Bong bóng tài sản trên thị trường tài chính – Dấu hỏi lớn?
Nhiều nhà sử học kinh tế băn khoăn, điều gì đang xảy ra trên thị trường tài chính khi phố Wall sắp đón công cụ đầu tư mới, sau một năm giá nhiều loại tài sản phi mã.
Khoảng 300 năm trước, nhiều nhà đầu tư tài chính tại châu Âu phấn khích về triển vọng tài chính của một số công ty thương mại quốc tế được chính phủ Pháp và Anh cấp quyền đặc biệt trong thương mại quốc tế. Cổ phiếu công ty Biển Nam của Anh và công ty Mississippi của Pháp tăng trưởng chóng mặt và rồi đến năm 1720, cổ phiếu hai công ty này sụp đổ và khiến nhiều nhà đầu tư giận dữ.
Những câu chuyện kịch tính như trên không khỏi khiến cho nhiều nhà sử học kinh tế băn khoăn, điều gì đang xảy ra trên thị trường tài chính hiện nay. Năm qua, giá của nhiều loại tài sản trên phố Wall đã tăng quá nhanh khiến cho nhiều chuyên gia lo sợ.
Trong vòng 1 năm qua, giá bitcoin đã tăng gấp hơn 6 lần. Trong khi đó, những công ty vỏ bọc hay còn được gọi là công ty với mục đích thâu tóm đặc biệt (SPAC) – những công ty niêm yết cổ phiếu và rồi sau đó thâu tóm những công ty mục tiêu, đã huy động được hơn 100 tỷ USD trong năm nay, theo Daelogic. Nhà đầu tư đồng thời đổ tiền vào nhiều loại tài sản khó thay thế khác như tác phẩm nghệ thuật hay bản bút ký.
Lịch sử cho thấy, những cơn cuồng đầu tư thường liên quan đến các sáng tạo về tài chính, công cụ mới được tạo ra bởi các bên trung gian trên phố Wall, xung quanh nó là huyền thoại và được hỗ trợ bởi kỳ vọng vào tương lai lợi nhuận cao.
Thỉnh thoảng, những sáng tạo này có kết cục thảm hại.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 gần khiến cho toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ có nguyên nhân từ việc giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (CDO) và hợp đồng hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) bùng nổ. Trước đó, đã có những công ty Internet không có lợi nhuận công khai niêm yết cổ phiếu ở mức định giá rất cao. Và rồi, những doanh nghiệp này sụp đổ trước khi họ kịp kiếm được đồng lợi nhuận nào.
Trước thời kỳ thập niên 1700, từng có bong bóng hoa tulip vào năm 1636 và năm 1637. Theo lịch sử được ghi chép bởi nhà văn, nhà báo Charles Mackay trong cuốn sách “Ảo tưởng đầu tư phổ biến và sự điên rồ của đám đông”, một bông hoa tulip trong lúc đám đông đang phát cuồng lên vì đầu tư có giá trị được tính tương đương với 2 bọc lúa mì; 4 bọc lúa mạch; 4 con cừu; 8 con lợn; 12 con cừu; 2 thùng rượu, bia, bơ, pho mát, 1 bộ quần áo và một cốc uống nước làm bằng bạc.
Còn trong cuốn sách có tựa đề “Hoảng loạn, Hỗn loạn và Cuồng loạn”, giáo sư Charles Kindleberger sau này giảng dạy tại đại học MIT, đã cho rằng những hoạt động đầu cơ và khủng hoảng đó sẽ kéo dài mãi mãi.
Giáo sư trường kinh doanh Harvard và là người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về bong bóng tài sản, ông Robin Greenwood, chỉ ra: “Những giai đoạn có sáng tạo lớn khá thú vị nhìn từ góc độ của nhà đầu tư bởi họ thấy rằng nhiều mức định giá cũng hoàn toàn hợp lý”.
Một ví dụ điển hình, theo ông Greenwood, chính là câu chuyện các quỹ đóng phát triển bùng nổ trong thập niên 1920. Trước khi thị trường tài chính Mỹ lao dốc thảm hại vào năm 1929, hàng loạt quỹ đóng đã được lập ra, giá còn cao hơn cả giá trị các khoản đầu tư cơ bản mà họ đang nắm giữ.
Trong những giai đoạn lĩnh vực tài chính tăng trưởng bùng nổ cũng có rất nhiều kẻ lừa đảo. Trong đó phải kể đến Robert Knight, người đã viết ra nhiều cuốn sách sai lệch về công ty Biển Nam, chạy trốn khỏi Anh và rồi từng đi tù ở thành phố cảng Antwerp của Bỉ. Rồi không thể không kể đến siêu lừa Bernie Madoff, người đã vẽ ra kế hoạch Ponzi sụp đổ vào tháng 12/2008. Người này đã chết trong tù tháng trước.
Ông Greenwood nhấn mạnh rằng đôi khi các sáng tạo tài chính hoàn toàn có thể tồn tại qua thời kỳ bong bóng và sụp đổ, cũng giống như quỹ đóng thập niên 1920 và cổ phiếu Internet thập niên 1990.
Dù rằng sự bùng nổ bất thường của loại công cụ mới có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó bất thường trên thị trường, ông nói rằng không phải mọi chuyện lúc nào cũng vậy.
“Có nhiều thứ trông giống như bong bóng nhưng thực tế không phải vậy”, ông Greenwood chỉ ra. Cũng theo ông, cổ phiếu công nghệ từng tăng trưởng bùng nổ đầu thập niên 1990, nhưng tiếp theo sau đó là một thập kỷ thịnh vượng. Bong bóng có thể xảy ra khi bất ổn dâng cao và thường thì nhiều người không thừa nhận có bong bóng cho đến khi mọi chuyện quá muộn.
Giáo sư thỉnh giảng tại đại học Columbia và cũng là người có thâm niên nghiên cứu về bong bóng tài sản, ông Willem Buiter, cho rằng sự đổi mới bản thân sẽ luôn tồn tại trên phố Wall. Sự đổi mới luôn diễn ra dù trong điều kiện bình thường hay khác thường. Trong giai đoạn bong bóng, sáng tạo tài chính trở thành công cụ cho sự đầu cơ và tạo ra sự thái quá chứ bản thân sáng tạo tài chính không phải vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ khi nào hoạt động đầu tư vào kênh nào đó bị “bơm” lên bằng tín dụng tăng trưởng nóng. Ông Buiter khẳng định: “Đòn bẩy là thứ giết người”.
Câu chuyện này từng diễn ra vào thập niên 2000, giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (CDO) đã khiến cho hoạt động vay thế chấp tăng trưởng mạnh. Từ năm 2000 đến năm 2008, nợ trong lĩnh vực tài chính tăng hơn gấp đôi, từ 8.700 tỷ USD lên 18.000 tỷ USD, trong các hộ gia đình, nợ tăng từ 7.200 tỷ USD lên 14.100 tỷ USD, theo số liệu của Fed.
Lần này, mọi chuyện đã khác. Dù rằng nợ chính phủ đang tăng nhanh, nợ trong lĩnh vực tài chính của Mỹ vẫn thấp hơn mức đỉnh của năm 2008, nợ của các hộ gia đình tăng chậm hơn so với thập niên 2.000. Từ năm 2012 đến năm 2020, nợ các hộ gia đình Mỹ tăng lên mức 16.600 tỷ USD từ 13.600 tỷ USD.
Theo ông Buiter, có dấu hiệu của sự thái quá, thế nhưng mọi chuyện chưa đến mức có thể coi như bùng nổ tín dụng thiếu bền vững.
Theo WSJ, VnExpress, Happy Live tổng hợp.
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách
Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Suy nghĩ vượt lên trên đám đông để trở thành
kẻ chiến thắng trong đầu tư