Bài học khởi nghiệp và tư duy thử nghiệm cho người làm kinh doanh
Hắn hốt hoảng kéo thằng bạn lại. Thằng bạn đang sùng máu nhảy xuống bàn để đi kiếm lão chủ nhà. Nó giận lắm rồi, không cản lại thì nguy to.
Nhưng chợt thằng bạn ngừng lại, nhìn trống không vào khoảng nước dạt dào trước mặt. Chắc là nó sợ chết đuối.
Nó đứng đó một hồi lâu, rồi lặng hỏi hắn: “Tại sao vậy hả mày? Tại sao ông trời lại nỡ đối xử với chúng ta như vậy?”
Hắn chết lặng, cũng chả biết trả lời sao.
Chả là mấy tháng trước, hắn và thằng bạn có thuê cái nhà này làm quán cà phê. Tụi nó thích mở quán lâu rồi, nhưng cứ lần lữa mãi. Cuối cùng thằng bạn hắn mới nói: “Tao nghe rằng người kinh doanh thành công toàn liều mạng. Kiểu như mày phải dám làm, dám chơi, dám chịu thì mới nắm bắt được cơ hội. Cứ nhát cáy trong khu vực an toàn hoài thì biết bao giờ mới đổi đời được. Tao thấy cái nhà ở quận 7 kia đang treo biển cho thuê nguyên căn, có vẻ cũng phù hợp, xúc luôn đi đừng có nghĩ nhiều nữa.”
Hắn đồng ý, thế là ngay lập tức hai thằng có quán như hằng mơ ước.
Tuy nhiên, trời không chiều lòng người. Lần liều mạng này của hai thằng sinh viên vừa ra trường không suôn sẻ lắm. Hóa ra khu vực tụi nó thuê quán không có nhiều khách, mà khách cũng chẳng thích vị cà phê tụi nó pha. Ngặt nghèo hơn nữa, chả hiểu sao cứ đến mùa triều lên thì cái quán nó ngập trong bể nước, bàn ghế nổi lềnh bềnh. Đây là điều mà lão chủ nhà không hề nhắc tới.
Hai thằng nhìn nhau, chả biết làm gì. Giờ thì làm gì được khi triều mãi chả chịu xuống. Số trời. Hẳn là số trời.
Thực ra vấn đề không phải ở ông trời. Vấn đề là hai thằng đã phạm sai lầm khi nghĩ doanh nhân thì phải liều mạng, và bắt chước theo không chịu suy nghĩ kỹ. Doanh nhân không hề liều mạng, trái lại, họ là những con người ít thích chơi liều nhất quả đất. Người ta nghĩ họ liều mạng vì họ biết cách xử lý một thứ mà người bình thường không hề biết: rủi ro.
Dưới đây là mấy vấn đề về rủi ro và liều mạng mà lẽ ra hắn và thằng bạn phải nắm vững trước khi lao vào khởi nghiệp:
1. Thứ khiến bất kỳ dự án nào thất bại đều là rủi ro, và công việc của một người làm dự án là giảm thiểu rủi ro này. Người nào có khả năng giảm rủi ro thấp nhất sẽ có cơ hội thành công cao nhất.
Đây là một điều gần như hiển nhiên, không cần giải thích gì thêm.
2. Rủi ro đều có thể phân nhỏ thành nhiều đơn vị rủi ro.
Ví dụ, ta có một dự án mở quán cà phê (cho dễ tưởng tượng). Nhiệm vụ lúc này không phải là lao vào làm quán ngay, mà là liệt kê các rủi ro thất bại thành nhiều đơn vị nhỏ có thể giải quyết được. Ví dụ, để đơn giản, ta phân thành các nhóm:
– Rủi ro mặt bằng: Mặt bằng có thể vắng khách, có xã hội đen bảo kê, hoặc bị ngập nước…
– Rủi ro thức uống: Thức uống của mình có thể không phù hợp khẩu vị, khó pha chế…
– Rủi ro nhân viên: Nhân viên có thể không phù hợp đứng quán…
Dĩ nhiên còn nhiều nữa, nhưng ta sẽ chỉ dừng lại ở vài rủi ro để hiểu cách làm thôi.
Như vậy, dự án này có những rủi ro được phân nhỏ ra như trên. Nhiệm vụ của ta bây giờ là giải quyết từng rủi ro hết khả năng của mình.
3. Giải quyết rủi ro không có nghĩa là phải loại trừ nó hoàn toàn.
Nhiều người theo chủ nghĩa hoàn hảo cố gắng làm giảm hết sạch rủi ro mới bắt tay vào. Điều này là không thể. Hơn nữa, có những rủi ro và cách giải quyết chỉ xuất hiện khi bạn đã bắt tay vào làm. Chỉ ngồi suy nghĩ sẽ chỉ khiến bạn mãi mãi ngồi suy nghĩ mà không hành động.
Xin nhắc lại, tinh thần ở đây là giảm thiểu hết mức có thể rủi ro ở từng đơn vị rủi ro mà thôi, không phải là loại bỏ hoàn toàn rủi ro này.
4. Cách giảm thiểu rủi ro hiệu quả nhất: thử nghiệm.
Như vậy, nhiệm vụ chính của người khởi nghiệp là tìm cách giảm thiểu rủi ro. Cách giảm thiểu rủi ro tốt nhất thường là thử nghiệm với quy mô nhỏ trước khi tung ra làm đại trà cho toàn dự án. Cũng có thể nói, người khởi nghiệp giỏi là người có thể nghĩ ra được nhiều cách thử nghiệm hiệu quả nhất cho các rủi ro của dự án.
Ví dụ, với rủi ro về mặt bằng, hắn và thằng bạn có thể ngồi ở khu vực định mở quán một hoặc hai tuần để quan sát; hoặc thuê thử một mặt bằng nhỏ để vận hành thử trước khi thuê. Với rủi ro về thức uống, hắn và thằng bạn có thể bán thử đồ uống của mình theo kiểu xe di động, trước khi chơi lớn.
Hoặc giả sử hắn và thằng bạn mở tiệm bán áo thun tự thiết kế, thì thay vì tung ra ngay rồi hy vọng mẫu thiết kế của mình được yêu thích (rủi ro thiết kế), hắn có thể mockup bằng Photoshop, chạy quảng cáo thử trước khi đưa vào sản xuất đại trà.
Nói tóm lại, bạn càng nghĩ ra nhiều cách thử nghiệm với chi phí thấp, thì số lượng lần thử của bạn càng cao, và cơ hội thành công càng lớn. Sự khác biệt duy nhất giữa thành công và thất bại là tư duy thử nghiệm và mức độ sáng tạo trong thử nghiệm, chứ không phải là mức độ liều mạng. Người ta tưởng rằng doanh nhân liều mạng, vì họ không biết rằng doanh nhân đã tối thiểu hóa rủi ro trong quá trình chuẩn bị rồi.
Kinh doanh như chơi bài vậy, nhưng là bài poker chứ không phải bài cào. Một ván bài có thể may rủi, nhưng kỹ năng và trình độ chơi mới là thứ quyết định ai thắng ai thua trong dài hạn.
Vậy thì bây giờ, thay vì ngồi tưởng tượng về dự án của mình lúc thành công, hãy bỏ thời gian nghĩ cách thử nghiệm và giảm thiểu từng rủi ro. Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, không thể khác.
Nguồn: Ecobladder
Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Sergio Zyman