Lời khuyên triệu đô của Mohnish Pabrai cho nhà đầu tư 12 tuổi
Trong một phiên hỏi đáp tại cuộc họp thường niên của Quỹ Pabrai Funds, một cậu bé 12 tuổi được bố dẫn theo cùng đã có cuộc trao đổi vô giá với bậc thầy đầu tư giá trị Mohnish Pabrai.
Cuộc trò chuyện của Mohnish Pabrai với nhà đầu tư 12 tuổi
Cậu bé: Nếu một người ở độ tuổi của cháu mơ ước trở thành nhà đầu tư thì cháu cần chuẩn bị những gì ạ?
Pabrai: Cháu bao nhiêu tuổi?
Cậu bé: Dạ mười hai.
Pabrai: Bác bắt đầu đặt câu hỏi này ở độ tuổi gấp 2,5 lần so với cháu bây giờ, như vậy là cháu đã có một khởi đầu vững chắc rồi đấy. Chà, được dẫn đến tham dự cuộc họp thường niên như cháu rất là hay. Cháu có thấy vui không?
Cậu bé: Có ạ.
Pabrai: Thế cháu đã đến Omaha chưa (đại hội cổ đông của Berkshire Hathaway)?
Cậu bé: Chưa ạ.
Pabrai: Cháu có tính tham dự vào năm tới không?
Cậu bé: Cháu không biết nữa.
Pabrai: Vậy thì nói bố đưa đi nhé. Cháu có tài khoản giao dịch chưa nhỉ?
Cậu bé: Dạ rồi.
Pabrai: Cháu đầu tư như thế nào? Hãy lấy cho cậu bé này chiếc micrô – chúng tôi sẽ có cuộc trò chuyện dài đây.
Cậu bé: Dạ cháu đầu tư vào Wells Fargo, Bank of America, Fairfax và Berkshire Hathaway.
Pabrai: Bốn cổ phiếu. Như thế đủ chưa nhỉ? Cháu có biết gì về các công ty này không?
Cậu bé: Không quá nhiều vì bố cháu nghiên cứu rồi, nhưng bố dạy cháu về các công ty đó.
Pabrai: Còn Apple AAPL thì sao? Cháu có iphone không?
Cậu bé: Dạ có.
Pabrai: Tại sao không mua những thứ mà cháu sử dụng? Cháu đã nhìn thấy iWatch chưa?
Cậu bé: Dạ rồi.
Pabrai: Cháu có thích iWatch không? Cháu có muốn sở hữu một cái không?
Cậu bé: Có lẽ là không.
Pabrai: iPhone 6 thì sao?
Cậu bé (hỏi ý bố): Dạ… không.
Pabrai: Một trong những điều đầu tiên bác nói với mọi người là, nếu muốn tìm hiểu về đầu tư hãy mở một tài khoản và nghiêm túc đầu tư. Bác đề nghị thế này, đối với các cổ phiếu cháu dự định mua trong tương lai cho danh mục đầu tư của mình, cháu hãy là người đưa ra quyết định. Cháu có thể hỏi ý kiến bố, nhưng cháu không cần phải nhất trí với bố. Nếu ông ấy bảo “Con nên mua cổ phiếu này”, thì cháu hãy trả lời “Cảm ơn lời khuyên của bố, nhưng con sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.” Như vậy được chứ Bố?
Người bố: Ổn ạ.
Pabrai: Hãy tự đưa ra quyết định của riêng mình trong tương lai, và trước khi mua cổ phiếu, hãy tìm hiểu về doanh nghiệp. Thảo luận với bố và người khác về tình kinh doanh của doanh nghiệp, để xem cháu có thể mua toàn bộ doanh nghiệp với giá bao nhiêu nếu cháu có số lượng tiền mặt không giới hạn, và nó có thể tạo ra lợi nhuận bằng tiền mặt là bao nhiêu.
Cũng tựa như quầy bán nước chanh vậy. Giả sử cháu bày một quầy bán nước chanh và mua mọi vật dụng cần thiết với giá đâu đó 25 đô la, nếu cuối ngày cháu thu về 60 đô la thì đấy là công việc kinh doanh hiệu quả, nhưng nếu chỉ đem về 20 đô la thì đó không phải là công việc kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, hãy tập trung vào doanh nghiệp. Bố cháu có thể đã hướng cháu đọc một số sách phù hợp. Còn bác thì muốn đề nghị cháu đọc thêm cuốn sách “Nghệ thuật đầu tư Dhandho”. Cháu đã đọc cuốn sách đó chưa?
Cậu bé: Dạ chưa.
Pabrai: Nhà cháu có cuốn sách này chứ?
Cậu bé (kiểm tra với bố): Dạ có.
Pabrai: Sau đó, cháu hãy bắt đầu đọc báo cáo hàng năm của các công ty như Wells Fargo, Bank of America, Fairfax,… cứ bắt đầu, hễ khi nào cháu gặp điều gì đó không hiểu, hãy đặt câu hỏi hoặc tìm kiếm bằng Google và đặt câu hỏi. Cháu có lợi thế nhờ khởi đầu từ sớm. Hãy duy trì như vậy và tiếp tục đọc.
Warren Buffett nói rằng nếu cháu được thông báo có thể sở hữu bất kỳ chiếc xe nào trên thế giới, nhưng với quy tắc là không bao giờ thay đổi chiếc xe đó, do đó chiếc xe cháu quyết định mua hôm nay sẽ là chiếc xe cháu sẽ giữ cả đời, cháu không thể bán nó, nếu rơi vào trường hợp đó, cháu sẽ bảo dưỡng chiếc xe đó chứ? Nếu có một số điểm cần sửa chữa cháu sẽ khắc phục nó để chiếc xe luôn trong tình trạng tốt, phải không nào? Bởi vì nó sẽ hoạt động cả trăm năm mà.
Cậu bé: Dạ.
Pabrai: Ông ấy nói nó giống với bộ não của cháu vậy. Cháu chỉ có một bộ não và cháu không thể thay thế nó, nó sẽ ở bên cháu cả đời. Điều tốt nhất cháu có thể làm là tiếp tục bổ sung cho bộ não nhiều thông tin hơn, phân tích và tổng hợp vào bộ não nhiều hơn. Càng bắt đầu sớm, lợi thế của cháu càng lớn. Nếu cháu bắt đầu ở tuổi mười hai, cháu sẽ được hưởng giá trị rất lớn, bởi vì khoảng thời gian từ mười hai đến mười chín tuổi là giai đoạn sáng tạo nhất. Chờ tới đại học thì đã muộn. Cháu thực sự có thể trở nên xuất sắc đấy. Cảm ơn cháu.
Cậu bé: Cháu cảm ơn ạ.
Nguồn: Forbes/ Happy Live dịch
Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao)