Cứ liên tục “Mua mua – Bán bán” có phải là cách làm giàu trên thị trường chứng khoán?
Trái với suy nghĩ nhiều người: Hình ảnh một nhà giao dịch chứng khoán thành công gắn liền với dòng lệnh dài loằn ngoằn, các thao tác mua bán liên tục,… Thực chất, những cao thủ ẩn mình giao dịch ít hơn bạn nghĩ đấy!
Nguồn cơn của việc “thích mua bán”
Giao dịch quá mức (tiếng Anh là Over-Trading) là một vấn đề không chỉ của riêng những người mới tham gia, mà đôi khi một số NĐT kì cựu cũng mắc phải. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới trạng thái tâm lý này của nhà đầu tư, nhưng chúng ta có thể tạm thời gộp lại thành hai nhóm chính:
Nguyên nhân khách quan:
Ở trường hợp này, phần lớn các NĐT mắc lỗi là những người chưa hoàn toàn có được một phương pháp giao dịch cụ thể cho mình. Hoặc là họ liên tục chịu những lời “phím hàng” tác động, khiến việc nôn nóng kiếm tiền bị đẩy lên cùng cực; hoặc là họ đang trong tình trạng liên tục thử nghiệm các phương pháp giao dịch mà họ học được. Cho dù là ở trường hợp nào, kết quả chung đều là họ thường giao dịch quá thường xuyên, bỏ lỡ các nhịp tăng giá mạnh, hay thậm chí là mua tại đỉnh.
Tai hại hơn, việc liên tục mua bán sẽ hình thành tâm lý con bạc, lâu dần sẽ ngấm sâu vào thói quen của NĐT và liên tục khiến NĐT nghèo đi (thay vì trở nên giàu có hơn).
Nguyên nhân chủ quan:
Xuất phát từ chính bản thân NĐT tham gia thị trường, những người đang rơi vào vòng xoáy mua bán phần lớn là do tâm lý không ổn định. Họ dễ dàng mua một cổ phiếu tốt, thế nhưng khi gặp những biến động ngắn hạn, họ trở nên hoảng loạn và bán ra, để rồi sau cùng họ phải mua lại chính những cổ phần mà học vừa bán – với cái giá cao hơn.
Một nguyên nhân khác nằm ở tầm nhìn “ngắn hạn”. Đối với một số người, được chốt lãi đã là thành công. Thế nên khi họ mua được một cổ phiếu tốt và cổ phiếu ấy tăng giá, họ thường có xu hướng “chốt lời non” vì sợ mất đi phần lãi. Các NĐT thành công luôn làm ngược lại: Cắt lỗ nhanh, và tiếp tục để lãi chạy.
Phong cách giao dịch cũng có thể được liệt kê. Đối với một số người xem việc giao dịch là một nghề chính, họ bắt buộc phải sử dụng các giải pháp giao dịch trong khung thời gian ngắn để đáp ứng được nhu cầu về thu nhập hàng ngày của mình. Cũng cần phải biết, việc giao dịch càng nhiều thì bạn càng có khả năng mắc sai lầm. Vậy nên, đây không phải là hình thức giao dịch dành cho người mới bắt đầu.
Hiểu rõ về các chi phí trong giao dịch
Một lý do chính tại sao bạn không nên giao dịch quá thường xuyên nằm ở vấn đề chi phí. Hãy để chúng tôi bật mí một sự thật: Các chi phí mà bạn phải trả cho việc giao dịch liên tục sẽ ăn mòn hết lợi nhuận của bạn.
Tại sao?
Hãy tìm hiểu về cấu trúc chi phí.
Hiện nay, một NĐT tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải chịu một số loại phí sau: phí giao dịch, thuế TNCN, phí lưu ký và quan trọng nhất, phí giao dịch ký quỹ.
Tùy theo từng công ty chứng khoán mà NĐT phải chịu các mức phí khác nhau, nhưng thông thường, phí giao dịch trung bình dao động từ 0.15 – 0.25%/lần giao dịch, và thuế TNCN là 0.1% giá trị lúc bán chứng khoán.
Nếu tính trung bình, một giao dịch hoàn chỉnh, bao gồm cả lúc mua và lúc bán, NĐT sẽ phải chịu khoảng 0.5% mức phí tính trên tổng giá trị giao dịch. Tưởng chừng là nhỏ, nhưng nếu trong 1 tháng chúng ta giao dịch 10 lần, mức phí đó đã chiếm tới 5% tổng tài sản chúng ta. Càng bất ngờ hơn khi một nhà đầu tư giao dịch liên tục 10 lần mỗi tháng trong suốt 1 năm, mức phí thậm chí còn lên tới 60% giá trị tài sản. Đó là chưa tính phần phí gia tăng khi NĐT sử dụng vốn vay.
Trong trường hợp thuận lợi, một NĐT kiếm được lợi nhuận 100% trong 1 năm, thì phần lớn số lợi nhuận đó đã bị các chi phí ăn mòn đi đáng kể. Còn ở trường hợp ngược lại, nếu chẳng may đó là một năm không mấy thuận lợi, nguồn vốn của NĐT liên tục bị bào mòn do các thua lỗ, và cả chi phí giao dịch.
Cách tiếp cận mới để thành công
Nhận biết được sự thật về mức phí giao dịch, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ lợi nhuận, một NĐT thông minh sẽ biết cách xử lý phù hợp. Thông thường, lời khuyên của các NĐT thành công là: Chỉ giao dịch khi hệ thống bạn phát ra tín hiệu.
Hay nói một cách đơn giản: Chỉ giao dịch khi THỰC SỰ cần.
Làm sao để bớt giao dịch
Điều đầu tiên mà bất cứ NĐT nào cũng cần trang bị, chính là một hệ thống giao dịch. Khi sở hữu hệ thống giao dịch, chúng ta sẽ loại bỏ được các yếu tố tâm lý, “ngẫu hứng”,… thứ vốn là nguồn cơn cho việc mua bán bừa bãi. Một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh sẽ bao gồm cách xác định xu hướng thị trường chung, cách xác định cổ phiếu tiềm năng, cách xác định điểm mua, điểm bán và những lưu ý khác khi giao dịch.
Hãy lập ra một bảng checklist các tín hiệu hành động, và nhớ kiểm tra checklist này trước khi bạn định ra bất cứ quyết định nào.
Điều thứ hai mà NĐT cần quan tâm chính là rèn luyện sự kỷ luật. Sở hữu hệ thống giao dịch, các checklists chỉ mới là một nửa chặng đường. Để có thể áp dụng triệt để những quy tắc vào hoạt động giao dịch thực tế, NĐT cần rèn luyện sự kỷ luật. Đầu tư là quá trình tự rèn luyện, tự trau dồi, vậy nên không có đường tắc cho việc này. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là liên tục kiên trì, đánh giá và cố rèn sự kỷ luật.
Cuối cùng, hãy tập nhìn mọi thứ theo góc nhìn dài hạn. Như đã đề cập, thị trường chứng khoán chịu tác động lớn của tâm lý con người, mà tâm lý con người vốn dễ dao động, nên các biến động ngắn hạn trên thị trường là không thể tránh khỏi. Hãy học cách tư duy dài hạn, nhìn thấy những thứ mà đám đông không nhìn thấy, NĐT sẽ có một lợi thế lớn trong trò chơi có tổng âm này.
Happy Live biên tập.
Có thể bạn quan tâm