fbpx

Phó thống đốc: Ngân hàng vẫn thừa tiền và sẽ giảm tiếp lãi suất

Ông Đào Minh Tú nói ngân hàng vẫn dư tiền trong kho và sẽ giảm thêm lãi suất nhưng “chính sách tín dụng không phải đôi đũa thần” giải quyết mọi vấn đề.

Tín dụng tăng trưởng thấp là chủ đề xuyên suốt tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” ngày 25/7. Tính đến hết tháng 6, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5 triệu tỷ đồng, tức chỉ tăng 4,7% so với đầu năm, bằng một nửa tốc độ của cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ảm đạm.

pho-thong-doc-ngan-hang-van-thua-tien-va-se-giam-tiep-lai-suat-happy-live-1

“Có điều kiện Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí”, ông Tú nói. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, mà theo Thống đốc chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đề cập đến việc “đánh” vào nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ tổng cầu yếu, nhiều doanh nghiệp cũng ngại vay vốn.

Bà Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nói doanh nghiệp “khó khăn tứ phía” sau gần 3 năm Covid-19, cộng thêm tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế sụt giảm mạnh.

Dẫn khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và VnExpress thực hiện cho thấy 60% đều gặp phải tình trạng giảm đơn hàng, bà Mùi nói, nhiều doanh nghiệp vay tiền về cũng không biết để làm gì.

Cũng theo góc nhìn thực tiễn của ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV, số phương án kinh doanh và dự án khả thi tiếp cận với ngân hàng ít hơn trước. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng kém sắc so với mọi năm.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đồng tình khi cho rằng khó khăn đang khiến doanh nghiệp ngại vay vốn.

“Doanh nghiệp rất thực dụng, không có đơn hàng thì cần vay vốn làm gì. Không phải cứ giảm lãi suất là vay”, ông nói. Tuy nhiên, ông cũng nêu một số doanh nghiệp muốn vay lại khó tiếp cận do tiêu chí khó khăn, có tình trạng một số cán bộ ngân hàng gây khó dễ.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), nhìn nhận, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong quyết định cho vay do không được hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Thực tế, một số nhóm khách muốn vay như bất động sản vẫn vướng thủ tục pháp lý; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã lại có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.

“Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả”, bà cho biết.

Tại hội thảo, ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần HDC, một doanh nghiệp kinh doanh trong hai mảng xuất nhập khẩu thủy sản và phân phối trong nước cho biết, đơn hàng xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm nay giảm 25% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này vẫn thiếu nguồn vốn để đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước, song không được ngân hàng giải ngân đủ theo hạn mức đăng ký. Ngân hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo dù báo cáo tài chính tốt, dòng tiền từ đối tác khách hàng chưa bao giờ chậm trễ.

“Mở rộng điều kiện tín dụng bằng cách hạ điều kiện cho vay thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ lụy là nợ xấu ngay lập tức gia tăng trong ngắn hạn, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống”, Phó thống đốc cho hay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá chính sách tiền tệ, không phải là đôi đũa thần. Việc khơi thông nhu cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào công cụ này. Ông nói chính sách tiền tệ sẽ cố gắng điều hành linh hoạt những công cụ trong tay ngân hàng có, tuy nhiên cần phải hài hòa nhiều yếu tố. Nếu chỉ biết nhìn trước mắt, theo ông sẽ hứng hậu quả trung dài hạn, có những hệ lụy khó chữa được, như câu chuyện nợ xấu từ 2009-2011 mất chục năm vẫn chưa giải quyết xong.

Đây là thời điểm theo Phó thống đốc, cần sự vào cuộc của các chính sách khác. Việc đẩy mạnh đầu tư công thông qua dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ giúp tín dụng chảy vào doanh nghiệp nguyên vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu đang gặp khó cần tới chính sách hỗ trợ tiêu dùng nội địa từ Bộ Công thương…

Tại hội thảo, chuyên gia cũng cho rằng các giải pháp thúc đẩy nhu cầu vốn nên hạn chế cách tiếp cận hành chính mà cần dựa trên cơ chế thị trường. Theo đó, cần có các giải pháp thúc đẩy kinh tế thực, thúc đẩy nhu cầu trong nước trong bối cảnh kinh tế đối ngoại khó khăn.

Ông Kentut Ariadi Kusuma, chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng sức cầu yếu cần kích thích thông qua chính sách kích thích tổng cầu, thông qua chính sách tài khóa mở rộng hơn. Việc thực hiện các giải pháp về phía cung qua chính sách tiền tệ có những nguy cơ trong môi trường sức cầu yếu. Bên cạnh đó, việc cố gắng thúc đẩy tín dụng cao trong môi trường cầu yếu đồng nghĩa chuyển tín dụng vào phi sản xuất, dễ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn. “Thay vì tập trung tăng trưởng tín dụng, cần tập trung vào lĩnh vực có năng suất cao”, ông Kentut chia sẻ.

Tiến Phát

vnexpress

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề