NHNN mua được 6 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối, bơm 140.000 tỷ vào nền kinh tế từ đầu năm
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay dự trữ ngoại hối đã tăng thêm khoảng 6 tỉ USD.
Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.
Với giá chào mua 23.450 đồng/USD duy trì suốt từ đầu năm đến nay, ước tính khoảng 140.000 tỷ VND được Nhà điều hành bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.
Trước đó, NHNN phải bán một lượng lớn ngoại tệ để ổn định tỷ giá trong 10 tháng đầu năm 2022, ước khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).
Từ giữa tháng 12/2022, NHNN đã phát tín hiệu quay trở lại hoạt động mua ngoại tệ khi giá đồng USD hạ nhiệt trên thị trường quốc tế giúp giảm áp lực lên tỷ giá.
Theo Chứng khoán MB (MBS), trong 2 tháng đầu năm, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn lên tới 3,5 tỷ USD, khiến lượng dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng được bổ sung đáng kể, sau chuỗi ngày phải bán ra nhằm bình ổn thị trường tỷ giá và tạo ra lượng tiền đồng dồi dào trong hệ thống thanh khoản.
Chứng khoán BIDV cũng cho biết, NHNN bắt đầu mua vào ngoại tệ kể từ tháng 1/2023. Tính riêng trong tháng 1, NHNN đã mua thêm 2,78 tỷ USD và trong tháng 2 là khoảng 0,65 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng 2 đạt khoảng 92,43 tỷ USD.
Chứng khoán VNDirect kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN có thể chuyển ưu tiên sang ổn định lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Để bơm thanh khoản VND ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, Nhà điều hành có thể xem xét mua vào dự trữ ngoại hối.
Theo số liệu của NHNN, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế giảm khoảng 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%.
Hiện nay, theo thống kê của NHNN, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới vừa được thực hiện thì lãi suất tiền gửi bình quân là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%.
Theo ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong thời gian qua, bên cạnh việc mua một lượng lớn ngoại tệ, tương ứng đưa lượng tiền đồng lớn ra thị trường, NHNN đã điều hành liên tục tăng lượng tiền cung ứng trên thị trường mở, giảm lãi suất trên thị trường này từ 6% xuống còn 5%. Thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại NHNN thường xuyên dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường 1.
Trong thời gian tới, quan điểm của NHNN vẫn là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỉ giá và lãi suất. Chính vì thế, NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.
Nguồn: Cafef