Văn hóa kỷ luật tạo dựng nên “chó sói” Huawei với doanh thu lớn hơn cả Alibaba
Văn hóa kỷ luật tạo dựng nên đế chế Huawei với doanh thu lớn hơn cả Alibaba: Không một ai, kể cả nhà sáng lập, chủ tịch được phép có tài xế riêng hay bay vé hạng nhất.
Ở Huawei, không một ai, kể cả ông chủ Nhậm Chính Phi, có tài xế riêng hay được bay vé hạng nhất trả bằng tiền của công ty.
Trong khuôn viên trụ sở rộng lớn của Huawei Technologies tại Thâm Quyến, các bức tường tại khu nhà ăn được trang trí bởi rất nhiều các câu nói của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei). Phòng thí nghiệm của công ty thì được xây dựng mô phỏng như Nhà Trắng ở Washington, Mỹ. Nhưng, tò mò nhất chính là những chú thiên nga đen bơi trong hồ nước.
Đối với tỷ phú Nhậm Chính Phi – người xuất thân là một cựu quân nhân và bây giờ là ông trùm viễn thông, những con chim tao nhã kể trên là để nhắc nhở bản thân và toàn bộ nhân viên tránh sự tự mãn và phải luôn trong tâm thế đón nhận một cuộc khủng hoảng bất ngờ ập đến.
Và dường như tình huống tồi tệ đó đã đến. Cuối tuần trước, Giám đốc tài chính của công ty đồng thời là con gái của tỷ phú Nhậm bà Mạnh Vãn Chu đã bị phía Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ và có nguy cơ sắp bị dẫn độ về nước này. Nguyên nhân vụ bắt bớ đến nay vẫn chưa được công bố nhưng theo nhiều nguồn tin nó liên quan tới việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran.
Vụ bắt giữ rõ ràng ảnh hưởng mạnh mẽ tới Huawei. Chưa kể đến việc thời gian gần đây công ty này liên tục bị cáo buộc có những thiết bị không an toàn và phía Mỹ kêu gọi các đồng minh ngưng sử dụng sản phẩm của họ. Dẫu vậy, thông cáo báo chí của Huawei tỏ ra chừng mực: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi phiên điều trần tại ngoại vào thứ Hai. Chúng tôi có niềm tin rằng hệ thống pháp luật của Canada và Mỹ sẽ đi đến kết luận đúng đắn”. Trước đó, công ty tuyên bố bà Mạnh không làm điều gì sai và tuân thủ tất cả luật hiện hành.
Nhậm Chính Phi là một nhân vật huyền thoại trong giới kinh doanh Trung Quốc. Ông không chỉ sống sót qua giai đoạn nạn đói khủng khiếp của quốc gia này mà còn xây dựng được công ty viễn thông khổng lồ với doanh thu 92 tỷ USD, gây sợ hãi cho một số nhà hoạch định chính sách phương Tây. Tại thị trường quê nhà, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh số một và còn vượt Apple để trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai trên toàn cầu, theo số liệu của IDC.
Mặc dù có phần kín tiếng so với các đại gia Internet Trung Quốc, nhưng doanh thu của Huawei vào năm ngoái cao hơn Alibaba Group, Tencent Holdings và Baidu. Khoảng một nửa doanh thu đến từ nước ngoài, gồm châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Thời gian gần đây tham vọng mở rộng ra toàn cầu của Huawei bị kìm kẹp bởi nhiều rắc rối không đáng có. Đầu tiên là việc bị hủy thương vụ hợp tác với AT&T nhằm bán điện thoại của hãng tại Mỹ. Sau đó là loạt quốc gia gồm Úc, New Zealand và mới nhất là Nhật Bản tuyên bố sẽ không sử dụng các thiết bị của hãng cho mạng lưới 5G tại đất nước họ.
Đế chế khổng lồ được tạo dựng từ 21.000 NDT
Huawei được Nhậm Chính Phi cùng bốn đối tác thành lập vào năm 1987 với số vốn 21.000 nhân dân tệ. Công ty ban đầu là đơn bị buôn bán thiết bị viễn thông. Tuy nhiên, các kỹ sư của công ty đã sớm nghiên cứu các mạch điều khiển và tự sản xuất chúng. Thời ấy, công nhân làm việc trong nhiều giờ dưới thời tiết nóng bức và chỉ có quạt trần. Ông chủ Nhậm Chính Phi cho nấu canh đuôi lợn để cổ vũ tinh thần và bồi bổ các công nhân tăng ca.
Công ty từng nổi tiếng với “văn hóa nệm”. Công ty chuẩn bị sẵn nệm cho công nhân nghỉ ngơi khi làm việc kiệt sức. Vào năm 2006, một công nhân là Hu Xinyu, 25 tuổi, người có thói quen làm việc cật lực và ngủ lại công ty đã chết vì viêm não. Một số nhân viên Huawei sau đó tự sát. Sau những cái chết, công ty thay đổi chính sách tăng ca, an toàn lao động và nhân viên y tế.
Ngoài ra, để cổ vũ cũng như tạo gắn bó với nhân viên, chủ tịch Nhậm Chính Phi còn dùng cách chỉ trả một nửa số lương bằng tiền. Một nửa còn lại được chuyển đổi thành cổ phiếu thưởng của công ty. Báo cáo năm 2017 cho biết ông giữ 1,4% cổ phần Huawei, tương đương 2 tỷ USD.
Kinh doanh quyết liệt
Trong khi doanh, Bloomberg dẫn lời giới kinh doanh rằng Nhậm Chính Phi tạo cho Huawei một phong cách bán hàng được gọi nôm na là “văn hóa chó sói”. Tại các sự kiện, nhân viên bán hàng của Huawei lúc nào cũng được tung ra đông đảo, nhiều hơn hẳn các đối thủ cùng tham dự.
Những năm 2000, công ty tiến ra thị trường quốc tế bằng các thiết bị viễn thông có giá rẻ hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh như Cisco Systems. Huawei sau đó đã thừa nhận sao chép một phần nhỏ mã bộ định tuyến từ Cisco và đồng ý xóa mã nhiễm độc.
Kể từ sau đó, tỷ phú Nhậm Chính Phi đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển của công ty. Trong số 180.000 nhân viên, khoảng 80.000 đang tham gia vào R&D (Nghiên cứu và phát triển). Công ty được biết đến là nhà tuyển dụng tài năng hàng đầu ở Trung Quốc.
Công ty gần đây vấp phải khó khăn mở rộng thị trường sau khi chính phủ Mỹ gọi hãng là mối đe dọa an ninh quốc gia và viện dẫn những lo ngại về khả năng kiểm soát công nghệ 5G. Trump đã ký một dự luật cấm chính phủ sử dụng công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei. Thậm chí, Trump đã liên lạc với các nước đồng minh để kêu gọi tránh sử dụng thiết bị của Huawei.
Văn hóa kỷ luật thép của quân đội
Thuộc sở hữu chung của các nhân viên công ty, Huawei được biết đến với một nền văn hóa kỷ luật. Không một ai, kể cả ông chủ Nhậm Chính Phi, có tài xế riêng hay được bay vé hạng nhất trả bằng tiền của công ty.
Ông Nhậm còn cảnh báo những chiêu trò làm đẹp số liệu của các cấp dưới. Ông cho thành lập một nhóm chuyên xác minh số liệu từ năm 2014 trong bộ phận tài chính và được giám sát bởi bà Mạnh Vãn Chu.
Trong một bài phát biểu gần đây được đăng tải cho nhân viên Huawei, Nhậm Chính Phi kêu gọi sự kiên nhẫn với các chỉ trích và cáo buộc từ bên ngoài và từ chối sự can thiệp của nước ngoài. “Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ hay chịu áp lực từ bên ngoài”, ông nói. Và tờ Bloomberg cho rằng câu nói này sẽ sớm được đưa ra “thử nghiệm” bởi Bộ Tư pháp Mỹ.
Nguồn: Thuongtruong24h