fbpx

Nền kinh tế Việt Nam: Doanh nghiệp nên giảm nợ vay lãi suất cao, thận trọng trả cổ tức bằng tiền mặt

So với các quốc gia khác, Việt Nam xứng đáng tự hào khi đẩy lùi và khống chế được sự lan rộng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, làm tốt việc này không có nghĩa là nền kinh tế của Việt Nam không bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không… đang báo cáo hiệu quả kinh doanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch.

Ở góc nhìn vĩ mô và dài hạn, chúng tôi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng cao trở lại vào năm 2021 khi các giải pháp kích cầu của Chính phủ được thực thi trọn vẹn và các nước trên thế giới kiểm soát được dịch bệnh.

Trước khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố khả quan, như vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, cán cân xuất nhập khẩu tăng 5-7%/năm trong khi mức trung bình của thế giới là âm; giá trị đồng nội tệ ổn định…

Nền kinh tế Việt Nam: Doanh nghiệp nên giảm nợ vay lãi suất cao, thận trọng trả cổ tức bằng tiền mặt

Trong tâm bão của dịch bệnh, dòng vốn đầu tư gián tiếp trên TTCK bị rút ròng mạnh (lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra chuỗi bán ròng với giá trị lên tới 800 triệu USD, gấp 3 lần năm 2016), nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam duy trì đà tăng.

Dòng chu chuyển vốn đầu tư nước ngoài như vậy cộng với dự trữ ngoại hối của Việt Nam ổn định ở mức khoảng 85 tỷ USD và Việt Nam có dư nợ nước ngoài khá nhỏ, nên chúng tôi tin rằng, trong 3-5 năm tới, giá trị đồng Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định.

Các doanh nghiệp nếu đang có dư nợ tiền đồng lớn và phải chịu lãi suất cao có thể cân nhắc phương án chuyển sang vay nợ bằng USD.

Một yếu tố nữa khiến chúng tôi có niềm tin về khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là khi nhìn vào thị trường bất động sản. 10 năm trước, chúng ta từng chứng kiến sự suy thoái của thị trường bất động sản làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành ngân hàng và từ đó đến toàn nền kinh tế, nhưng bối cảnh hiện nay thì khác.

Thị trường bất động sản Việt Nam không có khả năng suy thoái mạnh như từng xảy ra. Nếu thị trường bất động sản duy trì được thanh khoản, hệ thống ngân hàng sẽ không chịu ảnh hưởng tiêu cực và nền kinh tế vì thế sẽ đứng vững.

Với các doanh nghiệp, quan sát của chúng tôi cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp lớn có xu hướng giảm nợ và tăng tiền mặt theo thời gian, thì khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 1.400 doanh nghiệp có vốn hóa dưới 40 triệu USD) có chuyển động chậm hơn trong việc cơ cấu dòng tiền, nên áp lực nợ với khối doanh nghiệp này là vấn đề đáng kể.

Theo chúng tôi, sẽ có làn sóng M&A các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới, để cân bằng lại sức khỏe tài chính trong các doanh nghiệp hiện nay.

Tại nhiều doanh nghiệp, chúng tôi khuyên ban lãnh đạo không nên trả cổ tức tiền mặt năm nay, mà giữ lại để tăng tính chủ động và sức bền trong kinh doanh khi dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc.

Với nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi hỗ trợ họ kết nối với nhà đầu tư, thực hiện tốt công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) để duy trì niềm tin của nhà đầu tư vào nội lực của doanh nghiệp. Bản thân Dragon Capital cũng chuẩn bị một lượng tiền mặt để sẵn sàng đầu tư vào một số doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu gọi vốn bằng phát hành thêm cổ phần.

Tiêu chí chọn lựa của chúng tôi là người lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng thích ứng tốt với môi trường kinh doanh và bản thân doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh lành mạnh, minh bạch và có tầm nhìn dài hạn.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

Giải mã từ khóa “lạc quan tếu” trong tâm lý đầu tư

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề