Philip Fisher: bí quyết “cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường”
Với thị trường chứng khoán rất tích cực, nhiều nhà đầu tư mới đã tham gia vào thị trường, một bộ phận vì không có nhiều thời gian thì gửi gắm vào các quỹ hoặc ủy thác đầu tư, một số thì tự mình tìm hiểu, và háo hức đi tìm những cuốn sách viết về đầu tư.
Với tác giả thì một trong những cuốn sách hay nhất viết về đầu tư là cuốn sách “cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường” của Philip Fisher. Nhìn tên tiêu đề thì có vẻ nhiều người nhìn nhận có “nói quá” không, và Fisher là ai? Khi mà với những nhà đầu tư mới họ chỉ biết về những tỷ phú đầu tư như Warren Buffett, George Soros…, tuy vậy như chính lời nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett nói rằng “tôi đã tìm gặp Phil Fisher sau khi đọc cuốn “cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường”… và thật ấn tượng trước con người cũng như ý tưởng của người đàn ông này. Vốn hiểu biết kinh doanh sâu rộng và kỹ năng đầu tư của Phil…có thể giúp chúng ta đầu tư thông minh và hiệu quả”, điều đó cho thấy rằng rất nhiều triết lý, ý tưởng đầu tư hay của Fisher được đúc kết trong cuốn sách này.
Triết lý đầu tư của ông ấy cho rằng chỉ nên đầu tư tập trung vào một vài doanh nghiệp, mà các doanh nghiệp đó là hứa hẹn khả năng phát triển vượt trội nhất trong tương lai, rõ ràng là ông ấy đang tìm kiếm những dấu hiệu tăng trưởng của doanh nghiệp tiềm năng. Tuy vậy, trong quá trình phân tích thì ông ấy luôn cố gắng tránh những rủi ro có thể gặp phải. Ông ấy muốn chắc chắn rằng bộ máy quản lý của doanh nghiệp có đủ số tiền cần thiết để vốn hóa tiềm năng của mình và giảm thiểu rủi ro đối với quá trình đầu tư của ông ấy.
Dưới đây là 15 tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu mà Philip Fisher lưu ý với các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán
- Doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng thị trường đủ lớn để tăng trưởng doanh thu vài năm đến.
- Bộ máy quản lý doanh nghiệp liên tục phát triển các dòng sản phẩm, dịch vụ hay những quy trình sản xuất nhằm gia tăng doanh thu, tối ưu chi phí khi tiềm năng tăng trưởng dòng sản phẩm hiện tại đã bị hạn chế.
- Doanh nghiệp có chủ động chi đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay không?
- Cách thức tổ chức bán hàng của doanh nghiệp có hiệu quả không thông qua đánh giá độ rộng của mạng lưới phân phối cũng như các chi phí về marketing của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp hoạt động cần có một biên lợi nhuận cao, nếu trong ngành nghề biên lợi nhuận thấp thì doanh nghiệp đó phải đạt được mức hàng đầu.
- Doanh nghiệp có những hành động gì để duy trì và cải thiện mức biên lợi nhuận theo thời gian hay không?
- Mối quan hệ giữa ban lãnh đạo và người lao động có tốt không?
- Đội ngũ ban lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự đồng lòng, sẳn sàng tuân thủ những nguyên tắc cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững.
- Ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp phát triển đội ngũ quản lý từ nội bộ đi lên hơn là lựa chọn từ bên ngoài.
- Doanh nghiệp cần có khả năng kiểm soát chi phí thấp hơn trong ngành mà nó tham gia, với mức điểm hòa vốn thấp không những giúp cho doanh nghiệp trụ vững qua những giai đoạn khó khăn, mà còn có khả năng tăng vị thế sau đó khi các đối thủ yếu hơn bị loại khỏi thị trường.
- Doanh nghiệp nếu không thể hiện sự nổi trội ở việc chiếm lĩnh thị phần hàng đầu, thì cần phải có những sự khác biệt ở sản phẩm, dịch vụ mang đến cho khách hàng so với tính chất ngành.
- Doanh nghiệp hoạt động nhằm tối đa hóa lợi nhuận trước mắt hay tập trung vào các chiến lược để đặt nền móng cho lợi nhuận bền vững tương lai.
- Lựa chọn những doanh nghiệp tăng trưởng bằng việc lợi nhuận tái đầu tư hơn từ việc huy động vốn từ cổ đông hay vay nợ.
- Bộ máy quản lý của doanh nghiệp có luôn minh bạch với cổ đông cả trong các giai đoạn tốt và khi nó có vấn đề hay không?
- Ban quản lý doanh nghiệp có liêm khiết hay không?
Các tiêu chí trên ngoài việc tham khảo trong báo cáo tài chính, thường niên của doanh nghiệp, thì Philip Fisher còn sử dụng một phương pháp để đánh giá, đó là “phương pháp lời đồn đại”, ở phương pháp này ông ấy sẽ tham khảo thông tin từ các nguồn:
- Đánh giá của các đối thủ cạnh tranh hiện tại
- Tham khảo thông tin từ những người bán hàng cũng như các khách hàng của doanh nghiệp.
- Nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm thông tin từ chính đối tượng nhân viên hay thậm chí những người đã từng làm việc cho doanh nghiệp.
Thật khó để 1 doanh nghiệp đáp ứng tất cả các tiêu chí lựa chọn của Fisher, tuy vậy một doanh nghiệp chỉ đáp ứng được số ít tiêu chí trên thì cổ phiếu của doanh nghiệp đó thật chưa nên để xem xét. Những ý tưởng trên như một khuôn mẫu giúp cho nhà đầu tư dựa vào đó có những đánh giá về các doanh nghiệp để từ đó có thể ra quyết định đầu tư.
(Bài viết thể hiện quan điểm tác giả, tham khảo từ sách “cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường”)
Nguồn: chungkhoanblog.com
Có thể bạn quan tâm:
Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)