Nếu sức bạn làm ra 10 triệu mà công ty chỉ trả bạn 5 triệu thì bạn nên làm bao nhiêu phần trăm sức?
Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 triệu, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 triệu. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ từ chối và như vậy không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn vẫn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu… mấy triệu?
Làm sao để tìm ra chính mình? Đây là câu hỏi đã làm đau đầu không ít người, nhất là những bạn trẻ. Thế nhưng có một cách đơn giản nhưng sâu sắc là bạn hãy trả lời câu hỏi này: “Nhận 5 làm 10, khôn hay khùng?”
Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 triệu, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 triệu. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ từ chối và như vậy không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn vẫn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu… mấy triệu?
Đáp án A: kiểu 5 triệu
Đáp án B: kiểu 10 triệu
Đáp án C: kiểu 15 triệu
Đáp án D: kiểu 2,5 triệu
Đáp án E: kiểu 1,5 triệu
Bạn sẽ chọn đáp án nào?
1. Nếu bạn chọn đáp án A – làm theo kiểu 5 triệu – thì bạn được gì và mất gì?
Nếu làm theo kiểu này thì bạn không mất tiền, vì họ trả 5 triệu thì bạn làm theo kiểu 5 triệu, như vậy là “fair”. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 5 triệu, thì có thể không mất tiền, nhưng lại “mất mình” (mất uy tín và mất phẩm giá của mình). Vì trong môi trường làm việc hiện nay thường là trả lương kín, nên người khác sẽ không biết bạn nhận lương bao nhiêu, nhưng họ vẫn thấy bạn làm việc không hết mình (chỉ làm việc theo kiểu “nửa mình”) và họ sẽ nghĩ về bạn không hay (bị mất uy tín, bị mất danh dự).
Ta vẫn thường nói với nhau rằng, mình làm ra tiền, chứ đừng để tiền làm ra mình. Nhưng khi người ta trả mình 10 triệu thì mình làm theo kiểu 10 triệu, khi người ta trả mình 5 triệu thì mình lại làm theo kiểu 5 triệu. Vậy thì mình làm ra tiền hay tiền làm ra mình đây? Vậy thì mình có còn là mình nữa không hay là mình đã đánh mất mình rồi, đã sống trái với con người của mình rồi?
2. Còn nếu bạn chấp nhận đáp án B – làm theo kiểu 10 triệu thì được gì và mất gì?
Nếu làm theo kiểu này thì bạn sẽ bị mất tiền, vì họ trả 5 triệu mà bạn lại làm tới tận 10 triệu, như vậy là thiệt mất 5 triệu. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 10 triệu này thì có thể bị mất tiền, nhưng lại không “mất mình”(giữ được uy tín với mọi người và đặc biệt là giữ được phẩm giá của mình, sống đúng với con người của mình). Vậy người khôn ngoan sẽ chọn làm theo kiểu 5 triệu hay 10 triệu? Nhiều người sẽ có câu trả lời ngay rằng, người khôn ngoan sẽ làm theo kiểu 10 triêu. Đúng vậy.
3. Nhưng thật khó tin là có cả những người dù khả năng của họ là 10 triệu, được trả 5 triệu nhưng khi đi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 10 triệu, mà sẽ làm theo kiểu 15 triệu. Vì sao vậy? Vì họ hiểu rằng “Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác” (Mahatma Gandhi).
Với những người này, họ hiểu rằng, khi làm theo kiểu 10 triệu thì chỉ bị mất tiền chứ không “mất mình” (vì vẫn sống đúng với con người của mình và không mất uy tín với người khác), nhưng lại bị mất một thứ cũng hệ trọng không kém (đặc biệt là với những người chưa tìm ra chính mình), đó là mất đi một cơ hội để biết mình là ai. Do vậy, dù khả năng ở mức 10 triệu và chỉ được trả 5 triệu, nhưng họ vẫn làm theo kiểu 15 triệu. Vì họ luôn xem sự quên mình trong công việc là “cách tốt nhất để biết mình là ai”.
Tuy “mất tiền” nhưng có khi lại “được mình” (tìm ra chính mình), điều này là vô giá, nhất là với những người trẻ. Đừng nghĩ rằng họ không phải là người khôn ngoan. Trong trường hợp này, những người làm theo kiểu 15 triệu cũng vì bản thân họ trước hết chứ không hẳn chỉ vì là công ty. Chẳng hạn, họ xem đó là cách để họ đạt được “thành tựu” mà họ đặt ra cho mình trước 30 tuổi là phải biết mình là ai, mình mê gì, ghét gì, mình giỏi gì, giỏi cỡ nào.
4. Trên thực tế, cũng có những người, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 15 triệu, mà họ sẽ làm theo kiểu 2,5 triệu thôi, làm theo kiểu xỉu xìu.
5. Chưa hết, cũng có một loại người nữa, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 15 triệu nhưng cũng không làm theo kiểu 2,5 triệu, mà họ làm theo kiểu 1,5 triệu nhưng lúc nào cũng “biểu diễn” cho cấp trên và mọi người thấy là họ đang làm theo kiểu 15 triệu.
Những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu, 1,5 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu?… Còn những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu, 1,5 triệu? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và làm việc của mình cũng khác đi.
Tôi thường nói vui rằng: Nếu là theo kiểu 15 triệu là làm “quên mình”, làm theo kiểu 10 triệu là làm “hết mình”, thì làm theo kiểu 5 triệu là làm “nửa mình”, làm theo kiểu 2,5 triệu là “mất mình” và làm theo kiểu 1,5 triệu là “bán mình”. Nói ngắn gọn hơn, làm theo kiểu 15 triệu là “đam mê” hoặc “dấn thân”, làm theo kiểu 10 triệu là “trách nhiệm”, còn làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu là “đối phó”.
Và một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự đam mê hay dấn thân, đó là, mình sẵn sàng dốc lòng để làm những điều mà ngay cả khi không được trả tiền để làm điều đó. Còn nếu được trả tiền cho những đam mê hay dấn thân của mình thì còn gì bằng!
*Bài viết được trích từ sách “Đúng việc” của tác giả Giản Tư Trung
Happy Live Team
Nguồn: Genk