Đầu tư vào công ty sắp phá sản: Cơ hội dành cho người biết quan sát?
Đầu tư vào công ty sắp phá sản: Cơ hội dành cho người biết quan sát: Một công ty đang “loạng choạng” trên bờ vực phá sản chẳng có vẻ gì là một cơ hội đầu thư hấp dẫn. Nhưng, đó chính là cơ hội thực sự, nhất là đối với những nhà đầu tư hiểu biết về chứng khoán.
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀO CÁC CÔNG TY SẮP PHÁ SẢN
Chứng khoán của công ty sắp phá sản hoặc gặp khó khăn tài chính (distressed securities) là cổ phiếu, trái phiếu, quyền khiếu nại thương mại hoặc tài chính (trade/financial claim) của công ty đó trong thời điểm sắp phá sản hoặc tài chính khó khăn.
Giá của các chứng khoán này giảm khi thị trường cho rằng công ty đang gặp khó khăn. Khi đó, những người nắm giữ chứng khoán này sẽ bán tống thay vì tiếp tục đầu tư vào công ty. Linh cảm đó của nhà đầu tư đôi khi là quá vội vàng và phản ánh không đúng giá trị thực. Giá bán tháo chứng khoán thường rất rẻ mạt và đây chính là cơ hội để nhà đầu tư mua vào với chi phí “chẳng đáng là bao”.
Chủ nợ của doanh nghiệp có thể là ngân hàng (bên cho vay tiền), hoặc những đối tác đang bị nợ hàng hóa – dịch vụ và cũng có thể là các nhà đầu tư trái phiếu. Khi công ty gặp khó khăn tài chính và không có khả năng trả nợ, thì chủ nợ, người lao động bị nợ lương, hoặc chính bản thân doanh nghiệp có thể nộp đơn ra Tòa án xin làm thủ tục phá sản. Khi đó, Tòa án sẽ triệu tập Hội nghị chủ nợ. Nếu Hội nghị chủ nợ thống nhất phương án phục hồi lại kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ được tổ chức lại hoạt động trong vòng tối đa là 3 năm (Luật phá sản) và số tiền lãi trong 3 năm đó sẽ được dùng để trả nợ, còn nếu Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh mà yêu cầu thanh lý tài sản ngay để trả nợ thì doanh nghiệp sẽ phải tiến hành quá trình thanh lý tài sản cho các chủ nợ.
Khi tiến hành thanh lý tài sản, thì trình tự ưu tiên trả trước sẽ là các khoản nợ lương người lao động, nợ không có bảo đảm cho chủ nợ, và cuối cùng còn lại mới dành cho chủ sở hữu của công ty (bao gồm các cổ đông). Thông thường, khoản thu được sau khi thanh lý tài sản chỉ đủ để trả cho những đối tượng ưu tiên trước, nên đến lượt cổ đông sẽ không còn gì. Do đó, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung mua lại các khoản nợ ngân hàng, nợ hàng hóa dịch vụ và trái phiếu công ty.
CƠ HỘI ĐẦU TƯ THỰC SỰ
Một nhà đầu tư “non tay” có thể cho rằng anh ta đủ thông minh để không lao đầu vào chỗ chết, nhưng đối với những nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm, việc “lao đầu” vào những công ty đang lung lay là có cơ sở.
Thứ nhất, nếu một tổ chức đã mua trái phiếu của công ty với giá rẻ đến khi thị trường có “cảm giác” rằng công ty đó sắp phá sản thì giá các trái phiếu này sẽ giảm xuống đột ngột và họ chỉ muốn “tống khứ” đi thật nhanh. Đó là cơ hội để các nhà đầu tư nhập cuộc.
Thứ hai, các ngân hàng cũng thường có nhu cầu bán đi các khoản nợ xấu của mình (không có khả năng trả lãi) để loại các khoản nợ này khỏi sổ sách kế toán và dùng tiền thu được được để sử dụng vào các đầu tư khác. Thêm vào đó, ngân hàng cũng chẳng có “đầu óc” nào mà kiểm tra xem việc phục hồi lại hoạt động kinh doanh sẽ phát huy tác dụng đến đâu. Điều họ quan tâm là làm sao cố gỡ lại được khoản nào tốt khoản ấy và sẽ bán đi khoản nợ của mình với giá rẻ.
Thứ ba, những công ty có quyền khiếu nại yêu cầu quyền lợi do doanh nghiệp sắp phá sản vẫn nợ tiền hoặc hàng hóa dịch vụ cũng có nhu cầu tương tự. Họ cũng không có khả năng đánh giá xem liệu “con nợ” có còn khả năng trả nợ hay không một khi họ đã nộp đơn xin phá sản. Trên thực tế, các nhà đầu tư luôn phân tích và định giá tài sản doanh nghiệp thật kĩ trước khi tiến hành mua lại quyền đòi nợ. Đôi khi do không có thời gian hoặc do không hiểu, bên bị nợ thường bán đi quyền đòi nợ với giá rất rẻ. Ví dụ khi thanh lý tài sản công ty sẽ trả được bên bị nợ 75 tỷ đồng, nhưng do không biết nên bên bị nợ sẽ bán quyền đòi nợ cho nhà đầu tư chỉ với giá 50 tỷ đồng, chính vì thế nhà đầu tư sẽ được lợi 25 tỷ đồng.
Để chắc chắn cho khoản đầu tư của mình, các nhà đầu tư đã nghiên cứu rất kĩ những thông tin và sự kiện “dìm” giá chứng khoán. Một số công ty đã mở rộng quá mức nhưng vẫn giữ được thị phần chính của mình; một số công ty bị mắc nợ do kiện tụng hay gặp thảm họa tự nhiên nhưng không liên quan gì đến mảng kinh doanh chủ đạo của công ty; một số công ty thì gặp rắc rối với quản trị điều hành, khi ấy một sự thay đổi trong quản lý sẽ phát huy tác dụng. Những sự kiện này xảy ra làm giảm giá cổ phiếu nhưng sự giảm giá ấy không phản ánh giá trị thực của công ty.
BÔNG BẠCH TUYẾT LÀ TRƯỜNG HỢP ĐẦU TƯ ĐIỂN HÌNH
Đứng trước những khó khăn do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chi phí nguyên vật liệu và đầu vào tăng cao lại tăng cao, hàng hóa bán bị trả lại nhiều, Công ty Cổ Phần Bông Bạch Tuyết đã trải qua 2 năm kinh doanh tồi tệ nhất với các khoản thua lỗ liên tiếp. Quý II/2008, Bông Bạch Tuyết có lợi nhuận sau thế là âm 3,76 tỷ đồng, và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là âm 3,8 tỷ đồng. Bông Bạch Tuyết nợ ngân hàng Martime Bank khoảng 21 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ.
Cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết vẫn giao dịch khá sôi động trong những ngày sau đó mặc cho những thông tin rất xấu về tình hình doanh nghiệp.
Trước những kế hoạch cứu vãn không thành của Bông Bạch Tuyết, nhà đầu tư – Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC)- đã bày tỏ mối quan tâm tới tình hình tài chính tại Công ty Cổ Phần Bông Bạch Tuyết. Trong thời gian tới có lẽ DATC sẽ có những cuộc thương lượng với Bông Bạch Tuyết và Ngân hàng cho vay. Vụ đầu tư của DATC có thể sẽ tạo thêm một bước trưởng thành cho nghiệp vụ đầu tư vào chứng khoán của công ty sắp phá sản ở Việt Nam, vốn đã ra đời và phát triển nở rộ ở Mỹ từ thời kỳ Đại suy thoái (năm 1929).
Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao)