Lãi suất điều hành lại tăng giữa quá nhiều sức ép
Chỉ trong vòng 1 tháng nhà điều hành đã tăng tổng cộng 2% các mức lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất về mức cao hơn trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid 19 cách đây 2 năm. Lãi suất đang chịu những sức ép nào khiến nhà điều hành phải hành động sớm và mạnh tay đến thế?
Động thái có bất ngờ?
Cuối ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10. Theo đó, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0.5% lên 1% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6% một năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5.5% lên 6.5% một năm.
Với các lãi suất điều hành khác, lãi suất tái cấp vốn từ 5% lên 6% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3.5% lên 4.5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7% một năm.
Dù đã có khá nhiều dự báo cho rằng NHNN sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành trong quý 4 này, nhưng rõ ràng không ít người vẫn khá bất ngờ trước động thái của NHNN, về cả thời điểm điều chỉnh sớm như vậy lẫn liều lượng vẫn duy trì mức khá cao ở 1%. Chỉ mới cách đây đúng 1 tháng, ngày 23/9, cơ quan này cũng đã tăng 1% các mức lãi suất điều hành.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng nhà điều hành đã tăng tổng cộng 2% các mức lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất về mức cao hơn trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid 19 cách đây 2 năm. Cụ thể, với mức trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 6%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2014, tức cách đây hơn 8 năm rưỡi.
Ngoài ra, điểm khác biệt so với lần điều chỉnh trước là lần này nhà điều hành cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng với khách vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4.5% lên 5.5% một năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5.5% lên 6.5% một năm.
Rõ ràng với đợt điều chỉnh này, bao gồm cả trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, đồng nghĩa với việc thừa nhận mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay trong năm nay là bất khả thi. Thực tế là trong những tuần gần đây, không ít nhà băng đã bắt đầu tăng lãi suất cho vay với mức tăng khá mạnh, do ảnh hưởng bởi chi phí vốn đầu vào gia tăng sau hàng loạt động thái tăng lãi suất tiền gửi kể từ đầu năm đến nay.
Quá nhiều áp lực
Việc NHNN tăng lãi suất điều hành diễn ra trong bối cảnh chịu quá nhiều áp lực. Thứ nhất, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm đến nay đã có đến 5 lần tăng lãi suất và 3 lần gần đây nhất liên tiếp tăng mạnh 0.75%, theo đó tổng mức tăng thêm đã lên tới 3%. Đặc biệt, Fed có thể còn đến 2 lần tăng lãi suất nữa vào cuộc họp tháng 11 và tháng 12 tới. Với mức lãi suất hiện tại ở 3.25% và kế hoạch tăng lên 4.4% vào cuối năm nay, Fed dự kiến sẽ còn tăng lãi suất thêm 1,15% trong 2 cuộc họp vào cuối năm.
Do đó, dường như NHNN đang muốn hành động sớm hơn thay vì đi sau, khi Fed sẽ có cuộc họp chính sách kế tiếp vào đầu tháng 11 tới, với dự kiến sẽ có thêm một lần tăng 0.75% nữa. Có thể thấy dù đã tăng 2% trong vòng 1 tháng qua, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với tổng mức tăng 3% của Fed từ đầu năm đến nay. Việc chênh lệch lãi suất VNĐ và USD thu hẹp có thể ảnh hưởng đến hướng sự dịch chuyển của dòng vốn, gây áp lực lên các đồng bản tệ của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Thực tế là tiền đồng trong những tuần gần đây luôn chịu áp lực giảm giá rất lớn so với đô la Mỹ ở thị trường trong nước. Mới đây vào ngày 17/10/2022, nhà điều hành cũng đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ (USD) từ ±3% lên ±5%, đồng thời tăng thêm 455 đồng giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN, trong khi tỷ giá trung tâm USD/VNĐ cũng liên tục đi lên.
Mới đây nhất vào ngày 24/10/2022, cơ quan này tiếp tục nâng mạnh giá bán thêm 490 đồng, lên 24,870, trước tình hình thị trường ngoại hối tiếp tục căng thẳng, giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại liên tục chạm trần, còn giá USD tự do đã lên sát mốc 25,400 đồng, cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, động thái tiếp tục tăng lãi suất điều hành ngay sau khi nâng giá bán USD có lẽ nhằm mục tiêu tiếp tục hạ nhiệt bớt sức ép tỷ giá, khi lãi suất tăng sẽ giúp vị thế của tiền đồng hấp dẫn hơn và hạn chế bớt xu hướng đầu cơ ngoại tệ hoặc rút vốn, trong bối cảnh chính sách bán dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường có nhiều hạn chế sau khi đã được thực hiện mạnh mẽ trong quý 3.
Ngoài ra, cũng theo nhà điều hành, việc đồng USD lên giá mạnh trong thời gian qua cũng đã gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.Hiện giá USD tại các ngân hàng đã đã tăng hơn 8.5% so với đầu năm, đánh dấu giai đọan tăng giá mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, theo đó, chi phí nhập khẩu hàng hóa chắc chắc sẽ gia tăng càng gây thêm áp lực lạm phát trong nước, do đó việc tăng thêm lãi suất là chính sách cần thiết để kìm hãm lạm phát.
Về phần mình, các ngân hàng cũng đang phải tiếp tục tăng cường huy động vốn để đẩy mạnh cho vay cuối năm đối với những ngân hàng còn room tín dụng, hoặc mua lại trái phiếu trước hạn theo yêu cầu của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức, mà các ngân hàng lại là tay chơi khá tích cực trong những năm gần đây, từ tư vấn, bảo lãnh phát hành cho đến bao thầu. Ngoài ra, với quy mô dư nợ tín dụng toàn ngành đã vượt qua tổng số dư tiền gửi, áp lực huy động của toàn hệ thống luôn thường trực, trong khi về phía nhà điều hành lại liên tục hút tiền về còn thị trường 2 cũng đang có những hạn chế nhất định, càng gây sức ép lên thanh khoản còn
Chính vì vậy, sau động thái tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng theo sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN vào cuối tháng 9, từ đầu tháng 10 đến nay nhiều nhà băng tiếp tục tăng mạnh lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên để đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn, do lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã chạm trần. Vì vậy, việc tiếp tục tăng lãi suất điều hành lần này của NHNN có lẽ cũng bám sát theo nhu cầu của thị trường, tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh khung lãi suất tiền gửi ngắn hạn để giữ chân khách hàng.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live