PYN Elite: Nhà đầu tư cá nhân đang chuyển tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán
Các công ty chứng khoán ước tính rằng việc sử dụng hạn mức tín dụng cho các tài khoản chứng khoán đã tăng 30-40% kể từ đầu năm và các khách hàng cá nhân đang bắt đầu chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng trở lại thị trường chứng khoán…
Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 5/2023 với hiệu suất đầu tư đạt 1,75%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan ghi nhận 6,29%, bám sát với mức tăng gần 7% của VN-Index.
Hiệu suất của quỹ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh Vn-Index tăng 2,5% nhiều ngành đồng loạt hồi phục mạnh. Nhóm vốn hóa nhỏ tăng 9,7%, VN Mid-cap tăng 4,3%, trong khi VN30 chỉ tăng 1,4%. PYN Elite tăng 1,8% chủ yếu nhờ mức tăng trưởng bởi hai cổ phiếu trong danh mục gồm VHM và STB.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 5, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE tăng lên 620 triệu USD/ngày và cao nhất trong 5 tháng. Vào cuối tháng 5, giao dịch hàng ngày tiếp tục tăng lên 800 triệu USD. Các công ty chứng khoán ước tính rằng việc sử dụng hạn mức tín dụng cho các tài khoản chứng khoán đã tăng 30-40% kể từ đầu năm và các khách hàng cá nhân đang bắt đầu chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng trở lại thị trường chứng khoán.
Theo Pyn Elite Fund, dữ liệu vĩ mô của Viêt Nam tương đối ổn định. Tăng trưởng doanh số bán lẻ giữ ở mức tăng 11,5% so với cùng kỳ trong tháng 5, nguyên nhân nhờ hàng hóa ổn định và sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động mua sắm giá trị lớn. Xuất khẩu tiếp tục cho thấy sự cải thiện, sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 0,1%. Đầu tư công tăng 18% so với cùng kỳ và dự kiến tốc độ tăng sẽ mạnh lên trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi và lãi suất thế chấp giảm trung bình 150 điểm cơ bản so với đầu năm.
Giới chuyên gia dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2023, dao động từ 25 điểm cơ bản đến 100 điểm cơ bản, do những cơn gió ngược tăng trưởng và áp lực lạm phát, ngoại hối giảm bớt.
Tại thời điểm 31/5/ 2023, giá trị tài sản ròng/ccq của PYN Elite Fund đạt hơn 420 Euro. Quy mô danh mục (AUM) đạt hơn 73 triệu Euro tương đương 18.325 tỷ đồng, tăng khoảng 11 triệu Euro (275 tỷ đồng) so với thời điểm cuối tháng 4/2023.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm gần 88% danh mục của quỹ, không nhiều thay đổi so với cuối tháng trước với VHM, 5 cổ phiếu ngân hàng (CTG, STB, TPB, MBB, HDB), chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính – nơi 90% là cổ phiếu ngân hàng, cùng một vài cái tên quen thuộc khác như ACV, VEA, VRE…
Hiện, VHM đứng đầu danh mục của PYN Elite Fund với tỷ trọng 14,7%, tăng 1,3% so với tháng trước; CTG đứng vị trí thứ 2 trong danh mục (tỷ trọng 13%, giảm 4,5% so với tháng trước), STB chiếm 11% (giảm 1,1%) trong khi VRE đứng liền sau với tỷ trọng 9,7% (giảm 0,1% so với tháng trước).
Một số cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ ghi nhận hiệu suất khả quan, như STB tăng 9,5%, VHM tăng 8,1% và MIG tăng 6,6%. Trong khi đó, CTG diễn biến kém nhất với mức giảm 2,9% trong tháng 5, VRE và CMG lần lượt giảm 2,2% và 1,8%.
Đánh giá riêng về MIG, theo Pyn Elite Fund, cổ phiếu này là ngôi sao đang lên trong số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Công ty đã tăng tổng thu nhập từ phí lên 27,6% hàng năm (CAGR) 2019-2022, tức là gấp ba lần mức trung bình của ngành (9%). MIG tăng thị phần thêm 2,9%, từ vị trí thứ bảy lên thứ năm. Ban quản lý của MIG rất sáng tạo và công ty đang đi đầu trong việc phát triển bảo hiểm kỹ thuật số, doanh số bán hàng đã tăng 100% vào năm ngoái, chiếm 30% tổng doanh số bán hàng. Là công ty con của MBB, MIG có thể tận dụng cơ sở khách hàng và mạng lưới chi nhánh của ngân hàng. Mục tiêu hàng năm của MIG rất tham vọng: tăng trưởng lợi nhuận 75% và đứng thứ 4 thị phần.
Tiến Phát