Vì sao người dám nhận lỗ mới có thể x2 tiền đầu tư?
Những nhà đầu tư giỏi nhất không ngần ngại liên tục mắc sai lầm trên thị trường vì hiểu rằng thua lỗ là một phần tất yếu của quá trình đầu tư.
Lỗ là một phần của cuộc chơi
Linda Raschke là một trong những nhà đầu tư nữ thành công nhất thế giới. Bà là nhà quản lý tài sản chủ chốt cho một số quỹ đầu cơ trước khi tự mở công ty riêng. Quỹ đầu cơ của Raschke từng được BarclaysHedge xếp hạng thứ 17 trong số 4.500 quỹ có thành tích ấn tượng nhất trong vòng 5 năm.
Raschke từng chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ phiền lòng khi thua lỗ vì tôi biết mình sẽ luôn lấy lại được ngay lập tức”. Mới nghe qua, câu nói của Raschke có vẻ tự mãn. Nhưng kiêu ngạo không phải là tính cách của Raschke, theo cuốn sách The Little Book of Market Wizards: Lessons from the greatest Traders (Các phù thủy thị trường: Bài học từ những nhà giao dịch tài ba nhất).
Ý bà muốn nói là “Tôi biết rằng phương pháp của tôi sẽ thắng về lâu dài. Dĩ nhiên trên con đường đến chiến thắng sẽ có một số mất mát. Dù bây giờ tôi thua, nhưng sau đó tôi sẽ thắng. Miễn là tôi kiên trì với phương pháp của mình và tiếp tục làm những gì tôi đang làm, cuối cùng thì tôi sẽ lãi”.
Raschke nói rằng lỗ là một phần của quá trình và nhà đầu tư chỉ có thể thành công khi hiểu được điều đó.
Tiến sĩ Van Tharp, nhà nghiên cứu tâm lý học đã phân tích sự khác biệt giữa những nhà đầu tư thành công và những người còn lại. Ông chỉ ra hai niềm tin quan trọng mà những nhà đầu tư hàng đầu có được.
Đầu tiên, những người giỏi nhất tin rằng để mất tiền trên thị trường cũng chẳng sao. Thứ hai, họ biết mình đã thắng từ trước khi bắt đầu cuộc chơi.
Nếu bạn biết bạn đã thắng trò chơi từ trước khi bắt đầu, thì chấp nhận lỗ là điều dễ dàng, vì bạn hiểu rằng lỗ chỉ là một phần của con đường tiến đến lợi nhuận.
Suy nghĩ của một nhà đầu tư đang lỗ
Marty Schwartz, huyền thoại Phố Wall đã biến tài khoản 40.000 USD thành hàng chục triệu USD chia sẻ rằng biết chấp nhận thua lỗ đã giúp ông từ kẻ thất bại thành nhà đầu tư thành công.
Ông nói: “Những nhà đầu tư đang thua lỗ biện hộ rằng: “Tôi sẽ thoát hàng khi về bờ. Tại sao về bờ lại quan trọng đến vậy? Vì nó bảo vệ cái tôi. Tôi trở thành nhà đầu tư chiến thắng khi có thể nói rằng: “Vứt cái tôi vào sọt rác đi – kiếm tiền quan trọng hơn””.
Khi bạn hòa vốn, bạn có thể nói: “Tôi không sai”. Ý muốn bản thân không sai lầm là lý do nhiều người thất bại. Điều trớ trêu là nhà đầu tư tay mơ mất tiền vì họ cố không thua lỗ. Những người chuyên nghiệp hiểu họ cần phải chịu lỗ để giành chiến thắng.
Phân loại khoản đầu tư
Hầu hết mọi người nghĩ rằng khoản đầu tư được chia thành hai loại: thua lỗ và sinh lời. Nhưng trên thực tế khoản đầu tư có 4 loại: sinh lời, thua lỗ, tốt và kém.
Đừng nhầm lẫn các khái niệm này với nhau. Khoản đầu tư tốt có thể mất tiền, ngược lại khoản đầu tư tồi có thể kiếm được tiền. Khoản đầu tư tốt tuân theo quy trình sẽ có lãi (với rủi ro có thể chấp nhận được) nếu lặp lại nhiều lần, mặc dù nó có thể mất tiền đối với một giao dịch riêng lẻ bất kỳ.
Giả sử bạn được đề nghị đặt cược vào mặt sấp-ngửa của đồng xu. Mặt ngửa thì bạn mất 100 USD, sấp thì được 200 USD. (Trò chơi không có gian lận gì: Đồng xu là của bạn và bạn tự tung). Bạn đặt cược mặt sấp, búng tay và kết quả ra mặt ngửa.
Liệu đó có phải canh bạc tồi? Hẳn nhiên là không. Đó là một canh bạc tốt và vẫn thua lỗ. Nếu lặp lại trò chơi này nhiều lần thì bạn sẽ lãi lớn, và việc chấp nhận chơi là quyết định đúng dù bạn để mất tiền ngay lần đầu tiên.
Tương tự, một khoản đầu tư thua lỗ nhưng tuân theo chiến lược sinh lãi vẫn là khoản đầu tư tốt. Vì nếu bạn thực hiện nhiều khoản đầu tư theo chiến lược đúng, thì rốt cuộc cả quá trình sẽ mang lại cho bạn lợi nhuận.
Đầu tư là vấn đề xác suất. Ngay cả các quy trình đầu tư tốt nhất cũng sẽ khiến bạn thua lỗ nhiều lần. Không có cách nào để biết trước từng khoản đầu tư đơn lẻ nào sẽ kiếm được tiền. Nhưng miễn là khoản đầu tư tuân theo một quy trình có lợi thế, thì đó là khoản đầu tư tốt, bất kể là thắng hay thua.
Bạn không thể thắng nếu không sẵn sàng thất bại.
Tỷ phú đầu tư Bruce Kovner chia sẻ điều quan trọng nhất ông học được từ người thầy Michael Marcus: “Bạn phải sẵn sàng mắc lỗi thường xuyên, điều này không có gì là sai. Michael đã dạy tôi biết cách đưa ra phán đoán tốt, mắc sai lầm, tiếp tục ra phán đoán tốt và lại sai lầm, lặp lại quy trình này lần nữa rồi nhân đôi tiền”.
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư