Thị trường sẽ ra sao sau khi VN-Index mất mốc 1.200 điểm?
Việc đảm bảo một kỷ luật trong đầu tư, giữ cho tài khoản luôn trong thế chủ động và chờ đợi sự cân bằng xuất hiện sẽ là những điều NĐT nên quan tâm cho tuần lễ tiếp theo.
Đà lao dốc tuần qua đã kéo chuỗi giảm điểm của VN-Index lên 6 tuần liên tiếp, dài nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Ông nhìn nhận như thế nào về những diễn biến của thị trường thời gian qua?
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Giám đốc Phân tích khối KHCN CTCK MayBank KimEng (MBKE): Việc thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index lao dốc rất nhanh (-22%) trong một khoảng thời gian dồn dập (6 tuần liên tiếp) là diễn biến rất kém trong giai đoạn vừa qua. Có nhiều nguyên nhân đã được nói đến suốt thời gian rồi, nhưng theo tôi có thể hiểu đơn giản đây là hệ quả của sự cộng hưởng đến từ 3 yếu tố chính gồm:
(1) Thông tin tiêu cực trên thị trường thế giới, tựu chung liên quan đến lạm phát, điều hành lãi suất của FED, phong tỏa tại Trung Quốc vì Covid và chiến sự giữa Nga – Ukraine.
(2) Thông tin trong nước liên quan đến các hoạt động thanh lọc thị trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu.
(3) Các áp lực bán “bị động” liên quan đến hoạt động giải chấp, hoặc có liên quan đến các giao dịch phái sinh góp phần “khuếch đại” chiều bán ra trong lúc lực cầu trên thị trường đang ở thế thận trọng.
Tâm lý của NĐT bị thử thách nghiêm trọng khi VN Index giamr 25%, trong khi cơ cấu về nhóm nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam lại chiếm tỷ trọng cao và phần lớn trong số này lại là các nhà đầu từ F0 chỉ mới tham gia thị trường trong hơn 1 năm trở lại đây. Tất cả những vấn đề này cộng hưởng lại, đã tạo ra làn sóng bán tháo liên tục trên thị trường, đặc biệt trong tuần lễ vừa qua khi mà sự hoảng loạn của NĐT đã và đang dẫn đến tâm lý “bán bằng mọi giá” để thoát khỏi thị trường. Khi niềm tin đã bị tổn hại quá nhiều và phần lớn trong số này (các nhà đầu tư F0) rõ ràng chưa hề chuẩn bị cho “cú sock” này khi tham gia vào thị trường, việc họ bán bất chấp là điều có thể hình dung được.
Ông Dương Văn Chung – Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS): Để đánh giá xu hướng thị trường, tôi cho rằng cần nhìn nhận dưới góc nhìn lớn của một chu kỳ kinh tế. Tôi dự báo chúng ta đang vào nhịp kết thúc một chu kỳ kinh tế rất lớn kéo dài từ tháng 2/2009 đến nay. Từ 2/2009 đến nay thị trường tài chính toàn cầu Uptrend chủ yếu là do FED bơm tiền mạnh. Chu kỳ đó phải kết thúc từ năm 2020, song do dịch bệnh nên phải thêm gói kích thích kinh tế khiến lượng tiền bơm ra nền kinh tế quá mức dẫn đến “Uptrend Thịnh Vượng Ảo”. Sở dĩ con sóng uptrend lớn diễn ra trong thời gian qua được nuôi dưỡng bằng việc bơm tiền mạnh, khi FED rút đi để kiềm chế áp lực lạm phát thì xu hướng giảm của thị trường là không tránh khỏi.
Đặc biệt, vấn đề lạm phát thế giới tăng cao còn có nguy cơ dẫn đến tình trạng “lạm phát đình đốn”. Tuy thời điểm này lạm phát tại Việt Nam vẫn được kiểm soát, song rủi ro vẫn còn tiềm ẩn khi thị trường chứng khoán luôn đi trước vĩ mô từ 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, việc siết lại dòng tiền trái phiếu cũng ảnh hưởng lớn đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Tôi đánh giá vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, triển vọng doanh nghiệp cũng khá tốt. Tuy nhiên yếu tố quyết định đến thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn là câu chuyện của dòng tiền. Do đó, tôi cho rằng dòng tiền trong nước và vĩ mô thế giới bất ổn là những yếu tố khiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Theo tôi, diễn biến tiêu cực đang xảy trên hầu khắp các thị trường chứng khoán thế giới, chứ không chỉ riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam. Các thị trường tài chính thường có mối quan hệ mật thiết và hoạt động như những bình thông nhau. Khi các ngân hàng Trung Ương đóng vai trò là các van bơm nước- bơm tiền vào thị trường, nay lại xiết van đã khiến cung tiền không còn đủ dồi dào. Thêm vào đó, các chính sách tiền tệ với mục đích kiềm chế lạm phát lại đang hút dần dòng tiền làm thị trường hụt hơi khi giảm về các mốc hỗ trợ quan trọng. Vì vậy, sau khi bước qua giai đoạn tăng nóng 2020-2021, đà tăng của các loại tài sản như bất động sản và cổ phiếu có thể sẽ bị chững lại và quay đầu.
Sau khi đánh mất mốc 1.200 điểm, anh đánh giá thị trường tuần tới sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Điều đầu tiên cần khẳng định là rủi ro thị trường vào lúc này đang ở mức cao, trong một bối cảnh mà gia tốc giảm vẫn rất mạnh và niềm tin đang không có như đã trao đổi bên trên, sẽ rất khó để dùng các lập luận thông thường đưa vào dự báo.
Dù vậy, tôi cho rằng yếu tố niềm tin là thứ rất dễ đánh mất nhưng cũng rất dễ hồi sinh khi NĐT được giải tỏa một phần nào đó các nút thắt về tâm lý. Có lẽ giai đoạn hiện nay, đây là điều cần nhất trước khi bàn về các vấn đề liên quan đến định giá hay triển vọng của TTCK Việt Nam.
Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin vừa đưa ra vào cuối tuần này của UBCKNN liên quan đến việc cung cấp trở lại dữ liệu về tự doanh của CTCK và điều chỉnh cách tính giá hợp đồng tương lại VN30 ngày đáo hạn. Cần nói thêm rằng không hẳn việc suy giảm mạnh hiện nay đến chủ yếu từ các yếu tố này, nhưng nút thắt tâm lý của NĐT rõ ràng có liên quan đến những vấn đề này (tự doanh CTCK và phái sinh), do đó đây là các thay đổi theo tôi là cần thiết và theo chiều hướng có lợi cho tâm lý NĐT.
Còn lại trong ngắn hạn, có lẽ việc đảm bảo một kỷ luật trong đầu tư, giữ cho tài khoản luôn trong thế chủ động và chờ đợi sự cân bằng xuất hiện sẽ là những điều NĐT nên nghĩ đến cho tuần lễ tiếp theo.
Ông Dương Văn Chung: Cá nhân tôi cho rằng tầm nhìn trong ngắn và trung hạn thị trường có thể có nhịp hồi phục, song xu hướng dài hạn chung vẫn rơi vào trạng thái downtrend. Theo đó, trong tuần sau VN-Index có thể tạo đáy trong khoảng 1.150 – 1.160 điểm. Sau khi tạo đáy tại đây, VN-Index sẽ hồi phục rất mạnh liên tục trong 2 – 3 tuần với nhiều mã hồi 25 – 40% tính từ đáy.
Bởi trong thị trường trong downtrend thường có xu hướng “giảm sâu bật mạnh” khi xuất hiện tình trạng kiệt cung và sức cầu lớn. Về lượng cung, trừ những người đã bị buộc phải bán do áp lực margin, những người còn lại sẽ kiên quyết giữ cổ phiếu khiến lực cung ít đi. Lực cầu cũng sẽ xuất hiện khi những nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp đang cầm tiền có xu hướng tìm kiếm sóng hồi để “bắt đáy” và những nhà đầu tư dài hạn cũng giải ngân từng phần khi P/E rơi về mức thấp. Từ việc cạn cung cộng thêm cầu bắt đáy có thể sẽ tạo ra một con sóng hồi trong thời gian tới, dù những yếu tố này không đủ lực để tạo nên uptrend rất mạnh.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi quan sát, thị trường đầu tuần tới có thể sẽ còn tiếp tục chịu nhiều biến động. Mốc hỗ trợ 1.200 điểm nay lại trở thành vùng kháng cự của chỉ số, do đó sẽ có rung lắc xả ra khi VN-Index tiệm cận về vùng này. Trên đồ thị tuần, đang xuất hiện cây nến đỏ Marubozu cho thấy phe bán đang chiếm ưu thế áp đảo, lực cầu không hề tham gia hoặc chỉ tham gia mua yếu ớt. Ngoài ra, tuần sau cũng là tuần diễn ra phiên đáo hạn phái sinh, do đó khả năng cao có nhiều diễn biến bất thường. Nhất là trong giai đoạn thị trường chứng khoán phái sinh đang được nhiều nhà đầu tư chú ý và tham gia. Dự báo đầu tuần VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.150 điểm sau đó phục hồi lên quanh vùng 1.200 điểm vào cuối tuần.
Trong khi nhà đầu tư cá nhân bán mạnh, khối ngoại lại có xu hướng mua ròng trong thời gian gần đây. Anh đánh giá như thế nào về sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm thị trường biến động mạnh như hiện tại?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Nhìn vào dữ liệu có thể thấy được sự trở lại của dòng tiền NĐTNN từ giai đoạn cuối tháng 3 cho đến nay, khá trùng hợp cũng là lúc mà TTCK Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn giảm sốc kéo dài cho đến hiện tại. Theo tôi việc các NĐTNN mua ròng mạnh và thường xuyên trong bối cảnh TTCK Việt Nam giảm mạnh thời giai qua là một chỉ dấu tốt, nó cho thấy dòng tiền này đã và đang đánh giá có được các cơ hội đầu tư triển vọng dành cho đồng vốn của họ và thông thường với nhóm NĐTNN thì tầm nhìn cho các cơ hội đầu tư này sẽ là trung dài hạn, hay nói cách khác, diễn biến này phản ánh kỳ vọng của họ về triển vọng trung dài hạn của TTCK Việt Nam sẽ sáng sủa.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tôi đánh giá đây là một tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán trong nước, khi đa số các thị trường trong khu vực đang chịu bán ròng thì Việt Nam lại là một trong những thị trường hiếm hoi dòng vốn ngoại vẫn hoạt động tích cực. Từ đầu tháng 4 vừa rồi nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 5.500 tỷ trên sàn. Đóng góp chính đến từ các quỹ ETF, trong đó chủ đạo là dòng vốn đến từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
Vì vậy, xu hướng dòng tiền khối ngoại sắp tới theo tôi sẽ phân hóa theo các cặp tiền tệ chủ chốt. Dòng vốn đến từ Mỹ có thể tiếp tục gặp áp lực và bán ròng tại Việt Nam khi USD đang lên giá mạnh. Ngược lại đồng VND vẫn đang giữ giá khá tốt, thậm chí tăng giá so với EUR và đồng tiền các khu vực châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
Tôi kỳ vọng dòng vốn đến từ các quốc gia này sẽ tiếp tục được thu hút để đón đầu xu hướng đẩy mạnh đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hồi phục sau Covid tại Việt Nam. Ngoài ra, UBCKNN gần đây cũng đã thông báo sẽ đẩy nhanh các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, giúp tăng tính hấp dẫn với nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Có nhiều ý kiến cho rằng P/E thị trường ở mức 12,7 lần – vùng định giá hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Hãy nhìn vào bảng thống kê mà chúng tôi thực hiện. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, TTCK toàn cầu đều ghi nhận suy giảm, nhưng cần thừa nhận mức giảm tại TTCK Việt Nam đang có gì đó rất không hợp lý khi VN-Index (-22%) thậm chí điều chỉnh mạnh hơn cả “tâm bão” Nasdaq (-20%), nơi được cho là sẽ chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất từ vấn đề lạm phát và việc điều hành lãi suất của FED. Trung bình mức suy giảm của các TTCK Đông Nam Á khác là -6,9%, đây cũng là con số rất đáng suy nghĩ khi đặt bên cạnh mức giảm 22% của VN-Index.
Đó là thuần túy về % biến động. Còn về định giá thì sao? PE dự phóng của TTCK Việt Nam tính đến hiện tại đã dưới 12 lần, thấp hơn đáng kể so với các TTCK Đông Nam Á khác và cũng là mức chỉ xuất hiện trong những lần TTCK Việt Nam bị bán tháo mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Vì vậy nếu xét về định giá, tôi nghĩ có thể nói không có gì quá ngần ngại là TTCK Việt Nam đã rẻ hơn đáng kể dù là so với bình diện khu vực hay so với chính nó trong quá khứ.
Tất nhiên, việc thị trường có thể còn rẻ hơn nữa trong ngắn hạn trước khi được nhìn nhận lại một cách phù hợp là câu chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Mỗi một NĐT hay chuyên gia đều có thể tự đưa ra cho mình các kịch bản phù hợp trong ngắn hạn, có thể là 1.150, 1.100 hay 950, nhưng không thể dùng nó để bảo rằng mức giá hiện nay của thị trường là đắt, tôi không đồng tình với điều đó.
Lựa chọn làm gì vào lúc này là rất tùy từng tầm nhìn và tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu hiện nay của từng NĐT, sẽ rất khó có thể đưa ra một lời khuyên chung vào lúc này, nhưng tôi có niềm tin rằng khi những hoảng loạn qua đi, TTCK sẽ quay lại với những vận hành và nhìn nhận thông thường vốn có của nó.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tôi đồng ý với quan điểm này. Về dài hạn, mức P/E hiện tại của thị trường đang khá hấp dẫn so với trong khu vực và tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022. Quan sát diễn biến lịch sử, chúng ta thấy rằng trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ có 3 lần P/E của thị trường về tiệm cận mức này. Lần đầu vào năm 2012, P/E ~ 11.x khi lãi suất huy động tiền gửi tăng lên đỉnh 14%/năm, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng và hầu như tác động tới mọi ngành nghề.
Lần thứ 2 vào năm 2016, P/E ~12.x khi Fed tăng lãi suất và chấm dứt chương trình lới lỏng định lượng khiến dòng tiền bị rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi. Lần thứ 3 vào tháng 3 năm 2020, P/E ~10.x khi dịch Covid xảy ra khiến kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán sau đó vẫn tiếp tục đi lên với giá trị ngày càng cao hơn. Vì vậy, tôi cho rằng thời điểm hiện tại đã thích hợp để gom dần cổ phiếu với mục đích đầu tư dài hạn.
Hành động như thế nào là điều nhà đầu tư rất quan tâm trọng lúc này, đặc biệt, đối với những nhà đầu tư có tài khoản thua lỗ 30-50% nên xử lý ra sao?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Như đã lưu ý bên trên, sẽ là bất khả thi để có một lời khuyên chung dành cho tất cả NĐT vào lúc này khi mà tầm nhìn, tỷ trọng cổ phiếu, ngưỡng chấp nhận rủi ro của mỗi người là mỗi khác. Nếu có thể, tôi nghĩ rằng bản thân mỗi NĐT vào lúc này sẽ cần tự đối thoại với bản thân, nhìn nhận lại tất cả những vấn đề hiện nay của mình và đưa ra câu trả lời cho việc đầu tư.
Trên hết trong ngắn hạn, có lẽ cần quan tâm nhất đến sự chủ động và an toàn vốn của tài khoản vì dù TTCK hiện nay dù đã rẻ (như đã trình bày bên trên) nhưng hoàn toàn có thể rẻ hơn, việc đoán đáy thị trường là điều không thực tế. NĐT sau khi đã đảm bảo được sự chủ động và an toàn vốn, sẽ cần tự trả lời câu hỏi niềm tin của họ dành cho TTCK Việt Nam trong thời gian tới có còn hay không, từ đó cân nhắc việc có tiếp tục việc đầu tư hay dừng lại.
Ông Dương Văn Chung: Như đã phân tích ở trên, khả năng cao thị trường sẽ hồi phục sau khi tạo đáy ở ngưỡng 1.150 – 1.160. Tôi cho rằng nhà đầu tư không nên bán tháo trong tuần tới mà hãy kiên nhẫn chờ đợi nhịp hồi của thị trường để cơ cấu lại danh mục.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong giai đoạn hiện tại, tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên nhẫn và chờ đợi tín hiệu xác nhận đảo chiều từ thị trường để tham gia. Đối với những nhà đầu tư đang trong tình trạng bị thua lỗ 30-40%, thì phải còn phụ thuộc vào cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Đối với những mã đầu cơ, thị giá bị thổi phồng vượt qua giá trị thì nên canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng.
Đối với những mã có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, thì có thể mua vào tại những vùng hỗ trợ để hạ thấp giá vốn của cổ phiếu. Tôi vẫn tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển và đi lên trong tương lai, do đó nhà đầu tư nên mua một cổ phiếu tốt ở giá trung bình thay vì mua cổ phiếu trung bình ở giá tốt.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán hết “dễ dãi” có lẽ cũng sẽ đặt dấu chấm cho “cuộc đua” ba chữ cái của nhiều nhà đầu tư. Sau những cú sốc thời gian qua, chắc hẳn sẽ có một lớp nhà đầu tư F0 rời bỏ thị trường. Theo anh, bài học nào cho những người ở lại?
Ông Nguyễn Thanh Lâm: Ở thời điểm hiện nay khi chúng ta vẫn đang ở trong cơn bão của sự hoảng loạn, có lẽ rất đông các NĐT, đặc biệt là nhóm NĐT F0 sẽ cảm thấy rất sốc, một phần trong số này sẽ không thể vượt qua cú sốc này và rời bỏ thị trường. Cá nhân tôi nghĩ đây chưa phải là lúc để ngồi lại và nói về các bài học nào đó cho cả những NĐT lâu năm hay F0 trên thị trường.
Sau cơn bão này, khi mọi thứ dần bình tĩnh hơn trở lại, tôi nghĩ rằng có những bài học mà tất cả chúng ta sẽ cần phải “ôn lại” vì thật ra nó không phải là những vấn đề gì mới, nhưng vẫn là những bài học rất “khó nhớ” dành cho tất cả NĐT chứ không riêng gì NĐT F0. Đó là việc NĐT liệu đã bước vào việc đầu tư với một tâm thế như thế nào? Là việc một lần nữa nhìn lại cách chúng ta đối mặt với rủi ro và cách chúng ta sẽ kiểm soát rủi ro như thế nào?…Rất nhiều điều sẽ cần được nói với nhau.
Ông Dương Văn Chung: Bản thân tôi cũng từng “sống sót” qua rất nhiều đợt downtrend vào năm 2010, 2012 và 2018. Bài học nhà đầu tư nên nhớ thời điểm này là không sử dụng đòn bẩy và không mua trung bình giá. Có rất nhiều người bắt đáy liên tục mà không có kiến thức, thấy chỉ số P/E thấp nghĩ là rẻ và mua vào mà bỏ qua yếu tố dòng tiền và chu kỳ kinh tế. Do đó, nhà đầu tư cần thật tỉnh táo để nhận diện những xu hướng tiếp theo của thị trường và đưa ra quyết định phù hợp. Còn đối với nhà đầu tư không chuyên tôi cho rằng nên đứng ngoài và chờ đợi khi vĩ mô ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi, thị trường năm nay đã không còn dễ dàng, đòi hỏi nhà đầu tư phải “đãi cát tìm vàng” để lựa chọn được cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư trước khi xuống tiền cần phải tìm hiểu rõ câu chuyện tăng trưởng của cổ phiếu là gì? Trường hợp câu chuyện tăng trưởng mang tính dài hạn, bền vững, sẽ thích hợp để đầu tư trung và dài hạn. Ngược lại nếu là những yếu tố tăng trưởng mang tính ngắn hạn thì sẽ phù hợp để trading đánh nhanh rút gọn, và cần tuân thủ kỷ luật trading.
Việc nhầm lẫn giữa đầu tư dài hạn và trading ngắn hạn có thể khiến nhà đầu tư nguy cơ cao rơi vào trạng thái “kẹp hàng”. Đối với một cổ phiếu không xác định được câu chuyện tăng trưởng thì nhà đầu tư không nên giải ngân. Bài học tiếp theo là phải xác định rõ thời điểm chốt lời và cắt lỗ của cổ phiếu. Bởi trong thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp giá cổ phiếu tăng tốt nhưng nhà đầu tư không bán, và sau đó giảm sâu xuống thấp hơn mức giá vốn. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều trường hợp cháy tài khoản do không tuân thủ kỷ luật cắt lỗ. Tuy câu trả lời phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, song trước khi giải ngân chúng ta nên đặt ra những phương án cụ thể và hành động để tránh bị động trước các diễn biến xấu của thị trường.
Nguồn: Cafef
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)