fbpx

Bài học về giá trị thương hiệu thông qua “Dép rọ, nón nan tre” của Gucci

Hãng thời trang Gucci khiến nhiều người xôn xao khi cho ra mắt chiếc nón rộng vành khá giống với nón nan tre Việt Nam, nhưng có giá lên tới 11 triệu đồng.

Nhiều người cho rằng chiếc nón Gucci giá 9 triệu đồng (bên tay trái) không duyên dáng bằng chiếc nón nan Việt (bên tay phải) giá chỉ 80.000 đồng
Nhiều người cho rằng chiếc nón Gucci giá 9 triệu đồng (bên tay trái) không duyên dáng bằng chiếc nón nan Việt (bên tay phải) giá chỉ 80.000 đồng

Chiếc mũ nan tre vốn được người Việt, mà đa số là giới học sinh, sinh viên nông thôn sử dụng nhiều đời nay. Chúng được bày bán ở những nơi bình dân nhất như trong chợ, lề đường và những khu du lịch với mức giá chỉ trên dưới 80.000 đồng.

Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng được chứng kiến sự trùng hợp thú vị như vậy. Trước đây, cũng chính Gucci đã “gây bão” khi cho ra mắt sandal giá 11 triệu đồng giống y hệt đôi dép rọ bộ đội của Việt Nam.

Những sự trùng hợp đầy bi hài này khiến không ít người đặt ra câu hỏi sao người giàu lại “dại” thế khi chi số tiền nhiều gấp hàng trăm lần để mua về một sản phẩm không có nhiều khác biệt về “ngoại hình”.

Ông Nguyễn Phan Anh, Giảng viên đại học, Chuyên gia Marketing Online đã “hợp lý hóa” những “nghịch lý” này để rút ra kết luận: Giá trị thương hiệu là điều các doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư. Thiếu sót này nên được cải thiện kịp thời dù đây là điều không hề dễ dàng.

Hình ảnh thực tế từ mẫu sandal cao cấp đặt cạnh mẫu dép nhựa của Việt Nam
Hình ảnh thực tế từ mẫu sandal cao cấp đặt cạnh mẫu dép nhựa của Việt Nam

Trước hết, ông Phan Anh phân tích các ý tưởng thiết kế có thể bị trùng lặp hoặc có thể được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu là chuyện rất bình thường trong làng thời trang. Nhưng tại sao, những sản phẩm na ná nhau lại có những mức giá khác nhau một thời một vực? Điều này được quyết định qua chiến lược giá bán.

Theo ông Phan Anh, về chiến lược giá bán, các thương hiệu thời trang cao cấp hoặc siêu xa xỉ luôn định vị giá rất cao và không ngại đầu tư chi phí cho việc xây dựng thương hiệu và củng cố giá trị thương hiệu.

“Bạn cứ thử tưởng tượng, một chiếc váy thiết kế và may thủ công của hãng Channel hoặc McQueen có thể có giá từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD. Nếu bạn xem xét một mẫu thiết kế thời trang với cách đặt vấn đề “chất liệu của nó là gì mà đắt ghê gớm đến thế, đắt không thể tưởng tượng nổi” thì chúng ta đều nhất trí rằng chẳng có chất liệu gì đắt đến thế, trừ khi bạn dệt vải từ một loại cây cỏ gì đó trồng trên Sao Hỏa, mà Sao Hỏa thì làm gì có cây” – ông Phan Anh đề cập tới mức giá trên trời của các thương hiệu xa xỉ.

Giá bán đắt hay rẻ là chiến lược kinh doanh của từng hãng, với các thương hiệu thời trang xa xỉ hoặc siêu xa xỉ thì chiến lược giá là phải đắt, rất đắt. Vì sao đắt? Vì họ hợp tác với các nhà thiết kế lừng danh để tung ra các bộ sưu tập thời trang mang thương hiệu của họ. Tiền lương và thu nhập của những nhà thiết kế này có thể đạt đến mức vài trăm ngàn USD đến vài triệu USD một năm tùy thuộc vào danh tiếng.

Ngoài ra, các thương hiệu còn chi tiền tham gia vào các fashion show đắt đỏ và danh tiếng, không chỉ một show mà phải nhiều show khác nhau. Trong mỗi show diễn họ phải mời các người mẫu nổi tiếng với chi phí từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD cho một show diễn tùy thuộc vào uy tín và thương hiệu của người mẫu đó.

“Bạn đừng lo lắng về việc hai chiếc nón như nhau mà một sản phẩm bán 80.000 đồng và một sản phẩm bán 9 triệu đồng. Vì chiếc nón giá 9 triệu đồng là sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới. Khi bạn sử dụng sản phẩm đó, đồng nghĩa với việc bạn khoác lên mình giá trị thương hiệu – giá trị ảo, giá trị khẳng định đẳng cấp xã hội, sự thành đạt, sự tự tin và đôi khi cả là sự hào nhoáng” – ông Phan Anh khẳng định.

Qua câu chuyện “chiếc nón nan Gucci”, ông Phan Anh ngậm ngùi khi nghĩ về thương hiệu Việt. Theo ông, các thương hiệu thời trang của Việt Nam đã đầu tư vào thương hiệu nhưng mức độ đầu tư chưa đủ lớn để đưa hàng Việt ra thế giới. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt không có đủ tiền để xây dựng thương hiệu trong một thời gian dài với chi phí là các show diễn thời trang, mời các đại sứ thương hiệu, mở các cửa hàng bán lẻ hàng triệu USD tại các trung tâm lớn…

“Chỉ nghĩ thôi tôi cũng đã thấy rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam rồi vì chúng ta không có đủ năng lực tài chính. Lác đác trên thị trường có một vài nhà thiết kế có thể tham gia một số tuần lễ thời trang ở các kinh đô thời trang lớn, nhưng đó cũng chỉ là thiểu số, làm một vài show rồi có thể nghỉ không bao giờ quay lại” – ông Phan Anh tiếc nuối.

“Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào bạn có thể bán đôi dép nhựa của Việt Nam với giá 5 triệu đồng hay cao hơn? Và làm thế nào bạn bán được cái nón nan của Việt Nam ra thế giới với giá 10 triệu đồng? Câu trả lời không phải là dồn hết tiền cải tiến sản phẩm mà là nỗ lực xây dựng thương hiệu” – ông Phan Anh bình luận.

Nguồn: Bizlive

Các viết cùng chủ đề