Phân bổ vốn khi đầu tư làm sao để tối đa hóa lợi nhuận?
Quyết định phân bổ vốn trong giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ dàng đối với các doanh nghiệp hơn, bởi mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn này là tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, khi công ty đã tăng trưởng khá tốt qua nhiều năm, đến một lúc nào đó họ sẽ nhận thấy trên thị trường còn rất nhiều khe hở và những cơ hội kiếm tiền đang chờ họ nắm bắt. Bài toán đặt ra với họ là làm thế nào để phân bổ lại nguồn vốn một cách hiệu quả.
Các công ty dẫn đầu thị trường không chỉ đạt được thành công thông qua kết quả hoạt động kinh doanh tốt mà còn bởi họ biết cách phân bổ vốn một cách hiệu quả và có lợi nhất cho các cổ đông. Trên thực tế quyết định phân bổ vốn là các quyết định có tính chất sống còn đối với hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của nhà quản trị doanh nghiệp bởi, đây là một nguồn lực hữu hạn. Việc quyết định xem có nên trả hoặc tăng cổ tức hay xây thêm xí nghiệp mới, đầu tư mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công thường là vấn đề làm đau đầu ban lãnh đạo công ty, đặc biệt là các công ty đại chúng. Ngay cả một đại gia như Microsoft cũng có lúc phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Các cổ đông của công ty đã lên tiếng đòi trả cổ tức, với tổng trị giá lên khoảng 48 tỉ đôla khi công ty định sử dụng lượng tiền này để tái đầu tư. Vào tháng 3 năm 2003 công ty đã phải đáp lại yêu cầu này bằng cách trả 0.08$ cổ tức trên mỗi cổ phần.
Mỗi công ty đều tiến hành hoạt động kinh doanh theo một chu kì nhất định, và thường thì quyết định phân bổ vốn trong giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ dàng hơn bởi mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn này là tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, khi công ty đã tăng trưởng khá tốt qua nhiều năm, đến một lúc nào đó họ sẽ nhận thấy trên thị trường còn rất nhiều khe hở và những cơ hội kiếm tiền đang chờ họ nắm bắt. Nói cách khác, công ty đó sẽ tiến hành sản xuất thêm các sản phẩm mới hoặc mở rộng hoạt động đầu tư sang lĩnh vực khác. Đương nhiên, đây cũng là lúc họ phải phân bổ lại nguồn vốn, và bị đặt trước những sự lựa chọn khó khăn như:
- Có nên tham gia vào một lĩnh vực mới hay không, bởi để thực hiện được điều này doanh nghiệp cần có một lượng vốn lớn để đầu tư ban đầu, tuy nhiên đổi lại cơ hội thu lợi nhuận từ ngành này là điều khá chắc chắn (đặt trong giả định).
- Tăng năng lực của ngành kinh doanh chủ chốt: vấn đề là ở chỗ năng lực sản xuất bao giờ cũng có giới hạn, việc nâng cao năng lực kinh doanh sẽ chỉ kéo dài đến lúc tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp có xu hướng sụt giảm.
- Trả hoặc tăng cổ tức: đây cũng là một quyết định cần cân nhắc kĩ bởi khi tiến hành trả hoặc tăng cổ tức thì lượng vốn dùng để tái đầu tư của doanh nghiệp sẽ giảm.
- Tiến hành đầu tư hoặc mua lại các công ty khác: quyết định này cần phải suy xét một cách thận trọng bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong tương lai.
- Quyết định mua lại cổ phiếu của mình
Trên đây là các quyết định thường gặp đối với một doanh nghiệp, và quyết định này thường được nhận biết qua một vài chỉ số mà nhà đầu tư có thể tiếp cận như ROA, ROE….Thông qua các chỉ số này, các nhà đầu tư có thể đánh giá được hiệu quả sử dụng nguồn vốn cũng như hiệu quả phân bổ vốn của doanh nghiệp.
ROE
Khi xem xét chỉ số ROE, hãy tính đến một vài yếu tố như tuổi đời của công ty, và loại hình kinh doanh của công ty đó. Các công ty mới thành lập thường có tỉ lệ cao bởi quyết định phân bổ vốn của công ty này thường đơn giản hơn, như đã nói ở trên. Còn với các công ty lâu đời, đặc biệt là công ty hoạt động trong ngành có mức độ tập trung vốn cao như truyền thông, công nghệ… thì tỉ lệ ROE thường thấp hơn bởi họ tốn nhiều chi phí hơn để tạo ra được một đồng doanh thu hay lợi nhuận. Cũng nên chú ý rằng ROE của các ngành rất khác nhau vì thế tốt nhất là nên so sánh giữa các doanh nghiệp tương đối giống nhau (về quy mô, cơ cấu sản phẩm..) hoặc so sánh với mức bình quân ngành. ROE thể hiện hiệu quả của hoạt động sử dụng vốn cổ đông.
ROA
Chỉ số thu nhâp trên tài sản cũng tương tự như chỉ số ROE, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, tuy nhiên chỉ số này phản ánh hiệu quả việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp. ROA trong dài hạn sẽ phản ánh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn chỉ số ROE. Tại sao lại như vậy? Đơn giản là bởi trong công thức tính toán ROE, lợi nhuận ròng hiện tại và lợi nhuận ròng của kì trước là những biến số quan trọng, có thể có chênh lệch đáng kể qua các thời kì, chính vì thế mà ROE của một công ty rất khác nhau qua các năm. Trong khi đó, ROA được tính dựa trên giá trị các tài sản và nguồn vốn dài hạn, vì thế chỉ số này ổn định hơn, có sự thay đổi không đáng kể.
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP PHÂN BỔ VỐN KHÁC
Tiếp đến là các chỉ tiêu về vốn và quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. Giả sử rằng công ty X có tỉ lệ ROE bình quân trong 10 năm đầu là khoảng 18% – đây là con số rất ấn tượng, tuy nhiên cũng nên lưu ý bởi công ty đạt được tốc độ này vào thời điểm trên thị trường có nhiều chỗ trống và cơ hội để đầu tư kinh doanh. Dẫn đầu thị trường về thị phần, công ty đã bắt đầu nhận thấy nó khó có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng này mãi, và tốt hơn hết là nhanh chân tìm kiếm một cơ hội mới để làm gia tăng giá trị cho các cổ đông. Thường thì sẽ có một lượng vốn nhất định được dành riêng cho hoạt động kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp, lượng tiền còn lại được dự phòng để duy trì sự ổn định của công ty. Tuy nhiên khi nhận thấy cần phải đưa ra hướng đi mới, ban lãnh đạo công ty X sẽ phải cùng ngồi xuống và bàn bạc với nhau để đưa ra cách sử dụng vốn có hiệu quả nhất. Ngay khi quyết định mới được tiến hành, các nhà đầu tư sẽ ngay lập tức nắm bắt và đánh giá lại hiệu quả hoạt động của công ty, không chỉ dựa đơn thuần trên hoạt động kinh doanh truyền thống nữa.
Thông thường, các cổ phiếu trả cổ tức là vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cổ tức chính là một trong những cách để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào công ty. Xem xét tỉ lệ trả cổ tức, một nhà đầu tư có thể dễ dàng tính được tỉ lệ trích lợi nhuận để trả cổ tức của doanh nghiệp. Tỉ lệ nhỏ nghĩa là công ty giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, nhằm tạo nhiều lợi nhuận hơn nữa trong tương lai. Công ty có thể trả cổ tức tới tận 80% nhưng điều đó có nghĩa là họ sẽ còn rất ít vốn để tạo ra tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Mua lại cổ phiếu là một cách khác khá phổ biến để phân bổ lại vốn thặng dư trong một doanh nghiệp. Nếu công ty thật sự cảm thấy rằng cổ phiếu của mình đang bị định giá thấp, họ sẽ tăng tỉ lệ sở hữu tài sản của tất cả các cổ đông bằng cách giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành thông qua mua lại. Thông thường thì đây là một dấu hiệu tốt đối với các nhà đầu tư, chứng tỏ rằng các nhà quản trị doanh nghiệp đang rất tin tưởng vào sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Nói chung đối với các nhà đầu tư cá nhân, để đảm bảo đầu tư thắng lợi họ cần phải nắm rõ lịch sử hoạt động của công ty cũng như khả năng phân bổ vốn một cách hiệu quả bởi những yếu tố này sẽ góp phần đáng kể, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong tương lai.
Nguồn: Saga
Có thể bạn quan tâm