fbpx

TS. Alan Phan: Chuyện niêm yết công ty lên sàn Mỹ và Trung Quốc

Tiến sĩ Alan Phan cho rằng: Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc và Mỹ khác nhau rất nhiều. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc chia sẻ những đặc điểm của một sàn thường thấy ở các quốc gia mới phát triển. Khi các đại gia họp lại để đẩy giá cổ phiếu nào đó lên, nếu nhà đầu tư biết bắt sóng của “đội lái tàu” này, thì có thể kiếm tiền khá tốt. Nhưng khi sóng ngưng, nhiều người không biết rút lui kịp thời rất dễ bị phá sản. 

 TS. Alan Phan: Chuyện niêm yết công ty lên sàn Mỹ và Trung Quốc
Tiến sĩ Alan Phan

Thị trường tài chính thế giới ngày nay rất phức tạp vì giao dịch xuyên biên giới tăng vọt đến độ vượt tầm kiểm soát của chính phủ. Vào những năm trước 1980, người đi vay vốn chủ yếu đến ngân hàng sau khi không vay được từ họ hàng, bạn bè. Giờ đây, thế giới tài chính còn nhiều lựa chọn đa dạng và sáng tạo. Một nhà đầu tư, nếu gửi tiền vào ngân hàng bây giờ chỉ kiếm được mức lời 2 – 3%, nhưng nếu họ bỏ vốn cho các quỹ dự phòng vay, họ có thể kiếm hơn 6%.

Michael Milken là một nhân vật đi tiên phong ở Mỹ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Năm 1980, ông lập một hệ thống phân phối để bán trực tiếp giấy nợ của doanh nghiệp cho nhà đầu tư, không thông qua ngân hàng nữa.

Lúc đó, phần lớn các doanh nghiệp dùng dòng tiền mới này cho hoạt động M&A, kéo theo các nhà đầu tư cơ hội chuyên dùng trái phiếu loại này để thâu tóm các công ty lớn (corporate raiders). Vụ việc gây ra nhiều xáo trộn lớn trên thị trường chứng khoán và tài chính khiến chính phủ và quốc hội phải can thiệp. Sau khi Milken đi tù vì tội làm giá và giao dịch nội gián, hiện tượng trái phiếu rẻ tiền (junk bond) của doanh nghiệp mới giảm thiểu.

Nhưng sự kiện này đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư khác nhau, hoạt động theo nhiều hình thức khác nhau, từ cho doanh nghiệp vay tiền của nhà đầu tư, đến cho việc vay nợ theo tài sản… Kết quả là ngân hàng đã mất vị thế độc tôn của mình, không thể áp đặt những điều kiện, quy tắc hà khắc với người vay như trước. Để cạnh tranh, các ngân hàng đã gây áp lực với chính phủ Mỹ để được phép nới lỏng việc cho vay vốn cũng như phát hành các sản phẩm tài chính phức tạp và đa dạng ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Có thể nói, cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ xảy ra vào năm 2008 là do hậu quả của việc cạnh tranh này.

Mỹ và Trung Quốc đang sở hữu những sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới. Do đó, chuyện phát triển nguồn tài trợ có thêm một lựa chọn mới cho các doanh nghiệp. Đó là trở thành một doanh nghiệp công chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán.

TS. Alan Phan: Chuyện niêm yết công ty lên sàn Mỹ và Trung Quốc
Mỹ và Trung Quốc đang sở hữu những sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới.

Khi đã niêm yết, tư duy và hành động của ban quản trị phải tuân thủ hai nguyên lý về minh bạch và trung thực. Nếu không đạt được hai điều đó thì đừng nên niêm yết. Doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ cũng phải có kỷ cương đạo đức, kể cả với các cá nhân.

Chẳng hạn, chỉ cần một anh giám đốc quan hệ ngoài luồng hay quấy rối tình dục với cô thư ký, tạo ra scandal, thì giá trị cổ phiếu cũng lập tức đi xuống. Tất cả báo cáo tài chính của công ty đều phải có kiểm toán quốc tế để nhà đầu tư có thể tin tưởng. Theo thông lệ, một công ty ở Mỹ có thị giá trên 1 tỷ đô la thì phải thuê một công ty kiểm toán quốc tế thuộc 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là: Deloitte & Touche, Ernst & Young, Price Water House Coopers và KPMG (Big 4). Nếu sau này có xảy ra kiện tụng vì thiếu sót hay sai lầm về số liệu, công ty kiểm toán quốc tế kia phải chịu kiện chung, có khi phải phá sản (như trường hợp Arthur Anderson và công ty Enron).

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc và Mỹ khác nhau rất nhiều. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc chia sẻ những đặc điểm của một sàn thường thấy ở các quốc gia mới phát triển. Khi các đại gia họp lại để đẩy giá cổ phiếu nào đó lên, nếu nhà đầu tư biết bắt sóng của “đội lái tàu” này, thì có thể kiếm tiền khá tốt. Nhưng khi sóng ngưng, nhiều người không biết rút lui kịp thời rất dễ bị phá sản.

Năm 1998 rồi năm 2006, thị trường Trung Quốc mất hơn 50% vốn cũng vì lý do này. Còn tại Mỹ, chuyện làm giá rất khó, vì giá trị của một công ty tới hàng trăm tỷ đô la, ít ai có đủ tiền để “lái tàu”, trừ những cổ phiếu của các công ty có vốn hóa rất nhỏ (microcap).

Hiện giờ, thị trường Trung Quốc có thêm nhiều công ty lớn, nhưng những công ty này thường chịu kiểm soát của chính phủ.

Việc đem công ty mình lên niêm yết sàn Mỹ, tôi đã cho xuất bản một cuốn sách khá đầy đủ chi tiết về quy trình này. Còn tại thị trường Trung Quốc, tôi có viết và xuất bản một cuốn sách viết bằng Anh ngữ gọi là Hedge Funds and China’s Stock Market, hiện đang bán trên www.amazon.com. Tôi nghĩ hai cuốn sách sẽ cho người đọc một khái niệm đầy đủ về vấn đề niêm yết sàn ngoại.TS. Alan Phan: Chuyện niêm yết công ty lên sàn Mỹ và Trung Quốc

Tóm lại, vốn liếng là một vấn đề sống còn và tạo tăng trưởng cho doanh nghiệp. Nếu tự mình không đủ kiến thức và kinh nghiệm để điều hành tài chính, thì doanh nhân phải tìm cho được một đối tác hay giám đốc có đầy đủ khả năng bổ trợ. Trong suốt 42 năm lăn lộn trên thương trường, tôi chưa gặp một doanh nhân nào than phiền là mình “dư tiền” quá. Ngược lại, thiếu tiền là một vấn nạn thường xuyên.

Trích từ sách Góc nhìn Alan 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc (Thuộc Bộ sách Di sản Alan Phan)

Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH DI SẢN ALAN PHAN

Bộ Di sản Alan Phan

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề