Prada: chỉ sống “tầm tầm ở đẳng cấp cao” cho đến khi tìm ra chiến lược marketing thu hút tín đồ
Prada được xem là một trong những thương hiệu thời trang đẳng cấp, thước đo của tính thời thượng và thẩm mỹ. Thế nhưng trong lịch sử hơn 100 năm của mình, Prada đã sống với 65 năm là một thương hiệu “tầm tầm ở đẳng cấp cao”. Không hề có một định vị rõ rệt và không xây dựng được một số lượng tín đồ yêu mến và thấu hiểu thương hiệu của họ. Với Prada chỉ cần dùng nguyên liệu đắt tiền, quý hiếm và bán ở giá cao thì đã là thời trang cao cấp.
Lối mòn của số đông
Như Gucci ở Italia hay Hermes ở Pháp, Prada cũng khởi nguồn từ dòng sản phẩm rất đơn giản đáp ứng nhu cầu và trào lưu chung ở thời đó. Những sản phẩm ấy ngày nay vẫn còn được Prada sản xuất nhưng đã trở thành thứ yếu và chỉ còn là thành tố giá trị phụ của thương hiệu.
Prada được ông Mario Prada thành lập năm 1913 ở Mailand (Italia), lúc đầu với tên gọi là “Fratelli Prada”, chuyên làm ra va li và túi xách tay. Ngay từ thủa ban đầu này, vật liệu được Prada sử dụng luôn là những loại da và lông thú tốt nhất, thậm chí đến cả vàng và ngà voi cũng có phần trong thành phẩm. Giá trị của vật liệu thời đấy hiện thân cho cái sang trọng và đắt giá của sản phẩm. Cả ý tưởng kinh doanh lẫn chiều hướng phát triển của Prada ở giai đoạn này đều chẳng khác gì nhiều so với vô số thương hiệu khác. Đối tượng khách hàng là giới quyền thế, thượng lưu và quý tộc.
Thời ông Mario Prada và cả thời người con gái của ông tiếp quản, công ty gần như vẫn chỉ như vậy. Prada có danh và có giá, không lẫn lộn giữa những thương hiệu khác, nhưng cũng chỉ như số đông thương hiệu khác. Khách hàng không có gì để phàn nàn thương hiệu, những Prada vẫn chưa tạo được cho mình một lượng khách hàng trung thành (tín đồ Prada).
Ai cũng biết Prada là đẳng cấp, nhưng trong đẳng cấp ấy có không ít sản phẩm tương tự như Prada. Cái mà Prada thiếu ở suốt thời kỳ này là tính độc đáo. Không thể có được tính độc đáo ấy nếu chỉ lần theo lối mòn không lạ lẫm gì đối với số đông cả. Có thể nói trong suốt thời gian ấy, Prada như thể bị giam cầm trong cái bẫy “tầm tầm ở đẳng cấp cao”. Cho nên không có gì lạ khi công chuyện kinh doanh của Prada ngày càng khó khăn và bị thách thức thực sự vào thời điểm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Prada cần tìm cho mình 1 lối đi mới, 1 bí quyết kinh doanh riêng khác biệt.
Tìm ra lối đi riêng
Thương hiệu dù đã vàng son đến mấy cũng đều không miễn dịch trước thách thức về tồn vong. Lịch sử các thương hiệu trên thế giới đã có không ít bằng chứng thuyết phục về bi kịch cuối đời của không ít thương hiệu nổi tiếng thế giới. Có lẽ Prada không tránh nổi số phận ấy và có giá như ngày nay cũng nhờ một quyết định nhân sự đầy tính số phận – Chuyển giao quyền điều hành và quản lý kinh doanh cho thế hệ thứ ba của dòng họ Prada. Năm 1978, người cháu ngoại của Mario Prada là Muiccia Prada được giao trọng trách chèo lái con thuyền Prada từ tay người mẹ.
Cô gái Muiccia Prada sinh năm 1949 ở Mailand, muốn hoạt động chính trị nhiều hơn là kinh doanh và cũng chưa từng có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp hay từng trải thương trường. Chuyện đứng ra “gánh vác cơ nghiệp” Prada hoàn toàn bất đắc dĩ đối với Muiccio Prada. Nhưng đúng như câu nói “Thời thế tạo anh hùng”, Muiccia Prada lại trở thành người không chỉ cứu Prada, mà còn đưa công ty này trở thành gạo cội trong thế giới thời trang, có được cả danh lẫn giá như hiện tại nhờ bí quyết kinh doanh khác biệt.
Bí quyết kinh doanh để đạt thành công duy nhất của Prada là đi ngược trào lưu. Các nhà nghiên cứu về thương hiệu gần như đều nhất trí cho rằng, chỉ có người ngoài cuộc thì mới đi ngược trào lưu và mới có thể thành công với việc đi ngược trào lưu. Đi ngược trào lưu chung chính là lối đi riêng mà Muiccia Prada đã tìm ra và áp dụng cho thương hiệu Prada.
Không được học hành và có hiểu biết gì về thời trang mà lại phát triển thương hiệu thời trang. Có lẽ phải như thế thì Muiccia Prada mới tìm ra được lối đi riêng cho Prada và đem lại cho thương hiệu này điều giúp nó có thể bứt phá vươn lên được hơn hẳn so với bạt ngàn thương hiệu thời trang khác là tính độc đáo.
Muiccia Prada kết hợp nghệ thuật với thời trang, nhưng không phải dùng nghệ thuật để bán thời trang mà biến thời trang thành nghệ thuật. Muiccia Prada từ bỏ việc tập trung sử dụng các loại vật liệu đắt tiền và quý hiếm để chế tạo sản phẩm mà chuyển sang sử dụng các loại vật liệu hết sức tầm thường, rẻ rúng mà lại rất sẵn như ni lông hay vải dù quân sự chứ không phải da hay lông thú.
Muiccia Prada không chỉ nhằm vào diện khách hàng truyền thống như từ trước tới nay, mà còn dành ưu tiên cao hơn cho những diện khách hàng đặc biệt mà gần như chẳng có hãng thời trang nào để ý đến như giới trẻ hay những người béo phì. Muiccia Prada không để bị chi phối bởi sự kết hợp hài hoà giữa các sắc màu theo quan điểm thẩm mỹ truyền thống mà nhấn mạnh tính sặc sỡ và rực rỡ của các màu sắc.
Đơn giản mà hiện đại, mốt thời thượng mà bền, lịch sự mà gợi cảm, sang trọng mà không quá đắt khiến khách hàng cảm giác như sản phẩm đó được thiết kế và chế tạo dành cho riêng mình – đó chính là bí quyết kinh doanh, là triết lý trong hoạt động và bản sắc của thương hiệu này ngày nay dưới sự điều hành của Muiccia Prada. Trong thế giới thời trang gần như không có thương hiệu nào kết hợp thành công được hơn Prada trên những phương diện đó. Cùng sản phẩm ấy thôi mà tạo được ấn tượng xa xỉ ở nơi cần phải tỏ ra xa xỉ và lịch sự đúng mức ở nơi phải tránh tạo ấn tượng xa hoa phung phí.
Nhẹ và tiện lợi mà vẫn được coi là mốt thời thượng và sang trọng – Bí quyết kinh doanh của Prada dưới thời Muiccia Prada gần như tương phản hoàn toàn với những thời trước. Về sau, Prada cũng mở rộng sang nhiều dòng sản phẩm khác và cũng rất thành công. Cái cách đi ngược trào lưu ấy cho tới hiện tại mới chỉ thấy thành công được ở thương hiệu Prada.
Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật thứ bảy cũng đã lựa chọn Prada làm biểu trưng cho thế giới thời trang. Bộ phim “The Devil wears Prada” với minh tinh màn bạc Meryl Streep trong vai chính là bà chủ bút tạp chí thời trang “Runway” đã từng được coi là một trong những sự kiện điện ảnh Hollywood. Bộ phim không kể về lịch sử thương hiệu mà phơi bày những ngang trái và góc khuất trong thế giới thời trang.
Nghệ thuật đúng là có giúp làm tăng giá trị thương hiệu, nhất là điện ảnh. Nhưng bản thân thương hiệu đã phải có chất và danh giá như thế nào thì nghệ thuật thứ bảy mới phải cần đến nó.
Prada đã làm được việc ấy cho dù về doanh số và cả bề dày truyền thống đều không bằng hoặc chưa bằng rất nhiều thần dân khác trong thế giới thương hiệu. Nền chính trị ở đất nước Italia ngày xửa không biết có khác gì nhiều ngày nay không nếu như hồi ấy cô gái Muiccia Prada tham gia cuộc chơi chính trị quyền lực? Nhưng có điều chắc chắn là nếu không có cô gái này và bí quyết kinh doanh tuyệt vời của cô thì thương hiệu Prada không thể được như ngày nay.
Theo VEF
Sách Marketing giỏi phải kiếm được tiền – The End of Marketing as We Know It