[Đầu tư 4 chữ M] Giá trị thực là cái giá mà ta sẽ không bao giờ mua
Ở phố Wall, người ta có rất nhiều từ ngữ để nói về giá trị. Ví dụ như là “giá trị nội tại”, “giá bán lẻ”, hoặc là “giá trị của một doanh nghiệp”, còn tôi, tôi luôn dùng “giá niêm yết” (sticker price) để nói về giá trị.
Bạn cần liên tưởng “giá trị thực” mà tôi đề cập đến tình huống này, đó là bạn vào một cửa hàng xe hơi, trên mỗi chiếc xe đều có giá niêm yết. Cũng như không bao giờ chúng ta trả ngay số tiền được niêm yết để đưa chiếc xe về, ta cũng không bao giờ trả đúng giá niêm yết để mua cổ phiếu. Chúng ta muốn mua với giá hời. Giá niêm yết chính là giá bán lẻ, giá trị nội tại, giá trị của một doanh nghiệp. Và là giá mà ta sẽ không mua. Không bao giờ.
Ở Quy tắc số 1, tôi đã trình bày về cách tính giá trị (giá niêm yết) của một doanh nghiệp là dựa vào:
Bốn yếu tố
1. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 12 tháng gần nhất;
2. Tỉ lệ tăng trưởng EPS trong 10 năm tới;
3. Chỉ số PE trong 10 năm vừa qua;
4. Tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu chấp nhận được (Minimum Acceptable Rate of Return – MARR)
Nếu có bốn thông tin này, bạn có thể xác định được giá trị của doanh nghiệp mà bạn đang muốn mua cổ phiếu, hoặc có thể tính bằng công thức Excel có tên gọi là FV (future value – giá trị tương lai).
Trong bốn yếu tố kể trên, yếu tố thứ nhất và thứ tư không khó để tìm kiếm thông tin trên mạng Internet. Để biết EPS trong 12 tháng gần nhất, bạn tìm trên MSN hoặc Yahoo, hãy search từ khóa Trailing Twelve Months (ttm) EPS. (Tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các thông tin này tại các chuyên trang về tin tức tài chính như cafef.vn hoặc vietstock.vn hoặc cophieu68.vn).
Còn tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu chấp nhận được MARR, yếu tố đứng thứ tư trong danh sách, nó cố định ở mức 15% và chẳng bao giờ thay đổi. Bạn thắc mắc là tại sao là 15%. Là bởi vì mức 15% vừa đủ trang trải các chi phí cho lạm phát, lãi suất trái phiếu, thuế, và cũng bao gồm một phần tiền lãi xem như tiền công cho nỗ lực của chúng ta. Bạn phải ghim vào đầu con số này khi định giá một công ty: 15%. Chỉ có thể hơn, không thể bớt.
Với yếu tố thứ ba, chỉ số PE (Price per Earning) trong 10 năm của một công ty, cũng không quá khó để tìm kiếm. Bạn hãy tìm chỉ số PE trong quá khứ của công ty đó. Đừng lấy thông tin của quý gần nhất, mà là của 10 năm vừa qua. Bởi vì nó sẽ giúp ta dự báo được chỉ số PE của tương lai của công ty này. Ở bước này, thấu hiểu doanh nghiệp sẽ rất hữu ích: Nếu, ví dụ, một công nghệ mới sẽ biến sản phẩm của công ty trở nên lỗi thời, khi ấy những số liệu PE trong quá khứ không còn giá trị ước đoán nữa. Nhưng nếu bạn theo đúng ba chữ M, ngay từ đầu bạn đã chẳng quan tâm đến một công ty sẽ sớm lỗi thời phải không?
Bạn cũng cần hiểu quy luật này: lý do giá bán cổ phiếu là bội số của lợi nhuận vì chẳng ai lại đem bán công ty chỉ để đổi lấy một năm lợi nhuận cả. Đó là điều dại dột. Vì nếu không bán, sau một năm bạn cũng có được lợi nhuận một năm rồi.
Để dễ hiểu, tôi đưa cho ra một ví dụ thế này. Giả sử tôi đang có một quầy nước giải khát đem lại lợi nhuận 100 đô la trong năm ngoái, tôi sẽ không dại dột bán cho người khác cái quầy đó với giá 100 đô la (chỉ số PE là 1), bởi vì đàng nào thì tôi cũng sẽ có thêm 100 đô la vào năm sau. Tôi sẽ bán với giá 300 đô la, vì tôi tốn ba năm để gây dựng được một quầy nước giải khát đem lại lợi nhuận 100 đô la một năm. Nếu tôi bán với giá 300 đô la, bội số bán quầy của tôi là 3. Nói cách khác quầy nước của tôi được bán với PE là 3. Hoặc quầy của tôi được bán với giá bán gấp ba lần lợi nhuận.
Một cách khác để tìm ra chỉ số PE hay bội số để sử dụng là lấy “chỉ số tăng trưởng dự báo trong tương lai” nhân với 2. Để có “chỉ số tăng trưởng thu nhập dự đoán” của các nhà phân tích chuyên nghiệp, bạn cần vào mục Earnings Estimates, rồi click vào Earnings Growth Rates là có kết quả.
Nếu chỉ số tăng trưởng thu nhập đoán là 13% một năm, khi ấy PE ở mức 26 (13 x 2 = 26) thuộc ngưỡng cho phép. Hãy chọn dùng kết quả nhỏ hơn để tính toán. Tức là, lúc nãy chúng ta tìm được con số 18,4 (mức PE trung bình trong năm năm vừa qua), bây giờ lại tìm được kết quả là 26, thì hãy lấy số nhỏ hơn là 18,4. Hãy thật bảo thủ và chọn con số PE an toàn hơn cho mình.
Thông số cuối cùng, chính là yếu tố thứ hai trong danh sách, cần xác định để tính giá niêm yết (hay là giá trị thực của cổ phiếu) là tỉ lệ tăng trưởng EPS trong 10 năm sắp tới. Đây là chỉ số tốt nhất để chúng ta ước lượng tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp. Nó giúp chúng ta biết được doanh nghiệp sẽ tạo ra bao nhiêu tiền trong tương lai để làm cơ sở cho việc hôm nay chúng ta sẽ trả bao nhiêu để mua công ty.
Giá trị của một doanh nghiệp được quyết định bởi lợi nhuận nó tạo ra trong lương lai hơn là phụ thuộc vào lượng tiền mặt, bất động sản hoặc vốn chủ sở hữu ròng ở thời điểm hiện tại.
Tôi có nhắc lại bao nhiêu lần cũng không đủ, rằng tìm ra một tỉ lệ tăng trưởng hợp lý cho công ty mục tiêu của bạn phụ thuộc vào việc thấu hiểu về ngành và về công ty. Bạn không thể bỏ qua bước xác định 3 chữ M (Meaning, Moat, và Management) mà nhảy vào tính toán biên độ an toàn (MOS) ngay, và hy vọng lợi nhuận hàng năm sẽ ở mức 24%. Và bạn sẽ không thể tìm được giá trị thật sự của một doanh nghiệp, nếu như không nắm Ý nghĩa, Con hào kinh tế, và Ban điều hành của nó (ba chữ M)…
Xử lý thế nào nếu ĐỊNH SAI giá niêm yết (sticker price) của công ty?
Rất đơn giản: Nếu các ông lớn bắt đầu thoái vốn, bạn cũng nên thế. Tính được giá trị của doanh nghiệp là một bước quan trọng để tạo ra lợi nhuận trong Quy tắc số 1, nhưng mua bán nương theo các ông lớn sẽ giúp bạn tránh bị mất tiền nếu bạn tính sai giá trị, vì nó cho bạn một cách thức đáng tin cậy để tháo lui trước khi thị trường sụp đổ. Do đó, chúng ta có thể phạm khá nhiều sai lầm trong khâu tính toán giá trị của một công ty. Chúng ta không thể làm thế khi chúng ta đầu tư theo phương pháp mua tích trữ cổ phiếu. Khi chúng ta mua tích trữ cổ phiếu, chúng ta sẽ không dùng những công cụ đó để tháo chạy. Thay vào đó, chúng ta sẽ cư xử như những người chủ của một công ty tư nhân.
Những lý do để chúng ta phải thoát ra khỏi công ty chỉ là:
– Khi công ty không còn tuyệt vời nữa, hoặc
– Khi giá quá cao đến nỗi chúng ta không thể chối từ cơ hội gom tiền mặt (trong chương sau, tôi sẽ cho bạn biết khi nào nên bán), hoặc
– Khi chúng ta buộc phải có tiền ngay
Chúng ta chỉ chấp nhận nội trong ba lý do đó để tháo lui khỏi doanh nghiệp mà thôi. Đừng bao giờ bán cổ phiếu giữa chừng vì giá cổ phiếu giảm. Hãy học theo cách phản ứng của những người giàu nhất trên tạp chí Forbes, họ sẽ bỏ thêm tiền ra mua cổ phiếu khi chúng tụt giá để làm tăng nhanh tỉ lệ lợi nhuận gộp. Khi chúng ta mua tích trữ, chúng ta đang theo đuổi một số tiền lớn, nhưng phải kiên định một thời gian dài để lấy được nó.
Vì lẽ đó, là một nhà đầu tư cổ phiếu theo phương pháp mua tích trữ, chúng ta cần phải nắm chắc giá trị của một công ty hơn khi chúng ta là người mua bán cổ phiếu tích cực (active traders). Điều đó có nghĩa là một nhà mua tích trữ cổ phiếu phải biết chắc về tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận tương lai hơn là một người thường xuyên giao dịch cổ phiếu.
Nguồn: Phil Town, sách Payback Time – Ngày Đòi Nợ/Happy.Live tổng hợp và biên tập
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (sách dành cho các nhà đầu tư giá trị kiểu Warren Bufffett)