Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Luật được thông qua có bố cục gồm 15 chương với 210 điều. Đây là dự án Luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, liên quan đến một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, sửa đổi, Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin (Điều 49), trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải thực hiện cung cấp thông tin, tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.
Luật cũng đã quy định phạm vi người có liên quan đối với quỹ tín dụng nhân dân hẹp hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác và thể hiện tại điểm h khoản 24 Điều 4 của Luật.
Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (tại Điều 5, Điều 113) quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng (tại Điều 159, Điều 161), quy định về dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu phải thoái chưa phân bổ như tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 159 Luật.
Về cho vay đặc biệt Quỹ tín dụng nhân dân (tại Điều 193), quy định Ngân hàng Hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (tại Chương XII), quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại khoản 3 Điều 200 và về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ tại khoản 15 Điều 210 của Luật.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đánh giá việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua là một tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Luật được thông qua sẽ đảm bảo được tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở… trong thời gian qua.
Đồng thời, nhiều vướng mắc trong hoạt động ngân hàng hiện nay cũng sẽ được tháo gỡ; góp phần kiến tạo khung pháp lý để phát triển một số dịch vụ ngân hàng mới (ngân hàng điện tử, ngân hàng số, cơ chế sandbox, cơ chế thử nghiệm cho các hoạt động Fintech…).
Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) góp phần luật hóa liên quan đến xử lý nợ xấu trên tinh thần Nghị quyết 42.
“Quan trọng nhất sắp tới là khâu hướng dẫn, triển khai thực hiện sớm để đảm bảo luật có hiệu lực kịp thời. Cơ quan đầu mối khi xây dựng hướng dẫn triển khai cần thực hiện lấy ý kiến của nhiều bên tham gia có liên quan để đảm bảo đa chiều, khả thi và sát thực tiễn”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Ông Nguyễn Hải Dũng, Đại biểu Quốc hội Đoàn Nam Định cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng, mất nhiều thời gian để chuẩn bị. Quốc hội cũng đã phải quyết định lùi thời gian để thông qua Luật. Đây cũng là dự án Luật được các đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan tâm.
Ông Nguyễn Hải Dũng đánh giá việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua được là tín hiệu rất tốt đẹp khởi đầu năm 2024. Luật sẽ giúp hệ thống các tổ tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền.
Ngoài ra, Luật cũng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Tôi hy vọng rằng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam hơn nữa”, ông Nguyễn Hải Dũng nói.
Cũng đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Điểm đổi mới được quan tâm nhất với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông.
“Về cơ bản, các điểm mới này có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn”, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Luật sư Trần Văn Nhiên – Chuyên gia Pháp lý trong ngành tài chính – ngân hàng cho rằng, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra cho thấy tinh thần hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước.
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này cũng đã thể hiện rõ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã làm việc rất nghiêm túc, cầu thị để đẩy nhanh việc trình ban hành.
“Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng”, Luật sư Trần Văn Nhiên khẳng định.
Đặc biệt, Luật sẽ có tác động ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng với nhiều vấn đề lớn cần thực hiện, ví như việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông góp vốn là tổ chức và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan của cổ đông; công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; chính thức luật hóa việc cấm tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức,…
Ngoài ra, một điểm quan trọng không thể không nhắc tới là việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp lấp được khoảng trống pháp lý, khắc phục được việc Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023 gây ảnh hưởng lớn tới việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Tiến Phát