Những lý do kìm hãm sự phát triển của bạn
Nếu bạn vẫn luôn tự hỏi làm thế nào để phần “thiên tài” trong mình trỗi dậy và đạt được thành công trong cuộc sống, hãy dành thời gian để “kiểm điểm” lại xem bạn có đang mắc phải những sai lầm sau hay không.
1. Giao du với người nói giỏi nhưng thiếu năng lực
Charlie Munger – Phó chủ tịch của Berkshire Hathaway cũng như là người bạn thân cận của tỷ phú Warren Buffett – cho biết rằng ông cùng Buffett dành hầu như phần lớn thời gian công việc để tìm kiếm và loại bỏ những cá nhân nói giỏi nhưng thiếu thực tài.
Chắc hẳn, trong cuộc sống, bạn ít nhiều đã từng tiếp xúc với những người như thế. Họ trông có vẻ rất chuyên nghiệp cũng như sở hữu kĩ năng giao tiếp đáng nể. Tuy nhiên, khi chạm trán với những vấn đề mang tính chuyên sâu, họ lại thiếu mất đi lượng kiến thức và năng lực mà đáng lẽ ra bản thân cần phải có.
Việc qua lại với những người nói giỏi nhưng làm không giỏi thực sự nguy hiểm. Bởi vì, đến một lúc nào đó, họ sẽ lợi dụng những người có thực tài song còn thiếu tự tin trong giao tiếp để trục lợi cho bản thân mình.
2. Than vãn và ôm khư khư chuyện quá khứ thay vì học hỏi và tiến lên
Việc hay phàn nàn và ôm khư khư những sai lầm trong quá khứ đôi khi còn mang lại nhiều tác hại hơn cả bản thân của sai lầm đó. Hành động này vừa khiến bạn có suy nghĩ bi quan vừa làm mất thời gian một cách vô ích – thời gian mà đáng lẽ có thể được dùng để sửa chữa chính những sai lầm đã mắc phải.
Có một sự thật mà chúng ta chắc không cần phải bàn cãi, đó là chẳng ai lại chưa từng mắc một sai lầm nào cả. Đặc biệt, đối với những người đang trên con đường xây dựng sự nghiệp và khao khát sở hữu thành công, thì sai lầm hay thất bại lại càng là người “bạn đồng hành” quen thuộc.
Tỷ phú người Anh Richard Branson đã từng chia sẻ như sau: “Trải nghiệm thất bại là một phần không thể thiếu trong bộ gen của mọi doanh nhân thành công, và bản thân tôi cũng không nằm ngoài số đó”. Quả thật, dù đã học được nhiều điều từ những thất bại của mình, song, chúng cũng không ngăn được nhà sáng lập Virgin Group tiếp tục… mắc sai lầm.
Được biết, trong quá trình mở rộng thương hiệu Virgin, vị tỷ phú này đã có ít nhất 15 lần phải tuyên bố “khai tử” một công ty. Nếu như đã cứ than vãn và ôm khư khư sai lầm trong quá khứ thì chắc đã không có một Richard Branson của ngày hôm nay.
Thế nên, thật chẳng có lý do gì để chúng ta phải phàn nàn, than vãn hay sống mãi trong cái bóng thất bại của quá khứ. Mấu chốt là chúng ta đã học hỏi được gì và phải biết tiến lên từ chính những sai lầm của mình.
3. Không chịu chấp nhận sự thật
Có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Vì vậy, nhiều người có khuynh hướng phủ nhận, làm “méo mó” hoặc biến sự thật thành điều có phần “dễ nuốt” hơn. Cụ thể, họ thường chỉ tiếp thu các ý kiến giúp củng cố suy nghĩ hay cái tôi của riêng minh và chỉ giao thiệp với những người có cùng suy nghĩ giống như họ.
Song, nếu như bạn mong muốn khai phá hết tiềm năng của mình cũng như khao khát phát triển bản thân một cách toàn diện, thì việc chấp nhận sự thật và có cái nhìn đa chiều là điều thực sự cần thiết. Và, câu chuyện về thất bại của chiếc máy tính Power M4 G4 Cube từ Apple lúc còn dưới thời Steve Jobs là một trong những ví dụ điển hình cho điều này.
Trong một cuộc trò chuyện tại Oxford, CEO hiện nay của Apple Tim Cook đã chia sẻ về “thất bại ngoạn mục” của Cube như sau: “Nó (Cube) là sản phẩm rất quan trọng đối với chúng tôi, chúng tôi đặt rất nhiều tâm huyết, tình cảm và dồn hết tất cả những kinh nghiệm kỹ thuật vào nó”.
Tuy nhiên, Cube không được nhiều người dùng lựa chọn vì quá đắt. Tới tháng 7/2001, chỉ sau một năm phát hành, Apple đã phải gửi đi thông cáo ngưng sản xuất và phát hành Power M4 G4 Cube, mặc dù nó được hô hào là sản phẩm công nghệ đi trước thời đại.
Tim Cook đúc kết: “Tôi đã học được từ Steve Jobs một điều, đó là khi đối mặt với sự thật rằng bạn đã thất bại, bạn phải sẵn sàng nhìn mình trong gương và nói với bản thân rằng tôi đã sai, tôi không đúng”.
4. Không biết ưu tiên cho việc quan trọng
Một trong 11 lời khuyên của nhà văn nổi tiếng người Mỹ Henry Miller chính là: “Làm một việc tại một thời điểm cho đến khi xong việc”. Trên thực tế, khả năng tập trung của chúng ta không cao như tưởng tượng.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi website vouchercloud.com trên 1.989 nhân viên văn phòng từ 18 tuổi trở lên tại Anh đã cho thấy: Với một ngày lao động 8 giờ, thì một người bình thường chỉ có thể làm việc hiệu quả trong vòng 2 giờ 53 phút mà thôi. Thời gian còn lại sẽ dành cho mạng xã hội, đọc tin tức, các cuộc trò chuyện không liên quan tới công việc và ăn uống v.v…
Chuyên gia tâm lý học – K. Anders Ericsson – của Đại học Stockholm đã phát hiện ra rằng hầu hết mọi người chỉ có thể tập trung cao độ (không nghỉ ngơi) trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Các nhạc công, nhà văn, vận động viên xuất sắc không bao giờ luyện tập lĩnh vực chuyên môn của mình quá 5 tiếng/ngày.
Có nghĩa là, sức tập trung chú ý của con người có giới hạn. Thế nên, tốt hơn hết, bạn nên dành thời gian và ưu tiên làm những việc quan trọng trước, chứ không nên dàn trải chúng với hy vọng giải quyết được mọi việc trong cùng một khoảng thời gian.
5. Xem nhẹ các mối quan hệ
Khi bàn về việc xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ – chìa khóa cho sự thành công trong bất cứ thời đại nào, triệu phú – doanh nhân – diễn giả nổi tiếng Tony Robbins đã nói như sau: “Nếu bạn đối xử với những người đang muốn chấm dứt mối quan hệ với mình giống như cách bạn đối xử với họ lúc mới quen, bạn sẽ không bao giờ mất mối quan hệ đó”.
Điều mà vị diễn giả này mong muốn chính là làm thức tỉnh chúng ta về một sự thật rằng: Trong tất cả các mối quan hệ, điều quan trọng là phải làm sao cho đối phương cảm thấy họ luôn nhận được sự quan tâm và tôn trọng. Đó là chìa khóa cho một mối quan hệ bền vững.
Và, khi sở hữu một mối quan hệ thân thiết và bền vững chính là bạn đang nắm trong tay cơ hội nhận được kiến thức, kinh nghiệm cũng như tư duy từ một người khác – thứ tài sản vô hình giúp làm giàu cho tiềm năng của chính bạn.
Nói về lợi ích mà các mối quan hệ mang lại, ông chủ của Alibaba Jack Ma đã so sánh rằng: “Mỗi người chính là một quyển sách. Công ty của chúng tôi có 24.000 nhân viên, họ chính là 24.000 cuốn sách với những nội dung hoàn toàn khác nhau. Trải nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của mỗi người trong số họ đều nằm ngoài sự suy đoán của tôi”. Thế nên, việc gìn giữ và tôn trọng các mối quan hệ là điều nên làm!
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Biên tập: HappyLive