Xây dựng bản checklist đầu tư – Nghệ thuật quản lý sự phức tạp (P1)
Đầu tư có thể là một nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi phải phân tích dữ liệu phức tạp. Vì vậy, đừng bỏ qua checklist sau đó nếu bạn là một nhà đầu tư thông minh. Thật ra, công việc của nhà đầu tư không khác so với phi công hay bác sĩ phẫu thuật, chúng ta cũng sẽ đối phó với những bất ngờ và thay đổi, đặc biệt là bị giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi mắc sai lầm cơ bản, người phi công hoặc bác sĩ phẫu thuật thường sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng – chẳng hạn như bỏ sót một bước quan trọng. Tương tự như vậy, một nhà đầu tư có thể phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu gây sai sót, nhưng may mắn là dưới hình thức thua lỗ vốn chứ không phải mạng sống con người.
Để hỗ trợ quá trình đánh giá/chẩn đoán, cả phi công và bác sĩ phẫu thuật đã lập ra danh mục những vấn đề cơ bản cần kiểm tra giúp giảm thiểu sai sót. Qua nhiều nghiên cứu, người ta phát hiện ra cách tiếp cận bằng bản checklist khi phân tích một tình huống phức tạp thực sự đã ngăn chặn các sai lầm và nâng cao hiệu quả công việc cho người mới bắt đầu lẫn chuyên gia. Ngay cả phi công giàu kinh nghiệm hoặc bác sĩ phẫu thuật với thiết bị tân tiến nhất cũng sẽ không bao giờ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thường nhật trong khoang lái hoặc phòng mổ nếu thiếu đi danh sách kiểm tra.
Atul Gawande là một bác sĩ phẫu thuật kiêm phó giáo sư tại Trường Y Harvard. Ông là người đề xuất bản checklist. Trong cuốn sách của mình, The Checklist Manifesto: How to Get Things Right (Đã phát hành ở Việt Nam với tựa đề: Phút dừng lại của người thông minh), Gawande vạch ra những lợi ích của việc thực hiện theo bản checklist:
“Chúng ta cần một chiến lược khác để vượt qua thất bại, một chiến lược dựa trên kinh nghiệm và tận dụng kiến thức mà mọi người có nhưng cũng bù đắp cho những thiếu sót không thể tránh khỏi của con người. Thực sự có một chiến lược như vậy – dù thoạt tiên có vẻ lố bịch, thậm chí có thể điên rồ với những người đã dành nhiều năm phát triển kỹ năng chuyên môn và công nghệ tiên tiến hơn bao giờ hết như chúng ta. Đó là một bản checklist.”
Không lấy làm lạ khi nhiều bậc thầy đầu tư đã nhận ra sức mạnh của bản checklist và vận dụng nó vào quá trình đầu tư của mình.
Cánh tay phải đắc lực của Warren Buffett – Charlie Munger – một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới đã dành cả đời để quan sát, nghiên cứu và tìm hiểu về nhận thức của con người (human cognition) và những hạn chế của nó. Như nhiều bậc thầy đầu tư khác, Charlie Munger cũng công nhận lợi ích của bản checklist và áp dụng vào công việc đầu tư của mình.
“Hành động dựa trên danh mục các thứ cần kiểm tra sẽ giúp bạn tránh mắc sai lầm. Không có quy trình nào khác trên thế giới hoạt động tốt như vậy.” – Charlie Munger
“Dù tài năng và kinh nghiệm của người phi công tuyệt vời đến đâu cũng sẽ hỏng việc nếu không sử dụng bản checklist.” – Charlie Munger
“Chúng tôi là những người tin tưởng vào bản checklist, đó là những công cụ tốt nhất giúp giảm tải các sai lầm có thể phòng ngừa của con người.” – Joel Hirsch
“Tôi là một người cuồng lập danh sách. Càng gặp nhiều rắc rối vào đầu những năm 1990, tôi càng phải chiến đấu và xử lý nó bằng cách lập danh sách và kiểm tra các mục khi hoàn thành.” – nhà đầu cơ Sam Zell
Không may là các nhà đầu tư bỏ lỡ bản chất con người. Con người đã học cách sinh tồn bằng cách tìm lối tắt cho tư duy. Mặc dù hữu ích trong môi trường hoang dã, những điều này có thể gây bất lợi cho đầu tư.
“Tại sao bản checklist lại hiệu quả đến vậy? Chúng ta nghĩ mình quá đỗi thông minh, chúng ta tư duy theo lối tắt, đặc biệt là trong đầu tư. Chúng ta cảm thấy phấn khích về số tiền sẽ kiếm được, nhưng hóa ra chúng ta chỉ là sự pha trộn giữa lý trí và cảm xúc. Khi phân tích một doanh nghiệp bị định giá thấp, ta chất vấn bản thân rất nhiều câu hỏi, nhưng không tuân theo hệ thống để xem xét từng khía cạnh một, như vậy thì khó biết mình có đang làm đúng hay không.” – Mohnish Pabrai
Lối tắt tư duy dễ khiến ta nhảy ngay đến kết luận. Thông thường nhà đầu tư chỉ nhìn thấy kết quả họ đang tìm kiếm. Dưới đây là một ví dụ điển hình từ Richards Heuer, tác giả của cẩm nang CIA, “Tâm lý học phân tích tình báo” (Psychology of Intelligence Analysts).
Khi bạn nhìn vào hình trên bạn đã thấy gì? Thí nghiệm đơn giản cho thấy một trong những nguyên tắc cơ bản nhất liên quan đến nhận thức: Chúng ta có xu hướng nhận thức kết quả như những gì chúng ta mong đợi [mỗi tam giác lặp hai chữ “THE” hoặc “A”]. Heuer từng đề cập:
“Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra thông tin người quan sát thu được có mức độ phụ thuộc cao vào các giả định và quan niệm từ trước của chính người quan sát.”
“Các mô hình kỳ vọng giúp các nhà phân tích, trong vô thức biết họ cần tìm kiếm những gì, đâu là điểm quan trọng và làm thế nào để giải thích hiện tượng xuất hiện trong quá trình nghiên cứu. Những mô hình này định hình tư duy các nhà phân tích theo những hướng suy nghĩ nhất định.”
Tác giả Daniel Khaneman, trong cuốn sách nhận đánh giá cao về nhận thức và thành kiến của con người, “Tư duy nhanh và chậm” đã viết rằng:
“Nhảy đến kết luận hiệu quả nếu kết luận có khả năng đúng cao và chi phí cho sai lầm không thường xuyên có thể chấp nhận được, cộng với việc nhảy đến kết luận đó tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Nhảy đến kết luận mang tính rủi ro đối với tình huống không quen thuộc, khoản cược cao và không có thời gian để thu thập thêm thông tin. Đây là những trường hợp có thể xảy ra lỗi trực giác.”
Một xu hướng cũng tồn tại với người tìm kiếm bằng chứng xác nhận (confirming evidence) và bỏ qua hoặc chủ quan trước bằng chứng không xác nhận (disconfirming evidence).
“Chúng ta có xu hướng vô thức lọc ra những bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm của mình.” – Bennett Goodspeed
“Trong khi quy tắc nghiên cứu khoa học khuyên nhà phân tích nên kiểm nghiệm giả thuyết bằng cách cố gắng bác bỏ chúng, thì ngược lại người ta lại tìm kiếm dữ liệu có khả năng tương thích với niềm tin hiện thời của họ.” – Daniel Khaneman
Trong cuốn sách ‘The Tao Jones Averages’, Bennett Goodspeed đã viết:
“Hầu hết các vấn đề cá nhân, kinh doanh và đầu tư của chúng ta xảy ra không phải do chúng ta thiếu thông minh hoặc lười biếng. Thay vào đó, nguyên nhân thất bại phổ biến nhất là chúng tôi không nhìn thấy và/hoặc nói cách khác là lờ đi nhiều tín hiệu cảnh báo màu vàng và đỏ ngay trước mắt. Nguyên do là các tín hiệu cảnh báo cũng là một trong nhiều thông tin đầu vào muốn chen chân vào vùng chú ý của chúng ta… Một lý do khác khiến chúng ta nhìn nhận thực tế kém và thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, là bán cầu não trái (logic) của chúng ta can thiệp vào khả năng nhìn nhận của não phải.”
“Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng khi mua bất kỳ cổ phiếu nào, tôi chuyển sang kiểm tra bản checklist đầu tư lần chót để ngăn bộ não không đáng tin cậy của mình lơ là trước dấu hiệu cảnh báo tiềm năng.” – Guy Spier
“Tôi là người đặt niềm tin cao độ vào việc giải quyết các vấn đề khó khăn bằng cách sử dụng bản checklist. Bạn cần trả lời tất cả các câu hỏi; nếu không thì rất dễ bỏ lỡ thứ gì đó quan trọng.” – Charlie Munger
Bennnett Goodspeed chia sẻ câu chuyện về một giáo viên mỹ thuật đã cải cách cách dạy thông thường. Trong lớp học vẽ kéo dài sáu tuần, trình độ của học sinh trong lớp cải thiện đến không tưởng. Kỹ thuật giảng dạy mỹ thuật của cô là “tắt đi bán cầu não trái”. Nếu nó có thể đặt tên và phân loại một sự vật, nó không cần phải xem xét tỉ mỉ.
Một trong những bài tập là vẽ bức tranh lộn ngược. Ý tưởng là “đánh lừa” não trái để nó không thể định hình đặc trưng các thành phần trên khuôn mặt. Tương tự, người giả mạo chữ ký thường chép chữ ký lộn ngược để loại bỏ sự thiên vị khi viết. Nhiều họa sĩ nổi tiếng kiểm tra bức tranh bằng hình ảnh phản chiếu từ một chiếc gương cũng vì lý do trên.
Tương tự, nhiều bậc thầy đầu tư rà soát lại phân tích của họ, dưới sự trợ giúp của bản checklist.
“Bản checklist giúp chúng ta giảm thiểu những “sai lầm phi công” và trở thành một nền tảng nhắc nhở chúng ta về những bài học trước đây. Những bài học này có thể sớm bị lãng quên khi tinh thần bầy đàn (Animal spirits – thuật ngữ được John Maynard Keynes sử dụng để giải thích tại sao các quyết định được đưa ra ngay cả trong những thời điểm không chắc chắn) và sự thiên vị (bias) xuất hiện để cố chứng minh một lý thuyết. Công việc của bản checklist nhằm rà soát lại khoản đầu tư tương tự như một nhà khoa học tìm cách chứng minh giả thuyết không (null hypothesis – được đặt ra với mục tiêu là xem dữ liệu thu thập trong các nghiên cứu thực nghiệm có mâu thuẫn gì với giả thuyết này không). Ví dụ, nếu chúng ta muốn biết liệu khoản đầu tư có bị định giá sai hay không, thì bản checklist sẽ rà soát những câu hỏi để giải quyết vấn đề tại sao khoản đầu tư KHÔNG bị định giá sai. Từ đó, giảm thiểu sự thiên vị xuất hiện trong quá trình đầu tư.” – Christopher Begg
Hẳn bạn đang cân nhắc áp dụng bản checklist vào quá trình đầu tư rồi nhỉ?… Đón chờ Phần 2 để biết thêm chi tiết các thuộc tính của một bản checklist tối ưu và tự xây dựng cho mình bản checklist phù hợp.
Nguồn: Masters Invest/ Happy.Live dịch
Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao)