fbpx

Nếu tháng vừa rồi bạn còn nhận được đầy đủ lương thì hãy cảm tạ trời đất. Còn nếu không thì hãy học hỏi 2 bí quyết này để sống sót qua mùa Covid -19

Ngoài những nỗi lo liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khoẻ thì không ai có thể phủ nhận, dịch COVID-19 đang có những tác động tiêu cực đến công việc của hàng triệu người trẻ. Thứ mà nhiều người vốn dĩ vẫn xem nhẹ và cho là hiển nhiên giờ lại trở nên quý giá và đáng trân trọng biết bao.

Câu chuyện 1

Cách đây đúng 48 tiếng, anh bạn thân của tôi vui vẻ bước vào công ty như thường lệ và nhận được một tin sét đánh: team quảng bá sản phẩm của anh chính thức tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng do dịch bệnh ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu. Bây giờ anh có 2 sự lựa chọn, một là nghỉ luôn và đi tìm công việc mới, hai là trụ lại với công ty qua khoảng thời gian khó khăn này với mức trợ cấp tối đa 2,5 triệu/ tháng. Từ một người có thu nhập mỗi tháng dài ngang ngửa… số điện thoại, anh bạn tôi rơi thẳng xuống 18 tầng địa ngục với tin sét đánh này. 

Câu chuyện 2

Một chị bạn khác, không đến nỗi thê thảm như câu chuyện trên nhưng cũng phải đối mặt với thực tế đau thương khi đã gần hết quý I mà lượng hợp đồng được đặt bút kí vẫn dừng lại ở con số… 0. Báo giá gửi đều đặn mỗi ngày, hộp thư đi tràn ngập những proposal (đề xuất kinh doanh) tâm huyết của cả công ty, tuy nhiên lợi nhuận thu về đến bây giờ vẫn là một ẩn số. Buổi ăn trưa vội vàng giữa tôi và chị liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại xin giá thấp nhất, năn nỉ các nhà cung cấp hỗ trợ, thuyết phục khách hàng đừng huỷ hợp đồng. Ngày hôm qua, chị đã có một cuộc trò chuyện ngắn với toàn bộ nhân viên trong công ty và hứa danh dự sẽ không để thu nhập của mọi người bị ảnh hưởng. Lời hứa đó tôi tin chị sẽ thực hiện được thôi, nhưng bằng cách nào thì không ai dám chắc.

Câu chuyện 3

Anh bạn mà tôi biết trên Instagram vừa khai trương một nhà hàng chuyên bán các món tráng miệng (dessert bar) ngay sát phố đi bộ Nguyễn Huệ, giá thuê mặt bằng mỗi tháng là 5500 USD, tính theo tỉ giá hiện tại là gần 128 triệu VNĐ/ tháng. Trước khi khai trương, anh đã chấp nhận mất tiền thuê nhà 3 tháng chỉ để đập đi sơn sửa và xây lại toàn bộ kiến trúc bên trong, vị chi “bay” nhẹ gần 400 triệu chỉ để “xí chỗ”.

Cứ tưởng sau Tết giới trẻ sẽ rủng rỉnh để ăn chơi bay nhảy, ai ngờ đã gần 2 tháng trôi qua mà đứa con tâm huyết của anh vẫn xịt ngóm. Lượng khách ra vô mỗi ngày còn không đông bằng nhân viên quán. Khoác lên mình trang phục trịnh trọng, đeo bộ đàm sẵn sàng trong tư thế đón khách nhưng trong mắt anh không giấu được những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tiền đi làm tiết kiệm suốt chục năm đổ vào đây hết, có lạc quan đến mấy thì anh cũng tự hiểu khả năng hiện tại chỉ cho phép cầm cự thêm 1 tháng nữa. Thất bại giờ đây đã quá gần. 

Miếng bánh nhỏ chưa bao giờ lại quý giá đến vậy!  

3 câu chuyện trên là những người thật việc thật mà tôi có dịp được quan sát, được lắng nghe từ chính họ. Còn nhớ chưa đầy 100 ngày trước, tất cả chúng ta – đặc biệt là những người trẻ còn vô cùng háo hức trước một khởi đầu mới mang tên “2020″. Biết bao dự định, biết bao kế hoạch, cả những lời dự đoán rằng đây sẽ là một cột mốc khó quên với nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. Đến thời điểm này thì đúng là khó quên thật, nhưng theo kiểu… chẳng ai muốn nhớ về.

Cả tôi lẫn những người bạn của mình đều từng như bao người trẻ khác: thi thoảng than vãn một tí, gào lên kêu ca một tẹo về công việc của mình. Đã có những quãng thời gian, công việc bị coi là đứa con ghẻ, là gánh nặng. Những quả mail được gửi đến lúc nửa đêm kèm lưu ý “Gấp”, “Khẩn”, “Quan trọng” từng là cơn ác mộng, những nhóm chat với nội dung dài như Vạn Lý Trường Thành từng bị ngó lơ, những lịch trình làm việc dày đặc từng là thứ mà chúng ta né nhất có thể. Thậm chí mấy đứa bạn làm agency của tôi trong quá khứ còn nửa đùa nửa thật rằng bây giờ cả việc lẫn tiền đều không thiếu, nên khách nào mà “lồi lõm” là cho ra… chuồng gà luôn. 

bị sa thải

Có nằm mơ cũng chẳng dám tin rằng nhiều người trẻ trong số chúng ta, ngày thường cầm trên tay cốc Starbucks size grande, lương tháng nhiều đến mức không biết tiêu gì cho hết, đi ra đi vào những toà cao ốc nằm ngay giữa trung tâm thành phố và không bao giờ ngơi tay với công việc lại có ngày phải nhìn nhau với ánh mắt ái ngại vì không biết thu nhập tháng này sẽ bị giảm 30 hay 50% đây, rồi liệu sẽ còn được ngồi ở vị trí này đến bao giờ.

Nhiều người từng tự tin rằng thu nhập 2, 3 nghìn đô/ tháng là chuyện nhỏ, búng tay một phát là có tiền, thậm chí không làm chỗ này thì còn khối chỗ để nhảy việc. Nhưng sự đời khó lường, chẳng ai ngờ miếng bánh mà ngày thường ai ai cũng dửng dưng và coi là hiển nhiên, thậm chí chán ghét, giờ đây lại trở thành chiếc phao cứu rỗi mà ai cũng cần để vượt qua khoảng thời gian nhạy cảm với cả thế giới.  

Thu nhập của tôi tháng vừa rồi chỉ giảm nhẹ, nhưng trong cuộc họp tháng định kỳ, đâu đó giữa những câu bông đùa mỗi ngày, sếp tôi đã bắt đầu căn dặn cả team nên chú ý chi tiêu cẩn thận. Vì nếu những bộ phận khác trong công ty tiếp tục bị ảnh hưởng như bây giờ thì sớm muộn gì khoản “ting ting” cuối tháng của chúng tôi cũng phải cắt giảm để cân bằng cho cả tập thể. May mắn được làm việc trong một công ty lớn, từ trước đến nay toàn đi làm theo kiểu “mưa không tới mặt nắng không tới đầu”, làm gì cũng được “bảo kê”, đây là lần đầu tôi cảm nhận cỗ máy vững chắc đang gồng mình chịu những tác động ít nhiều ngoài kia. 

làm việc mùa corona

Mấy nay trên mạng dân tình có share điên đảo một dòng trạng thái với nội dung: “Nếu tháng vừa rồi bạn vẫn còn nhận lương đầy đủ, thì hãy thực sự thầm cảm tạ. Sau này, khi tình hình đã được kiểm soát, đi làm mà kết quả không thực sự tốt, sếp có mắng vài câu thì cũng ráng cố gắng mà làm, mà cải thiện. Người sếp mà bạn thỉnh thoảng hay nói này nói nọ đó, có khi vừa cầm nhà để trả lương cho bạn tháng rồi.” 

Những báo cáo tháng, báo cáo quý đã bắt đầu được tổng hợp – và bạn biết đó, những con số thì không biết nói dối. Giờ là lúc để tạm dẹp những mơ mộng, lý tưởng và cùng nhìn vào thực tế khó khăn trước mắt. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự đoán toàn cầu sẽ có đến 25 triệu người thất nghiệp vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động trên thế giới sẽ giảm 3,4 nghìn tỉ USD, rõ ràng là sự mất mát không hề nhỏ với những người làm công ăn lương. 

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh để thấy ngay lúc này đây, những gì cả bạn và tôi đang có đều quý giá như thế nào. Nếu còn được có công ăn việc làm tử tế, vẫn được nhận khoản lương định kì mỗi tháng dù công ty đang chao đảo – hãy thực sự biết ơn vì bạn đã và đang may mắn hơn hàng triệu người ngoài kia. Quan trọng nhất, sự ổn định đó không tự nhiên mà có, đằng sau nó là những người lãnh đạo, là sếp, là cả một tập thể đang cùng nhau gồng gánh vì không muốn nhân sự của mình thiệt thòi hay mất niềm tin.

Lùi lại, nhưng đừng cho phép mình được buông thả

Đây là thời điểm mà cả nước chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch COVID-19. Rất nhiều công ty đã cho nhân viên “work from home” (làm việc online). Sự thật là dù có làm việc đều đặn, chăm chỉ đến mấy thì thu nhập của rất nhiều người trong số chúng ta vẫn sẽ bị ảnh hưởng, những KPI hay OKR từng hùng hồn tuyên bố ngày đầu năm sẽ rất khó để cán đích đúng như dự kiến. Và trong những tình huống xấu nhất, nghỉ làm không lương hay mất việc là điều không thể tránh khỏi. 

làm việc tại nhà mua dịch sao cho hiệu quả mùa dịch Corona

Thực tế khiến cuộc sống của chúng ta đảo lộn, nhưng không thể vì thế mà bạn nên buông thả hay phó mặc mọi thứ. Quả trứng nếu vỡ từ bên ngoài là thức ăn, vỡ từ bên trong là sinh mệnh. Cuộc đời cũng vậy, đập vỡ từ bên ngoài là áp lực, đập vỡ từ bên trong là trưởng thành. Hãy để những thử thách này khiến bạn trở nên mạnh mẽ, vững vàng và trưởng thành hơn.

Lương giảm thì hãy học cách quản lý tiền bạc hiệu quả hơn.

Cái túi hiệu giá 30 triệu có thật sự cần trong lúc này không? Nếu câu trả lời là không thì thank you, next! Rạch ròi giữa hai nhãn “cần” và “muốn”, giờ không phải lúc để nuông chiều bản thân thả ga nữa đâu! 

Công việc đang không có nhiều thứ để động tay động chân thì tự review xem mình còn những lỗ hổng kĩ năng nào. Tuần trước tôi vừa ngồi mày mò cách sử dụng vài ứng dụng quản lý công việc trên điện thoại, khá bất ngờ vì bấy lâu nay chả hiểu sao mình cứ xử lý mọi thứ tuỳ tiện và thiếu chuyên nghiệp như thế. Các lớp học kĩ năng bây giờ có đầy trên mạng, sách hay có đầy ngoài kệ – tranh thủ đọc thôi vì những thứ ấy chả bao giờ là dư thừa. Còn nếu bạn thuộc dạng siêu siêu lười thì có thể lên Youtube và tìm các kênh như Vox, Business Insider, The New York Times… hay bất kì kênh nào mà bạn thấy thú vị để xem. Tóm lại: đừng để thời gian rảnh mà bạn đang có trở nên dư thừa, vô nghĩa. 

làm gì để sống sót qua mùa dịch corona khi làm việc ở nhà

Suốt nhiều năm nay, chúng ta đều đã chạy theo một guồng quay quen thuộc đến mức thực hiện mọi thứ trong vô thức mà không nhận ra nhiều thứ chẳng còn phù hợp, và ngoài kia có 101 cách khác tốt hơn. Lúc này đây, lùi lại một tí, để biết rằng mình không hoàn hảo, để nhận thấy quy trình mà mình răm rắp làm theo không phải là lựa chọn duy nhất, và chính bạn cũng có thể tốt hơn rất nhiều so với những gì mà bản thân luôn mặc định. 

Sau sóng gió, có người trở nên rệu rã và mãi không thể quay trở về vị trí ban đầu, nhưng cũng sẽ có người lột xác thành một con người khác: tươi trẻ, giàu năng lượng, sáng tạo và máu chiến hơn. Trở thành số 1 hay số 2, quyết định bây giờ nằm trong tay bạn.

Quyết thắng vượt qua mùa dịch nha! 

Nguồn: kenh14.vn

Có thể bạn quan tâm:

THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG

Sách Thiết kế cuộc đời thịnh vượng - Thái phạm

ĐẶT TRƯỚC

Các viết cùng chủ đề