Nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu của Warren Buffett mà mọi nhà đầu tư giá trị nên nằm lòng
Có rất nhiều cuốn sách viết về phương pháp đầu tư của Buffett, nhưng tựu chung lại có thể đưa ra 1 số nguyên tắc đầu tư của ông như sau.
Nguyên tắc kinh doanh
– Doanh nghiệp (DN) có mô hình hoạt động kinh doanh đơn giản, dễ hiểu.
– Doanh nghiệp có lịch sử hoạt động hợp lý và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn
Ông ấy chỉ tìm hiểu những DN “đơn giản” như bánh kẹo, báo chí, nước ngọt…, ông xác định “vòng tròn năng lực” của mình và không bao giờ vượt qua phạm vi đó.
Tránh những DN hoạt động trong những ngành đòi hỏi vốn lớn, và hoạt động đầu tư ít phụ thuộc vào nợ vay.
Ông ấy luôn tìm kiếm những DN có quyền được tự định giá, những DN có lợi thế cạnh tranh được gọi là “con hào kinh tế”. Ví dụ như thương hiệu (Coca-Cola,Gillette), hoạt động với chi phí thấp nhất(Nebraska Furniture), độc quyền trong khu vực( Washington Post)…
“Tôi muốn có những thương vụ đầu tư tốt nhất mà thậm chí một kẻ ngốc cũng có thể kiếm được tiền” Warren Buffett 1998
Nguyên tắc quản lý
– Hệ thống quản lý hiện tại của DN có hiệu quả hay không?
– Ban quản lý có công bằng với các cổ đông không?
Ông chỉ đầu tư vào các DN được điều hành bởi những con người liêm chính, trung thực và có năng lực, những nhà quản lý mà ông cảm thấy ngưỡng mộ và tin tưởng.
Khi ban quản lý không thể tái đầu tư 1 đồng để đem lại giá trị ít nhất 1 đồng, thì nên dùng khoản tiền đó chia cổ tức hoặc mua lại cổ phần.
“Việc đánh giá con người dựa trên 3 phẩm chất: liêm chính, thông minh, nghị lực, và nếu không có phẩm chất đầu tiên thì 2 phẩm chất còn lại sẽ đẩy bạn xuống vực sâu” – Warren Buffett 1993.
Nguyên lý tài chính
– ROE, Lợi nhuận gộp cao hơn mức trung bình.
– Khả năng tạo được hơn 1 đồng giá trị từ 1 đồng giữ lại tái đầu tư.
Khi lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao, không những giúp gia tăng tỷ lệ chia cổ tức cũng như lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư, ROE càng ngày càng cao thì chứng tỏ DN ấy không những hoạt động hiệu quả, mà khả năng tạo giá trị cao hơn 1 đồng từ 1 đồng tái đầu tư.
Mức lợi nhuận gộp cao, cùng với nợ vay thấp sẽ giúp DN chống chọi được qua các chu kỳ thắt chặt hay nới lỏng của nền kinh tế.
Nguyên lý giá trị
– Xác định giá trị của doanh nghiệp
– DN hiện có đang được bán chiết khấu 1 cách đáng kể so với giá trị của nó không?
Có nhiều phương pháp xác định giá trị DN, nhưng Buffett hay sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF). Để xác định giá trị DN, thì mọi người sẽ ước lượng các dòng tiền thu được trong một giai đoạn nhất định trong tương lai, rồi sau đó chiết khấu với mức lãi suất hợp lý.
Và ông ấy chỉ mua khi DN đang bán với mức chiết khấu đáng kể( thường trên 30%) với giá trị của DN đó, đây được gọi là Magin of Safety (biên an toàn) thuật ngữ do Benjamin Graham phổ biến (người được Buffett coi là thầy).
“Cơ hội đầu tư lớn khi một doanh nghiệp danh tiếng gặp phải một tình huống bất thường dẫn đến giá chứng khoán giảm” Warren Buffett 1988.
Nguồn: chungkhoanblog
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (Mua tích trữ và làm giàu dưới tác động của lãi kép theo phong cách của Warren Buffett)