fbpx

Tiền là động lực chung nhất, ranh mãnh nhất, phi thường nhất, nham hiểm nhất, và bị hiểu sai nhiều nhất trong đời sống đương đại

“Tiền bạc giống như chiếc khuyên sắt mà chúng ta xỏ qua mũi. Chúng ta đang bị nó lôi đi lòng vòng đến bất cứ nơi nào nó muốn. Chúng ta đã hoàn toàn quên mất rằng: chính chúng ta mới là những người thiết kế ra chiếc khuyên sắt đó” – Mark Kinney,

Tại một ngôi làng thịnh vượng nằm sâu trong rừng nhiệt đới Amazon, cách nền văn minh nhân loại mà chúng ta quen thuộc khoảng mười ngày đường đi bộ, Chumpi Washikiat và những người cùng tộc đang tham gia vào một cuộc phiêu lưu táo bạo, dũng cảm, mạo hiểm và hoàn toàn mới mẻ. Họ đang học cách sử dụng tiền.

Mặc dù đã 26 tuổi, nhưng mãi đến vài năm trước, Chumpi vẫn rất ít tương tác với tiền. Bộ tộc Achuar của anh vẫn sống mà không biết tiền là gì trong cả ngàn năm lịch sử. Suốt khoảng thời gian đó, các thế hệ người Achuar cứ trưởng thành, làm việc nuôi gia đình, xây dựng nhà cửa, và duy trì cộng đồng của họ mà không cần đến tiền. Những người dân bản xứ này đã và đang sinh sống hòa hợp với thứ có ảnh hưởng quan trọng nhất đến cuộc sống hàng ngày của họ – đó là mẹ thiên nhiên, mối quan hệ giữa con người với nhau và với khu rừng. Họ hoàn toàn không thiết lập bất cứ mối quan hệ nào với tiền bạc. Đơn vị tiền tệ xã hội của họ là sự trao đổi. Nghĩa là tất cả mọi người đều chia sẻ với những người khác, và tất cả mọi người đều chăm sóc những người khác. Nếu con gái của Tantu cưới con trai của Natem, thì bạn bè và hàng xóm sẽ cùng xây dựng cho cặp đôi mới một ngôi nhà. Khi một thợ săn giết được một con lợn rừng, cả làng sẽ liên hoan mở tiệc. Những thăng trầm trong cuộc sống của họ hầu như đều bắt nguồn từ thiên nhiên. Những trận chiến nổ ra đều vì vấn đề danh dự. Và tiền bạc chẳng có vai trò gì trong những việc này cả.

Chumpi trưởng thành trong môi trường này, nhưng số phận đã định rằng anh sẽ trở thành một phần của thế hệ thay đổi tất cả những điều đó. Trong những năm đầu của thập niên 1970, thông
qua những nhà truyền giáo, bộ tộc Achuar đã có những tương tác đầu tiên với thế giới hiện đại. Trong vòng hai thập kỷ, đất đai của tổ tiên họ bỗng trở thành mục tiêu của các công ty dầu và bị các lợi ích thương mại khác nhắm tới. Việc đó mang đến nguy cơ rừng mưa nhiệt đới có thể bị quét sạch để lấy được các tài nguyên như gỗ và dầu nằm dưới lòng đất. Vào năm 1995, chồng tôi, Bill, và tôi đã được các nhà lãnh đạo bộ tộc Achuar mời trở thành đồng minh của họ trong nỗ lực bảo vệ đất đai và lối sống của tổ tiên. Đây là lý do thúc đẩy tôi gặp được Chumpi, một thanh niên Achuar khéo léo, một chiến binh của bộ tộc.

Vài năm sau cuộc gặp đầu tiên đó, Chumpi đã được các trưởng lão và lãnh đạo của bộ tộc Achuar chọn gửi đến Mỹ du học. Anh là người Achuar đầu tiên học tiếng Anh – một công cụ cần thiết nếu người Achuar muốn bảo tồn hoặc giao thương hiệu quả với thế giới bên ngoài. Đồng thời, Chumpi cũng bắt đầu học một loại ngôn ngữ khác của thế giới Tây phương đương đại: ngôn ngữ của tiền. Đó là vốn từ vựng bắt buộc để tồn tại trong một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới anh từng sống – một thế giới mà hầu như tất cả mọi người và mọi thứ đều bị tiền bạc điều khiển, thậm chí là độc quyền.

Trong thời gian ở Mỹ, Chumpi đã sống tại nhà của chúng tôi, tham dự các lớp học tại một trường cao đẳng gần đó, và chăm chỉ học tiếng Anh. Những bài học về tiền bạc xuất hiện với tần suất
như nhịp hít thở vậy. Dù anh đi đến đâu, thì ngôn ngữ và ý nghĩa của tiền luôn hiện diện, từ các biển chào hàng, các tin quảng cáo và thương mại, đến thẻ giá trên chiếc bánh nướng xốp tại tiệm bánh địa phương. Khi nói chuyện với các sinh viên khác, anh khám phá ra hy vọng, ước mơ và triển vọng đối với cuộc sống sau khi tốt nghiệp, hoặc như họ luôn nói, là “cuộc sống trong thế giới thực”, thế giới được thống trị bởi tiền bạc. Anh bắt đầu nhận ra bản chất của cuộc sống ở Mỹ: rằng hầu như tất cả mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta và tất cả các lựa chọn chúng ta đưa ra – từ thức ăn chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, ngôi nhà chúng ta sống, trường lớp chúng ta học, công việc chúng ta làm, tương lai chúng ta mơ ước, đến việc kết hôn hay có con hay không, và thậm chí cả yêu đương nữa – tất cả mọi thứ đều bị ảnh hưởng bởi thứ gọi là tiền bạc.

Chumpi nhanh chóng nhận ra rằng giờ đây, anh và đồng bào mình đã ít nhiều có mối liên hệ tới tiền. Tiền đã có ý nghĩa nhất định với họ. Nếu người Achuar muốn cứu cánh rừng nhiệt đới trên
quê hương mình, họ sẽ phải đối diện với thực tế rằng: đối với thế giới ngoài kia, cánh rừng đó có tiềm năng kiếm được rất nhiều tiền. Một số bộ tộc ít người khác sống trong cùng khu vực đã phải trả giá rất đắt mới học được khái niệm tiền bạc. Họ đã đổi quyền sở hữu đất đai để lấy tiền, và số tiền đó đã nhanh chóng tan biến. Hậu quả là, họ đánh mất tất cả: đất đai, nhà cửa, lối sống và các di sản mà xưa nay họ luôn sở hữu.

Người Achuar đã học được một bài học lớn từ tình cảnh bi thảm của những bộ tộc láng giềng. Họ nhận ra thách thức lớn nhất của mình là phải sử dụng sức mạnh của tiền một cách rõ ràng và
nhất quán để phục vụ cho mục tiêu chính: bảo vệ rừng mưa nhiệt đới và quản lý nguồn tài nguyên trong đó, nhằm tạo ra một tương lai bền vững cho bản thân và mọi sự sống trong cánh rừng. Họ hiểu được rằng mối quan hệ mới và chưa từng có trong lịch sử này – mối quan hệ với tiền – phải được đặt trên nền tảng vững chắc là các giá trị cốt lõi và những cam kết cao cả nhất giữa họ với cuộc sống và với vùng đất này. Nếu không, tiền bạc sẽ hủy hoại họ, như nó đã làm với những bộ tộc láng giềng khác. hách thức này vẫn còn hiện diện đến tận ngày nay – nó vẫn đang thử thách độ bền vững của các mối quan hệ, cũng như thử thách các nguyên tắc cộng đồng đã tồn tại từ xưa trong nền văn hóa của họ.

Khi người Achuar sống trong “ngôi nhà rừng rậm” của mình, họ sống sung túc và có mọi thứ họ cần. Cuộc sống như vậy đã kéo dài hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Nhưng chỉ cần bước ra khỏi rừng, tiến vào thế giới hiện đại, lập tức họ sẽ không có đồ ăn, không tìm được nhà ở và không thể sống mà không có tiền. Tiền không phải là thứ họ có thể lựa chọn; nó là một yêu cầu bắt buộc phải có. Nhờ may mắn được chứng kiến và có cơ hội tham gia vào những liên kết đầu tiên của người Achuar với thế giới tiền bạc, Bill và tôi cảm thấy bị thôi thúc phải đánh giá lại mối quan hệ giữa tiền bạc với chúng ta, và với nền văn hóa của chúng ta.

Cũng giống như Chumpi và bộ tộc Achuar, tất cả chúng ta đều có một mối quan hệ có thể nhận biết được với tiền bạc – dù đa số chúng ta đều chưa ý thức và kiểm chứng việc này, và mối quan hệ đó chính là thứ định hình nên trải nghiệm sống và những cảm xúc sâu xa nhất của chúng ta về bản thân hay về người khác. Dù đồng tiền bạn đang sử dụng là đô la Mỹ, yên Nhật, rupee Ấn Độ hay dracma Hy Lạp, thì tiền luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống con người hiện đại. Tiền rất quan trọng trong cuộc sống của tôi, và nó cũng là vấn đề quan trọng đối với tất cả những người tôi từng gặp, bất kể họ sở hữu nhiều hay ít tiền đi chăng nữa.

Tất cả chúng ta đều quan tâm đến tiền bạc, và gần như tất cả chúng ta đều cảm thấy lo lắng, thậm chí là sợ hãi, trước ý nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ có đủ tiền hoặc có đủ khả năng giữ tiền. Nhiều người giả vờ rằng tiền không phải là thứ quan trọng với họ, hoặc nghĩ rằng tiền không nên trở thành một thứ quan trọng trong cuộc sống của họ. Nhiều người khác thì công khai sống một cuộc đời đặt tiền lên trên hết. Dù chúng ta có hay không có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, thì nỗi lo không, hoặc sẽ không có đủ tiền sẽ luôn khiến trái tim ta bứt rứt không yên. Chúng ta càng cố gắng kiếm tiền, hoặc lờ đi các vấn đề về tiền bao nhiêu, thì tiền càng kìm hãm ta bấy nhiêu.

Dù nhìn tiền bạc trên bối cảnh cuộc sống cá nhân hay gia đình, nơi làm việc hay trên bối cảnh về sức khỏe và phúc lợi xã hội, mọi chuyện cũng chẳng có gì thay đổi: Tiền là động lực chung nhất,
ranh mãnh nhất, phi thường nhất, nham hiểm nhất, và bị hiểu sai nhiều nhất trong đời sống đương đại.

Nguồn: Trích sách Linh hồn của tiền

Có thể bạn quan tâm:
Linh hồn của tiền

Đánh thức “sự giàu có” từ nội lực của chúng ta

Linh hồn của tiền

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề