Mạng lưới ngân hàng và sự quan tâm của những người không phải chủ nhân – trong đó có bạn
Tiền là mối quan tâm của hầu hết mọi người nhưng tại sao ngân hàng lại được những người không phải là chủ ngân hàng quan tâm?
Hệ thống ngân hàng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình sản xuất và phân phối của cải là bởi vì có một lượng lớn các nguồn lực thực tế – những nguồn lực về nguyên vật liệu thô, máy móc, lao động – được chuyển giao thông qua tiền, và việc phân bổ của chúng bị ảnh hưởng bởi số tiền khổng lồ – đôi khi trị giá đến hàng nghìn tỷ đô la – thông qua hệ thống ngân hàng.
Có thể bạn chưa biết các ngân hàng Mỹ có tài sản 14.000 tỷ đô la vào năm 2012. Có một cách để chúng ta hình dung con số khổng lồ đó chính là 1.000 tỷ giây trước đây, không ai trên hành tinh này có thể đọc hoặc viết. Khi đó, đế chế La Mã và các triều đại Trung Quốc cổ đại đều chưa được hình thành và tổ tiên của chúng ta vẫn còn sống trong các hang động.
Ban đầu, tại sao ngân hàng lại xuất hiện?
Một lý do cho sự xuất hiện của các ngân hàng là để có ưu thế kinh tế theo quy mô trong việc bảo vệ tiền. Nếu các nhà hàng hoặc cửa hàng kim khí giữ tất cả số tiền họ nhận được từ khách hàng trong một căn phòng ở đâu đó, thì điều này sẽ tạo cơ hội cho tội phạm sẽ chiếm giữ nhiều nhà hàng, cửa hàng kim khí, các cơ sở kinh doanh và nhà cửa khác hơn bình thường. Bằng cách chuyển tiền vào ngân hàng, các cá nhân và doanh nghiệp có thể được người khác giúp bảo vệ tiền của mình với chi phí thấp hơn so với khi họ tự mình bảo vệ.
Các ngân hàng có thể đầu tư vào kho tiền và nhân viên bảo vệ, hoặc trả tiền để gửi những chiếc xe bọc thép thường xuyên đến nhận tiền từ các doanh nghiệp, rồi đưa số tiền đó đến cất giữ ở những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt khác. Tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang lưu trữ tiền từ các ngân hàng tư nhân, cùng với tiền và vàng thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ. Hệ thống an ninh ở đó hiệu quả đến mức, mặc dù các ngân hàng tư nhân thỉnh thoảng bị cướp, nhưng chưa có Ngân hàng Dự trữ Liên bang nào bị cướp.
Vai trò của hệ thống ngân hàng
Ngân hàng không chỉ là nơi cất giữ tiền. Trong nền kinh tế, họ đóng một vai trò tích cực hơn thế.
Thu nhập của các doanh nghiệp là không thể đoán trước và có thể đi từ lãi thành lỗ và ngược lại, điều này diễn ra rất nhiều lần. Trong khi đó, các nghĩa vụ thanh toán pháp lý của các doanh nghiệp – ví dụ như trả lương cho nhân viên hàng ngày và thanh toán tiền điện đều đặn, cũng như trả tiền cho những nhà cung cấp để có những nguyên liệu cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh – phải được trả đều đặn, cho dù họ đang có lợi nhuận hay đang thua lỗ. Điều này có nghĩa là phải có ai đó cung cấp tiền cho các doanh nghiệp khi họ không có đủ tiền để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình vào thời điểm đến hạn thanh toán. Các ngân hàng chính là nguồn cung cấp tiền chính cho các trường hợp này, tất nhiên sau này khoản tiền này sẽ phải được hoàn trả từ số lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được.
Về mặt lý thuyết, mỗi doanh nghiệp riêng lẻ có thể tiết kiệm tiền họ thu được từ những thời điểm thuận lợi và sử dụng số tiền này để vượt qua những thời điểm tồi tệ, việc mà các doanh nghiệp vẫn thực hiện ở một mức độ nào đó. Nhưng ở đây, một lần nữa, việc các ngân hàng thương mại duy trì một quỹ trung tâm lớn mà từ đó các doanh nghiệp cá nhân có thể rút tiền khi cần thiết – để duy trì dòng tiền ổn định cho việc chi trả cho nhân viên và cho những người khác – mang lại lợi thế về quy mô.
Các ngân hàng không chỉ có lợi thế kinh tế theo quy mô của riêng họ, mà họ còn là một trong số các tổ chức tài chính cho phép các doanh nghiệp riêng lẻ cũng đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô – và nhờ đó, làm nâng cao mức sống của đại chúng nói chung thông qua việc giảm chi phí sản xuất dẫn đến mức giá cả thấp hơn. Trong một nền kinh tế hiện đại phức tạp, các doanh nghiệp đạt được chi phí sản xuất thấp hơn bằng cách hoạt động trên quy mô lớn hơn, đòi hỏi nhiều lao động, máy móc, điện và các nguồn lực khác hơn nhiều so với khả năng chi trả của các cá nhân, dù họ giàu có đến mức nào. Hầu hết các tập đoàn khổng lồ không thuộc sở hữu của một số ít người giàu, mà chúng thường sử dụng tiền từ rất nhiều người sở hữu một số tiền khiêm tốn riêng lẻ, số tiền này được tổng hợp lại và sau đó được chuyển một lượng lớn cho các doanh nghiệp thông qua các trung gian tài chính như ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các quỹ tương hỗ và các quỹ lương hưu.
Các ngân hàng cũng tài trợ tài chính cho việc mua hàng của người tiêu dùng, bằng cách trả tiền cho các giao dịch mua bằng thẻ tín dụng của những người sau này sẽ phải hoàn tiền cho các công ty phát hành thẻ tín dụng và các ngân hàng đứng sau các công ty đó, hoặc trả các khoản trả góp hàng tháng có bao gồm cả lãi suất.
Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của các trung gian tài chính đối với toàn bộ nền kinh tế, khi xem xét những nơi không cho phép người lạ chuyển những khoản tiền khổng lồ cho người lạ khác vì lý do không có đủ kiến thức, kinh nghiệm và sự tin cậy. Những quốc gia như vậy thường nghèo, ngay cả khi họ giàu có về tài nguyên thiên nhiên đi chăng nữa. Các trung gian tài chính có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên này thành hàng hóa và dịch vụ, nhà cửa và doanh nghiệp – hay nói ngắn gọn là thành sự giàu có.
Như vậy, mặc dù bản thân tiền không phải là của cải, nhưng từ quan điểm của toàn xã hội, vai trò của nó trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất và chuyển giao của cải là rất quan trọng. Nhờ vậy gỗ có thể được sử dụng để đóng đồ nội thất, nếu người tiêu dùng chọn tiêu tiền của họ vào đó, thay vào đó được dùng để tạo ra giấy để in tạp chí, khi những người tiêu dùng này gửi tiền vào ngân hàng thay vì chi tiêu, và sau đó ngân hàng cho các nhà xuất bản tạp chí vay.
Tuy nhiên, các ngân hàng hiện đại không chỉ đơn giản là chuyển giao tiền mặt. Sự chuyển giao như vậy không làm thay đổi tổng cầu trong nền kinh tế mà chỉ đơn giản là thay đổi ai đang có nhu cầu về thứ gì.
Tổng cầu đối với tất cả các hàng hóa và dịch vụ cộng lại không thay đổi bởi các giao dịch như thế này. Nhưng điều mà hệ thống ngân hàng làm, ngoài những điều mà các trung gian tài chính khác làm, chính là ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế nói chung. Hệ thống ngân hàng tạo ra các khoản tín dụng mà trên thực tế, làm tăng lượng cung tiền thông qua cái được gọi là “Ngân hàng dự trữ một phần”.
Bạn có thể đọc thêm về cách thức hoạt động của phương thức làm tăng lượng cung tiền >> tại đây, nó có thể giúp chúng ta hiểu rõ quá trình này hơn.
Nguồn: Happy Live Team, tổng hợp từ “Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư”
Có thể bạn quan tâm: Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”