Dhandho – Bí quyết giúp người Patel chiếm lĩnh hoạt động nhà nghỉ ở Mỹ
Gốc rễ của nghệ thuật Dhandho bắt nguồn từ những người Patel, từ lúc họ còn là những thương nhân tại Uganda cho đến khi bị trục xuất khỏi đất nước này và “lưu vong” Mỹ.
(*) Bài viết được trích từ sách Nghệ thuật đầu tư Dhandho – Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao (Đọc thử và đặt sách tại đây)
Người Ấn chiếm khoảng 1% dân số Hoa Kỳ – 3 triệu người. Trong số 3 triệu này, một phần tương đối nhỏ đến từ bang Gujarat của Ấn Độ – nơi sinh thành của Mahatma Gandhi. Và một phần rất nhỏ trong cộng đồng Gujarat là những người Patel – ở một tiểu khu thuộc miền nam Gujarat.
Trong 500 người Mỹ, chưa có đến một người Patel. Vậy mà hơn một nửa nhà nghỉ trên toàn quốc do người Patel sở hữu và vận hành. Càng ngạc nhiên hơn nữa là hầu như không có một người Patel nào trên nước Mỹ 35 năm về trước. Họ là những người dân tị nạn đặt chân lên đất Mỹ vào đầu thập niên 1970, thiếu thốn nền tảng giáo dục lẫn vốn liếng. Kỹ năng nhấn nhá tiếng Anh bồi cũng chẳng cải thiện triển vọng của họ nổi. Từ khởi đầu mang khiếm khuyết nặng nề là vậy, với tất cả cơ may thành công chống lại người Patel nhưng họ đã chiến thắng. Ngày nay, cộng đồng người Patel sở hữu trên 40 tỷ đô la tài sản nhà nghỉ ở Mỹ, nộp hơn 725 triệu đô la tiền thuế và tuyển dụng gần một triệu việc làm.
Làm thế nào một dân tộc thiểu số, nghèo khó này lại kiểm soát nguồn lực kinh tế khổng lồ đến vậy?
Thông qua cuốn sách “Nghệ Thuật Đầu Tư Dhandho – The Dhandho Investor”, nhà đầu tư Mohnish Pabrai đã giải thích gói gọn trong một chữ: Dhandho (phát âm là dhun-doe. Dhan xuất phát từ chữ Dhana trong tiếng Phạn, nghĩa là sự giàu có. Dhan-dho theo nghĩa đen là “nỗ lực tạo ra sự giàu có”.
Người phố Wall dịch đơn giản là “kinh doanh”. Kinh doanh có nghĩa lý gì nếu không dùng nỗ lực để tạo nên sự giàu có? Tuy nhiên, nếu chúng ta mổ xẻ cách tiếp cận kinh doanh theo rủi ro thấp, lợi nhuận cao của người Patel thì từ Dhandho có nghĩa hẹp hơn nhiều. Chúng ta đều được dạy rằng tỷ suất lợi nhuận cao đòi hỏi chấp nhận rủi ro lớn. Dhandho lật ngược khái niệm này. Dhandho thuần về giảm thiểu rủi ro đồng thời tối đa hóa lợi nhuận. Người Patel điển hình tiếp cận mọi hoạt động kinh doanh đều thấm nhuần tư tưởng an toàn trong khuôn khổ Dhandho – đối với anh ta nó tựa như hơi thở.
Giai đoạn thay đổi của lĩnh vực nhà nghỉ
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, người ta xây mới hệ thống đường cao tốc liên bang và ngoại ô. Ô tô trở thành phương tiện đi lại chính của tầng lớp trung lưu, và các nhà nghỉ của gia đình Mỹ xuất hiện khắp các tuyến đường liên bang mới xây dựng. Vào năm 1973, lệnh cấm vận dầu với thế giới Ả Rập và chính sách kinh tế Mỹ bị lạc hướng (kiểm soát giá cả và tiền lương) đã dẫn đến suy thoái nặng nề trên cả nước. Ngành kinh doanh nhà nghỉ bị phụ thuộc vào chi tiêu tùy nghi (không cố định – discretionary spending), suy thoái kinh tế, cùng giá xăng dầu lên cao do khan hiếm, dẫn đến sụt giảm nhu cầu lưu trú ghê gớm. Nhiều nhà nghỉ nhỏ, không chịu nổi áp lực trước khó khăn đã bị ngân hàng tịch thu để thế nợ hoặc đem rao bán với giá thấp đến cùng cực. Bấy giờ, những đứa trẻ của các gia đình chủ nhà nghỉ cũ này đã đến tuổi thành niên và nhìn thấy vô vàn cơ hội khác bên ngoài lĩnh vực nhà nghỉ. Do đó, chúng lũ lượt rời bỏ và gây dựng cơ đồ ở nơi khác.
Cơ hội mở ra cho những người Patel đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ
Vào năm 1973, Papa Patel bị đuổi khỏi thủ đô Kampala, Uganda, và đến tị nạn ở bất cứ thị trấn nào tại Mỹ, với vợ và ba đứa con tuổi vị thành niên. Ông có khoảng hai tháng lập kế hoạch xuất cảnh và chuyển nhiều tài sản nhất có thể thành vàng và các ngoại tệ khác rồi chuyển lén ra khỏi nước. Đó không phải khối tài sản lớn mà chỉ là vài nghìn đô la Mỹ.
Papa Patel nhìn thấy nhà nghỉ nhỏ nọ gồm 20 phòng có vẻ đang rao bán ở mức giá rất rẻ và bắt đầu suy nghĩ. Nếu ông mua nó, những người bán hàng muốn tống khứ nhanh tài sản hoặc ngân hàng có khả năng sẽ hỗ trợ từ 80% đến 90% giá mua. Gia đình ông cũng có thể sống ở đó nữa, và họ sẽ không mất tiền thuê nhà. Yêu cầu tiền mặt cần có là vài nghìn đô la. Ông và những người bà con gần gũi gom góp được khoảng 5.000 đô la tiền mặt và mua nhà nghỉ. Một ngân hàng địa phương và người bán đồng ý ký kết thỏa thuận với tài sản thế chấp là quyền lưu giữ nhà nghỉ.
Papa Patel cho biết gia đình có thể ở một vài phòng, do đó họ không phải thuê hay trả tiền thế chấp khi mua nhà. Ngay cả nhà nghỉ nhỏ nhất cũng cần một bàn lễ tân hoạt động 24 giờ cùng nhân viên dọn phòng và giặt quần áo – ít nhất phải là bốn người làm việc trong tám giờ mỗi ngày. Papa Patel không cần thuê người giúp việc. Mama và Papa Patel sẽ xử lý hàng tá công việc của nhà nghỉ, và những đứa trẻ thì phụ giúp vào buổi tối, cuối tuần và ngày lễ. Không thuê người giúp việc và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nhà nghỉ của Papa Patel có chi phí vận hành thấp nhất trong số các nhà nghỉ lân cận.
Nếu đi làm thuê, tổng thu nhập hàng năm cao nhất của cặp vợ chồng người Patel cũng vào khoảng 6.000 đô la. Nhưng nếu mua nhà nghỉ gồm 20 phòng có giá rao bán giảm còn 50.000 đô la mà chỉ cần khoản thanh toán ban đầu 5.000 đô la (mượn bạn bè và người thân) và phần còn lại sẽ trả góp hằng năm, thì thậm chí mỗi khách thuê phòng chi trả 12 đô la đến 13 đô la một ngày và lượng lưu trú trung bình đạt 50 đến 60%, nhà nghỉ vẫn tạo ra doanh thu khoảng 50.000 đô la một năm.
Lợi nhuận hàng năm trên số vốn đầu tư là 5.000 đô la lên đến 400% (20.000 đô la lợi nhuận hàng năm, tức 15.000 đô la tiền mặt cộng 5.000 đô la trả lại vốn gốc (principal repayment)). Nếu ông mượn 5.000 đô la từ một người bạn Patel, lợi nhuận trên vốn đầu tư là vô cùng: chẳng có đồng nào mà thu về đến 20.000 đô la một năm. Có lẽ bạn chắc mẩm cảnh tượng thật tươi sáng, nhưng sẽ ra sao nếu hoạt động kinh doanh không phát triển?
Nhìn khoản đầu tư này như một ván cược. Có ba kịch bản có thể xảy ra.
Kịch bản thứ nhất, khoản đầu tư 5.000 đô la đem lại lợi suất hằng năm là 400%. Giả sử lợi nhuận này tiếp tục duy trì trong 10 năm và người ta bán lại hoạt động kinh doanh bằng giá mua ban đầu (50.000 đô la). Đây giống như trái phiếu có lợi suất hàng năm 300% với khoản thanh toán lãi cuối cùng (final interest payment) trong năm thứ 10 là 900%. Điều này tương đương với 22 bagger (lấy 111.445 chia cho 5.000, chỉ khoản đầu tư tăng gấp 22 lần), với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (Compounded Annual Growth rate) đạt 36,4% trong 10 năm [36,4% = (111.445/5.000)1/10– 1]. Giả sử tỷ suất chiết khấu là 10% thì dòng tiền chiết khấu (DCF) sẽ như trong Bảng 1.1.
Kịch bản thứ hai, nền kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng và hoạt động kinh doanh xuống dốc trong nhiều năm. Ngân hàng bắt tay với Patel và đàm phán lại các điều khoản cho vay như mô tả phía trên.
Khoản đầu tư của người đàn ông Patel có lợi nhuận bằng không trong năm năm đầu tiên rồi sau đó bắt đầu kiếm được 10.000 đô la về dòng tiền tự do khi nền kinh tế hồi phục và bùng nổ (lợi tức 200% mỗi năm sau năm năm). Nhà nghỉ sẽ được bán lại vào năm thứ 10 bằng với giá mua. Bây giờ chúng ta có trái phiếu không trả lãi suất trong năm năm đầu, sau đó là 200% trong năm năm tiếp theo, và khoản thanh toán lãi cuối cùng là 900% (xem Bảng 1.2). Điều này tương đương với 8 bagger (lấy 42.812 chia cho 5000), với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 24% trong 10 năm [24% = (42.812/5.000)1/10 – 1].
Kịch bản thứ ba, nền kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng và hoạt động kinh doanh xuống dốc. Ông Patel mất khả năng thanh toán, bị ngân hàng tịch thu nhà nghỉ và thua lỗ.
Ba kịch bản này gần như bao gồm toàn bộ các khả năng có thể xảy ra. Giả sử khả năng xảy ra của kịch bản đầu tiên là 80%, kịch bản thứ hai là 10%, và kịch bản thứ ba là 10%. Giá trị hiện tại kỳ vọng (expected Present Value) của khoản đầu tư này là khoảng 93.400 đô la (0,8 X 111.445 đô la + 0,1 X 42.812 đô la). Theo quan điểm của Papa Patel, có 10% khả năng thua lỗ 5.000 đô la và 90% khả năng thu về hơn 93.400 đô la.
Phần hoài nghi trong bạn vẫn chưa ngả mũ trước rủi ro thấp ở đây. Bạn có thể nói rằng vẫn có khả năng bị phá sản nếu đặt cược tất cả những gì bạn có (như Papa Patel đã làm).
Papa Patel đặt cược toàn bộ trong một khoản cược, nhưng anh ta nắm trong tay quân át chủ bài. Nếu người cho vay tịch thu nhà nghỉ, vợ chồng anh ta có thể làm công việc đóng gói hàng bách hóa, làm việc 60 giờ một tuần thay vì 40 giờ, và nỗ lực tiết kiệm hết mức. Ở mức lương tối thiểu năm 1973 là 1,6 đô la, họ kiếm được 9.600 đô la một năm. Sau khi trừ thuế, họ có thể dễ dàng tiết kiệm 2.000 đến 4.000 đô la một năm. Sau hai năm, Papa Patel có thể ưỡn ngực mua một nhà nghỉ khác và đặt thêm ván cược nữa.
Tỷ lệ thua cuộc sau hai lần đặt cược liên tiếp là 1 trên 100 (10% x 10% = 0,01). Và tỷ lệ chiến thắng ít nhất một lần khoảng 99%. Lợi nhuận sẽ nâng số tiền lên 20 lần. Đó là khoản cược rủi ro cực thấp, lợi nhuận cực cao – một khoản đầu tư đáng lưu tâm: Ngửa thì tôi thắng, sấp thì tôi chẳng mất bao nhiêu! Với lượng tiền mặt cao như vậy, chẳng bao lâu Papa Patel tràn ngập tiền mặt. Ông ấy vẫn giữ lối sống giản dị. Vài năm nữa đứa con trai đầu của ông đến tuổi thành niên và ông ta giao phó lại nhà nghỉ cho con mình. Gia đình mua một ngôi nhà vừa tiền và săn tìm nhà nghỉ tiếp theo.
Lần này, họ mua nhà nghỉ lớn hơn với 50 phòng. Gia đình không còn sống tại nhà nghỉ nữa nhưng vẫn tranh thủ phần lớn công việc chứ không đẩy hết cho người làm thuê. Công thức rất đơn giản: giữ cho chi phí thấp nhất có thể để giá cả thấp hơn tất thảy đối thủ cạnh tranh, tăng lưu lượng phòng cho thuê và tối đa hóa dòng tiền tự do. Cuối cùng là tiếp tục giao phó nhà nghỉ cho những người Patel thân cận và tháo vát vận hành, đồng thời bổ sung thêm nhiều tài sản nữa.
Ở đây nêu bật hiệu ứng hòn tuyết lăn và theo thời gian chúng ta nhìn thấy con số thống kê đáng kinh ngạc – một nửa trong tổng số nhà nghỉ ở Mỹ (motel) đứng tên người Patel. Sau khi chiếm lĩnh toàn bộ ngóc ngách thị trường nhà nghỉ, người Patel bắt đầu mua khách sạn cao cấp hơn và đào sâu vào một số hoạt động kinh doanh có thể áp dụng mô hình vận hành chi phí thấp nhất của họ. Để rồi mang đến những lợi thế cạnh tranh bất khả chiến bại – trạm xăng, chuỗi nhà hàng Dunkin ‘Donuts, cửa hàng tiện lợi (7-Elevens), và những thứ tương tự. Một số thậm chí còn hơp tác mở rộng thành khu du lịch cao cấp. Quả cầu tuyết tiếp tục lăn xuống ngọn đồi dài ngoằng ngoẵng này – trở nên to lớn hơn theo thời gian.”
(*) Trích từ chương 1 sách Nghệ thuật đầu tư Dhandho
Có thể bạn quan tâm: Nghệ thuật đầu tư Dhandho
(Phương pháp đầu tư rủi ro thấp, lợi nhuận cao)