Mẹ Teresa và nhà tù mang tên “Giàu có”
Tôi được nuôi dạy trong một gia đình Công giáo, và trong cả cuộc đời mình, Mẹ Teresa luôn là nguồn cảm hứng bất tận của tôi. Khi còn học năm hai trung học, thậm chí tôi đã nghiêm túc cân nhắc đến việc trở thành một nữ tu. Mặc dù cuối cùng tôi đã mở rộng đời sống tâm linh và hoạch định nghề nghiệp theo một hướng hoàn toàn khác biệt, nhưng Mẹ Teresa vẫn là hình mẫu phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc đời tôi.
Trong những năm 1970, thời điểm đã trở thành một người vợ và người mẹ trẻ, tôi bắt đầu cam kết bản thân mình với sự nghiệp kết thúc nạn đói trên thế giới. Lúc đó, tôi nghĩ rất nhiều về bà, cũng như về những việc bà đã làm trong những khu ổ chuột nghèo khổ nhất của Calcutta và những nơi đói nghèo khác ở khắp nơi trên thế giới. Trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Ấn Độ, khi bị rúng động bởi sự nghèo đói khủng khiếp mà mình được chứng kiến, tôi đã nghĩ về bà, và về cách bà đã đặt toàn bộ đời mình vào giữa những đau khổ của con người, trở thành thành viên của một cộng đồng nghèo khổ nhất trong những cộng đồng đói nghèo, trong khi bà nổi tiếng là một trong số những nhà lãnh đạo giàu có và quyền lực nhất trên thế giới.
Sau nhiều chuyến công tác tới Ấn Độ, khi tôi ngày càng cảm thấy mình kết nối mạnh mẽ hơn với nơi này, tôi quyết định tìm gặp Mẹ Teresa. Tôi muốn gặp bà. Không lâu sau, tôi phát hiện ra rằng
một người trong vòng tròn quen biết của tôi ở Delhi là một cộng sự thân cận của Mẹ Teresa, và người này rất vui lòng giúp tôi liên lạc với bà.
Vào tháng 5 năm 1991, tại Delhi, khi tôi đang gặp gỡ các nhân viên của Ngân hàng hế giới để nói về sáng kiến giải quyết nạn đói, người bạn này đã liên lạc với tôi trong một buổi sớm nọ. Người
này nói rằng Mẹ Teresa có thể gặp tôi vào lúc 7 giờ tối hôm đó. Tôi đã quá đỗi kinh ngạc. Tôi không thể tin rằng giấc mơ suốt đời của mình – giấc mơ được gặp trực tiếp bà – sẽ trở thành hiện thực chỉ trong vòng vài tiếng nữa. Tôi lập tức dời lại một cuộc họp dự định diễn ra trong buổi sáng hôm đó và đi lễ tại một nhà thờ ở New Delhi. Tôi đi đến một hiệu sách và mua ba cuốn sách viết về bà với suy nghĩ rằng mình cần phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng trước cuộc gặp mặt. Tôi lo lắng về những điều như mình phải nói gì và nên mặc quần áo thế nào. Tôi bị cuốn vào một tổ hợp cảm xúc lẫn lộn, vừa lo lắng, sợ hãi, vừa phấn khích trước đặc quyền đến quá đột ngột này. Tôi vẫn tham gia các cuộc gặp mà tôi không thể dời lại khác, nhưng lại chẳng thể nào tập trung cho được. Tâm trí và trái tim tôi hoàn toàn đắm chìm trong cơ hội mà tôi đã luôn hy vọng trong suốt cuộc đời mình.
Người bạn của tôi đã sắp xếp cho tôi một chiếc xe riêng do một tài xế biết đường đi đến nơi Mẹ Teresa đang ở. Anh ấy đến đón tôi tại khách sạn vào lúc 6 giờ đúng. Anh sẽ lái xe đưa tôi đến khu Old Delhi. Tại đó, trong một khu vô danh nghèo khổ của thành phố, Hội hừa sai Bác ái (Missionaries of Charity – Tôn giáo Công giáo được thành lập vào năm 1950 bởi Mẹ Teresa, hiện được biết đến trong Giáo hội Công giáo là Saint Teresa ở Calcutta – chú thích của người dịch) đã xây dựng nên trại trẻ mồ côi của Mẹ Teresa dành cho trẻ em bị bỏ rơi và trẻ mồ côi dưới 2 tuổi. Người tài xế đã đến đón tôi, và chúng tôi đang băng qua các con đường của New Delhi để tiến vào thành phố cũ. Sau khoảng 45 phút tìm kiếm, chúng tôi đi xuống một con đường rất hẹp, đến nơi chỉ có duy nhất một tấm biển khiêm tốn treo trênbức tường đá, trước một lối vào nhỏ. Tấm biển đó nói rằng chúng tôi đã đến được Hội hừa sai Bác ái – Trại trẻ mồ côi Old Delhi. Tài xế đậu xe chờ tôi trong sân trước. Khi bước lên ba bậc thang đến trước một cánh cửa cũ kỹ, tôi nhìn thấy một đống giấy báo nhàu nát nằm trên bậc cửa. hế là tôi liền cúi xuống nhặt nó lên. Giữa đống giấy nhàu nhĩ đó, tôi phát hiện một đứa bé nhỏ xíu vẫn còn thở. Đó là một đứa bé gái, một đứa bé nhỏ xíu vừa sinh ra và đang rất mong manh. Tôi đã bị sốc, và nhẹ nhàng bế cô bé lên khỏi đống báo cũ, sau đó cẩn thận quấn bé vào trong chiếc khăn choàng của mình.
Rồi tôi mở cửa cánh cửa gỗ cũ kỹ, bước vào một căn phòng được thắp sáng bởi hai bóng đèn treo lủng lẳng thòng xuống từ trần nhà. Sàn bê tông sạch sẽ được sơn màu xanh, và ở đó có 39
chiếc cũi trẻ em (tôi có đếm cẩn thận), tất cả đều có một hoặc hai đứa bé nằm bên trong. Trên sàn nhà trải rất nhiều tấm đệm, trên đó là những đứa bé đang nằm ngửa hay đang ngồi chơi với nhau. Có tổng cộng 50 đứa trẻ dưới 2 tuổi – tính cả đứa trẻ tôi mới nhặt được trước cửa là 51 – và những âm thanh duy nhất ở đây là tiếng những đứa trẻ líu ríu chơi đùa, tiếng các nữ tu, những tình nguyện viên nói chuyện và nhẹ nhàng hát với bọn trẻ và với nhau.
Tôi trao bé gái mới sinh trên tay cho người nữ tu tiến lên chào đón mình. Cô ấy mặc chiếc sari màu xanh – trắng quen thuộc của Mẹ Teresa, và cô ấy có vẻ rất vui mừng khi có thêm một thiên thần bé bỏng để chăm sóc. Khi tôi giới thiệu bản thân và hỏi xin được gặp Mẹ Teresa, người nữ tu giám sát trại mồ côi nói với tôi rằng bây giờ Mẹ Teresa không có mặt ở đây. Bà đã đi vào thành phố để giải cứu hai cô gái trẻ vướng vào nạn mại dâm ra khỏi tù; Mẹ Teresa sẽ mang họ trở về đây và họ sẽ giúp đỡ chăm sóc những đứa trẻ trong trại trẻ mồ côi này. Trong khoảng thời gian chờ đợi, họ mời tôi rửa tay, mặc tạp dề vào, và cùng mọi người chăm sóc cho những đứa trẻ. Tôi lập tức bắt đầu công việc.
Đầu tiên, tôi tắm cho một bé gái bị mù. Cô bé khoảng chừng 14 tháng tuổi. Sau đó, người ta trao cho tôi một em bé tàn tật nhỏ xíu 3 tháng tuổi, một chân của bé chỉ là mẩu thịt nhỏ. Tôi khe khẽ hát khi tắm cho cơ thể bé nhỏ, tàn tật của cô bé. Tôi luôn đặc biệt yếu lòng trước những người cần giúp đỡ, đặc biệt là trẻ em bị tàn tật hoặc bị khiếm khuyết. Nơi này giống như một thiên đường đối với tôi, và tôi cảm thấy tràn ngập biết ơn khi được đến một nơi như thế này.
Trong những câu chuyện về Mẹ Teresa, người ta thường trích dẫn một câu nói của bà: “Cách để hiểu tôi chính là hiểu công việc mà tôi làm; tôi chính là công việc của tôi”, và giờ đây tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của bà khi cho những đứa trẻ ăn và tắm rồi phải lòng chúng. Tôi đã lạc mất bản thân trong niềm vui sướng đó và không hề biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua cho đến khi bị giật mình bởi cái vỗ vai của một nữ tu. Cô ấy bảo tôi rằng: “Bây giờ Mẹ Teresa có thể gặp chị rồi”.
Tôi được hướng dẫn đi dọc hành lang, băng qua một nhà nguyện có khoảng 20 nữ tu đang hát thánh ca. Người ta yêu cầu tôi ngồi đợi trong một chiếc ghế đặt cạnh cửa. Trước mặt tôi là
một hành lang hoàn toàn không có bất cứ món đồ trang trí nào cả. Có một chiếc bàn gỗ đơn giản với hai chiếc ghế dựa vào tường. Khi tôi ngồi và nhìn xuống hành lang dài, tối om đó, có một bóng người bé nhỏ từ từ tiến lên. Và ngay lập tức, tôi biết rằng đó là Mẹ Teresa.
Từ trong bóng tối, bà bước về phía tôi, dáng hình của bà còng gập đầy quen thuộc. Bà đang mỉm cười và như thể đang tỏa sáng vậy. Một chú chó Labrador đen trung thành lặng lẽ đi bên cạnh
bà. Mẹ Teresa, bà ấy ở đây, ngay trước mắt tôi. Xúc động đến không nói nên lời, tôi quỳ xuống và hôn vào chiếc nhẫn trên ngón tay nhỏ bé, xương xẩu của bà. Sau đó bản năng mách bảo tôi hôn lên đôi bàn chân đang đi xăng-đan của bà. Bà đặt tay lên đỉnh đầu tôi một lúc, sau đó nắm lấy hai bàn tay của tôi và bao chúng trong tay bà, rồi bảo tôi đứng dậy đi với bà đến chỗ bộ bàn ghế, nơi chúng tôi có thể ngồi nói chuyện với nhau. Chúng tôi ngồi xuống, và ngay từ khi mới mở lời, nước mắt tôi đã rơi không ngưng lại được. Tôi nói với bà rằng hình ảnh và quyết tâm của bà trước giờ vẫn luôn là ngọn lửa truyền cảm hứng cho tôi. Tôi nói với bà rằng mình đã quyết tâm cống hiến hết sức và tham gia vào công cuộc chấm dứt nạn đói trên thế giới, và rằng sự quyết tâm đó bắt nguồn từ chính tấm gương và sự can đảm khi bà chọn sống cuộc đời của mình. Tôi nhờ bà cầu nguyện cho người con trai 20 tuổi đang ốm của mình, và cho mẹ tôi, người đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, và sau đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện về công việc mà tôi đang làm.
Mẹ Teresa có biết về Dự án Hunger và có biết về tôi. Bà biết rằng tôi là người lãnh đạo dự án, và rằng một trong những trách nhiệm của tôi là gây quỹ. Bà nói với tôi rằng gây quỹ là công việc tuyệt vời, và rằng bà ngưỡng mộ vì tôi đã can đảm nhận lấy trách nhiệm gây quỹ cho công cuộc xóa bỏ nạn đói trên thế giới.
Bà cũng khiêm tốn tự miêu tả bản thân mình là “cây bút chì của hiên Chúa,” và nói với tôi rằng bà nhìn thấy trong đôi mắt tôi, trong công việc mà tôi đang làm điều tương tự, một “cây bút chì của hiên Chúa”. Sự công nhận này khiến tôi vô cùng xúc động. Khi đối diện với bà, tôi cảm nhận được bà có tình yêu vô điều kiện và mối liên kết sâu sắc với toàn bộ thế giới, đến nỗi tôi đã không thể kìm được nước mắt. Đó là lý do vì sao tôi lại vừa nói chuyện với bà vừa khóc.
Cuộc trò chuyện sâu sắc, thân mật của chúng tôi bị gián đoạn bởi những tiếng xô đẩy và nói chuyện ồn ào vọng xuống hành lang.
Đầu tiên tôi ngửi thấy mùi, sau đó tôi nghe thấy nguyên nhân của những tiếng ồn đó: một cặp vợ chồng trung niên người Ấn Độ, cả hai đều rất cao to và bự con, tỏa ra mùi nước hoa rất nặng nề. Rõ ràng họ là những người rất giàu có. Người phụ nữ đi trước, phăm phăm lao tới chiếc bàn nhỏ mà chúng tôi đang ngồi. Cô ấy đeo khuyên tai và khuyên mũi có đính kim cương. Tay cô ấy đeo đầy vòng gắn đá quý. Cô trang điểm rất đậm và đang mặc một chiếc sari màu xanh trắng phủ đầy kim tuyến cùng những đường thêu vàng bạc sang trọng. Cô ấy khá tròn trịa, và tôi có thể thấy phần thịt căng ra ở phần eo của bộ sari chật chội.
Chồng của cô ấy đô con hơn, đậm người hơn và có vẻ hào nhoáng hơn. Anh ta đội một chiếc khăn xếp có gắn một bộ đá topaz (hoàng ngọc) ở chính giữa, ngay trên trán, và mặc một chiếc
kurta trắng thêu kim tuyến. Ông đeo nhẫn trên mọi ngón tay của cả hai bàn tay. Trong hành lang yên tĩnh này, với tôi họ như những con quái vật đang cố đột nhập vào cảnh tượng yên tĩnh và thân mật của chúng tôi.
Họ không hề chào hỏi gì cả, dù là với tôi hay với Mẹ Teresa. Người phụ nữ to lớn, ồn ào ngay lập tức nhét chiếc máy ảnh vào tay tôi, trong khi cô ta và chồng kéo Mẹ Teresa đứng lên khỏi ghế
và đẩy bà vào tường. Sau đó, họ đứng vào hai bên Mẹ Teresa và yêu cầu tôi chụp ảnh.
“Chúng tôi vẫn chưa được chụp ảnh. Chúng tôi cần phải có một bức ảnh!” người phụ nữ lớn tiếng phàn nàn, và cô ấy ra hiệu cho tôi chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh của cô. Tôi giận đến tím người. Khoảnh khắc đẹp đẽ của tôi với Mẹ Teresa đã vỡ vụn trong cơn giận dữ với những kẻ xâm nhập bất lịch sự và lố bịch. Khi tôi đã chụp ảnh xong, người phụ nữ cao lớn đòi Mẹ Teresa nhìn về phía cô ta để chụp thêm một bức ảnh thứ hai. Mẹ Teresa bị còng ở cổ do tuổi già và bệnh loãng xương, vậy mà người phụ nữ này đã không do dự đặt tay dưới cằm của Mẹ Teresa và buộc nó ngẩng lên. Tôi bị sốc khi có người đối xử với Mẹ Teresa như vậy, nhưng cũng muốn họ đi càng nhanh càng tốt, tôi nhanh chóng chụp bức ảnh thứ hai. Sau đó, người phụ nữ giật lấy cái máy ảnh của cô ta, rồi cặp đôi này vội vã biến mất sau hành lang mà không để lại lấy một lời “cảm ơn” đến Mẹ Teresa hay đến tôi.
Mẹ Teresa trở lại chiếc ghế cạnh bàn và nói tiếp suy nghĩ của bà về chủ đề chúng tôi đang thảo luận như thể không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng tôi hầu như không thể nghe được bà nói gì. Tôi đang vô cùng giận dữ và phẫn nộ đối với cặp vợ chồng kia. Tôi có thể cảm nhận được máu sôi sục trong huyết quản; lòng bàn tay của tôi thì đã ướt đẫm mồ hôi. Đã đến lúc kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Tôi nói lời tạm biệt khi mắt vẫn lưng tròng. Bà hôn cả hai tay của tôi, và tôi hôn lại bà, chúng tôi ôm nhau, và sau đó chúng tôi chia tay.
Tôi đi bộ ra ngoài, băng qua phòng giữ trẻ để đến chỗ chiếc xe đang chờ, và đi thêm chặng đường 45 phút lái xe để trở về khách sạn. Tôi đang đổ mồ hôi và hít thở một cách khó khăn, trong đầu
thì cứ chạy đi chạy lại quang cảnh khủng khiếp và đầy sỉ nhục vừa mới diễn ra. Tôi nhớ lại thời điểm người phụ nữ cao lớn buộc cằm Mẹ Teresa ngẩng lên, và tôi cảm thấy nỗi phẫn nộ lần nữa lan tỏa khắp cơ thể. Tôi nảy ra những suy nghĩ kinh khủng về những kẻ xâm nhập đó, đồng thời cảm thấy giận sôi trước thái độ giàu có hách dịch, đáng ghét, kiêu căng của cặp đôi nọ. Cơ thể của tôi căng ra vì chất chứa đầy cảm xúc, và sự căm ghét theo máu chạy xuyên suốt con người tôi.
Dọc đường đi, khi chỉ còn cách khách sạn của tôi 15 hay 20 phút đi xe, tôi mới bình tĩnh hơn một chút. Tôi xấu hổ nhận ra mình đã để mặc bản thân chìm đắm trong hận thù và thành kiến,
lại còn thể hiện điều đó ngay trước mặt một trong những lãnh tụ tinh thần có sức truyền cảm hứng nhất hành tinh này. Tôi hồi tưởng lại một lần nữa và nhận ra rằng Mẹ Teresa chẳng hề khó
chịu gì với cặp vợ chồng giàu có hợm hĩnh kia cả. Đối với bà, họ là con cái của hiên Chúa, họ không có gì khác biệt với những đứa trẻ mồ côi mà bà đang chăm sóc cả, và bà đã đối xử với cặp đôi nọ bằng tình yêu và sự tôn trọng, rồi sau đó bình tĩnh trở lại cuộc trò chuyện dang dở với tôi.
Tôi đã luôn nghĩ bản thân mình là một người cởi mở và giàu lòng trắc ẩn với tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, nhưng giờ đây tôi đã thấy được sự cố chấp của bản thân và giới hạn của lòng trắc
ẩn ấy. Tôi đã nhìn thấy định kiến xấu xí của mình, một định kiến chống lại những người giàu có và quyền lực. Trong thâm tâm, tôi cho rằng họ không phải là “người của tôi”. Đó là những người tôi không thể ôm lấy và đưa họ vào trong vòng tròn yêu thương của mình được. Họ thô lỗ. Họ xấu xí. Họ không hề nhã nhặn. Giờ đây tôi cũng có thể thấy rằng, cơ hội gặp gỡ với cặp vợ chồng giàu có này và chứng kiến cách hành xử của họ đã cho phép tôi lần đầu tiên đối mặt với định kiến mà bản thân đang mang. Tôi không thể tưởng tượng được bài học này sẽ có sức ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống của tôi nữa.
Trời đã tối muộn khi tôi về đến khách sạn. Tôi cảm thấy vô cùng kiệt sức sau một ngày với quá nhiều cảm xúc dao động: từ lúc khám phá ra cuộc gặp gỡ bất ngờ ban sáng, đến khoảnh khắc thực sự được gặp mặt trực tiếp Mẹ Teresa, sau đó là sự gián đoạn đáng buồn bởi cặp vợ chồng nọ, và cơn thịnh nộ của tôi, sau đó là nhận thức bất ngờ và cảm giác xấu hổ. Tôi đã thắp lên một ngọn nến và ngồi xuống để viết một lá thư cho Mẹ Teresa. Tôi nói với bà tất cả mọi thứ, bao gồm cả cơn giận không kiềm chế được, sự căm ghét và oán giận đối với cặp vợ chồng nọ. Tôi đã chia sẻ mình đã choáng váng thế nào khi nhận ra những định kiến của bản thân và phát hiện ra rằng lòng từ bi của tôi cũng có giới hạn, ngay cả khi đứng trước mặt bà. Tôi xin bà tha thứ và xin lời khuyên cho việc đó.
Vài tuần sau, tôi nhận được lá thư hồi đáp của bà. Trong thư, bà nhắc nhở tôi rằng, dù tôi có dành cả đời để yêu thương giúp đỡ những người nghèo, người bệnh, người đau yếu, nhưng sẽ luôn có những lúc tôi thể hiện cái tôi và ưu tiên nghĩ cho bản thân. Bà nói cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói là thứ đã được xác định rõ ràng và được biết đến rộng rãi. Nhưng có một thứ mơ hồ và gần như hoàn toàn không được biết đến, đó là vòng luẩn quẩn của sự giàu có. Người ta không nhận ra được cái bẫy và sự đau khổ mà sự giàu có mang lại: sự cô đơn, tách biệt, những trái tim khô cằn, cái đói và sự khó nghèo của tâm hồn – những thứ đi kèm với gánh nặng của sự giàu có. Bà nói rằng tôi hầu như không dành lòng trắc ẩn của mình cho những người mạnh mẽ, có quyền lực hoặc giàu có, trong khi họ cũng cần được yêu thương, cần được cảm thông như bất cứ ai khác trên Trái Đất này.
“Con phải mở rộng trái tim mình với họ và trở thành học trò và giáo viên của họ”, bà nói trong thư. “Hãy dành lòng trắc ẩn của con cho cả họ nữa. Đây là một phần quan trọng trong công việc của
con. Đừng đóng chúng lại. Họ cũng là công việc mà con phải làm.”
Ý tưởng này khiến tôi vô cùng choáng váng. Tất nhiên người giàu có cũng là con người và có các vấn đề riêng của họ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ họ cũng cần đến thứ gì đó. Nhưng bây giờ thì tôi đã có thể bắt đầu nhìn ra điều đó. Tiền của họ mua được cho họ sự tiện nghi về mặt vật chất và bảo vệ họ phần nào trước những bất tiện, khó chịu của cuộc sống bình thường. Nhưng tiền và lối sống đặc quyền của họ cũng ngăn cách họ khỏi cuộc sống phong phú thường nhật, khỏi những mối quan hệ cho-nhận lành mạnh bình thường và những việc có ích cho đời, và khỏi những trải nghiệm nhân văn nhất. Sự giàu có thường bóp méo mối quan hệ của họ với tiền bạc, tạo ra khoảng ngăn cách lớn giữa đời sống tâm hồn và cách tương tác của họ với tiền. Lạm dụng tình dục, bạo lực tinh thần, nghiện ngập, nghiện rượu, buông thả bản thân và trở nên tàn bạo là một phần của thế giới lệch lạc núp sau các cộng đồng xa hoa kín cổng cao tường, các biệt thự, và những tấm cửa xe tối màu. Những vụ hắt hủi đầy tổn thương, những vụ kiện tụng, những cuộc chiến pháp lý giữa các thành viên trong gia đình vì mục đích giành giật tiền bạc… tất cả chúng đã khiến họ quay lưng lại với nhau. Có tiền và có quyền ở cấp độ cao có thể làm khuếch đại những tình huống trên, thậm chí khiến họ trở nên độc ác và nguy hiểm hơn.
Lời khuyên của Mẹ Teresa và những dịp làm việc với giới siêu giàu để gây quỹ sau này đã dạy tôi rằng, thật ngạc nhiên làm sao, sự giàu có không thể bảo vệ con người tránh khỏi đau khổ. Tôi đã học được rằng, phần lớn những người có thừa sự giàu có – dù không phải tất cả họ – đều bị mắc kẹt trong một cuộc sống mà họ không thể kết nối được với những phẩm chất của tâm hồn. Họ bị giam sống trong cái nhà tù của những đặc quyền – trong đó vật chất thì tiện nghi phong phú, nhưng tinh thần và tình cảm thì bị thiếu thốn và đầy tổn thương. Trong nhà tù đó, họ bị mất liên lạc với các giá trị của trái tim. Họ có thể trở thành hiện thân cho mặt đen tối nhấtcủa đồng tiền. Đối với một số người, sự giàu có chỉ đóng vai trònhư một thứ vũ khí tiếp tay để họ làm hại đến người khác.
Từ ngày tôi nhận được thư của Mẹ Teresa, tôi đã quyết tâm mở cửa trái tim và cho đi lòng trắc ẩn, tình yêu thương đến cả những người giàu có và đầy quyền lực. Là một nhà gây quỹ ở quy mô toàn cầu, tôi có nhiều cơ hội để làm điều đó. Đến giờ, tôi đã được chứng kiến một cách hết sức rõ ràng cái vòng luẩn quẩn của sự giàu có và những tổn thương nó có thể gây ra cho những nạn nhân bị cuốn vào. Chỉ một mình tiền bạc thì không đảm bảo cho bạn một cuộc sống trọn vẹn, và việc có quá nhiều tiền thường sẽ trở thành một vật cản lớn trên con đường đạt được mục tiêu đó.
Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền
Có thể bạn quan tâm:
Linh hồn của tiền
Đánh thức “sự giàu có” từ nội lực của chúng ta