Nguyên tắc đầu tư số 3 của Guy Spier: Không nói chuyện với Ban Điều Hành
Guy Spier là một nhà quản lý quỹ đầu tư phòng hộ nổi danh, hiện ông đang điều hành quỹ Aquamarine Fund với lợi nhuận 463% từ khi thành lập vào năm 1997. Ông cũng là một nhà phân tích thường xuyên xuất hiện trên các kênh phương tiện truyền thông như CNN, CNBO, Bloomberg…
Chia sẻ về bí quyết đầu tư cũng như quản lý quỹ thành công của mình, trong cuốn sách “Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị”, Guy Spier đã bật mí Nguyên tắc đầu tư số 3 của mình rằng: NĐT Không nên nói chuyện với Ban Điều Hành
Tôi không muốn nói chuyện với ban điều hành công ty tôi đang nghiên cứu. Rất nhiều nhà đầu tư thông thái sẽ không đồng tình với tôi ở điểm này. Với họ, liên lạc thường xuyên với quản lý cấp cao của công ty là điều rất hữu ích. Tuy nhiên, lời hứa hẹn tiếp cận với những quản lý cấp cao có thể là một công cụ marketing hữu ích, đầy hấp dẫn với các cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng, những người có thể không hiểu rằng liên lạc với ban điều hành có một bất lợi tiềm tàng.
Nghe có vẻ kỳ dị, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, quan hệ gần gũi với ban điều hành lại có xu hướng làm giảm lợi nhuận đầu tư của tôi. Vấn đề ở đây chính là những quản lý cấp cao – đặc biệt là CEO – có xu hướng là những người bán hàng thạo nghề. Không cần biết doanh nghiệp của họ kinh doanh ra sao, họ có tài khiến người nghe cảm thấy lạc quan về viễn cảnh của công ty. Khả năng chinh phục người nghe, bao gồm cả thành viên ban điều hành và cổ đông, có lẽ là tài năng quan trọng nhất đưa họ lên đến đỉnh của “chuỗi giá trị thức ăn” (food chain) doanh nghiệp. Nhưng khả năng hùng biện này không hẳn sẽ biến họ thành một nguồn thông tin đáng tin cậy.
Tôi không có ý nói các vị CEO, CFO, và những quản lý cấp cao khác xấu tính hay xảo quyệt. Tôi còn lâu mới có tư cách phán quyết điều gì đó là không đáng kính trọng! Đó chỉ là công việc của họ, những điều họ cần phát biểu, và những kỹ năng khiến họ trình bày thông tin làm tôn lên mặt tích cực và làm mờ đi những vấn đề của công ty bằng cách trình bày rằng đó chỉ là vấn đề tạm thời hoặc trong tầm tay.
Họ có thể bóp méo thông tin từ trong tiềm thức, không hề có ý xấu gì. Nhưng điều này chẳng quan trọng. Biết khả năng duy lý hạn chế của mình, tôi chọn không phơi mình ra trước những ảnh hưởng có khả năng làm bóp méo tư tưởng ấy. Và một điều tôi xem là vô cùng nguy hiểm chính là nhà đầu tư để ban điều hành hình thành nên ấn tượng đầu tiên về công ty.
Tôi biết vài quản lý quỹ tự mình nghiên cứu về các công ty, rồi họ bảo, “Tôi cần phải gặp ban điều hành mới có thể yên tâm được”. Nhưng ai biết được ban điều hành sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định của họ đến thế nào? Nếu tôi phải gặp ông CEO mới hiểu được vì sao tôi cần mua cổ phiếu này, đó quả là một dấu hiệu cảnh báo hết sức nghiêm trọng. Câu trả lời đó phải rõ ràng từ các nghiên cứu của tôi rồi mới tới chuyện gặp ai đó.
Và nếu tôi muốn đánh giá phẩm chất của ban điều hành, tôi thà chọn cách tách biệt và không dính líu đến tư cách cá nhân bằng cách nghiên cứu báo cáo thường niên và các thông tin đại chúng khác, cùng với các tin tức trên báo. Tốt hơn hết là quan sát họ gián tiếp thay vì dấn thân vào vùng thao túng của họ bằng cách gặp mặt trực tiếp.
Nguyên tắc: Cẩn thận với CEO và các thành viên khác thuộc ban điều hành, cho dù họ khả kính, giỏi thuyết phục, và thân thiện đến mấy.
Trích: Chương 8 – Sách “Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị”
Có thể bạn quan tâm:
Lột Xác Để Trở Thành Nhà Đầu Tư Giá Trị – Guy Spier
Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall
trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính