fbpx

Những trò ma quái: Sports Direct và chuỗi giảm giá không hồi kết

Lẽ thông thường thì trong kinh doanh, giảm giá không còn là chiêu thức gì mới mẻ. Có một nghìn lẻ một lý do lẫn cách thức giảm giá khác nhau, và cũng có hơn chừng ấy công ty đã từng một lần áp dụng chính sách giảm giá. Thế nhưng, nếu xét về độ bền bỉ, lì lợm, triệt để và chai mặt trong giảm giá, ngôi vương khó có thể thoát khỏi tay Sports Direct.

Những trò ma quái: Sports Direct và chuỗi giảm giá không hồi kết
Những trò ma quái: Sports Direct và chuỗi giảm giá không hồi kết

Được thành lập từ năm 1982 ở Anh, dưới tài quản lý của nhà sáng lập Mike Ashley, Sports Direct từ một cửa hàng bán đồ thể thao duy nhất đã phát triển lên hơn 400 cửa hàng trên khắp Vương quốc Anh. Thành công của hãng ngoài những chiến lược kinh doanh sáng suốt, bao gồm việc mua lại một số đội thể thao (trong đó có CLB bóng đá NewCastle), còn phải kể đến những chiêu trò giảm giá, từ cả chính đạo cho đến tà đạo…

Sản phẩm mới – Giảm mạnh ngay

Nếu nhìn thấy đôi giày Nike Flash Flex 2014 vào ngày đầu tiên mở bán tại Sports Direct, hẳn những ai đã lỡ đặt mua trước sẽ cảm thấy vô cùng quê độ. Vui sao được khi bạn phải đặt mua trước đôi giày này với giá tận 74,99 bảng Anh, chờ đợi mới được nhận hàng để rồi phát hiện Sports Direct mở bán với cái giá… 59,99 bảng – đi kèm biển giảm giá từ mức 74,99. Vâng, đánh rắn phải đánh dập đầu, có lẽ sử dụng quyền lực deal số lượng giá tốt của mình, hãng đã quyết định bem giá thấp nhất có thể ngay từ giây phút đầu tiên.

Vấn đề là, theo như quy định ở Anh, một sản phẩm muốn giảm giá từ bất cứ mức giá cao hơn nào cũng đều phải được bán tại nơi đó ít nhất là 28 ngày trước. Thế nhưng, Sport Directs đã lờ qua quy định này, tiến hành giảm giá trước thời hạn. Dẫu cũng từng bị nhắc nhở nhiều lần, hãng chưa bao giờ chấm dứt hẳn trò này. Đối với khách hàng, được mua giá rẻ ai cũng thích, thế nên cũng không ai có ý kiến gì nhiều. Có khi, trong thâm tâm, họ sẽ ghim sâu hình ảnh đây là nơi chuyên bán hàng mới giá hời, và tiếp tục quay lại để tìm xem có gì hot không.

Dán tem giảm giá tất cả sản phẩm

Đối với các chủ kinh doanh ở VN, chiêu niêm yết giá cao rồi giảm xuống để tạo sức hấp dẫn không còn xa lạ gì nữa. Thế nhưng, việc áp dụng liên tục và đồng bộ trên hầu hết sản phẩm thì ít ai có đủ sức theo hết. Vậy mà, tại Sports Direct, đó gần như được xem là tôn chỉ. Đối với mỗi sản phẩm nhập kho, luôn có 2 tem giá chờ đợi sẵn. Cái thứ nhất chính là mức giá mỏ neo, và cái thứ hai – dĩ nhiên là rẻ hơn nhiều, và cũng rẻ so với thị trường – mới là giá bán được áp dụng. Các nhân viên dán tem sẽ được luyện thành thục công phu “khóa tem”, tức là dán cái đầu tiên đè lên giá của nhà sản xuất, và dán cái thứ hai đè lên cái này. Nếu như đối với các trang thương mại điện tử nhiều mặt hàng, trò chỉnh giá giảm này còn có sự hỗ trợ của máy tính thì viễn cảnh dán tem bằng tay cả trăm nghìn sản phẩm, xét về độ rảnh quả thật khó ai sánh bằng.

Đóng cửa hàng thanh lý mãi chưa hết

Nếu như đối với dân bán hàng Facebook, trò “bị bom đơn sỉ” cần mọi người giúp đỡ mua giá rẻ – nhưng thanh lý mãi vẫn còn hàng – không còn mấy lạ lẫm thì trong phiên bản offline, Sports Direct cũng áp dụng tương tự. Hình như cảm thấy việc treo bảng SALE OFF chưa đủ ép phê, các cửa hàng của hãng này lâu lâu lại treo bảng “Đóng cửa, thanh lý hàng hóa”. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như người ta không nhận thấy nhiều cửa hàng treo bảng thanh lý mãi nhưng vẫn còn mở cửa. Quan trọng hơn, mang tiếng thanh lý nhưng giá của những sản phẩm vẫn không rẻ hơn bao nhiêu. Sau một thời gian bị nói quá, một số cửa hàng của Sports Direct cũng đóng cửa thật, để rồi sau đó, họ mở mới một cửa hàng khác chỉ cách đó… mấy bước chân. [Nói đóng là có đóng thật nhá!] Chuỗi liên hoàn đóng cửa – thanh lý – hết đóng – đóng – mở lại cứ thế được thi triển luân phiên ở hơn 400 cửa hàng trên phạm vi khắp nước Anh, khiến cho những người tinh ý nhất cũng phải loạn chưởng.

Theo thời gian, bằng đủ các chiêu trò giảm giá xoay tua của mình, cái tên Sports Direct gần như đã trở thành một lựa chọn quen thuộc cho người dân Anh Quốc khi có nhu cầu mua sắm đồ thể thao. Điều đó đã được khẳng định khi tài sản của tỷ phú Mike Ashley không ngừng tăng lên qua từng năm. Với tôn chỉ “giá luôn rẻ thật sự”, dẫu cho có ma lanh đi chăng nữa, Sports Direct đã chứng minh một điều: hễ không làm thì thôi, còn làm thì làm cho triệt để. Cuối cùng thì, khách hàng chỉ còn nhớ đến ai mang lại lợi ích nhất cho mình, đúng không?

Nguồn: Ecobladder

Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Sergio Zyman

Marketing giỏi phải kiếm được tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề