Nỗi lo về lạm phát và suy thoái “phủ bóng” Hội nghị Jackson Hole
Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Berenberg nhận định các ngân hàng trung ương đang mắc kẹt giữa tình trạng lạm phát cao kỷ lục và triển vọng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế.
Vào thời điểm này năm ngoái, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã chia sẻ những diễn giải khá lệch hướng về tình hình lạm phát khi đó. Đa số các quan chức đều tin rằng lạm phát cao chỉ mang tính nhất thời và sẽ sớm tự điều chỉnh khi tình hình phục hồi hậu đại dịch COVID-19 khả quan hơn.
Sang năm nay, khi các nhà hoạch định chính sách hàng đầu lại chuẩn bị tham gia hội nghị chính sách tiền tệ hàng năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức ở Jackson Hole, Wyoming, những phát biểu và giọng điệu của giới chức có thể sẽ khác biệt đáng kể.
Trong khi Fed – ngân hàng trung ương của Mỹ có vẻ sẽ thành công giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”, triển vọng đối với châu Âu lại tỏ ra đáng lo ngại hơn nhiều.
Fed tiếp tục “cứng rắn”
Phần lớn thế giới đang phải đối mặt với tốc độ tăng giá nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Điều đó đang làm dấy lên lo ngại về sự lặp lại của hiện tượng “vòng xoáy giá cả – tiền lương” của giai đoạn nêu trên. Tình trạng như vậy đòi hỏi những mức lãi suất hai chữ số đi cùng những cuộc suy thoái đầy đau đớn để khôi phục sự ổn định giá cả.
Triển vọng đó khiến nhiều ngân hàng trung ương hướng đến hội nghị ở Jackson Hole trong tuần này với hy vọng áp lực lạm phát sẽ giảm bớt nhanh chóng, cho phép họ ngăn chặn những kịch bản suy thoái tiềm tàng.
Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Berenberg nhận định các ngân hàng trung ương đang mắc kẹt giữa tình trạng lạm phát cao kỷ lục và triển vọng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế. Mối quan tâm hàng đầu hiện tại của họ là đối phó với lạm phát. Nhưng một khi xảy ra suy thoái, ưu tiên của các ngân hàng trung ương sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt như Fed, khi các quan chức đã báo hiệu rằng họ không muốn nhanh chóng đảo ngược xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ hiện thời.
Hồi năm ngoái, cũng tại sự kiện này, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định rằng lạm phát phi mã có thể chỉ là tạm thời. Khi nhận định đó không thành sự thật, ông đã trở thành động lực chính thúc đẩy Fed tăng lãi suất ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ.
Hơn nữa, Chủ tịch Powell cùng các quan chức Fed khác cũng tỏ ra sẵn sàng chấp nhận một giai đoạn suy yếu của nền kinh tế Mỹ nếu đó là điều cần thiết để chế ngự lạm phát.
Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7/2022 đã giảm so với mức 9,1% của tháng Sáu nhưng vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm là 8,5%. Theo một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, các nhà phân tích dự kiến lạm phát của Mỹ sẽ trung bình quanh mức 4% vào năm 2023.
Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy Fed có thể sớm từ bỏ mức tăng lãi suất mạnh tay 75 điểm cơ bản (0,75 điểm phần trăm) như ghi nhận trong hai cuộc họp chính sách gần đây nhất, ông Powell có thể sử dụng bài phát biểu quan trọng của mình tại hội nghị chuyên đề vào thứ Sáu (26/8) để hạ nhiệt kỳ vọng của các nhà đầu tư về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào năm 2023.
Ông Jack Janasiewicz, chiến lược gia hàng đầu về danh mục đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Natixis Investment Managers Solutions nhận định, Chủ tịch Powell có thể nhấn mạnh việc Fed sẽ kéo chậm lại đà tăng lãi suất nhưng đồng thời kéo dài thời gian duy trì lãi suất ở mức cao. Điều đó sẽ “hạ nhiệt” những đồn đoán xung quanh câu chuyện Fed xoay trục chính sách theo hướng ôn hòa.
Tình hình kém lạc quan tại châu Âu
So với Mỹ, triển vọng của châu Âu đang xấu đi khi cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt và có vẻ sẽ tiếp tục leo thang do nguồn cung hạn chế.
Ngân hàng Bundesbank đã cảnh báo tốc độ tăng giá của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ đạt mức hai con số, khi các biện pháp mà Đức và các quốc gia khác thực hiện để giảm bớt tác động của chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng hết hiệu lực.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2023. Nhưng số liệu của họ đã bị điều chỉnh theo hướng tăng khá đều đặn. Hiện Đức dự kiến lạm phát sẽ trên mức 6%, một dấu hiệu cho thấy lần dự báo tiếp theo của ECB công bố vào tháng Chín tới sẽ cao hơn.
Bà Isabel Schnabel, thành viên hội đồng quản trị ECB và là người sẽ phát biểu tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo giới rằng những áp lực lạm phát tại châu Âu nhiều khả năng sẽ không nhanh chóng biến mất. Ngay cả với quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ đang diễn ra, châu Âu vẫn sẽ mất một thời gian trước khi lạm phát quay trở lại mức 2%.
Tháng trước, ECB đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 50 điểm cơ bản lên mức 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm qua.
Trong khi đó, tình hình thậm chí còn bi đát hơn đối với Vương quốc Anh – quốc gia không thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ các hộ gia đình khỏi tình trạng giá năng lượng tăng cao như hầu hết các nước châu Âu khác, đồng thời cũng phải hứng chịu “sức nóng” lạm phát tương tự như Mỹ trên thị trường lao động.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi trong tuần này dự báo lạm phát của nước Anh sẽ đạt 18% vào đầu năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 1976, mặc dù Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất sáu lần kể từ tháng 12/2021.
Tuy các nhà phân tích khác đưa ra những mức ước tính thấp hơn, nhưng tác động của lạm phát cao lên đời sống người dân đang làm dấy lên suy đoán rằng người kế nhiệm Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ phải đưa ra một đợt hỗ trợ khổng lồ mới cho các hộ gia đình. Mục tiêu của động thái đó là ngăn chặn tình trạng nghèo đói gia tăng.
Ông Kenneth Broux, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp, ngoại hối và tỷ giá tại ngân hàng Societe Generale (Pháp) cho biết đã có những đồn đoán về việc giảm lãi suất. Nhưng về cơ bản, BoE sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của họ vào giai đoạn tới./.
Có thể bạn quan tâm