Góc tối của chứng khoán phái sinh và bài học về phát triển thị trường
Lịch sử đã nhiều lần chứng kiến sự góp mặt của sản phẩm phái sinh trong các cuộc khủng hoảng tài chính, điều này mang lại cho Việt Nam những bài học về phát triển thị trường.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nêu quan điểm, chứng khoán phái sinh là loại vũ khí tài chính có sức hủy diệt hàng loạt trên thị trường. Berkshire Hathaway – doanh nghiệp của tỷ phú này cũng đang dần từ bỏ công cụ phái sinh và tìm hướng đầu tư mới cho hơn 100 tỷ USD tiền mặt, theo trang tin Bloomberg.
Lịch sử đã chứng minh nhận định của Buffett là đúng. Nhìn lại 2 cuộc khủng hoảng hoa tulip tại Hà Lan và bất động sản tại Mỹ, đều có bóng dáng của sản phẩm phái sinh.
Ở cuộc khủng hoảng hoa Tulip của Hà Lan dù chỉ đóng vai trò phụ, những hợp đồng quyền chọn (HĐQC), hợp đồng tương lai (HĐTL), hợp đồng kỳ hạn bán… ở vùng giá cao, xuất hiện khi một số nhà đầu tư nhận thấy sự bất thường và vô lý trong giá trị của những bông hoa Tulip đã ‘châm ngòi’ và đẩy sự sụp đổ diễn ra chóng vánh, đột ngột.
Với ‘bong bóng’ bất động sản của Mỹ, thị trường phái sinh phi tập trung (OTC) và sự bùng nổ của hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng, cùng một số sản phẩm khác (với mục đích bảo đảm cho người mua trái phiếu khỏi rủi ro phá sản), đã tạo nên quy mô ảo trên thị trường. Khi bong bóng ‘nổ’, ảnh hưởng tài chính của cuộc khủng hoảng này thêm nghiêm trọng và lan rộng.
Biến tướng của thị trường phái sinh Việt Nam
Tại Việt Nam, khi kỹ thuật bán khống chưa thể thực hiện để nhà đầu tư kiếm lợi trong thị trường giá xuống, chứng khoán phái sinh trở thành ‘mảnh đất màu mỡ’. Tuy nhiên, sự phát triển theo hướng đầu cơ thay vì một kênh phòng ngừa rủi ro, khiến phái sinh tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực với chứng khoán cơ sở.
Cuối tháng 6, theo số liệu của Sở giao dịch Hà Nội (HNX), số lượng tài khoản phái sinh gấp đôi so với cuối năm 2017, chiếm 1,72% tổng số tài khoản trên thị trường chứng khoán, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, chỉ 126 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức và 164 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng tài khoản giao dịch đạt 5.917 đơn vị.
Thanh khoản phái sinh cũng gấp 4 lần so với năm trước, tăng đột biến từ đầu tháng 4 – thời điểm thị trường cơ sở bắt đầu đi xuống.
Điểm đáng chú ý là giao dịch phái sinh tập trung chủ yếu với hợp đồng thời gian đáo hạn ngắn và khối lượng hợp đồng mở ít thay đổi.
Từ tháng 4, thanh khoản phái sinh đã tăng gấp 7-8 lần, nhưng khối lượng hợp đồng mở chỉ biến động quanh mức 10.000 – 11.000 hợp đồng/phiên. Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai đáo hạn gần luôn chiếm 97-99% thanh khoản. Diễn biến trên cho thấy, khẩu vị của các cá nhân tổ chức trên thị trường chủ yếu trong ngắn hạn theo hướng đầu cơ.
Trong khi thị trường phái sinh tiếp tục tăng trưởng, chứng khoán cơ sở tiếp tục ảm đạm với thanh khoản sụt giảm. Phiên 10/7 ghi nhận giá trị giao dịch thấp nhất từ đầu tháng 2/2017 của Việt Nam.
Phái sinh không phải là “tội đồ”gây nên sự ảm đạm trên thị trường chứng khoán cơ sở. Chắc chắn là như vậy. Các tác động từ yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ Trung hay sự bán ròng của khối ngoại đã khiến thị trường giảm mạnh từ đỉnh 1.200 điểm về 1.000 điểm. Tuy nhiên ở những giai đoạn nhạy cảm khi nhà đầu tư mất phương hướng, phái sinh đã trở thành một kim chỉ nam dẫn dắt để nhà đầu tư dự đoán xu hướng ngắn hạn. Nếu mua cổ phiếu cơ sở nhà đầu tư phải chờ T+3 mới về tài khoản và không thể sửa sai nếu phiên hôm sau xuất hiện các thông tin tiêu cực thì phái sinh có thể bán xuống và đóng vị thế ngay trong T+0.
Các môi giới đã khuyên nhà đầu tư bỏ chứng khoán cơ sở để chuyển sang phái sinh “lướt sóng” cho nhanh nhưng thực tế phái sinh có dễ dàng thu được lợi nhuận? Một lãnh đạo trong ngành chứng khoán cho rằng chỉ có 5% nhà đầu tư thu được lợi nhuận trên TTCK phái sinh còn lại đa phần thua lỗ. Trong khi giá các cổ phiếu cơ bản mặc dù xuống rất thấp nhưng không có lực cầu bắt đáy.
Trao đổi với một quỹ trên thị trường, vị lãnh đạo cho rằng thực sự đang không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Áp lực đầu cơ ‘bán xuống’ trên thị trường phái sinh đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, khiến chứng khoán cơ sở liên tục phá vỡ ngưỡng hỗ trợ, đảo chiều.
Có ý kiến cho rằng, không thể đổ lỗi cho phái sinh đã gây ảnh hưởng đến thị trường, có chăng là do chỉ số cơsở của phái sinh là VN30 có thể bị tác động bởi một số cổ phiếu cấu thành trong rổ Vn30 có thể tác động đáng kể đến toàn bộ chỉ số. Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng hiện tượng điều khiển chỉ số VN30 để trục lợi trên thị trường phái sinh phải nhìn nhận cẩn thận từ góc độ chi phí vốn. Để đẩy 1 điểm hay ép 1 điểm ở chỉ số VN30 (trong khoảng thời gian nhất định) cần tác động đến các cổ phiếu nào và chi phí là bao nhiêu (tiền). Liệu chi phí đó có bù đắp được từ đầu cơ trên thị trường phái sinh hay không.
Một lãnh đạo trong ngành chứng khoán mới đây cho rằng, những diễn biến của chứng khoán phái sinh, bên cạnh phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư, còn phải tính thêm một số yếu tố, biểu hiện về thao túng hoặc làm giá. Sở HNX đang tăng cường giám sát trên thị trường.
Kinh nghiệm quản lý của nước bạn
Động thái ‘bán xuống’ các chỉ số với thanh khoản lớn trên thị trường phái sinh, ít nhiều làm liên tưởng tới trường hợp đổ vỡ của đồng bảng Anh và bath Thái năm 1992 và 1997. Hai đồng tiền này đã bị các nhà đầu cơ bán khống lượng lớn trên thị trường tiền tệ, dù ngân hàng quốc gia hai nước đã nỗ lực phòng ngự, sự ‘sụp đổ’ vẫn diễn ra.
Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu trông đợi những chính sách mới của UBCK NN và HNX để tạo nên chuyển biến của thị trường phái sinh nói riêng và chứng khoán.
Nhìn sang các thị trường ‘nước bạn’, để kiểm soát chứng khoán phái sinh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore có những chính sách thắt chặt cơ chế giao dịch.
Sau ‘bong bóng’phái sinh năm 2011, Trung Quốc đã tiến hành thắt chặt các điều kiện tham gia thị trường. Cơ quan quản lý nước này từng nhận định, sản phẩm chứng khoán phái sinh kiểu hợp đồng tương lai là một ‘con dao hai lưỡi’. Đây là một công cụ để quản lý rủi ro nhưng cũng là nguồn cơn của những rủi ro, trừ trường hợp công cụ này được sử dụng một cách đúng đắn.
Một số điều kiện được cơ quan quản lý đề ra khi giao dịch phái sinh như: cá nhân phải vượt qua kỳ thi; vốn của tài khoản giao dịch phải tối thiểu 500.000 Nhân dân tệ (73.000 USD). Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải chứng minh được rằng họ đã thực hành được ít nhất 20 giao dịch chứng khoán phái sinh (ở đây là hợp đồng tương lai) giả định hoặc thực hiện giao dịch ít nhất 10 hợp đồng tương lai hàng hóa trong vòng 3 năm trước đó. Ngoài ra nhà đầu tư phải ký quỹ từ 15-18% giá trị hợp đồng tùy thuộc vào từng loại hợp đồng.
Với Hàn Quốc, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, quốc gia này cũng tiến hành thắt chặt các điều kiện gia nhập thị trường phái sinh. Cụ thể, cơ quan quản lý Hàn Quốc đã tăng hệ số nhân của các hợp đồng quyền chọn chỉ số KOSPI 200 (vào năm 2011), kéo theo việc gia tăng giá trị hợp đồng và gia tăng mức ký quỹ giao dịch, tăng chi phí gia nhập thị trường để hạn chế các nhà đầu tư nhỏ. Đặc biệt, bất kỳ nhà đầu tư cá nhân mới nào cũng phải trải qua 30 giờ đào tạo và 50 giờ thực hành nếu muốn giao dịch trên thị trường. Những chính sách này của Hàn Quốc nhằm tăng cường tính toàn vẹn của thị trường và tập trung bảo vệ nhà đầu tư.
Tại Singapore, nước này yêu cầu các thành viên giao dịch phải là một nhà kinh doanh phái sinh chuyên nghiệp có đầy đủ kiến thức, trong khi các thành viên thanh toán phải có mức vốn tối thiểu 5 triệu đô la Singapore, có giấy phép cung cấp dịch vụ thị trường vốn và đáp ứng những chuẩn mực tài chính cao nhất.
Hay tại Nhật Bản, nước này đã đưa ra nguyên tắc ứng xử trên thị trường như: khi giá của thị trường hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn nếu vượt quá giá của chỉ số cổ phiếu cơ sở thì dừng giao dịch tạm thời 15 phút; khi tham gia giao dịch mua bán sản phẩm phái sinh, các đối tượng giao dịch phải có báo cáo hàng ngày về việc thay đổi vị trí khi tham gia giao dịch…
Theo một báo cáo của CTCK Vietcombank (VCBS), giao dịch phái sinh Việt Nam vẫn đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, đầu cơ kiếm lời, vì vậy dòng tiền sẽ không sớm trở lại thị trường cơ sở trừ trường hợp có sự can thiệp mang tính hệ thống bắt nguồn từ phía cơ quan quản lý.
Nguồn: NDH