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm 13,5%. Bà cho rằng phải đến cuối năm 2022, nền kinh tế mới phục hồi được số việc làm đã mất đi. Tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ về mức thấp như trước đại dịch vào năm 2023.

So với các cuộc suy thoái gần đây, tốc độ phục hồi lượng việc làm như vậy được xem là nhanh. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh tác động của đại dịch. Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, Covid-19 để lại ảnh hưởng trong nhiều năm. “Thu nhập của doanh nghiệp đang bị tổn hại và chúng tôi không biết có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ không còn tồn tại”, bà nói.

Các nhà kinh tế khác thì có dự báo đỡ tệ hơn một chút. IHS Markit cho rằng14 triệu việc làm sẽ bị mất cho đến tháng 12.Tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh gần 10%, hoặc gần với mức kỷ lục trước đó.

Joel Prakken – Giám đốc kinh tế của IHS Markit cho biết công ty dự báo trên giả định việc tuyển dụng ở một nhóm doanh nghiệp khác tăng. “Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều sự bù đắp hơn so với một số nhận định khác”, ông dẫn chứng các bảng tin tuyển người của các cửa hàng tạp hóa, nhà bán lẻ trực tuyến, nhà kho và hiệu thuốc.

Theo ông, việc làm sẽ trở lại mức đầu năm 2020 vào mùa thu năm 2022. Năm tới, sẽ không có gì là bất thường nếu các báo cáo cho thấy có thêm 700.000 việc làm mới được tạo ra mỗi tháng. “Sự phục hồi sẽ nhanh hơn nhiều so với những lần suy thoái trong quá khứ”, ông nói.

Nguồn: Vnexpress

Các viết cùng chủ đề