fbpx

Những bài học xương máu về chứng khoán: Tôi đã mất hết tiền và bị “làm thịt” như thế nào?

Mặc dù Edward Thorp đúng trong phân tích kinh tế của mình, nhưng ông đã không đánh giá hợp lý rủi ro do lạm dụng đòn bẩy. Với vài nghìn đô la “học phí” lần này do quản lý rủi ro bất hợp lý, đã khắc sâu khiến Edward Thorp luôn chú trọng tới quản lý rủi ro suốt cuộc đời mình trong hơn 50 năm sau đó.   

(*) Bài viết được trích từ sách “Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall” – Edward Thorp (Đặt sách tại đây)

Edward Thorp, Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall, a man for all markets: from las vegas to wall street

Cờ bạc là món đầu tư giản đơn. Sự tương đồng nổi bật giữa hai kênh gợi ý cho tôi rằng, nếu như một vài trò chơi cá cược có thể bị đánh bại, nó cũng khả thi để tôi có thể làm tốt hơn mức sinh lời bình quân của thị trường. Cả hai đều có thể được phân tích bằng toán học, thống kê và máy tính. Mỗi kênh yêu cầu khả năng quản lý tiền, lựa chọn mức cân đối hợp lý giữa rủi ro và lợi nhuận. Đặt cược quá liều có thể sát thương túi tiền của bạn, dù từng khoản cược đơn lẻ có lợi thế nghiêng về phía bạn. Khi những người đoạt giải Nobel điều hành quỹ phòng hộ (hedge fund) khổng lồ Long-term Capital Management sai lầm tạo ra sự sụp đổ của công ty vào năm 1998 đã gần như làm rung chuyển toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ. Ngược lại, chơi an toàn và đặt cược khiêm tốn đồng nghĩa bạn đang lãng phí những cơ hội. Tâm lý hành trang cho đầu tư thành công cũng mang nhiều tương đồng với cá cược. Các nhà đầu tư vĩ đại thường thuần thục cả hai.

Edward Thorp, người đàn ông đánh bại mọi thị trường
Edward Thorp – Nhà đầu tư định lượng vĩ đại của Phố Wall

Ngụp lặn trong thử thách trí tuệ và trò chơi khám phá thị trường, tôi dành trọn mùa hè năm 1964 tự học chúng. Tôi thường hay lui tới hiệu sách lớn của Martindale bấy giờ ở Beverly Hills. Tôi đọc các sách kinh điển về thị trường chứng khoán như phân tích chứng khoán (Security Analysis) của Graham và Dodd, phân tích kỹ thuật của Edwards và Magee, và hàng chục quyển sách và tạp chí khác nhau, từ cơ bản đến kỹ thuật, lý thuyết đến thực tiễn, và đơn giản đến phức tạp. Phần lớn những gì tôi đọc đều vứt đi, nhưng giống như một con cá voi không răng chỉ lọc những loài nhuyễn thể nhỏ bé từ lượng nước biển khổng lồ, tôi đang góp nhặt một nền tảng kiến ​​thức. Một lần nữa, giống như với các trò chơi ở sòng bạc, tôi ngạc nhiên và căng tràn động lực bởi khối manh mối ít người biết đến. Và tương tự như trong blackjack, khoản đầu tư đầu tiên thua lỗ đã góp sức vào sự học của tôi.

Ôm cổ phiếu Electric Autolite gần 4 năm

Một vài năm trước đó, thời chẳng biết một chữ bẻ đôi về đầu tư, tôi nghe cổ phiếu một công ty được cho là bán giá hời. Đó là Electric Autolite, và một trong số dòng sản phẩm của họ là ắc quy ô tô cung cấp cho Ford Motor Company. Câu chuyện trên trang kinh doanh của tờ báo tôi đọc cho biết chúng ta có thể mong đợi một tương lai tuyệt vời: những bùng nổ công nghệ, các hợp đồng mới béo bở, và doanh số nhảy vọt. Mấy dự báo tương tự cho các nhà sản xuất ắc quy cũng xuất hiện sau 40 năm.

Ắc quy Electric Autolite
Ắc quy Electric Autolite

Cuối cùng, sau khi nắm giữ một số vốn từ chơi blackjack bán sách (cuốn Beat the dealer – Đánh bại nhà cái), tôi quyết định để nó phát triển thông qua đầu tư trong khi tôi tập trung vào gia đình và sự nghiệp học thuật của mình. Tôi mua vào 100 cổ phiếu ở giá 40 đô la và chứng kiến ​​nó lao dốc trong hai năm kế tiếp xuống còn 20 đô la một cổ phiếu, làm tôi mất một nửa khoản đầu tư 4.000 đô la của mình. Tôi không có ý niệm khi nào bán ra. Tôi quyết định giữ cho đến khi cổ phiếu quay lại giá tôi mua ban đầu, để không bị thua lỗ. Đây chính xác là động thái của những con bạc thua cược và miệt mài chơi cho đến khi gỡ được hòa. Phải mất 4 năm, nhưng cuối cùng tôi đã bán ra với số tiền 4.000 đô la ban đầu của mình. 50 năm sau, hàng quân đoàn các nhà đầu tư chứng khoán đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ (tech-stocks) đã san sẻ trải nghiệm này của tôi, vì họ phải chờ 15 năm hòa vốn sau khi mua giá sát đỉnh vào ngày 10 tháng 3 năm 2000.

Nhiều năm sau, khi thảo luận về việc mua Electric Autolite với vợ tôi – Vivian trên đường chúng tôi lái xe về nhà sau bữa trưa, tôi hỏi, “Sai lầm của anh là gì?”

Cô ấy gần như đọc vị được tôi khi cất lời: “Trước tiên, anh đã mua một thứ mà anh không thực sự hiểu, vì vậy mà cũng không biết tốt hay xấu, rất vô chừng như việc phóng tiêu (dart) vào cả danh sách thị trường chứng khoán. Nếu anh mua từ một quỹ tương hỗ tính phí hoa hồng thấp (ngày đó chưa có quỹ không đóng phí (no-load fund)), anh có thể đã có được kì vọng lợi nhuận với kì vọng rủi ro ở mức thấp.” Tôi đã nghĩ câu chuyện về Electric Autolite cho thấy đó là khoản đầu tư ưu việt. Đó là suy nghĩ sai lầm. Như hiểu biết mà tôi tổng hợp về sau, hầu hết các câu chuyện chọn cổ phiếu, lời khuyên, và khuyến nghị đều hoàn toàn vô dụng.

Quỹ không thu phí là quỹ tương hỗ không tính phí trên số tiền đầu tư cùng các loại phí bổ sung khác, vì cổ phần được công ty đầu tư phân phối trực tiếp thay vì phải thông qua bên thứ hai – chú thích của người dịch.

Sau đó, Vivian xét đến sai lầm thứ hai của tôi trong suy nghĩ, kế hoạch bán ra (ngồi trên lửa cho đến khi gỡ lại vốn). Những gì tôi làm là tập trung vào một mức giá có ý nghĩa lịch sử duy nhất đối với tôi, chỉ riêng tôi, cụ thể là giá mua vào. Các nhà lý luận tài chính hành vi, trong vài thập kỷ trở lại đây, bắt đầu phân tích những lỗi tâm lý trong suy nghĩ, khiến các nhà đầu tư điêu đứng liên miên, gọi là hiệu ứng mỏ neo(khóa bạn vào mức giá có ý nghĩa với tâm trí của bạn chứ không phải thị trường). Vì tôi thực sự không có năng lực dự đoán chiến lược rút lui nào tốt hay xấu hơn ra sao. Giống như sai lầm đầu tiên của mình, lỗi này phát sinh trong lối tư duy của tôi về vấn đề nên bán ra khi nào. Tôi đã chọn một tiêu chí không liên quan – mức giá mà tôi được trả – thay vì tập trung vào các nguyên tắc nền tảng về kinh tế như liệu tiền mặt hay các khoản đầu tư thay thế sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Hiệu ứng mỏ neo – Trường hợp bán nhà của ông Davishiệu ứng mỏ neo

Hiệu ứng mỏ neo (anchoring) là một sự rối trí tinh tế và phổ biến trong tư duy đầu tư. Ví dụ, một người hàng xóm cũ, ông Davis (tên của ông), thấy giá trị thị trường của ngôi nhà ông tăng từ mức giá ông mua khoảng hai triệu đô la vào giữa thập kỉ 1980 lên khoảng 3,5 triệu đô la khi giá nhà cao cấp đạt đỉnh vào năm 1988 – 1989. Ngay sau đó, ông quyết định muốn bán và neo mình với giá 3,5 triệu đô la. Trong mười năm tiếp theo, khi giá thị trường nhà ở giảm xuống còn khoảng 2,2 triệu đô la, ông vẫn cố bán với giá “hiện tại” nực cười của mình. Cuối cùng, vào năm 2000, với một thị trường chứng khoán hồi sinh và sự gia tăng giá những căn nhà cao cấp nhờ bong bóng dot com, ông bán ra với giá 3,25 triệu đô la. Trong trường hợp của ông, vốn giống như là chuyện xảy ra “ngày thường ở huyện”, bất chấp giá bán cuối nào ông đạt được, lỗi tư duy neo giữ ắt sẽ khiến ông kiếm một khoản tiền khiêm tốn hơn nhiều nếu ông hành động ngược lại.

Ông Davis và tôi thỉnh thoảng cùng chạy bộ và trò chuyện về các chủ đề yêu thích của ông ấy, tiền và những khoản đầu tư. Nghe theo đề xuất của tôi, ông gia nhập một doanh nghiệp hợp doanh trách nhiệm hữu hạn, hay còn gọi là các qũy phòng hộ (hedge funds) mà chính nó phân bổ tiền vào các doanh nghiệp hợp doanh trách nhiệm hữu hạn mà nhằm tạo ra những khoản sinh lời ưu việt. Tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của ông sau khi trừ thuế thu nhập đạt khoảng 10% mỗi năm, với tính ổn định hơn hẳn bất động sản nhà ở hay thị trường chứng khoán. Tôi đã khuyên ông nên bán căn nhà của mình tại giá thị trường bấy giờ ngay sau đỉnh năm 1988-1989. Ông sẽ thu được khoảng 3,3 triệu đô la, và sau đó như kế hoạch đã định của ông là chuyển đến một ngôi nhà trị giá 1 triệu đô la. Sau khi trừ chi phí và thuế, ông sẽ có thêm một khoản tiền 1,6 triệu đô la để đầu tư. Đưa nó vào quỹ phòng hộ mà ông đã tham gia theo đề xuất ​​của tôi, số tiền này sẽ tăng trưởng 10% mỗi năm trong 11 năm, trở thành 4,565 triệu đô la. Thêm vào giá trị của ngôi nhà giá một triệu đô la, giá thị trường sẽ giảm rồi lại phục hồi, như vậy ông Davis sẽ có 5,565 triệu đô la vào năm 2000 thay vì 3,25 triệu đô la.

Tôi nhìn thấy lỗi hiệu ứng mỏ neo của chính mình liên tục lặp lại bởi kẻ mua người bán trong thị trường bất động sản, cũng như những tình huống hàng ngày. Chẳng hạn như khi tôi đang lái xe về nhà vào một ngày kẹt đường, một chiếc SUV đã cắt đầu lao lên ngay phía trước đầu xe tôi, bắt tôi phải lựa chọn giữa việc đánh lái sang làn đường khác hoặc duy trì việc đi thẳng với một “vật cản” phía trước. Vì tôi phải đối mặt với những sự vụ như thế hàng ngày nên tôi thấy không cần phải chấp nhận chuyện đó chỉ vì tâm lý bất an sẽ bỏ lỡ một điều gì đó (fear of missing out). Bấy giờ chúng tôi đang kẹt hàng dài trong một làn xe dài khoảng 70 chiếc ô tô chôn sâu trong làn đường rẽ trái kẹt cứng khét tiếng ở Newport Beach. Thông thường, con đường có hai làn xe, nhưng do công trình xây dựng đang tiến hành nên giờ chỉ còn một làn, và đèn giao thông nhảy liên tục cho phép chỉ khoảng 20 chiếc xe lưu thông mỗi chu trình hai phút. Điều gì sẽ xảy ra nếu, cuối cùng đến phiên chúng tôi nhận được tín hiệu di chuyển thì chiếc SUV quỷ quái là chiếc xe sau chót xông qua khi đèn vàng? Vì đấy thực sự là không gian “của tôi”, liệu tôi có nên đánh đổi việc mạo hiểm sẽ gặp tai nạn bằng cách lăn bánh qua đèn đỏ? Ngược lại, kẻ trộm thời gian sẽ cướp mất hai phút cuộc đời tôi. Bạn nghĩ sự cám dỗ đó có vẻ thật ngu xuẩn cũng như tôi cảm thấy kinh hãi vậy, nhưng tôi nhìn thấy kiểu hành vi này diễn ra thường xuyên.

Lĩnh hội sự khờ dại của việc hiệu ứng mỏ neo (anchoring) trong trải nghiệm đầu tư của mình, tôi xem nó như thể hành động ngốc nghếch trên đường. Trở thành nhà đầu tư lý trí hơn cũng sẽ biến tôi thành một người lái xe chừng mực hơn!

Mua cổ phiếu bảo hiểm

Hai “chuyên gia” đầu tư bảo hiểm lâu năm từ Dallas lôi kéo tôi vào cuộc phiêu lưu tiếp theo trên thị trường. Họ tuyên bố sẽ ngồi trên đống tiền khi đầu tư vào các công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo những con số của họ, chỉ số đánh giá xếp hạng tín dụng mức AAA của A. M. Best (A.M. Best là tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín tập trung vào ngành bảo hiểm – chú thích của người dịch) về giá trung bình của các công ty trên đã tăng lên hằng năm trong 24 năm qua, và họ có những lý lẽ vững chắc chứng minh điều này sẽ tiếp tục. Không nghi ngờ gì nữa, chuỗi thành công đáng kinh ngạc mà họ nhận định đã chấm dứt ngay sau khi tôi mua vào, và tất cả chúng tôi đều mất tiền.

Bài học rút ra: Đừng hùa theo những gì mà các nhà đầu tư gọi là đà hay quán tính, một chuỗi tăng trưởng liên tiếp hay giảm giá sẽ kéo dài, trừ khi bạn có thể chứng minh xác đáng cho điều đó.

Thu mua bạc dự trữ

Suy nghĩ về đà tăng/giảm khiến tôi tự hỏi liệu rằng giá cả trong quá khứ có thể được sử dụng để dự đoán giá cả trong tương lai được không. Để kiểm tra điều này, tôi xem xét biểu đồ, nghệ thuật sử dụng mô hình trong đồ thị giá cả cổ phiếu (hoặc hàng hoá nguyên liệu) để dự báo những thay đổi trong tương lai của chúng. Tôi được Norman giới thiệu cách sử dụng đồ thị, một cư dân Canada sống ở Las Cruces, khi tôi đang giảng dạy tại Đại học New Mexico State. Sau nhiều tháng kiểm tra dữ liệu và dự đoán của anh ấy, tôi không thể tìm thấy bất cứ thứ gì có giá trị. Như Vivian đã can ngăn ngay từ đầu, “Tôi vẫn còn “chất chồng học phí” cho Ngài Thị trường (Mr. Market) trong khóa học giới thiệu những sai lầm trong đầu tư. Ngài Thị trường là một nhân vật có tính hình tượng nổi tiếng của Benjamin Graham dùng để minh họa cho sự dao động mạnh của giá thị trường lên và xuống so với giá trị cơ bản thực tế của chứng khoán được niêm yết. Một số ngày ông ta hưng phấn và giá cả leo thang. Những ngày khác thì ông ta ảm đạm và cổ phiếu có thể được mua với giá siêu rẻ, thấp hơn cả cái mà Graham gọi là “giá trị nội tại”. Đầu những năm 1960, nhu cầu về bạc vượt quá cung và tôi dự đoán giá cả sẽ tăng mạnh. Giá trị của bạc nung chảy từ những đồng xu cuối cùng được dự kiến ​​sẽ vượt mặt mệnh giá của chúng vì ngoài trả chi phí còn thu về một khoản lợi nhuận. Bill Rickenbacker, người hỗ trợ cho chuyến đi blackjack của tôi với Mickey MacDougall và Russell Barnhart, đã thu mua những đồng xu bạc và dự trữ chúng trong một căn hầm trong khi chờ thời cơ đến.

Edward Thorp cùng Mickey MacDougall và Russell Barnhart, đã thu mua những đồng xu bạc và dự trữ chúng trong một căn hầm trong khi chờ thời cơ đến.
Edward Thorp cùng Mickey MacDougall và Russell Barnhart, đã thu mua những đồng xu bạc và dự trữ chúng trong một căn hầm trong khi chờ thời cơ đến.

Sự tăng giá tiếp theo của bạc sẽ chậm lại đôi chút vì nguồn cung mới từ những đồng xu nung chảy. Ngoài ra khoảng năm tỷ ounce (hơn 140 tấn) bạc có thể nung chảy từ ​​nguồn trang sức khổng lồ tại Ấn Độ. Một khi nhu cầu thu hút những nguồn cung mới này, giá cả thậm chí sẽ tăng đột ngột. Khi giá bạc thực sự vượt ngưỡng 1,29 đô la/ounce, những đồng xu Mỹ chứa 90% trữ lượng bạc, nhờ vào bản thân chất kim loại cấu thành, vượt lên trên giá trị của một đồng tiền pháp định. Tiền xu bị hớt váng khỏi lưu thông và nung chảy để lọc bạc nguyên chất. Sau khi chính phủ Hoa Kỳ đã ngăn cấm điều này, các đồng xu từ nơi tích trữ được giao dịch trong những chiếc túi 60 pound thông qua các công ty chứng khoán.

Đặt niềm tin sắt đá vào phân tích cung và cầu kinh tế này, tôi mở một tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ để mua bạc, với sự giúp đỡ và khuyến khích của các nhà xúc tiến địa phương người nhận được một khoản hoa hồng cho sự dàn xếp. Họ đề nghị đặt cọc 33,33% hợp đồng. Điều đó có nghĩa là với mỗi lượng đồng xu bạc tôi mua vào trị giá một đô la, tôi chỉ phải kí quỹ 33,33 xu trong tài khoản của mình (một đô la bằng 100 xu). Các nhà xúc tiến sắp xếp một ngân hàng Thụy Sĩ thân thiện cho tôi vay phần còn lại. Dĩ nhiên, khi tôi mượn tiền để mua gấp ba lần lượng xu bạc so với khi chỉ dùng khoản tiền mặt mà mình có, họ nhận gấp ba lần tiền hoa hồng, và ngân hàng rất vui khi nhận lãi từ khoản vay và tính phí lưu kho (cho những đồng xu bạc) hàng tháng.

Bạc đã tăng giá như dự đoán của tôi và các người môi giới đã đề nghị sử dụng lợi nhuận kết hợp đòn bẩy là khoản vay ngân hàng để mua thêm bạc. Khi giá bạc đạt 2,40 đô la một ounce thì tài khoản của tôi đã chứa nhiều kim loại hơn so với lúc bắt đầu, và tôi đã thu về một lợi nhuận lớn trên toàn bộ số hàng của mình. Tuy nhiên, khi tôi tái đầu tư lợi nhuận tiếp tục vào thương vụ này, 1,60 đô la trong 2,40 đô la mỗi ounce là khoản nợ của tôi vay từ ngân hàng (vì ký quỹ 33,33% theo đó 2,4 đô la bao gồm 1,6 đô la vay từ ngân hàng và 0,8 đô la của lợi nhuận tái đầu tư – chú thích của người dịch). Điều này giống như mua một căn nhà với 1/3 số tiền mặt. Sau đó, giá bạc giảm xuống. Khi điều này xảy ra một số người bán để tranh thủ giữ được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Điều này nhấn chìm giá ngày một sâu cho đến khi những người khác, họ vay nợ thậm chí còn khủng khiếp hơn tôi nhiều, họ bị các chủ nợ của mình bán hết sạch vì tài khoản của họ đang trong trạng thái có nguy cơ bị thua lỗ lớn – có nghĩa chúng sẽ không đủ thanh toán khoản vay. Những thương vụ tháo bán này ngày càng đẩy giá xuống mạnh, tạo làn sóng bán ra từ số người đi vay còn lại, khiến giá bạc giảm trầm trọng xuống thấp hơn giá 1,60 đô la chút đỉnh, tuy vậy điều này đã đủ thổi bay túi tiền của tôi rồi, sau đó giá của đồng bạc phục hồi theo chiều hướng đi lên. Tôi rút ra được bài học từ sự vụ này rằng mặc dù tôi đúng trong phân tích kinh tế của mình, tôi đã không đánh giá hợp lý rủi ro do lạm dụng đòn bẩy. Với vài nghìn đô la “học phí” lần này do quản lý rủi ro bất hợp lý, đã khắc sâu khiến tôi luôn chú trọng tới quản lý rủi ro suốt cuộc đời mình trong hơn 50 năm sau đó. Vào năm 2008 gần như toàn bộ tổ chức, doanh nghiệp tài chính thế giới không hiểu bài học này và bản thân họ sử dụng đòn bẩy quá liều. (khủng hoảng tài chính 2008 do sử dụng đòn bẩy quá nhiều với các khoản nợ vay dưới chuẩn)

Tôi cũng học được từ khoản đầu tư thất bại vào bạc của mình rằng khi lãi suất của nhân viên bán hàng và người môi giới khác nhau giữa các khách hàng, khách hàng tốt hơn hết là hãy cảnh giác. Đây là vấn đề nổi tiếng trong kinh tế, nơi mà lãi suất của người đại diện hoặc nhà quản lý không trùng khớp với lãi suất của những người ủy nhiệm, hay chủ sở hữu. Các cổ đông của những công ty bị cướp đoạt trắng trợn bởi các CEO và ban giám đốc vụ lợi bản thân, đã quen thuộc với điều tàn nhẫn này.

Nguồn: Sách “Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường” – Edward Thorp

Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố WallEdward Thorp

Edward Thorp, Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall, a man for all markets: from las vegas to wall street

ĐẶT SÁCH

 

Các viết cùng chủ đề