fbpx

Muốn giao dịch trên thị trường thì phải biết 2 lệnh này!

Nói chung, các nhà giao dịch muốn mua một thị trường có hai lựa chọn, nhà đầu tư có thể sử dụng lệnh này hoặc lệnh kia tùy theo kế hoạch, có yếu tố tác động từ bối cảnh và phong cách giao dịch. 

Một người mua không thực sự vội vàng có thể tập trung vào việc có được mức giá tốt nhất (thấp nhất) có thể, và anh ta có thể đặt giá mua cổ phiếu (Trong trường hợp này, đặt giá mua (bid) được sử dụng như một động từ có nghĩa là “đặt lệnh thấp hơn giá hiện tại”). Trong trường hợp của XYZ với giá “49,95 ở giá 50,05”, người mua có thể xếp hàng chào mua và đặt lệnh ở mức 49,95. Tất nhiên, người mua cũng có thể đặt lệnh thấp hơn, nhưng chúng sẽ chỉ được khớp nếu thị trường giảm xuống mức giá chào mua của anh ta. Nếu người mua muốn mua nhanh hơn một chút, anh ta có thể chen lên trước và đặt lệnh ở giá 49,96 hoặc 49,97. Lưu ý rằng trong trường hợp này, thị trường nội bộ bây giờ sẽ là 49,97 (vẫn được chào bán ở mức 50,05). Đây là một lực tự nhiên có xu hướng thu hẹp chênh lệch giá khi người mua đặt giá cao hơn một chút và người bán hạ giá chào bán thấp hơn một chút để tranh khớp lệnh, và là một trong những lý do chính tại sao các thị trường sôi động, có thanh khoản thường có chênh lệch giá thấp. Tuy nhiên, nếu người mua thực sự muốn mua ngay XYZ, họ có thể chấp nhận giá chào bán (pay/take the offer), và ngược lại là chấp nhận giá chào mua (hit the bid). Mặc dù đã đơn giản hóa đi nhiều, nhưng đây là hai tùy chọn có sẵn cho các nhà giao dịch và chúng tương ứng với hai loại lệnh được sử dụng nhiều nhất.

Muốn giao dịch trên thị trường thì phải biết 2 lệnh này!

Lệnh giới hạn 

Lệnh giới hạn là lệnh mà người mua cố gắng mua với giá rẻ hơn giá chào bán và người bán cố gắng bán với giá cao hơn giá chào mua. Một nhà giao dịch muốn mua XYZ với một lệnh giới hạn có thể nói, “Đặt giá chào mua” hoặc “Xếp hàng chào mua”, hay “Chúng ta không vội – chỉ cần đặt giá chào mua”. Một người bán có thể nói, “Được rồi, hãy chào bán cổ phiếu này. Hãy xếp hàng chào bán”.

Lệnh thị trường 

Lệnh thị trường là lệnh sẽ thực hiện ngay lập tức. Người mua sẽ chấp nhận giá chào bán và người bán sẽ chấp nhận giá chào mua. Những lệnh này thường phản ánh tính cấp bách ở một mức độ nào đó – lệnh phải được thực hiện ngay lập tức và hy sinh mức giá tốt hơn (vị trí giao dịch) để tăng tốc độ khớp lệnh. Mặc dù người mua đặt giá chào mua với một lệnh giới hạn sẽ nhận được giá tốt hơn nếu được khớp lệnh, nhưng đánh đổi với việc lệnh đó có thể không bao giờ được khớp nếu thị trường tăng cao hơn.

 Lưu ý quan trọng

Bây giờ chúng ta đã đi đến một điều rất tinh tế và quan trọng. Quay lại XYZ với giá 49,95 ở giá 50,05 và sau đó nó giao dịch ở mức 50,05. Chuyện gì vừa xảy ra vậy? Một người mua muốn mua cổ phiếu đến mức anh ta sẵn sàng trả chênh lệch giá hay chấp nhận giá chào bán, chúng ta có thể nói rằng đây là một giao dịch do người mua thúc đẩy. Bằng cách phân tích số lượng lệnh chấp nhận giá chào mua (giao dịch do người bán thúc đẩy) so với những lệnh chấp nhận giá chào bán (giao dịch do người mua thúc đẩy), dù là phân tích bằng máy tính hay tự theo dõi sát sao cũng đều giúp các nhà giao dịch có thể hiểu sâu hơn về các mức độ niềm tin và khẩn cấp đằng sau các động thái giá đó. Ví dụ: một cổ phiếu có thể tăng từ 50 đến 51 với một loại động thái dao động lên xuống với các lệnh được khớp ở cả giá chào mua và giá chào bán. Vào một thời điểm khác, sự thay đổi giá tương tự có thể xảy ra theo đường thẳng khi người mua tiếp tục chấp nhận giá chào bán và giữ áp lực mua đó đối với giá chào bán trong toàn bộ động thái này. Nếu chỉ quan sát đơn giản thì cả hai động thái đều bắt đầu ở 50 và kết thúc ở 51, và thậm chí có thể xảy ra trong cùng một khoảng thời gian và cùng một khối lượng khớp lệnh, nhưng chúng lại ẩn chứa những niềm tin trên thị trường hoàn toàn khác nhau.

Một nhà giao dịch kỳ vọng giá của một tài sản sẽ tăng cao hơn sẽ vào vị thế mua với tài sản đó. Đối với hầu hết mọi người, đây là một khái niệm tự nhiên và trực quan: mua rẻ – bán đắt – hưởng chênh lệch (trừ mọi chi phí tài chính hoặc bảo hiểm phát sinh trong thời gian nắm giữ). Một trong những sự phân biệt giữa các nhà giao dịch chuyên nghiệp và nghiệp dư là các nhà chuyên nghiệp thường sẵn sàng bán khống một thị trường, nhưng đám đông thường có thành kiến chống lại việc bán khống. Điều này có một vài nguyên nhân. Phần lớn các nhà giao dịch cổ phiếu đều có khuynh hướng tự nhiên đối với việc sở hữu cổ phiếu và nghĩ rằng bán khống là một giao dịch rất phức tạp hay đặt cược sự đi xuống của giá trị công ty là việc làm vô đạo đức (Ở một số thị trường, về lý thuyết bán khống khá phức tạp, vì trước tiên công cụ đó phải được cho mượn, sau đó được bán, sau đó được mua lại và cuối cùng được trả lại cho người cho vay). Đây là những định kiến vô căn cứ và là một trong những điểm chính phân biệt giữa đám đông và các chuyên gia. Bán khống (short) chính là ngược lại với mua vào (long). Trong khi người mua tìm cách kiếm lợi khi giá tăng, người bán khống dự đoán giá giảm và hy vọng sẽ mua lại (cover) với giá thấp hơn. Bán khống là một phần quan trọng trong bộ công cụ của nhà giao dịch.

Trích từ ấn phẩm The Art & Science of Technical Analysis – Phân tích Kỹ thuật: Sự kết hợp giữa Khoa học và Nghệ thuật trong đầu tư chứng khoán

Phân tích kỹ thuật

Sự kết hợp giữa KHOA HỌC và NGHỆ THUẬT trong đầu tư chứng khoán

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề