Tư duy và thực thi marketing như một chính trị gia, tại sao không?
Bất kỳ cuộc bầu cử Tổng thống hoặc các sự kiện lớn trên thế giới đều cần một chiến lược marketing bài bản, vậy chúng ta có thể học được gì từ các cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ?
Từ tranh cử Tổng thống
Trong phạm vi những cuộc bỏ phiếu chọn ứng cử viên của các Đảng ra tranh cử Tổng thống, chỉ một nửa số người có quyền bầu cử sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 11.
Khoảng 20% những người đủ tuổi đi bầu cử ở Mỹ quan tâm đến vấn đề chính trị, những người còn lại không thể dành thời gian của mình cho bầu cử, hoặc không nghĩ rằng lá phiếu của mình quan trọng, hoặc thấy không có sự khác biệt đáng kể nào giữa các ứng cử viên, cũng có khi họ cảm thấy chán ngấy bởi quá trình bầu cử và các chiến thuật vận động tranh cử của các ứng cử viên. Họ là “những cử tri đang dần biến mất” trong nền chính trị Mỹ.
Có 5 lý do cơ bản giải thích cho xu hướng trên:
1. Trong các cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ, cử tri thường chỉ quan sát hai ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử. Đó cũng chính là lý do khiến số lượng những người đi bỏ phiếu thấp.
Đối với bất kỳ loại hàng hóa nào khác, người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn. Do đó, sức lôi cuốn đối với người tiêu dùng cũng như mức tiêu thụ cao hơn.
2. Trong các chế độ dân chủ mang tính đại diện, người dân phải chấp nhận quyết định của đa số. Điều này cũng làm suy giảm lòng nhiệt tình. Thế nhưng điều này lại không xảy ra trong thương mại. Bạn có thể mua và sở hữu bất kỳ nhãn hiệu hoặc nhóm nhãn hiệu nào mà bạn muốn.
3. Trong nền chính trị Mỹ, các công dân đi bỏ phiếu hai, bốn hoặc sáu năm một lần vào một ngày cụ thể. Có thể họ phải đăng ký trước, xếp hàng tại địa điểm bỏ phiếu và bỏ phiếu bầu bằng cách sử dụng những chiếc máy bỏ phiếu đã lỗi thời.
Còn hoạt động mua bán thì lại thuận tiện hơn nhiều. Người tiêu dùng hàng ngày có thể đưa ra những quyết định mua sắm tại hàng triệu địa điểm bán hàng khác nhau.
4. Một số chính trị gia hiểu rằng để tạo dựng được thương hiệu độc đáo đòi hỏi phải đưa ra một thông điệp riêng biệt, hấp dẫn và được thực hiện nhất quán theo thời gian. Tuy nhiên, các chính trị gia không thể giành thắng lợi bằng cách chú tâm hướng tới một bộ phận dân cư duy nhất.
Họ phải giành đa số phiếu trong ngày bầu cử và để đạt được điều đó thường họ phải phân tích từng từ, cố gắng chọn những từ có thể hiểu theo hai cách và được cho là có thể đảo ngược các vấn đề. Ngoài ra, hệ thống bầu cử theo kiểu được ăn cả ngã về không thường khiến các ứng cử viên sử dụng những chiến thuật liều lĩnh như quảng cáo tiêu cực để hạ bệ các đối thủ thay vì giới thiệu những ưu điểm của mình. Vì vậy, sự bi quan của cử tri là có thể tha thứ được.
5. Giải thích cho sự thờ ơ của dân chúng đối với chính trị có thể là tính hiệu quả của marketing tiêu dùng. Hầu hết người tiêu dùng đều có những mối quan hệ bền vững với những nhãn hiệu kiểu như Starbucks (“vị trí thứ ba” sau gia đình và công việc) hơn là với những người đại diện được họ bầu ra hoặc những đảng phái chính trị có tầm ảnh hưởng như Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà.
Tuy nhiên, cũng có những lý do để hy vọng. Sự quan tâm của cử tri đối với các cuộc bầu cử tổng thống lần đầu của năm nay cao vì không có người thắng cuộc rõ ràng và các ứng cử viên khác nhau đang cạnh tranh ở cả hai phía.
Marketing chính trị
Hệ thống mạng Internet đã tạo ra cơ hội đáng kể cho các ứng cử viên không được hậu thuẫn và không có nhiều tiền có thể phát triển các chiến dịch tranh cử tới người dân một cách hữu hiệu nhất.
Những câu hỏi của cử tri và những câu trả lời của ứng cử viên trong các cuộc họp thành phố hiện nay là tiêu chuẩn để bầu cử. Nói cách khác, cuộc bầu cử năm nay cho đến thời điểm này dường như cởi mở và dân chủ hơn trước nhiều. Khoảng 20 USD sẽ được chi cho mỗi lá phiếu trong chiến dịch quảng cáo vận động cho cuộc tranh cử tổng thống năm nay. Theo các tiêu chuẩn thương mại cũng như tầm quan trọng của quyết định mua hàng thì chi phí này dường như không cao lắm.
Điều cần thiết trong chính trị không phải là marketing ít đi mà là marketing tốt hơn: Tập trung vào những nhu cầu hiện tại và nổi cộm của người dân, xây dựng các giải pháp, thông báo cho các cử tri mục tiêu về các giải pháp đó và khiến chúng có thể dễ dàng được tiếp cận.
Các chính trị gia đôi khi cũng cần coi những công dân không phải là những cử tri, nhà tài trợ và người đóng thuế mà hãy coi họ là những khách hàng.
Bạn nghĩ gì về điều này?
– Khởi xướng thảo luận của GS John Quelch trên mục “Bí quyết Marketing” trang Harvard Business Online –
Gợi ý bạn cách tư duy và thực thi các chiến dịch Marketing như một chính trị gia
Việc hiểu rõ được khách hàng mục tiêu (target audience) là vô cùng quan trọng trong một chiến dịch truyền thông thành công. Các công ty thường chia các phân khúc thị trường để tập trung chiến dịch sản xuất và marketing vào một nhóm đối tượng cụ thể.
Phân khúc thị trường được định nghĩa là quá trình phân chia thị trường lớn thành các phân đoạn hoặc nhóm nhỏ hơn có cùng đặc tính về nhu cầu và ước muốn. Mục đích của việc này làm cho chiến dịch marketing đó tập trung vào phân khúc người tiêu dùng cụ thể đó.
Một trong những chiến lược phân khúc thị trường tối ưu đó chính là HÃY TƯ DUY NHƯ MỘT CHÍNH TRỊ GIA.
Một cách khác để phân khúc thị trường là làm những điều giống như những chính trị gia làm và quan sát sự trung thành hoặc mức độ mạnh mẽ của người tiêu dùng ủng hộ hay không ủng hộ sản phẩm của bạn.
Nhìn chung, những cử tri được chia thành những loại như sau: ủng hộ mạnh mẽ, ủng hộ vừa, lưỡng lự chưa quyết định, hơi chống đối và chống đối mạnh mẽ.
Những người ủng hộ mạnh mẽ sẽ bầu cho bạn mà không cần biết bạn nói hay làm những gì.
Những người ủng hộ vừa thì cần một chút thuyết phục, nhưng không nhiều, họ vẫn luôn là người cùng chiến tuyến với bạn.
Những người chưa quyết định là những người trung lập, họ là người sẽ quyết định vào ngày trước cuộc bỏ phiếu trên cơ sở những gì bạn đã nói.
Những người hơi chống đối sẽ xem xét lại bạn nhưng khó để lay chuyển. Và dù cho bạn có nỗ lực thế nào thì cũng không thể nắm giữ phiếu bầu từ những người chống đối mạnh mẽ.
Sự khác biệt giữa người làm chính trị thành công vang dội và người làm chính trị thất bại thảm hại chính là hiểu rõ và nắm bắt những điểm khác biệt giữa 5 kiều cử tri này. Họ không tốn thời gian, nguồn lực hay sức khỏe vào nhóm người hơi chống đối hay chống đối mạnh mẽ. Họ đề cao những người ủng hộ mạnh mẽ họ và dành nhiều tâm sức để thuyết phục nhóm người ủng hộ vừa và lưỡng lự chưa quyết định.
Từ chính trị đến marketing, bạn nghĩ sao nếu học hỏi và vận dụng điều này vào doanh nghiệp?
Hãy tập trung vào phân khúc khách hàng trung lập, khá yêu thích và rất trung thành sản phẩm của bạn. Bạn cần không ngừng đổi mới, tìm tòi hướng tiếp cận mới và không ngừng tạo ra thêm nhiều lý do để cố gắng thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm và yêu thương hiệu của bạn.
Đừng quên tìm hiểu lý do có người trung thành, có người chống đối sản phẩm của bạn. Gỡ được nút rối này, bạn sẽ giải quyết được 90% vấn đề.
Đôi khi những người chống đối bạn bởi vì họ chưa đủ hiểu sản phẩm của bạn hoặc họ đã quen sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Muốn làm marketing hiệu quả, hãy cho họ đủ thông tin và thông tin chính xác, tạo điều kiện để họ sử dụng và trải nghiệm hữu hiệu về sản phẩm của bạn. Họ sẽ suy nghĩ lại và quyết định mua sản phẩm của bạn.
Những nhà chính trị gia nổi tiếng nhất thế giới đã áp dụng bí quyết. Rồi bạn sẽ là nhà marketing thành thạo nhất nếu học hỏi từ họ.
Nguồn: https://vef.vn/ và trích lược nội dung từ sách Marketing giỏi phải kiếm được tiền
Happy Live Team tổng hợp và biên soạn
Có thể bạn quan tâm:
Quyển sách được viết bởi cựu CMO Coca-Cola Sergio Zyman