Bán khăn xì mũi chứa virus cúm giá “cắt cổ”, chàng diễn viên hài đánh lừa cả nước Mỹ, chứng minh sức mạnh “thần kỳ” của marketing
“Không có sản phẩm ế, chỉ có sản phẩm không được marketing đúng cách”. Startup Vaev đã gây xôn xao trên khắp các mặt báo lớn, từ TIME, New York Post, The Guardian, Fox News, The Sun …
Sẵn sàng để… ốm
Mẩu khăn xì mũi chỉ được bán qua mạng với giá “cắt cổ” 79,99 USD, cam kết giúp người dùng “chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cúm.”
“Chúng tôi mong muốn khách hàng chủ động lâm bệnh khi mùa cúm tới”, Vaev tuyên bố trên website: “Chúng tôi tin rằng một mẫu khăn giấy đã được xì mũi vào sẽ an toàn hơn thuốc và kim tiêm.”
Để thuyết phục những người dùng còn nghi ngại, Vaev cam kết sản phẩm của mình “hoàn toàn từ thiên nhiên, không cần chỉ định của bác sĩ, phối hợp với cơ thể người dùng để giúp hệ miễn dịch thực sự miễn dịch.”
Khi được báo TIME liên hệ, Oliver Niessen – nhà sáng lập 34 tuổi của Vaev chia sẻ mong muốn giúp người dùng “chủ động lựa chọn” thời gian bệnh, hơn là chờ đến lúc bị nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh.
“Sự tự do, sự xa xỉ khi được lựa chọn – Chúng ta đang tùy chỉnh mọi thứ để phục vụ cho cuộc sống cá nhân, tại sao chúng ta lại không tự chủ được căn bệnh cúm của mình?”, Niessen cho hay.
Nhà sáng lập chia sẻ thêm: “Đa phần khách hàng của Vaev là các bậc cha mẹ trẻ và những thanh niên tuổi 20, những người đang tỏ ra nghi ngờ với tác dụng phụ của Vắc-xin và mong muốn một giải pháp thay thế.”
Bác sĩ và người dùng
Bất chấp lý giải có phần thuyết phục của Vaev, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Ai lại trả tiền để được bệnh? Sản phẩm này có vi phạm luật nào không? Liệu công ty này có thật không?
Nhưng chỉ trích mạnh mẽ nhất đến từ giới y bác sĩ, Charles Gerba, Giáo sư vi sinh vật tại Đại học Arizona trả lời ngay trên TIME: “Hiện có hơn 200 chủng rhinoviruses, người dùng phải nhét ít nhất 200 tờ khăn giấy vào mũi nếu muốn kháng được tất cả loại cúm.”
Thêm vào đó, miễn nhiễm với một loại virus cúm không hề có tác dụng với những loại cúm khác: “Đó là lý do chúng ta không có Vắc-xin trị cúm”, Gerba cho hay.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, cách tốt nhất để tránh bị cúm là rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với những đối tượng đang ốm và hạn chế chạm tay vào mặt để không cho virus xâm nhập cơ thể.
Tuy nhiên, trái ngược với những phản đối từ chuyên gia, nhóm “Vaev Squad” đã chứng minh điều ngược lại qua chuyến khảo sát thực địa.
Sau một hồi được các cô gái “xinh tươi” thuyết phục, hàng chục người dùng đã đưa một miếng khăn giấy cũ từ người lạ lên mũi và… ngửi, hoàn toàn không nghi ngờ những tác dụng của nó lên cơ thể.
Nếu tìm hiểu trên các trang mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng tìm được một số tài khoản khẳng định rằng mình đã sử dụng Vaev.
Trong số đó nổi tiếng nhất là Jillian Forster, một Huấn luyện viên sức khỏe tại Los Angeles. Trong bài đăng trên Instagram của mình, Forster chùi mũi với một tờ khăn giấy với dòng chữ “Kích thích hệ miễn dịch với @vaevtissue!!!”
Khi được hỏi, Forster thừa nhận rằng cô được Vaev liên hệ và gửi sản phẩm miễn phí để dùng thử, hoàn toàn không có bất kỳ cam kết nào khác.
Không những thế, sau một thời gian ngắn, trang web Vaev đã “cháy hàng”, ngừng cung cấp sản phẩm cho khách trong nhiều tháng tới cho đến khi có hàng lại.
“Chúng tôi đang có một số trục trặc trong Chuỗi cung ứng”, Niessen giải thích. “Tôi không muốn bình luận thêm để tránh ảnh hưởng xấu tới danh tiếng công ty, hiện không có vấn đề gì cản trở sự trở lại của Vaev.”
Trò đùa tinh quái – sức mạnh “thần kỳ” của marketing
Khoảng 4 tháng sau khi xuất hiện khắp mặt báo, Vaev một lần nữa gây chấn động khi xuất hiện trên chương trình Comedy Central, nhưng thay vì tiếp tục bàn luận về sản phẩm, Vaev bất ngờ bật mí mình chỉ là một “thử nghiệm xã hội”, một sản phẩm giả mạo để thử mức độ “ngây thơ” của người dùng Mỹ trước các sản phẩm sức khỏe.
Chỉ trong 1 tuần và với 1.000 USD tiền vốn, diễn viên hài Mekki Leeper đã thuyết phục rất nhiều người rằng sử dụng khăn giấy cũ từ bệnh nhân cúm có thể giúp họ tăng cường khả năng miễn dịch.
Sản phẩm lấy tên “Vaev” dựa trên chữ “khăn giấy” trong tiếng Đan Mạch, với mức giá “cắt cổ” 80 USD, chủ dự án còn không nghĩ rằng mình sẽ thuyết phục được người tiêu dùng và truyền thông.
“Bạn có thể chi phối truyền thông thế giới với chỉ 900 USD và… 1 buổi học Photoshop căn bản”, Leeper khẳng định.
Logo Vaev được vẽ miễn phí bởi một người bạn và nhiều nhân viên bán thời gian đã được thuê qua mạng để giúp Vaev tiến hành khảo sát những khách hàng tiềm năng.
Chi phí xây dựng hình ảnh online cũng rất phải chăng khi Leeper sử dụng Squarespace – trang có sẵn mẫu mã website, để gia tăng độ tin tưởng, anh chàng này còn bỏ ra một ít tiền để mua lượng “fan giả” trên Instagram và Twitter.
Chỉ cần tốn thêm 500 USD để dựng rạp quảng cáo, nhóm nữ “Vaev Squad” đã thuyết phục được hàng chục người sử dụng thử sản phẩm và chụp hình làm kỷ niệm.
Sau khi xây dựng đủ nội dung, Leeper bắt đầu gửi sản phẩm của mình đến hàng loạt tòa soạn nổi tiếng (thông qua địa chỉ trên Google), nhà báo uy tín Mandy Oaklander sau đó đã gọi điện phỏng vấn Leeper – lúc này đã nhập vai thành “Nhà sáng lập Oliver Niessen”.
Sau đó TIME đã đăng một vài phân tích chi tiết về sản phẩm và những nghi ngại từ chuyên gia.
Tuy vài viết của TIME nhấn mạnh tính “hoang đường” và “phản khoa học” của Vaev, nhưng các báo đài khác ngay lập tức nhảy vào khai thác nội dung, coi nó như một sản phẩm có thật và ra sức biến nó thành “tin giật gân” nhằm thu hút người xem, một cách marketing đánh vào tâm lý khách hàng.
“Người dùng chia sẻ Vaev lên mạng xã hội, rất nhiều tờ báo ngay lập tức biến nó thành một bài viết, hàng loạt đầu báo gửi email nhằm phỏng vấn trực tiếp, nhưng tôi từ chối tất cả”, Leeper cho hay.
“Tất cả đầu báo đều cảm thấy áp lực khi đối thủ liên tục tung ra bài và thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, doanh thu đang ở ngay trước mặt và không ai muốn bỏ lỡ cơ hội.”
Và như thế, chỉ với 1 tuần làm việc và chưa tới 1.000 USD cho marketing, Leeper đã đánh lừa cả người tiêu dùng và hệ thống báo đài cả nước Mỹ, chứng minh hiệu quả “ảo diệu” của marketing.
Nguồn: Genk
Có thể bạn quan tâm: Marketing giỏi phải kiếm được tiền – Cựu CEO Marketing Coca Cola Sergio Zyman