fbpx

Lạm phát và tỷ giá: Hai ‘trở ngại’ mà NHNN cần vượt qua nếu muốn giữ lãi suất thấp

NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, tuy nhiên, muốn được điều này, NHNN cần vượt qua hai trở ngại rất lớn là lạm phát và tỷ giá.

lam-phat-va-ty-gia-hai-tro-ngai-ma-nhnn-can-vuot-qua-neu-muon-giu-lai-suat-thap-happy-live-1

Những biến động trên thị trường quốc tế đang khiến giá dầu tăng cao gây nguy cơ lạm phát, bên cạnh đó đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực không nhỏ đến tỷ giá. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: Tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền… nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu này NHNN cần giữ mức lãi suất ổn định và phù hợp, tránh tăng cao trở lại nếu không sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn càng thêm khó khăn. 

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá. Theo Phó thống đốc hiện một số khoản vay của doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao chủ yếu là do mặt bằng lãi suất giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 tăng mạnh. 

“Thời gian tới, NHNN sẽ điều hành lãi suất sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành  cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp”, Phó Thống đốc thông tin.

Tuy nhiên, muốn giảm tiếp lãi suất hoặc chí ít là giữ lãi suất điều hành như ở mức hiện tại, NHNN cần vượt qua hai trở ngại rất lớn là lạm phát  và tỷ giá.

Tỷ giá tiếp tục “nhảy múa”

 

Với tỷ giá, áp lực tiếp tục gia tăng trong tháng 9 khi tỷ giá USD/VND đã lên mức 24.396 VND vào ngày 10/10 tăng thêm 1,3% so với cuối tháng 8 và 3,2% so với cuối năm 2022.

Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá, áp lực tỷ giá USD/VND gia tăng chính phủ Mỹ đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, sự gia tăng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD cũng khiến tỷ giá thêm phần áp lực. Xu hướng tỷ giá tăng cao được hỗ trợ bởi chỉ số DXY mạnh lên, hiện chỉ số này đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. 

Không chỉ tăng so với VND, USD cũng tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực, như đồng Rupiah của Indonesia tăng 1,1% so với đầu năm, Peso của Philippines tăng 2% so với đầu năm, Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 5,3% so với đầu năm, Baht của Thái Lan tăng 5,8% so với đầu năm và Ringgit của Malaysia tăng 7,4% so với đầu năm.

lam-phat-va-ty-gia-hai-tro-ngai-ma-nhnn-can-vuot-qua-neu-muon-giu-lai-suat-thap-happy-live-2

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, áp lực tỷ giá năm 2024 còn đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách neo lãi suất ở mức cao.

Các phân tích mới nhất từ quốc tế cho rằng trong tháng 11 Fed có thể không tăng lãi suất nữa nhưng vẫn neo ở mức cao và phải đến giữa năm 2024 thị trường mới có thể kỳ vọng có những đợt giảm lãi suất đầu tiên.

Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) của Mỹ đã hạ từ mức 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 3,7% vào tháng 9/2023, tuy nhiên với “quyết tâm” đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, nhiều khả năng Fed sẽ vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Rủi ro lạm phát từ xung đột tại Trung Đông 

lam-phat-va-ty-gia-hai-tro-ngai-ma-nhnn-can-vuot-qua-neu-muon-giu-lai-suat-thap-happy-live-3

Bên cạnh đó, vấn đề xung đột ở Israel và Hamas là một trong các yếu tố tác động mạnh đến giá dầu, gây nguy cơ lạm phát. Cuộc đụng độ chiến sự này đã xảy ra lâu nay nhưng hiện đang leo thang hơn, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá dầu tăng cao gây lạm phát.

“Khó có thể dự đoán được căng thẳng tại khu vực này sẽ leo thang hay dịu đi, vì vậy cần theo dõi sát sao và chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó”, TS. Lực nói.

Một khi xung đột leo thang khiến giá dầu tăng gây nguy cơ lạm phát, các nền kinh tế lớn thậm chí sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, vấn đề tỷ giá càng trở nên cấp thiết.

Giả sử xung đột tại khu vực này leo thang cũng khiến cho xăng dầu, lương thực thực phẩm và một số chuỗi cung ứng khác bị đứt gãy đẩy giá cả và lạm phát toàn cầu cao hơn. Khi đó, không chỉ gặp vấn đề với tỷ giá, Việt Nam còn chịu áp lực từ lạm phát gia tăng do chi phí đẩy, chuyên gia cho biết.

Còn với kịch bản căng thẳng vẫn giằng co nhưng không leo thang, tuy lạm phát chịu áp lực tăng nhưng chắc sẽ không đến mức quá ghê gớm, TS. Lực dự báo.

Tất nhiên là vẫn phải tính đến kịch bản xấu nhất, ông khẳng định và cho biết: “Quan điểm của tôi là xung đột này chắc chắn sẽ có tác động vì vậy cần theo sát tình hình cũng như đưa ra một số kịch bản điều hành. Tuy nhiên, cũng không nên quá lo bởi tình hình chiến sự chắc chắn sẽ có tác động đến lạm phát nhưng tính chất và mức độ lại tuỳ thuộc vào độ leo thang của chiến tranh”.

Trong bối cảnh lạm phát đang có áp lực lớn từ bên ngoài, NHNN cần cố gắng kiểm soát tỷ giá thông qua nguồn dự trữ ngoại hối  dồi dào, dòng vốn FDI  vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực…  

Với lãi suất điều hành, hiện đang ở mức tương đối phù hợp, áp lực lạm phát có thể tăng lên song vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Lãi suất điều hành đã ở mức phù hợp, vấn đề tiếp theo là làm sao để lãi suất huy động  và cho vay tiếp tục giảm xuống theo định hướng chung của Chính phủ và NHNN, TS Lực Cấn Văn Lực nhận định.

Các viết cùng chủ đề