Nếu tiết kiệm, thứ bạn có được không chỉ là tiền, mà còn cả sự tự tin đối diện với rủi ro
Ngoài việc cải thiện kỹ năng kiếm tiền thì cần biết nên tiêu tiền của mình vào đâu.
Người ta nói với nhau rằng: “Học thức, y tế, và nhà ở chính là ba quả núi mà con người hiện đại luôn phải cõng trên lưng”. Nhưng trên thực tế, ngoài ba quả núi mà còn có thêm ba bờ biển nữa có thể nhấn chìm tôi bất cứ lúc nào, đó chính là: sự mong manh của chiếc ví, sự ảm đạm của cuộc sống độc thân và số lượng tóc ngày càng thưa thớt.
Điều kinh hoàng là những con sóng của ba bờ biển này vỗ vào người tôi như một vòng lặp vô tận. Vì không có tiền, tôi phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền. Nếu tôi làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, tôi sẽ không có thời gian để tìm bạn đời. Đã không kiếm được nhiều tiền, lại không có người yêu, chắc chắn tôi sẽ bắt đầu lo lắng. Một khi tôi lo lắng, những sợi tóc rụng sẽ cho tôi biết tôi đang tuyệt vọng ở mức độ nào.
Thỉnh thoảng, tôi ngẫm nghĩ lại bản thân, tại sao tuổi hai mươi của mình lại như thế này. Mãi về sau, khi tôi thấy những người có mức thu nhập tương đương với tôi lại có cuộc sống rất khác, tôi mới nhận ra rằng: Thu nhập không phải là tiêu chí duy nhất quyết định chất lượng cuộc sống, mà khoản tiết kiệm mới là điều khiến cuộc sống của bạn trông như thế nào.
Tiền tiết kiệm không chỉ mang ý nghĩa giúp bạn yên tâm hơn trong cuộc sống đầy biến cố, mà còn giúp bạn có nhiều lựa chọn. Trước đây, điều sợ nhất khi đi chơi với bạn bè là bạn hào hứng bàn với đối phương đi chơi gì, ở đâu, nhưng đối phương lại dửng dưng đáp lại bạn bằng câu “Tao không rảnh”. Còn hiện tại, điều đáng sợ nhất khi muốn đi chơi với bạn bè và được họ rủ rê, bàn kế hoạch xong xuôi, bạn mới lặng lẽ để lại một câu “Tao không có tiền, chúng mày đi đi” rồi rút lui trong sự trách móc của họ.
Không chỉ vậy, tiền tiết kiệm có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về việc tiêu dùng. Nhiều người không đánh giá cao việc tiết kiệm, nhưng thực chất, nó không phải là dành một khoản trong thu nhập và gửi bừa bãi vào các ngân hàng, mà là chi tiêu có kế hoạch và có mục tiêu, tiết kiệm những chi phí không cần thiết và giữ chúng như một khoản tiền đề phòng.
Tôi có một người bạn, thu nhập hàng tháng của cô ấy là khoảng 5000 tệ (khoảng 17 triệu). Cô ấy không bao giờ nghĩ đến việc tiết kiệm tiền. Thích mua quần áo thì mua, thích uống trà sữa thì order về. Tuy giá trị của nhu cầu không cao nhưng vì chi tiêu thiếu kiềm chế nên hậu quả là tiền lương hàng tháng chỉ có thiếu, không có dư. Một ngày nọ, chiếc váy cô ấy thích từ lâu giảm giá chỉ còn 3000 tệ (khoảng 10 triệu). Không có tiền tiết kiệm, thậm chí là tiền ăn trong tháng còn thiếu, nên cô chỉ có thể cố cho mình quên đi chiếc váy đấy. Lúc này, cô ấy mới nhận ra, mỗi tháng cô dành hơn 700 tệ cho 5 chiếc áo theo lố. Nếu muốn mua chiếc váy đấy thì 4 tháng tiếp theo, cô không được mua thêm một món đồ thời trang nào cả. Xét về chất lượng và giá trị thương hiệu, chiếc váy cô ao ước từ lâu có sự chênh lệch lớn với đống quần áo cô mặc hàng ngày.
Có thể nhận ra rằng, nếu một người vẫn không thể học cách tiết kiệm dù thu nhập không cao, thì mức tiêu dùng của họ sẽ phải rất hạn chế. Vậy nên, nếu bạn muốn có một cuộc sống chất lượng cao, ngoài việc cải thiện kỹ năng kiếm tiền, bạn cần phải biết nên tiêu tiền của mình vào đâu. Khi bạn có khái niệm, phương pháp tiết kiệm tiền phù hợp với thu nhập của bản thân, tài chính cá nhân sẽ được cải thiện theo hướng tích cực.
Hãy xác định lại việc cần thiết của tiết kiệm tiền. Vì cái bạn tiết kiệm không chỉ là tiền, mà còn là nền tảng cho sự tự tin, bởi ít nhất khoản tiết kiệm có thể giúp bạn chủ động hơn khi đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống.
Theo Trí Thức Trẻ
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường