Dân số quá đông có đồng nghĩa với chôn chân trong đói nghèo?
Đói nghèo ở nhiều nơi trên thế giới thường được coi là bằng chứng của học thuyết “quá đông dân số”. Tuy nhiên, quy mô dân số không đồng nghĩa với chôn chân trong đói nghèo.
Nguy cơ “đông dân số” từ lâu đã là một mối lo ngại:
Học thuyết Malthus (1766-1834) nói rằng: “Sự gia tăng dân số là vô cùng to lớn so với khả năng trái đất sản xuất đủ cho con người tồn tại. Kết quả là nhân loại sống trong đói nghèo mãi mãi”
Dân số quá đông có đồng nghĩa với chôn chân trong đói nghèo?
Trái ngược với lý thuyết của Malthus, có rất ít quốc gia – và hầu như con số này là 0 – có mức sống cao hơn khi dân số của họ chỉ còn một nửa so với hiện tại. Các nghiên cứu dựa trên bằng chứng thực nghiệm đã cho chúng ta thấy một kết quả rất khác so với những kết quả được những người ủng hộ lý thuyết “dân số quá đông” dự đoán.
Ví dụ:
– Giữa những năm 1890 và 1930, khu vực dân cư thưa thớt của đất nước Malaysia – với các thôn xóm và làng chài – đã chuyển đổi thành một quốc gia với các thành phố lớn, có nhiều hoạt động khai thác mỏ, nông nghiệp và thương mại quy mô lớn. Dân số của nước này đã tăng từ khoảng 1,5 triệu lên khoảng sáu triệu người… Lượng dân số đông hơn này có tiêu chuẩn sống cao hơn nhiều và sống lâu hơn so với lượng dân số nhỏ của những năm 1890.
– Kể từ những năm 1950, sự gia tăng dân số nhanh chóng ở Hồng Kông và Singapore với mật độ dân số ngày càng cao đã kéo theo sự gia tăng lớn về thu nhập thực tế và tiền lương. Dân số của các nước phương Tây đã tăng hơn gấp bốn lần kể từ giữa thế kỷ XVIII. Theo ước tính, thu nhập thực tế trên đầu người đã tăng lên gấp năm lần hoặc hơn.
Tuy nhiên, các lý thuyết về “dân số quá đông” gây ra đói nghèo đã tồn tại từ rất lâu và xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và trong chính trị, tương tự như giả thuyết rằng con người đang cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Hơn nữa, các lập luận trong cả hai trường hợp này khá tương tự nhau. Thực tế không thể chối cãi rằng: Số lượng của mỗi tài nguyên thiên nhiên có những giới hạn cụ thể đã dẫn đến kết luận sai lầm rằng chúng ta đang ở gần những giới hạn đó. Tương tự như vậy, sự thật không thể chối cãi rằng số lượng người mà hành tinh có thể nuôi sống có những giới hạn cụ thể cũng đã dẫn đến việc chúng ta kết luận sai lầm rằng mình đang ở gần những giới hạn đó.
Nghèo khổ và nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới thường được coi là bằng chứng của lý thuyết “quá đông dân số”. Tuy nhiên, nghèo khổ và đói kém thường phổ biến ở các khu vực dân cư thưa thớt như khu vực châu Phi cận Sahara hơn nhiều so với ở Tây Âu hoặc Nhật Bản đông dân cư – những nơi có số người trên một dặm vuông cao gấp vài lần mật độ cư dân tương tự ở châu Phi cận Sahara.
Ngày nay, dù có những nước nghèo đông dân cư như Bangladesh, thì cũng có những nước nghèo dân cư thưa thớt như Guyana – nơi có mật độ dân số tương đương với Canada, nhưng Canada lại có sản lượng bình quân đầu người lớn hơn gấp mấy lần và là một trong những nơi có mức sống cao nhất thế giới.
Điều quan trọng ở đây không phải là quy mô dân số mà là năng suất của những con người đó – điều phụ thuộc vào thói quen, kỹ năng và kinh nghiệm của chính bản thân họ. Chưa kể mật độ dân số cao như tại các đô thị, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vốn nhân lực phát triển, hơn là những người sống trong các xã hội nhỏ biệt lập, thường bị tụt hậu so với sự tiến bộ chung.
Happy Live Team
Nguồn: Trích từ “Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư” và tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: Basic Economics Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư
“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”