fbpx

TS Lê Minh Nghĩa: ‘Cần chiến lược quốc gia về nâng cao dân trí tài chính’

(VNF) – Theo TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), Việt Nam cần xây dựng một chương trình chiến lược quốc gia tổng thể, dài hạn về giáo dục nâng cao dân trí tài chính nói chung và hoạch định tài chính cá nhân nói riêng.

ts-le-minh-nghia-can-chien-luoc-quoc-gia-ve-nang-cao-dan-tri-tai-chinh-happy-live-1

 Khái niệm quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam đang ngày càng được biết tới rộng rãi, nhưng thiếu đi dịch vụ tư vấn tài chính bài bản. Theo ông, đâu là hướng phát triển cần thiết của ngành tư vấn tài chính cá nhân trong thời gian tới?

TS Lê Minh Nghĩa: Nhiều năm qua, chúng ta đã huy động các nguồn lực xã hội (cả công và tư) để giảng dạy và thực hành về tài chính vĩ mô, tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng cho đến nay, ở Việt Nam, chưa có một chương trình hay tài liệu giáo khoa chính quy nào được dùng để giảng dạy nâng cao dân trí tài chính cá nhân và tư vấn hoạch định tài chính cá nhân. Điều đó góp phần lý giải tại sao chúng ta chưa có những hoạt động dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân bài bản, cũng như tại sao thị trường tài chính ở nước ta có những xáo trộn, bất ổn trong thời gian qua.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính với những nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các sản phẩm tài chính cá nhân, hướng phát triển của tư vấn tài chính cá nhân trong thời gian tới cần:

Thứ nhất, đổi mới tư duy nhận thức về vai trò của tài chính cá nhân, nâng cao dân trí tài chính của người dân và hoạch định tài chính cá nhân. Cần phải thấy rõ, khâu yếu nhất trên phòng tuyến bảo vệ mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính ở nước ta hiện nay chính là tình trạng dân trí tài chính thấp và hoạch định tài chính cá nhân tự phát. Nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân sẽ là một giải pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường tài chính ở nước ta hiện nay. Những người hiểu biết tài chính sẽ sử dụng nhiều sản phẩm tài chính hơn, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực tài chính, đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.

Thứ hai, cần sớm ban hành các văn bản pháp luật nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân, về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các cơ quan hữu quan cần ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời các quy định, cơ chế chính sách có liên quan một cách kịp thời, trong đó có chú ý đến các yếu tố mới với sự xuất hiện của các công ty fintech…

Thứ ba, xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân. Trên cơ sở Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần xây dựng một Chương trình chiến lược quốc gia tổng thể, dài hạn về giáo dục nâng cao dân trí tài chính nói chung và hoạch định tài chính cá nhân nói riêng.

Cụ thể, (i) Đưa lĩnh vực nâng cao tri thức tài chính cá nhân thành môn học không chỉ ở trong trường đại học, mà cả ở cấp phổ thông; (ii) Thiết kế tài liệu đào tạo phù hợp với từng đối tượng; (iii) Cung cấp các khóa đào tạo trực tiếp; (iv) Khảo sát hiểu biết tài chính và công bố các báo cáo định kỳ; (v) Hoàn thiện dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân trên thị trường hiện có và chuẩn hóa chất lượng của người hành nghề tư vấn tài chính. Coi lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân là một nghề mới.

Thực tế hiện nay, phần lớn chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính đáng báo động, gây nhiều hệ lụy, nằm ở việc người tư vấn tài chính đang chưa được đảm bảo. Các chương trình đào tạo người tư vấn tài chính ở Việt Nam đang giải quyết về mặt hình thức, chưa đảm bảo đủ chất lượng theo thông lệ quốc tế trong khi thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng. Nhiều người đi tư vấn đầu tư mà còn không biết nguyên tắc định giá tài sản đầu tư, tư vấn cho vay mà không nắm vững về nguyên tắc quản trị rủi ro phá sản cho khách hàng… Nghề tư vấn tài chính cá nhân cần đứng về phía người mua. Chính vì coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề nên phải xây dựng bộ tiêu chuẩn hay chuẩn mực của ngành hoạch định tài chính cá nhân.

Thứ tư, áp dụng mô hình tư vấn độc lập. Mô hình tư vấn tài chính hiện tại ở Việt Nam đang hoạt động theo hướng: người tư vấn tài chính làm việc tại chính các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Các định chế này tự tạo ra các sản phẩm của mình. Ví dụ, công ty chứng khoán tự tạo ra sản phẩm là danh mục chứng khoán, công ty bảo hiểm tự tạo ra sản phẩm là hợp đồng bảo hiểm, ngân hàng tự tạo ra các sản phẩm là khoản vay tín dụng, công ty bất động sản tự tạo ra sản phẩm là các mặt hàng bất động sản.

Và khi người dân được tư vấn bởi những tư vấn viên nằm trong chính các định chế này, rõ ràng, các tư vấn viên này sẽ có áp lực phải bán các sản phẩm để chạy chỉ tiêu do chính công ty mình tạo ra. Và tất nhiên, khi họ bán được nhiều sản phẩm, họ sẽ được nhiều hoa hồng, sẽ hoàn thành chỉ tiêu KPI, như thế lợi ích của tư vấn viên sẽ được đảm bảo.

Nhưng điều đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho người dân, tiềm ẩn sự xung đột lợi ích rất lớn. Nếu không bán được hàng thì người tư vấn tài chính chắc chắn sẽ không đạt chỉ tiêu, từ đó sẽ không thể tự nuôi chính mình và gia đình. Do đó, họ sẽ bán những sản phẩm mà một người có thể không cần và làm phương hại đến lợi ích của khách hàng. Mô hình tư vấn độc lập sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Ở thị trường Mỹ, 70% thị phần tư vấn tài chính thuộc về các công ty tư vấn độc lập, và Việt Nam trong quá trình phát triển cũng sẽ phải đi theo xu hướng này.

ts-le-minh-nghia-can-chien-luoc-quoc-gia-ve-nang-cao-dan-tri-tai-chinh-happy-live-2

– Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường tư vấn tài chính tại Việt Nam?

Một quốc gia mà dân số trung lưu sẽ đạt 50 triệu người vào năm 2050 (World Bank), GDP đang tăng trưởng cao liên tục trong dài hạn ở mức 5-7%/năm, GDP đầu người đã tiệm cận mức 4,000 USD, thì nhu cầu đầu tư, tích lũy và bảo vệ cho tài chính bản thân và gia đình là rất lớn. Việc người dân sử dụng các dịch vụ tài chính toàn diện là điều chắc chắn sẽ xảy đến, vì đó là tiếng nói của thời cuộc, của cung cầu tự nhiên từ mưu cầu hạnh phúc của người dân.

Với định hướng của Chính phủ đến năm 2030 có 10% dân số đầu tư chứng khoán, thị trường trái phiếu đạt 58% GDP, 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, cùng với đó, chiến lược tài chính toàn diện của chính phủ mong muốn đến năm 2025 có 70% người trưởng thành có lịch sử tín dụng tại các tổ chức tín dụng… Với lợi thế tiền đề về các sản phẩm tiết kiệm và tín dụng truyền thống cùng với tệp khách hàng cá nhân lớn và mạng lưới chi nhánh phục vụ rộng khắp cả nước, các ngân hàng thương mại đang tích cực hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm tài chính của mình bằng việc liên kết với các công ty bảo hiểm, công ty quỹ và các công ty bất động sản có dự án đang được tài trợ để khai thác và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Mặc dù thị trường tài chính Việt Nam chưa trưởng thành, nhưng khi đã trưởng thành sẽ nở rộ. Sự phát triển mạnh của thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá là một tín hiệu tốt trên thị trường tài chính, nhất là tài chính vi mô và tài chính cá nhân. Để phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, các ngân hàng thương mại (NHTM) thường đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh NHTM, theo thống kê của NHNN, Việt Nam có khoảng 183 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và 53.516 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 61 chi nhánh, 53 phòng giao dịch tại 23 tỉnh, thành phố.

Phát triển dịch vụ tài chính cá nhân là một xu thế và là yêu cầu tất yếu đối với hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam nói chung và các NHTM hiện nay, nhằm phát triển thương hiệu, gia tăng thị phần và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, góp phần vào tăng sức cạnh tranh, tăng doanh thu, mở rộng thị trường, tiềm năng phát triển.

Đặc biệt, các công ty fintech đang cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm tài chính trực tuyến. Mô hình P2P (kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay trên internet) của các công ty fintech tạo điều kiện cho việc tư vấn tài chính cá nhân phát triển.

Một trong những yếu tố cốt lõi là tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng, kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, lớn hơn cả Đức và Anh. Xu hướng này dẫn đến mức thu nhập và mức sống ngày càng tăng trên các phân khúc xã hội. Ở các nước với mức GDP/đầu người từ 4000 USD trở lên, dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân sẽ nở rộ. Và Việt Nam chúng ta đã tiệm cận đến mức này. Chúng tôi kỳ vọng sự tăng trưởng mang tính cơ cấu này sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm và giải pháp dịch vụ quản lý tài sản và tài chính cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.

– Trong bối cảnh dịch vụ tư vấn tài chính “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, ông có khuyến nghị gì gửi tới các cá nhân/doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính?

Để đảm bảo quyền lợi của cá nhân/doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính, việc đầu tiên họ cần đó là những kiến thức cơ bản về tài chính cũng như hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi sử dụng dịch vụ. Khách hàng cần xác định rõ mục tiêu tài chính của mình và hiểu rằng những ý kiến tư vấn kể cả của chuyên gia cũng đều mang tính chất tham khảo, khách hàng cần biết tổng hợp các ý kiến để tìm ra phương án hoạch định tài chính tối ưu cho mình.

Về vấn đề kiểm tra chất lượng của nhà hoạch định tài chính, các khách hàng cần tìm hiểu về:

– Quá trình học tập và kinh nghiệm: Tìm hiểu quá trình học tập của nhân viên tư vấn tài chính, họ đã làm việc được bao lâu, số lượng và loại hình công ty người đó từng công tác. Đề nghị họ giới thiệu kinh nghiệm làm việc và nó có liên quan gì đến công việc hiện tại.

– Trình độ chuyên môn và tình hình công việc hiện tại: Hỏi nhân viên tư vấn tài chính xem họ có đủ trình độ để đưa ra lời khuyên cho bạn không. Kiểm tra tính xác thực về bằng cấp của họ, tìm hiểu những kế hoạch tài chính họ từng thực hiện trước đây, kế hoạch đó thành công hay gặp thất bại.

– Nhân viên tư vấn cung cấp dịch vụ gì: Dịch vụ nhân viên tư vấn có thể cung cấp cho khách hàng gồm thông tin công ty, giấy phép hoạt động và lĩnh vực chuyên môn. Nhân viên tư vấn tài chính không thể bán bảo hiểm hoặc sản phẩm liên quan đến chứng khoán mà không có giấy phép thích hợp.

– Yêu cầu có văn bản: Đề nghị chuyên viên tư vấn cung cấp thỏa thuận chi tiết dưới dạng văn bản có chữ ký.

Điều quan trọng nhất nằm ở việc các dịch vụ cần đảm bảo cho người dân chất lượng tư vấn, đảm bảo được việc “đặt lợi ích khách hàng lên trên hết”. Đây là tiêu chuẩn của người làm nghề tư vấn tài chính tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Canada, Singapore,… Nguyên tắc chính mà những công ty làm nghề tư vấn tài chính cần tuân thủ là nguyên tắc Fiduciary Duty – nguyên tắc ủy thác, luôn tư vấn sản phẩm phí rẻ nhất, tối ưu nhất về lợi ích với khách hàng. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu các công ty tư vấn tài chính, các nhân viên tư vấn tài chính chỉ chăm chăm đi bán các sản phẩm tài chính.

Do đó, người dân nên sử dụng và tìm các công ty tư vấn độc lập nhằm bảo vệ lợi ích của mình, hoặc nếu sử dụng dịch vụ tư vấn tại các công ty có tiềm ẩn xung đột lợi ích thì phải hỏi ngay các tư vấn viên rằng cơ chế thu phí của họ như thế nào, họ có tiềm ẩn xung đột lợi ích với mình hay không. Và quan trọng nhất, người dân cần có kiến thức để tự nhận biết ai là người xung đột lợi ích với mình để có thể tự bảo vệ mình.

– Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về tiến trình hoàn thiện Dự thảo Tiêu chuẩn Hoạch định tài chính cá nhân Việt Nam trong thời gian qua và lộ trình sắp tới?

Xuất phát từ thực tiễn, quan sát, lắng nghe những trăn trở của hội viên, sự tiếp sức của các hội viên cả về ý tưởng và vật chất, tài chính, qua khảo sát trao đổi, chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân. Qua quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, đầu năm 2023, Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” và thành lập Hội đồng chuẩn hóa Hoạch định tài chính cá nhân, lập ra Ban Điều hành.

Tháng 2/2023, dựa trên tiêu chuẩn FPSB, cơ quan cao nhất về tiêu chuẩn nghề tư vấn tài chính cá nhân trên thế giới, chúng tôi đã tiến hành dự thảo bộ tiêu chuẩn của nghề tư vấn hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn này được các chuyên gia có chuyên môn Financial Planning chuẩn CFP của chúng tôi xây dựng và đã cùng với các chuyên gia hàng đầu khác trong ngành tài chính tại Việt Nam điều chỉnh, có những cân nhắc phù hợp với điều kiện cụ thể và các quy định về sản phẩm tài chính tại Việt Nam.

Bộ tiêu chuẩn gồm 4 tiêu chuẩn chính: đào tạo, năng lực, đạo đức và hành nghề, đã được Hiệp hội công bố và gửi đến các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan có trách nhiệm và am hiểu về lĩnh vực này để xin ý kiến. Dự thảo Bộ tiêu chuẩn đã nhận được sự góp ý của các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Học viện Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng, Đại học Văn Lang… Bên cạnh các góp ý để tiếp tục hoàn thiện, các cơ quan quản lý và chuyên môn về cơ bản đều có đánh giá tích cực và nhất trí với việc cần xây dựng một bộ tiêu chuẩn chung để chuẩn mực hóa lại hoạt động tư vấn tài chính, rộng hơn là có chuẩn mực chung nhằm nâng cao tri thức tài chính toàn dân.

Sắp tới, bên cạnh việc đồng hành cùng các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị hoạt động trong ngành tư vấn tài chính như các định chế ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản… tiến hành các hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm… để từng bước hướng tới việc thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn nghề Hoạch định tài chính cá nhân vào các mảng hoạt động kinh doanh của các định chế này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng với các cơ quan quản lý tổ chức, thúc đẩy các hoạt động đào tạo, truyền thông, lan tỏa về Tiêu chuẩn Hoạch định tài chính cá nhân. Việc này cần làm đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đối với người làm nghề, đối với người dân đều cần được truyền thông đầy đủ.

Vào ngày 4/8/2023, Hiệp hội sẽ tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam” với chủ đề: “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam”. Đây cũng là lần đầu tiên Diễn đàn về hoạch định tài chính cá nhân được tổ chức tại Việt Nam và diễn ra ở Đại học Văn Lang nhằm kết nối các Hội viên hành nghề Hoạch định tài chính cá nhân một cách có trách nhiệm, tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đồng thời lan tỏa tri thức về Hoạch định tài chính cá nhân đến người dân, từng bước lấp đầy khoảng trống trong bức tranh tài chính toàn diện của Việt Nam những năm tới. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia kinh tế, tài chính để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Hoạch định tài chính cá nhân phù hợp với điều kiện phát triển tại Việt Nam.

Tiến Phát

vietnamfinance

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”

gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề