Vì một “thể chất” 2023 lành mạnh, phát triển, ổn định!
Đại án Việt Á, phát lộ những góc tối của nhiều CDC địa phương trên cả nước cùng cú trượt dài suy thoái của một bộ lãnh đạo cao cấp: 1 nguyên Bộ trưởng, 2 đương kim Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy và hàng loạt cán bộ cục vụ, sở y tế địa phương vướng vòng lao lý. Lần đầu tiên một Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm bị khởi tố hình sự.
Đại án tại Cục lãnh sự với “chuyến bay giải cứu”, không chỉ khiến dư luận phẫn nộ vì số tiền khủng chiếm đoạt mà còn ở bản chất của hành vi phi đạo đức đối với đồng bào mình trong cơn nguy khó. Một đương kim Thứ trưởng cùng dàn Cục trưởng, Cục phó, Thư ký, trợ lý Phó Thủ tướng và một loạt cán bộ ngoại giao. Lần đầu tiên, Bộ Ngoại giao xảy ra “đường dây hối lộ”, gây chấn động xã hội.
Chỉ với một công trình là Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, một nguyên bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và hàng loạt giám đốc sở, cán bộ sở ngành bị bắt giam. Từ đây, đường dây hối lộ, thổi giá, thông thầu, chạy dự án… của Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) của chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn len lỏi đến một số tỉnh thành, băng hoại một bộ phận cán bộ lãnh đạo, hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng…
Doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã sập ngay chính cái bẫy do ông ta giăng lên, lại không phải lần đầu, vừa ngụy tạo, công bố thông tin sai sự thật với nhà đầu tư, vừa che giấu thông tin với cơ quan quản lý nhà nước để chiếm đoạt số tiền lớn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng lên sự ổn định của thị trường chứng khoán. Trách nhiệm kiểm soát, giám sát đã bị buông lỏng. Một loạt lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán VN bị kỷ luật, khai trừ Đảng…
Những cái tên một thời lẫy lừng trên thương trường như Trương Mỹ Lan, Trịnh Văn Quyết, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đỗ Anh Dũng… giờ thì đằng sau mỗi sai phạm của họ lại đính kèm danh sách cán bộ sai phạm nghiêm trọng trong chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước, thiệt hại cho nhà đầu tư, gây hoang mang, bất ổn xã hội.
Những vi phạm đã được cảnh báo, những sai phạm đã bị cố tình, thách thức và kéo dài, tạo thành các nhóm cấu kết sai phạm, lũng đoạn thị trường, lũng đoạn bộ máy và chức trách quản lý Nhà nước. Nếu Đảng, Nhà nước và các ngành chức năng, cụ thể ở đây là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực không mạnh tay “đại phẫu” thì những khối ung nhọt này sớm hay muộn cũng sẽ gây hư hại, hủy hoại tính công chính của Đảng, kỷ cương pháp luật của Nhà nước và lòng tin của Nhân dân vào hệ thống cầm quyền.
Vì vậy, nhìn lại một năm qua, dù quá trình khởi tố, điều tra, hoàn tất cáo trạng, mỗi đợt công bố thông tin đều khiến dư luận dậy sóng nhưng đã cho thấy sự đồng thuận xã hội rất cao, hầu hết cán bộ đảng viên và nhân dân đều biểu thị sự đồng tình, tin tưởng vào quyết tâm chính trị lẫn sự nghiêm trị trong thực thi pháp luật.
“Không có vùng cấm” không còn là một lời hứa mà đã thành một hành động thực thi, được thống nhất, tập trung từ trung ương xuống địa phương, từ cơ quan Đảng đến các cấp chính quyền. Để sau cuộc “đại phẫu” những khối ung nhọt đang lây lan trên thị trường, đang len lỏi trong các ban ngành, lĩnh vực trọng yếu, trong toàn hệ thống chính trị, đã và sẽ có những cuộc “hội chẩn” toàn diện để kịp thời lên “phác đồ” cho một cơ chế điều hành, công cụ quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch và khách quan cao hơn, bám sát thực tế, tăng mức dự báo để có biện pháp xử lý những phát sinh, kể cả rủi ro của thị trường; về phương thức tuyển dụng, sử dụng, đánh giá cán bộ gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, không để quyền lực tha hóa và tự tha hóa… đội ngũ lãnh đạo. Mà mục tiêu cuối cùng là bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương của Đảng, đề cao và khích lệ tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” của cán bộ và người có tài, có đức, có lý tưởng cống hiến.
Một lần nữa, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thủ lĩnh của cuộc chiến chống giặc nội xâm, tức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước thì, buộc phải kỷ luật, khởi tố cán bộ sai phạm là điều chẳng vui vẻ gì, thậm chí là mất mát lớn song không thể không làm, phải “dọn sạch” những người không còn xứng đáng để bộ máy tinh gọn, chất lượng và quy tụ những con người có đức có tài có tâm huyết và trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đồng thời cùng lúc phải thể chế hóa, tăng tính pháp lý trong hệ thống kiểm soát quyền lực để người có muốn tham nhũng cũng không dám, không thể tham nhũng; người đã lỡ có khuyết điểm, vi phạm thì nên tự nhận thức mình không còn xứng đáng, rút lui, rời khỏi chức vụ trước khi tổ chức xem xét và quyết định xử lý.
Nhận thức và động thái nói trên nếu trở thành một “tập quán chính trị” thì sẽ là một tín hiệu tích cực, làm thay đổi chính tư duy, trách nhiệm cá thể trước tập thể. Và đây chính là một trong những thành quả của cuộc chấn chỉnh tư cách, phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ trong thời gian qua, nhất là năm 2022, năm thực hiện các cuộc “đại phẫu” để tiến tới lành mạnh hóa “thể chất” nhân lực, khơi thông và phát triển mọi nguồn lực xã hội, chào đón năm 2023 với nhiều thách thức, cơ hội.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường