Hủy niêm yết cổ phiếu – nỗ lực ‘làm sạch’ thị trường và lời cảnh tỉnh nhà đầu tư
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Việc huỷ niêm yết cổ phiếu hướng đến mục tiêu tạo một môi trường đầu tư minh bạch, đồng thời thanh lọc, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, gây lũng đoạn thị trường; giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, có trách nhiệm với các nhà đầu tư hơn. Tuy nhiên, điều này gây không ít hoang mang cho nhà đầu tư, họ không biết quyền lợi của mình có được bảo vệ hay không. Trên thực tế, các cổ đông nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt.
Một trong những lời khuyên mà các chuyên gia tư vấn thường đưa ra
Quyết định mua – bán cổ phiếu cần dựa trên uy tín của lãnh đạo và bản thân doanh nghiệp, triển vọng ngành nghề, cơ hội chung trên thị trường sẽ giúp các nhà đầu tư cá nhân tránh hoặc nhận diện các “cổ phiếu rác”, qua đó hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán.Muôn kiểu vi phạm thông tin niêm yết
Cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất – kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, theo quy định tại Điều 120 thuộc Nghị định 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Cổ phiếu của một công ty cũng sẽ bị huỷ niêm yết nếu công ty phát sinh một trong các vi phạm, gồm: chậm nộp báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp; công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính năm gần nhất; công ty niêm yết vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng, chẳng hạn như thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng.
Theo đó, hàng chục mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE và HNX từ năm 2022 tới nay.
Điển hình là cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị huỷ niêm yết trên sàn HOSE vào đầu tháng 9-2022 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định tại Điểm o Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020. Thậm chí, cổ phiếu không thể chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quản lý, vì chưa khắc phục được các vi phạm đang tồn tại.
Tương tự, cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại khoản 1, điều 120, Nghị định 155. Trước đó, cổ phiếu này bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch vào đầu tháng 9-2022 do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin. Cụ thể, doanh nghiệp chưa tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022. Từ đó đến nay, FLC vẫn chưa thể thực hiện các công việc này.
Khác với ROS và FLC, cổ phiếu ACM của Cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường bị hủy niêm yết tại HNX do bị tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020. Doanh nghiệp liên tục vi phạm các quy định về vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch.
Còn các cổ phiếu gồm PXS, C92, APP, ACM, VIE, HPM, PDC, SD2, PHP, LCM… bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2022 do kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp gồm 2019, 2020, 2021.
Bên cạnh những cổ phiếu trên, không ít doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc trong năm 2023 do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp 2020, 2021, 2022 như SII của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, HOT của Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An, HVN của VietnamAirlines, L35 của Công ty cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama…
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, tại bất kỳ thời điểm nào mà có nhiều doanh nghiệp phải rời sàn niêm yết vì vi phạm các quy định là hợp lý, cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.
Cụ thể, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn diễn ra quá trình sàng lọc các doanh nghiệp theo thời gian nên doanh nghiệp có hoạt động tốt, tuân thủ pháp luật về chứng khoán mới đủ các điều kiện để niêm yết lâu dài.
Với các doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu, quy định tối thiểu của pháp luật thì việc loại cổ phiếu của họ khỏi sàn niêm yết sẽ góp phần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư mới, giúp họ tránh mua phải những cổ phiếu của công ty “kém chất lượng” trong giai đoạn hiểu biết về thị trường còn hạn chế, chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức để đánh giá được chất lượng doanh nghiệp khi đầu tư hoặc đầu cơ chứng khoán.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, cho rằng việc huỷ niêm yết với các cổ phiếu vi phạm cho thấy sự cương quyết của các cơ quan quản lý với các sai phạm trên thị trường chứng khoán. Về phía các công ty niêm yết, sự kiện hủy niêm yết với một số cổ phiếu với lý do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin là bài học sâu sắc trong ý thức tuân thủ pháp luật và sự minh bạch thông tin đối với nhà đầu tư.
Lời cảnh tỉnh với nhà đầu tư
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho biết có hai trường hợp xảy ra sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết. Với trường hợp cổ phiếu chuyển từ Sở giao dịch lớn (HOSE, HNX) xuống thị trường UpCoM thì cổ phiếu vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản. Doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên UPCOM và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết.
Với trường hợp cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Lúc này có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, gồm: công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.
“Cổ phiếu bị hủy niêm yết không đồng nghĩa với việc không còn giá trị. Nhà đầu tư nên tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xem có khả năng phục hồi hay không”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến nghị.
Để hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SHS, khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân nên trang thị thêm kiến thức, hiểu biết về thị trường và nền tảng doanh nghiệp. Theo đó, quyết định mua, bán cổ phiếu cần dựa trên ba yếu tố: uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp, triển vọng ngành nghề, cơ hội chung trên thị trường.
Ba yếu tố này, theo ông Tiến, giúp nhà đầu tư định giá doanh nghiệp và xác định mức tham chiếu cho cổ phiếu. Đây là cơ sở để nhà đầu tư cộng hoặc trừ phần trăm giá trị cổ phiếu theo mức độ quan tâm thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Long cho rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn công ty, xem xét khả năng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật nói chung, tuân thủ quy định về công bố thông tin nói riêng cũng như cần tìm hiểu thông tin ý thức tuân thủ pháp luật của những người điều hành các công ty (Chủ tịch, Tổng giám đốc) nhằm đánh giá uy tín của công ty và quản trị rủi ro trong việc đầu tư.
“Sự công khai, minh bạch trong công bố thông tin và ý thức tuân thủ pháp luật nên là những tiêu chí quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn công ty để đầu tư bên cạnh các tiêu chí về kết quả kinh doanh, tiềm năng tăng trưởng”, ông Long cho biết.
Dẫn chứng trường hợp cổ phiếu ROS của FLC Faros, ông Nguyễn Quang Thuân, chuyên gia tài chính, cũng chỉ ra một số vấn đề đặt ra từ sự kiện này, gồm chất lượng công bố thông tin, chất lượng quản trị doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa chứng khoán và các hành vi sai trái của chủ doanh nghiệp.
Theo ông Thuân, có một thực tế là cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều vấn đề, nhưng vẫn thu hút sự tham gia đông đảo nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, bất chấp thông tin về việc tăng vốn ảo đã được công bố và có phần khá minh bạch.
“Doanh nghiệp thậm chí không có ý định giấu diếm khi liên tục trong một ngày đặt 18 lệnh chuyển tiền góp vốn và rút tiền ra ngoài”, ông Thuân phân tích.
Qua trường hợp cổ phiếu ROS, ông Thuân khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên lưu ý về các dấu hiệu của một cổ phiếu “rác” để có thể giúp tránh những rủi ro không đáng có.
Thứ nhất, những doanh nghiệp tăng vốn nhiều lần với giá trị lớn nhưng mục đích không rõ ràng. Việc tăng vốn có thể bằng tiền mặt từ các cổ đông, hoặc hoán đổi cổ phiếu với những doanh nghiệp không rõ tên tuổi, ít người biết đến. Số tiền góp vốn thường được rút khỏi doanh nghiệp dưới dạng các khoản đầu tư, ủy thác và cho vay nhưng thu nhập mang lại không đáng kể.
Thứ hai, những doanh nghiệp có báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Theo đó, rất nhiều trường hợp báo cáo kiểm toán nêu rõ các ý kiến cần lưu ý và sự bất đồng về những khoản mục cụ thể mà doanh nghiệp không đồng ý điều chỉnh báo cáo tài chính. Trong nhiều trường hợp, nếu điều chỉnh các khoản này thì một doanh nghiệp đang báo cáo lãi sẽ thành lỗ hoặc bức tranh về kết quả kinh doanh hay tình hình tài chính có thể thay đổi rất lớn.
Thứ ba, doanh nghiệp có các khoản ủy thác đầu tư lớn cho ban lãnh đạo hoặc người liên quan, đầu tư vào các dự án liên quan hoặc thậm chí cho vay dưới nhiều hình thức khác nhau.
Các khoản đầu tư này, theo ông Thuân, thường buộc doanh nghiệp phải thuyết minh trên báo cáo tài chính. Đó thường là những khoản tồn tại trong thời gian dài mà hiệu quả đem lại chưa rõ ràng hoặc chưa được thuyết minh cụ thể.
Thứ tư, doanh nghiệp có giá trị tài sản vô hình lớn nhất là sau các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) hay mua lại các dự án và công ty liên quan với giá trị cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách của công ty hoặc dự án được mua lại và hợp nhất vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó. Gọi là “tài sản vô hình” bởi thông thường giá trị tài sản có được nhờ sự thống nhất giữa các cổ đông mặc dù đã được định giá độc lập theo quy định.
“Thực tế có một số doanh nghiệp dùng biện pháp này để tăng vốn “khủng” qua việc định giá công ty hay dự án được hợp nhất ở mức rất cao so với giá trị thực của tài sản đó”, ông Thuân cho biết.
Thứ năm, một doanh nghiệp được sở hữu qua lại, xoay vòng hoặc “nối đuôi nhau” giữa một nhóm công ty liên quan, hoặc có nhiều giao dịch với nhau, đặc biệt là cho vay hoặc giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ qua lại.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Phân tích kỹ thuật toàn diện kiếm tiền trên mọi thị trường