Trung Quốc tranh luận về chính sách mở cửa kinh tế
Dư luận Trung Quốc dấy lên tranh luận về lựa chọn tiếp tục đóng hay mở cửa kinh tế, sau gần ba năm nước này theo đuổi chiến lược “Không Covid”.
Dư luận Trung Quốc gần đây xôn xao với cuộc tranh luận trên mạng xã hội giữa hai học giả hàng đầu về chính sách kinh tế tiếp theo của đất nước.
Ôn Thiết Quân, 71 tuổi, chuyên gia nổi tiếng về chính sách nông nghiệp và nông thôn, cho rằng Trung Quốc cần đề cao nền kinh tế “hướng tới con người” bằng cách thúc đẩy tự chủ kinh tế, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân bằng nguồn lực trong nước và phản đối toàn cầu hóa.
Quan điểm của ông Ôn lập tức hứng nhiều chỉ trích từ các nhà đầu tư và những người ủng hộ cải cách kinh tế Trung Quốc, nổi bật trong số đó là Hướng Tùng Tộ, nhà kinh tế nổi tiếng từng làm việc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) ở Bắc Kinh.
Ông Hướng, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), đăng bài viết trên mạng xã hội WeChat, cho rằng các đề xuất của ông Ôn không khác gì “đóng cửa tự cung tự cấp” và về cơ bản sẽ “xóa sổ 4 thập kỷ cải cách và mở cửa của Trung Quốc”.
Trung Quốc đã đóng cửa với thế giới gần ba năm qua, khi nước này thi hành chính sách “Không Covid” nghiêm ngặt, nhằm xác định, ngăn chặn mọi ca nhiễm trong cộng đồng bằng các biện pháp truy vết, phong tỏa quyết liệt và hạn chế đi lại xuyên biên giới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 3 tuyên bố chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chính sách cải cách và mở cửa, “cũng như dòng chảy của sông Trường Giang và Hoàng Hà sẽ không bị đảo ngược”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có chiều hướng đi xuống và tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc nước này tiếp tục chính sách đóng cửa, hay nối lại hoạt động thương mại, giao lưu quốc tế đang là câu hỏi ngày càng được quan tâm, theo Wang Xiangwei, tổng biên tập SCMP có trụ sở ở Hong Kong.
Theo Wang, người có nhiều năm theo dõi tình hình kinh tế, chính trị TQ, đây là lý do một bài bình luận gần đây về chính sách “bế quan tỏa cảng” trong quá khứ của Trung Quốc lại thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài nước, bởi nó nêu ra những lo ngại công khai về định hướng chính sách của Bắc Kinh.
Bài viết có tiêu đề Góc nhìn mới về chính sách bế quan tỏa cảng dưới triều Minh, Thanh, được đăng trên tạp chí “Nghiên cứu lịch sử” của Học viện Lịch sử Trung Quốc hồi tháng 6, trong đó lập luận rằng các triều đại Trung Quốc từ thế kỷ 16 đến 19 đã không theo đuổi chính sách tự cô lập hoàn toàn như hình dung của mọi người trước đây. Thay vào đó, các tác giả nhận định các triều đại Trung Quốc đã đề ra chính sách “tự hạn chế” để bảo vệ lợi ích và chủ quyền đất nước, nhằm tránh các cuộc xâm lược của phương Tây.
Bài viết cho rằng chính sách tự hạn chế mở cửa biên giới này là “phù hợp về mặt lịch sử”, dù chúng ảnh hưởng tới sự phát triển của TQ, khi các lãnh đạo từ chối chấp nhận công nghệ và vũ khí hiện đại của phương Tây.
Sau khi được Học viện Lịch sử TQ chia sẻ trên mạng xã hội gần đây, bài viết gần 15.000 từ lan truyền mạnh mẽ, làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về góc nhìn được thể hiện trong đó, cũng như cam kết cải cách, mở cửa của Trung Quốc.
Một số nhà phê bình cho rằng bài viết đã “cố tình bao biện” cho chính sách bế quan tỏa cảng của triều Minh và Thanh, khiến Trung Quốc kém phát triển. Một số còn suy đoán đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc về chính sách mở cửa vào thời điểm quan trọng như hiện nay.
Trong khi đó, những người ủng hộ lý thuyết này lập luận rằng chính sách Không Covid của TQ, đóng cửa phần lớn đất nước với phần còn lại của thế giới, có thể được coi là một thử nghiệm để kiểm tra khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.
Chính sách mở cửa được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực thi từ 40 năm trước đã mở đường cho Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quốc gia buôn bán hàng hóa lớn nhất toàn cầu.
Các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẽ không đóng cửa, mà sẽ mở rộng hơn với thế giới bên ngoài.
Nhưng những năm gần đây, ông Tập liên tục nhấn mạnh khả năng tự lực và tự cung tự cấp khi nói đến phát triển kinh tế và công nghệ, đồng thời thúc đẩy một nền kinh tế lưu thông kép, ít phụ thuộc vào công nghệ và tiêu dùng nước ngoài.
Xu hướng hướng nội của nền kinh tế Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại gia tăng với Mỹ, quốc gia đang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và áp lệnh hạn chế xuất khẩu các công nghệ, thiết bị quan trọng tới nước này, trong đó có chất bán dẫn.
Ông Tập cũng ban hành loạt chính sách trong nước, trong đó có chính sách thịnh vượng chung và thắt chặt quản lý với các lĩnh vực từ công nghệ tới giáo dục tư nhân, chủ yếu nhắm vào doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng giảm tương tác, tiếp xúc với phần còn lại của thế giới trong quá trình thực hiện chính sách “Không Covid”. Những diễn biến này khiến nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang có xu hướng thu mình, hướng vào bên trong thay vì mở cửa với bên ngoài, theo ông Wang Xiangwei.
Ông Tập nhiều lần khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược “Không Covid”. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc gần đây có những dấu hiệu cho thấy nước này đang nối lại các tiếp xúc với thế giới.
Sau gần ba năm không rời Trung Quốc, ông Tập hôm 14/9 tới Kazakhstan trong chuyến công du ba ngày tới Trung Á. Ông cũng dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và gặp loạt lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ tịch Trung Quốc cũng dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G20 ở Bali vào tháng 11.
Tại lễ khai mạc đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/10, ông Tập dự kiến có bài phát biểu chính sách quan trọng, vạch các ưu tiên chiến lược của Trung Quốc trong 5 năm tới hoặc lâu hơn, trong đó đề ra phương hướng quan trọng với nền kinh tế, cũng như chính sách ứng phó với tình trạng quan hệ quốc tế xấu đi, thúc đẩy thịnh vượng chung và hồi phục tăng trưởng kinh tế.
Bài phát biểu của ông Tập sẽ rất được quan tâm, trong bối cảnh các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc chờ đợi những thay đổi lớn về chính sách, trong bối cảnh tình hình có nhiều bất định. Kinh tế Trung Quốc năm nay có thể tăng trưởng dưới 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% đã đề ra, do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch và các diễn biến phức tạp trên trường quốc tế, đặc biệt là khủng hoảng Ukraine.
“Các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải có những hành động cụ thể để biến cam kết cải cách, mở cửa trở nên rõ ràng hơn, giúp xoa dịu nỗi lo lắng vốn được thể hiện qua các cuộc tranh luận về chính sách ‘bế quan tỏa cảng’ trong quá khứ”, Wang Xiangwei nhận định.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live